

BỒ-TÁT ĐẠO
Bồ-tát đạo là một trong những con đường tu tập trong Phật giáo. Mặc dù cùng chung một cứu cánh là thoát khổ và đạt ngộ, nhưng vì nghiệp lực chúng sinh sai biệt nên con đường dẫn tới cứu cánh cũng sai biệt. Đây là điều ai ai cũng có thể nhận biết trong thế giới thường nghiệm. Cùng một mục đích là nạp dưỡng chất để nuôi thân, nhưng có người thì ăn, có người thì uống, có người hít thở, có người ăn cháo, có người ăn cơm, có người dùng đũa, có người dùng thìa, có người dùng tay, v.v. Hoặc cùng một điểm đến là Bồ-đề Đạo Tràng, nhưng người thì đi máy bay, người đi xe, người đi tàu, người đi bộ, người ở xa có khi phải dùng một số hay tất cả các phương tiện trên, v.v.
TÂM BỒ-ĐỀ
Cứu cánh của Bồ-tát đạo cũng là thoát khổ & đạt ngộ, nhưng giác ngộ ở đây là giác ngộ viên mãn của chư Phật—không phải giác ngộ của Phật Bích-chi hay A-la-hán. Vì lý do này, một người khi quyết định đi theo con đường này thì phải phát tâm Bồ-đề. Bồ-đề là dịch âm của chữ Phạn “bodhi”. Bodhi là viết tắt của nhóm từ “anuttara-samyak-saṃbodhi”, được Hán tạng dịch nghĩa là 無上正等覺 (Vô Thượng Chính Đẳng Giác) và dịch âm là 阿耨多羅三藐三菩提 (A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề). Đây là loại bồ-đề mà chư Phật trong 3 đời đạt được trong giai đoạn tu tập cuối cùng của mình. Cũng giống như tất cả các thành tựu khác trên con đường tu tập, bồ-đề không được mặc khải mà thành, không do thượng đế hay thần linh nào ban phát, cũng không phải là cái được vị Phật đi trước truyền lại cho vị Phật đi sau, mà là kết quả của quá trình khai phá và phát triển những gì thuộc về thân-tâm của mỗi chúng sinh. Khi một chúng sinh khai phá, phát triển, và hiển lộ được loại bồ-đề này thì chúng sinh đó được ngôn ngữ của thế giới Ta-bà gọi là “Phật”, là “Buddha”, là “Buddho”, là “Sangs rgy as”, là “Fo”, là “Butsu”, là “Pul”, là Bouddha, v.v.
PHÁT KHỞI TÍN TÂM
Với nội hàm giác ngộ nói trên, bước đầu phát tâm Bồ-đề của một hành giả Bồ-tát đạo là phát khởi tín tâm. Tín tâm ở đây là niềm tin kiên định đối với A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề. Tin tưởng giác ngộ viên mãn là cái có thật ở mười phương chư Phật trong quá khứ, hiện tại và cả vị lai. Tin tưởng chỉ có giác ngộ viên mãn mới có thể giải thoát chúng sinh ra khỏi biển khổ. Tin tưởng chỉ có giác ngộ mới đưa được chúng sinh đến bờ giải thoát. Tin tưởng chỉ có giác ngộ mới thật sự giúp hành giả cứu độ chúng sinh sau khi đã tự mình thành tựu. Đức Phật đã dạy về niềm tin này như sau:
“Này các tỳ-kheo, giống như tiền đồn trước một thành lũy ở biên giới của quân vương, có nền móng kiên cố, được xây dựng vững chắc, không thể di chuyển, không thể lay động, bảo vệ bên trong chống lại sự tấn công từ bên ngoài, thì một người tu học thánh thiện có tín tâm cũng thế. Người đó tin vào GIÁC NGỘ của Như Lai, tin Như Lai là bậc Thế tôn, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sỹ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật. Này các tỳ-kheo, người tu học thánh thiện lấy tín tâm làm đồn bót đó, từ bỏ điều bất thiện, phát triển điều thiện, bỏ điều sai, làm điều đúng, giữ gìn bản thân thanh tịnh. Đây là giáo pháp vi diệu đầu tiên người đó sở đắc.”
[Seyyathāpi bhikkhave, rañño paccantime nagare esikā hoti gambhīranemā sunikhātā acalā asampavedhī abbhantarānaṃ guttiyā bāhirānaṃ paṭighātāya, evameva kho bhikkhave, ariyasāvako saddho hoti, saddahati tathāgatassa bodhiṃ itipi so bhagavā arahaṃ sammā sambuddho vijjācaraṇasampanno sugato lokavidū anuttaro purisadammasārathi satthā devamanussānaṃ buddho bhagavāti. Saddhesiko bhikkhave, ariyasāvako akusalaṃ pajahati, kusalaṃ bhāveti, sāvajja..ṃ pajahati, anavajjaṃ bhāveti, suddhaṃ attānaṃ pariharati. Iminā paṭhamena saddhammena samannāgato hoti. (AN 7.63 / PTS: A iv 106)]
Đối với dân chúng thành Kalama—những người đức Phật không có trách nhiệm theo sát trong quá trình giáo hóa—ngài đã dạy phải thực chứng một pháp nào đó rồi mới khởi tín tâm đối với pháp đó. Thế nhưng, trong đoạn kinh trên, đối với những người tu học trực tiếp dưới sự dẫn dắt của ngài, thì ngài dạy phải phát khởi tín tâm Bồ-đề cho dù chưa thực chứng được Bồ-đề là gì. Và đây chính là loại tâm mà bất cứ hành giả nào của Bồ-tát đạo cũng phải phát khởi đầu tiên trên con đường hướng tới Giác ngộ viên mãn.
PHÁT NGUYỆN ĐẠT NGỘ VÌ LỢI ÍCH CỦA TẤT CẢ CHÚNG SINH
Mặc dù tín tâm được đức Phật xác nhận là “pháp vi diệu được sở đắc đầu tiên” nhưng hành giả phải thật cẩn trọng về điều này. Ở giai đoạn đầu của sơ phát tâm, “tín tâm” xuất hiện trong tâm của hành giả dưới hai dạng: căn & tưởng.
(i) Căn (indriya, faculty) là các công năng thuộc về thân và tâm của một con người. Tín căn là loại công năng thiện vô lậu–không phải là phiền não, không phải là quả của phiền não, cũng không phải là nhân dẫn đến phiền não. Trái lại, tín căn là một thiện pháp có công năng làm điều kiện cho sự sinh khởi các thiện pháp khác. (Ở đây, cần phân biệt “tín” trong PG và “tin”, “niềm tin”, “lòng tin” trong ngôn ngữ quy ước thế gian. “Tín” thuộc về thiện căn; trong lúc “niềm tin” thuộc về nhận thức. Theo thế gian, nếu nhận thức đúng thì gọi là “chánh tín”, nhận thức sai là “mê tín’. Trong PG, nhận thức thuộc về “kiến”: nhận thức đúng là “chánh kiến”; nhận thức sai là “tà kiến”. Thí dụ, cho rằng phần hóa hàng mã cho người chết có thể giúp họ không bị thiếu thốn đồ dùng là “tà kiến”, chứ không phải “mê tín”: một cái đã thành tro thì làm sao có thể sử dụng để nói là nhận hay không nhận. Vì thế, nếu đã là “tín” thì không có “mê”.)
(ii) Tưởng (perception) là sự nắm bắt, phân biệt các dấu hiêu, ký hiệu của đối tượng được tri nhận. Kết quả của sự nắm bắt này là các ý tưởng, khái niệm về đối tượng đó. Trong trường hợp này, khi nghe người khác nói về, hoặc khi đọc người khác viết về “phát khởi tín tâm”, thì dựa vào kinh nghiệm quá khứ của hành giả về ngôn ngữ văn tự, mà một ý tưởng hay khái niệm VỀ “tín tâm” sẽ sinh khởi trong tâm. Như vậy, hai chữ “tín tâm” trong trường hợp này chỉ có giá trị về ngôn ngữ chứ không phải là ‘tín căn’ đang tiềm ẩn trong hành uẩn của hành giả.
Để có thể nắm bắt điều này chúng ta hãy hình dung mỗi người trong chúng ta là một “nhà máy sản xuất”. Kho nguyên vật liệu là nhựa. Các hoạt động của ý, ngữ và thân là các sản phẩm được tạo ra mỗi ngày, bên trên có in hàng chữ “Hàng Nhựa Cao Cấp”. Một ngày, khi thấy rằng không thể cạnh tranh nổi với nhà máy bên cạnh, chúng ta tìm hiểu và phát hiện sản phẩm của họ là “Hàng Inox Cao Cấp”. Từ phát hiện này chúng ta bắt đầu có khái niệm về các giá trị khác nhau của sản phẩm; và vì thế, để cạnh tranh, chúng ta buộc phải cải thiện chất liệu sản phẩm của mình. Nhưng chúng ta sẽ cải thiện bằng cách nào? Ở đây xuất hiện hai hiện tượng chúng ta có thể kinh nghiệm được trong thực tế: (1) Thay đổi nhãn hiệu sản phẩm, thay hàng chữ “Hàng Nhựa” bằng “Hàng Inox”, đồng thời thay đổi màu nhựa thành màu inox. (2) Thay đổi nguyên vật liệu sản xuất. Điều này có nghĩa chúng ta chấm dứt sản xuất đồ nhựa, cho dù là đồ nhựa có dán nhãn “Hàng Inox Cao Cấp”; và bắt đầu tìm kiếm nguyên vật liệu inox cho các đợt sản xuất mới. Nếu chúng ta chọn phương án (2), thì một điều may mắn cho chúng ta là PG khẳng định inox đã có sẵn trong nhà kho mà lâu nay chúng ta không biết vì bị nhựa lấp kín.
Để giúp cho hành giả khỏi rơi vào trường hợp thứ nhất, phải dối mình dối người, chư Tổ đã thiết định các phương thức “phát nguyện”. Nguyện là một loại cam kết, là quyết tâm, là ước muốn, là ý chí phải thực hiện cho bằng được những gì đã phát tâm trước đó. Chính nhờ nguyện mà tín tâm, từ chỗ chỉ là một khái niệm hình thành trong tưởng uẩn chuyển thành một công năng thực thụ của tín căn, đủ sức nuôi dưỡng tất cả các hành nghiệp của một hành giả trong suốt con đường tu tập, cho đến khi thành tựu được mục tiêu cuối cùng. Phát nguyện đầu tiên dành cho tất cả các Phật tử, bất kể xuất gia hay tại gia, bất kể quyết định sẽ đặt chân lên con đường tu tập nào, được biểu đạt qua 3 nội dung sau:
– Khi đã phát tâm quy y Phật thì NGUYỆN đời đời kiếp kiếp không quy y thiên thần quỷ vật.
– Khi đã phát tâm quy y Pháp thì NGUYỆN đời đời kiếp kiếp không quy y ngoại đạo tà giáo.
– Khi đã phát tâm quy y Tăng thì NGUYỆN đời đời kiếp kiếp không quy y tổn hữu ác đảng.