
1.
Hồi mới qua Mỹ đầu thập niên 90, đi sinh hoạt GĐPT rồi quen với mấy anh em huynh trưởng trẻ của đơn vị Long Hoa, bấy giờ trong đám bạn ấy có Nhật Sơn Nguyễn Thanh Lâm thỉnh thoảng thường ghé nhà chơi, thích ngồi bệt ở hiên trước ôm đàn hát ê a, tán dóc tán gẫu chuyện đời việc đạo, cũng có lúc chuyển qua nói chuyện thơ văn, sách báo v.v…, thì câu trước câu sau anh chỉ khăng khăng “mê” Phạm Công Thiện!
Ở nhà của bạn, sách Phạm Công Thiện chẳng thiếu quyển nào, phần nhiều là Viện Triết Học Triết Lý Đông Phương của thầy Viên Lý ấn hành.
Cái tuổi chúng tôi, xa lắc, lơ thời của các Bậc Thầy, chỉ nghe uy danh như bóng chim Phượng Hoàng giang cánh rộng trùm lấp bay suốt trên tuổi thanh niên cuồng ngông của mình, thế là tư tưởng “nổi loạn” của Phạm Công Thiện, bạn tôi hồi đó ở tuổi vừa quá ba mươi, vẫn cứ mê như bao thế hệ thanh niên Việt Nam thuở trước.
2.
Tuổi chúng tôi không gần được với những Bậc Thầy như Thầy Thiện, chỉ ngấp nghé xa xa đôi bận nhìn Ông ở những lần Ông về Cali dự Lễ của Giáo Hội. Những lần đó Ông luôn bị bao quanh giữa vòng vây của chư Thầy và bằng hữu, của học trò và những người mến mộ.
Ngay lúc đứng giữa bao người, Ông cũng bình thường như tất cả. Song, những điều bình thường hơn bình thường, thì xuất chúng!
Một thời, nhân những bận về thăm nhà, rảo bước lang thang trên những vỉa hè sách cũ Minh Khai – Sài Gòn, hay nhờ mấy bác taxi truy tầm thêm những địa điểm khác bán sách cũ “lậu”, tôi tìm được nhiều bộ sách, báo của Viện Đại Học Vạn Hạnh, cũng như sách văn học của nhiều tác giả nổi tiếng trước 1975, mỗi lần như thế khi trở qua Mỹ là vứt lại tất cả áo quần, vali chỉ mang ra toàn sách, những quyển sách rất cũ, tơi tả vàng phai theo vận nước non như chính thân phận của những tác giả đã viết nên các tác phẩm giá trị ấy, vậy mà hình như luôn mới mẻ giữa mọi thời đại văn minh, bây giờ. Từ đó tôi say mê đọc, và biết nhiều thêm về bầu trời Triết Học Đông Phương, một nền Văn học Việt Nam và Đạo Phật Việt Nam có những Bậc Thầy, trong đó Thầy Phạm Công Thiện là bậc xuất chúng!
Hành trạng của Thầy Phạm Công Thiện, tự nghĩ như một tai nạn lớn lao nhất trong đời là phải chịu đọa đày làm thần đồng lúc còn thơ dại, rồi lúc lớn lên làm thanh niên thì phải chịu đọa đày làm thiên tài. Song, cũng tự nghĩ đến một lúc chính mình sẽ không là mình nữa, như hư vô thổi trên mặt đất… cho đến ngày quá 70, “… thì núi Hy Mã Lạp Sơn sẽ sụp đổ và chảy tan thành một đại dương mới.” (Ý thức mới trong văn nghệ và triết học – Phạm Công Thiện)
Kính bái biệt Thầy, hôm nay kẻ hậu học xin thành tâm kính lạy trước rặng Hy Mã Lạp Sơn, đang tan chảy thành đại dương mới…
Mặc cốc, 9/3/2011
Quảng Pháp