
Con kính lạy Giác Linh Thầy tha thiết
Tiễn đưa Thầy cách biệt sơn khê
Ngọn đồi Trại Thủy trăng thề
Sớm đưa gió thoảng chiều quê sương chùng
***
Chùa Long Sơn chấn động
Đồi Trại Thủy bồi hồi
Thầy đi cách biệt xa xôi
Trong giờ nhập Tháp xẻ đôi cõi lòng
7:00 giờ sáng nay, Lễ Cung Tống Kim Quan Thầy nhập Bảo Tháp, trên đồi Trại Thủy, sau cốc Ôn Trí Nghiêm.
Quý Ôn Trí Nghiêm, Ôn Trừng San, Ôn Đỗng Minh đều nhập Bảo Tháp nơi đây. Ngẫm ra, chốn này lại là nơi dừng chân hóa độ khi công viên quả mãn của chư bậc Thạch Trụ Tòng Lâm của tỉnh Khánh Hòa, Nha Trang.
Có lẽ tỉnh Khánh Hòa hiền lành như ý nghĩa và tên gọi của nó, cho nên quý Ôn từ phương xa về làm Phật sự và dừng chân luôn ở nơi này, dưới mái chùa Long Sơn từ thuở khai sơn, khi còn là ngôi chùa làng bé nhỏ.
Ôn Trí Nghiêm người tỉnh Phú Yên, Tuy Hòa. Ôn Đỗng Minh người Bình Định, Quy Nhơn. Ôn Trừng San, tuy là người địa phương nhưng ở trên thành, Diên Khánh, và Thầy từ Huế vào. Vì nhân duyên hóa độ mà Thầy dừng chân lại nơi này, từ thuở làm điệu, sơ tâm xuất gia cho đến ngày thành bậc Trưởng Lão Hòa Thượng. Thầy sống nơi đây và cũng viên tịch nơi đây. Cũng như Quý Ôn từ thời trước đến nay, quý Ôn, quý Thầy dừng chân đứng lại dưới mái chùa Long Sơn. Cốc Tre Vàng của Ôn Đỗng Minh. Am Mây Bạc của Ôn Trí Nghiêm. Cốc Bình Minh của Ôn Giải An. Ngay cả Ôn Đức Minh cũng thế. Người tứ xứ đến ở mảnh đất an lành Khánh Hòa làm nên Phật sự. Ngay cả Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang cũng vậy.
Khánh Hòa đất lành, người hiền, hiếu khách nên mời gọi, tiếp đón tất cả – Đất lành chim đậu – như xứ Trầm Hương, lời của nhà thơ Quách Tấn, hay Hoa Khế Lưng Đồi, nhà văn Võ Hồng diễn tả. Địa linh thì có nhân kiệt. Đất của Già Lam, Phạm Vũ nên có Thánh Tăng, Bồ Tát ẩn tu.
Đất Khánh Hòa un đúc khí thiêng vượng tú mà sinh ra Bồ Tát Thích Quảng Đức thời đó. Chừng ấy không thôi cũng đủ thấy được rằng đạo Phật ở tỉnh Khánh Hòa thấm sâu vào nếp sống tâm linh người dân, Phật tử nhuần nhuyễn để cùng làm lợi ích cho đời cho đạo, nên các bậc hóa thân Bồ Tát, Tổ Đức Thiền gia mới tùy duyên trú ngụ để hành Phật sự trên mảnh đất ven bờ biển xanh, cát trắng, thường được gọi là miền Thùy Dương cát trắng nên thơ.
Kính Bạch Giác Linh Thầy,
Nhớ khi xưa, thuở còn làm điệu, Thầy cho con đi học với các chú Câu, chú Chỉnh, chú Hảo, chú Bình, chú Hường… nhưng vì chúng điệu đông, không đủ phòng ốc nên đêm đêm các chú ôm chăn mùng, chiếu gối lên chánh điện chùa ngủ nghỉ.
Thời gian cứ thế trôi qua, ngày thì ăn cơm bằng cà-mèn do bà Ba, bà Cả nấu, quét rác, tưới cây, đi học mà lớn dần theo năm tháng bên cạnh Thầy, cạnh người Cha hiền lành, bình dị, mộc mạc, đơn sơ.
Nhớ lại thời Pháp nạn 63, trước cửa chùa, nơi tam cấp đi xuống, tầng trên là bàn thờ của chư Tôn Đức Tăng Ni, Phật tử đã vị pháp thiêu thân, đã hy sinh cho pháp nạn ấy, Thầy đã cùng quý Ôn lo mọi chuyện, cơm ăn, nước uống và nhiều Phật sự khác nữa, khi ấy con cũng nhỏ như các chú điệu khác có biết gì đâu.
Giờ đây, hồi tưởng lại những gì đã có trong thời của Thầy và quý Ôn thì nay đã không còn nữa, tất cả đều ra đi.
Cả một thế hệ quý Ôn thuở ấy, giờ chẳng còn mấy ai, người mất quá nhiều, không làm sao bù đắp kịp.
Thầy lo Phật sự, Thầy làm việc người, Thầy chăm sóc từ con ong cái kiến, dường như chẳng từ nan việc gì. Thầy không giặt áo, Thầy chẳng phơi Y. Việc tự thân Thầy chẳng nhờ. Cứ mỗi lần con vào nhà Thiền, nơi Thầy tiếp khách với cái giường nhỏ Thầy ngồi nơi đó. Chung quanh, từ trên xuống dưới có đủ mọi thứ, Thầy đã không cho con dọn phòng, mà còn nói:
“Đồ để đó, ai tới xin thì mình có sẵn mà cho họ, khỏi mất công tìm kiếm.”
Chai dầu cạo gió, hộp bánh bích quy, sữa bột trẻ con, tiền lẻ… Bề bộn vật dụng để dành sẵn cho người cần. Hạnh của Thầy là thế đó, giống như Hàn San, Thập Đắc hai vị Bồ Tát tu hạnh đầu đà, ăn cơm thừa canh cặn của chúng Tăng, tối kéo nhau vào xó bếp ngủ.
Nhìn chiếc xích đu bên hiên chùa, nơi Thầy ngồi hơn ba mươi năm qua thì mọi người cũng thấu hiểu vật dụng thường ngày của Thầy là những gì rồi. Nếp sống đơn giản, không lệ thuộc vào vật chất bề ngoài, chỉ với chiếc áo tràng đà mỗi khi Thầy bước chân xuống tam cấp nhà Thiền, đi ra sân trước, bách bộ quanh chùa, lên cốc Ôn Trí Nghiêm, Ôn Đỗng Minh mới mặc, nhưng điều đặc biệt là Thầy chỉ mặc có một tay trái, còn tay áo bên phải buông thõng, chẳng xỏ tay vào, ngoại trừ khi lễ lộc, tiếp khách hoặc đi ra ngoài, xuống phố thăm nuôi bệnh nhân và đám sám.
Con liên tưởng đến chư vị hóa thân Bồ Tát, Thiền Sư nghịch hạnh có lắm chuyện kỳ đặc, nghịch đời mà có lẽ Thầy là một trong những vị Bồ Tát kỳ đặc, nghịch đời ấy. Kỳ đặc, nghịch đời ở chỗ, mặc dù quanh năm suốt tháng Thầy chẳng tắm, Y Hậu, áo quần chẳng giặt, chẳng phơi, ấy vậy mà chẳng có mùi hôi. Phải chăng Thầy thuộc hàng “nội bí Thinh văn, ngoại hiện Bồ Tát” nên những thứ phàm tình chúng sinh ấy đều biến mất. Để rồi hôm nay, bao người nghĩ về Thầy, viết về Thầy, nói về Thầy cũng có cùng nhận xét giống như con vậy. Ai ai khi nhắc đến Thầy cũng đều cảm nhận được nếp sống dung dị, đơn sơ của Thầy, người chỉ biết lo cho tha nhân mà quên cả thân mình. Một đời sống phạm hạnh của bậc Thánh giả. Nhưng bạch Thầy, Thầy là bậc Thánh giả đến không vướng mắc, đi chẳng câu nệ có không, mất còn, nhưng chúng con chưa có được cái tâm an nhiên, tự tại như Thầy.
Giờ này, chỉ còn chiếc xích đu trơ trọi bên thềm chùa, không còn bóng dáng Thầy ngồi đó như ngày nào. Không có Thầy để tiếp quý Thầy, quý Phật tử nơi ấy nữa, để cho mỗi người một xâu chuỗi, một quyển kinh, một bức hình Kim Thân Phật Tổ, hay tấm hình cảnh chùa Long sơn… nghĩ đến đây lòng con quặn thắt, bồi hồi.
Kính bạch Thầy,
Chỉ cần nhìn thấy Thầy còn ngồi nơi chiếc ghế xích đu ấy, không làm gì hết, nhưng ấy là linh hồn, là sức sống linh thiêng, màu nhiệm của chùa Long Sơn, của bao thế hệ người đã qua và còn bao thế hệ người sau sẽ đến.
Thầy ngồi nơi chiếc xích đu, thời gian như một nửa đời người, trông như bóng Cha già che chở cho đàn con. Như cội tùng cổ thụ sớm che nắng, chiều hứng mưa cho bao loài chim muông, cỏ cây tươi thắm. Chiếc ghế xích đu ấy giờ chắc cũng buồn lắm, biết có ai còn để ý đến nó không? Chiếc ghế xích đu mất Thầy như chúng con đã mất Thầy. Chỉ mong có người lưu tâm đến nó, cất giữ lại nơi ấy như một bảo vật, để kỷ niệm như bảo tòa Kim Cương, Thầy đã ngồi để làm Bồ Tát hạnh.
Ngày xưa, Đức Thế Tôn ngồi trên bảo tòa Kim Cang dưới cội Bồ Đề mà thành đạo. Bây giờ Thầy ngồi trên ghế xích đu mà thị tịch, thật bất khả tư nghì cho hạnh nguyện của bậc Đại sĩ.
Mỗi lần nhìn Thầy trong bức hình thờ nơi phòng làm việc của con, nhìn thấy đôi chân mày quắc thước, dài rậm, bạc trắng hiền từ như Tiên ông, nhưng Thầy là bậc Đạo sư chứ không phải Tiên ông, Thầy đeo nơi cổ xâu chuỗi 108 hạt, và thêm xâu chuỗi 18 hạt cầm trên đôi tay chắp lại. Thấy Thầy như thấy Phật chung quanh Thầy, từ cổ đến tay đâu đâu cũng là Phật.
Sáng nay, trên chánh điện chùa Long Sơn hương trầm lan tỏa, hòa quyện vào vách chùa, mái chùa, ngàn cây, kẽ lá, vào lòng người như muốn lưu lại hình ảnh Thầy. Từng bước chân của Thầy, từng lời nói của Thầy, từng hình bóng của Thầy như tô sâu, in đậm nơi đây, nơi chiếc ghế nhà Thiền, nơi gối quỳ chánh điện, nơi Trai đường với chư Tăng và nơi in dấu cuối cùng của chiếc xích đu lẻ bạn. Ấy là ước muốn của con người, của sự vật, nhưng giờ đã đến ba hồi chuông trống Bát Nhã trầm hùng, thanh thoát để tiễn đưa Thầy vào cõi Vô Dư.
Trước sân chùa, nơi tôn trí Kim quan Thầy, hàng ngàn chư Tăng Ni, Y hậu chỉnh tề, trang nghiêm chấp tay thành kính. Hàng hàng lớp lớp đệ tử tại gia cũng như Gia Đình Phật Tử … lắng tâm mật niệm bái biệt Thầy, trong nỗi đau của người con mất Cha. Lư trầm, hương án, bê, tích, lọng… có Tứ Thiên Vương che lọng hầu Thầy. Đoàn âm công thỉnh Kim Quan Thầy lên vai, bắt đầu lên dốc đồi Trại Thủy.
Cũng con đường mòn ấy. Cũng những cây xanh, lá hoa núi rừng ấy, nhưng sáng hôm nay, cảnh vật như quạnh hiu, buồn thảm, héo sầu… như thấy mình mất mát một cái gì quá to lớn mà gần một thế kỷ qua mình đã có ở nơi đây. Có những con đường mòn lên xuống, những khóm trúc, bụi tre, những giàn thanh long, những hàng phượng vĩ, những vách đá sau chùa. Có tất cả, được xông ướp hình bóng Thầy như hương sen ngào ngạt.
Núi rừng đồi Trại Thủy
Chìm lẳng lặng miên man
Vách chùa rưng rưng khóc
Sân chùa giọt lệ tràn.
Ngàn người tiễn đưa, và hàng ngàn người cúi đầu thầm niệm Nam Mô… cánh cửa Bảo Tháp được mở ra, Kim quan Thầy được tôn trí nơi đó, giữa cảnh núi rừng tịch mịch, cây cao bóng cả, rợp mát đất trời thiên nhiên mầu nhiệm.
Câu niệm Phật cuối cùng: “Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.”
Thầy Thượng Phẩm Thượng Sanh.
Cánh cửa Bảo Tháp khép lại. Thầy nằm bất động thiên thu giữa núi rừng trăng sao, sương đêm và gió sớm.
Đây chỉ là nhục thân, tứ đại của Thầy, còn Giác Tánh trạm nhiên, cái linh minh đổng triệt thì Thầy đã trở về Pháp thân, chân như. Thầy tiếp tục con đường hóa độ chúng sinh.
Di ảnh Thầy thờ sau Hậu tổ, mọi người đều đã ra về.
Cảnh chùa vắng lặng!
Một cảm giác trống vắng lạnh lùng, bâng khuâng, thiếu thốn…
Mất Thầy như mất cả hình ảnh từ hòa, dung dị. Mất cả tấm lòng từ bi, chăm sóc, yêu thương.
Con ngồi đây nghĩ về Thầy, về một cảnh đời 50 năm qua, giờ như bóng câu cửa sổ. Bao lớp người trước đã đi qua, bao lớp người sau rồi lại đến. Những tiếp nối vô cùng của cuộc tử sinh.
Ba tiếng chuông gia trì nhẹ nhàng, trầm ấm, quỳ trước di ảnh Thầy, cầm nén hương nhất tâm cầu nguyện để hầu Thầy vào cảnh Vô Dư Niết Bàn.
Kính nguyện Thầy Cao Đăng Phật Quốc.
Chùa Phật Đà, ngày 26 tháng 9 năm 2013
Đệ tử
Thích Nguyên Siêu
Chùa Long Sơn, Nha Trang
Hòa Thượng Thích Chí Tín (1922-2013)
Thân thế:
Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Chí Tín họ Lê, húy Văn Dụ, sinh ngày 16.02. năm Nhâm Tuất (1922), tại làng Trâm Bái, thôn Dương Xuân Thượng, xã Xuân Thủy, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên. Ngài xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, nhiều đời thâm tín Tam Bảo, Thân phụ là cụ ông Lê Văn Tác, Thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Châu. Gia đình Hòa Thượng có năm anh chị em, Ngài là người con thứ 4 trong gia đình.
Thời kỳ xuất gia học đạo và thọ giới:
Vốn sẵn có túc duyên với Phật pháp, năm 14 tuổi, chí xuất trần đủ mạnh, Ngài được song thân cho đầu sư học đạo với Hòa Thượng Thích Chánh Hóa tại Tổ đình Từ Hiếu, được Hòa Thượng ban cho Pháp danh Tâm Nhẫn, Tự Hành Từ. Hai năm sau, Hòa Thượng Bổn Sư nhận lời thỉnh cầu của Hội Phật Học Khánh Hòa làm trú trì chùa Long Sơn đời thứ 2, Ngài được Bổn Sư cho theo tu học.
Năm 26 tuổi (1947), Ngài được Bổn Sư cho đăng đàn thọ Cụ Túc giới tại Đại Giới Đàn chùa Thiên Bửu Hạ, Huyện Ninh Hòa, do Hòa Thượng Phước Huệ chùa Hải Đức Nha Trang làm đàn đầu và được Hòa Thượng Bổn Sư phú pháp với pháp hiệu Chí Tín, nối dòng Lâm Tế pháp phái Liễu Quán đời thứ 43.
Thời kỳ hành đạo:
Năm 36 tuổi (1957-Đinh Dậu), Hòa Thượng Bổn Sư viên tịch, Ngài được Hội Phật Học tỉnh Khánh Hòa cung thỉnh kế thế trụ trì chùa Long Sơn đời thứ 3.
Trải qua hơn nửa thế kỷ trụ trì chùa Long Sơn, Hòa Thượng đã cùng chư Tôn đức lãnh đạo Giáo Hội duy trì cơ sở, phát triển đạo tâm, gieo trồng hạt giống bồ đề cho Tăng Ni, Phật tử.
Sau Pháp nạn 1963, đến năm 1964, với tâm nguyện cầu nguyện thế giới hòa bình, Ngài cùng Thượng tọa Thích Đức Minh, Chánh Đại diện Phật giáo Khánh Hòa xây dựng tượng Kim Thân Phật Tổ lộ thiên tại đỉnh đồi Trại Thủy. Và cũng trong năm này Hòa Thượng đã cho xây dựng hội trường văn phòng Tỉnh Giáo Hội bên cạnh chánh điện của chùa.
Với tâm nguyện hoằng truyền Phật Pháp, để có nơi cho Tăng Ni, Phật tử sinh hoạt tu tập, năm 1970, Ngài cùng Hòa Thượng Thích Thiện Bình phát tâm đại trùng tu Chánh điện chùa Long Sơn trang nghiêm và quy mô như ngày hôm nay.
Năm 2003, với tâm nguyện tạo nên cảnh đep tinh thần, làm nơi chiêm bái cho du khách khắp nơi khi đến viếng cảnh chùa Long sơn, Hòa Thượng đã khởi công kiến tạo Tôn Tượng Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Nhập Niết Bàn dài 17m trên đồi sau chánh điện chùa Long sơn. Ngoài ra, Ngài đã không ngừng sửa sang tòan cảnh của chùa càng thêm trang nghiêm như ngày hôm nay.
Trong công tác hoằng truyền Phật pháp, từ khi kế vị trụ trì chùa Long Sơn đến nay, Hòa Thượng đã quy y cho hàng chục ngàn Phật tử tại thành phố Nha Trang và đồng bào Phật tử hải ngoại khi có duyên về nước. Bên cạnh đó, Hòa Thượng thường xuyên ấn tống kinh sách để biếu tặng và sách tấn Tăng Ni, Phật tử tìm cầu học hỏi giáo lý Phật Đà.
Với đức tánh khiêm cung, từ hòa, Hòa Thượng luôn được chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử khắp nơi kính trọng. Ngài đã từng gần gũi hầu cận Chư Tôn Trưởng lão Hòa Thượng, như Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, Hòa Thượng Thích Thiện Minh…, và nhất là Ngài đã đồng hành tùy duyên Phật sự cùng với Hòa Thượng Thích Đỗng Minh hơn 50 năm tại chùa Long Sơn này.
Vào thời Pháp thuộc khi đất nước bị đô hộ, Hòa Thượng đã cống hiến không ít tâm huyết sức lực cho công cuộc bảo vệ quê hương đất nước trong mạch sống trường tồn của Đạo Pháp và Dân Tộc.
Một đời giản dị “ khắc kỷ vị tha” và ẩn nhẫn, Hòa Thượng luôn ban rải tâm từ đến tất cả mọi người, đến những loài vật bé nhỏ như con sâu con kiến. Trong những năm chiến tranh, tù nhân ở thành phố Nha-trang rất nhiều, tuần lễ nào Ngài cũng mua từng củ khoai, từng gói xôi, từng trái chuối, đem vào nhà tù phân phát cho các tù nhân, làm vơi đi nỗi đau khổ của họ. Có được bao nhiêu tiền của Phật tử cúng dường, Hòa Thượng đều chi tiêu vào những công việc như vậy; có bao nhiêu thì làm bấy nhiêu, không quyên góp, không ham nhiều, không chê ít. Rất nhiều binh lính bị giam ở quân lao, khi được trả tự do, họ đều vào chùa xin Hòa Thượng cho chén cơm bát cháo, sau đó lại xin chút ít tiền để đi xe về quê. Năm 1974-1975, các tỉnh ở Vùng I Chiến Thuật bị thất thủ, hàng ngàn quân nhân và đồng bào nơi đó di tản vào Nha-trang. Tàu thủy chở họ cập bến Nha-trang. Phần thì đói khát, phần thì chen chúc tranh nhau lội vào bờ, số người chết nhiều, xác người nằm rải rác trên bãi biển. Thấy cảnh tượng vô cùng thương tâm ấy, Hòa Thượng một mình xuống bờ biển, thuê xe xích lô chở từng xác người đem ra nghĩa địa chôn cất. Lòng từ của Hòa Thượng đã làm cho các bác đạp xích lô cảm động, họ đã tự nguyện phụ giúp Hòa Thượng làm việc ấy, không lấy tiền công, hoặc chỉ lấy chút ít mà thôi. Sau năm 1975, có lúc số trẻ mồ côi tại Nha-trang tăng vọt, nhiều viện mồ côi do các ni cô điều hành được thành lập để nuôi dưỡng các trẻ. Và đó cũng là điều rất mực quan tâm của Hòa Thượng. Nhiều đệ tử của Ngài ở hải ngoại gửi tịnh tài về cúng dường, cứ nhận được bao nhiêu là Ngài đều cho người đi mua gạo và những nhu yếu phẩm đem phân phát cho các viện cô nhi. Không những thế, Hòa Thượng còn thường xuyên đích thân đến thăm các bệnh nhân tại bệnh viện Đa Khoa tỉnh Khánh Hòa, trao tặng từng hộp sữa, từng trái cam cho bệnh nhân ngay giường bệnh. Đại thể, suốt đời, Hòa Thượng đã làm những công việc như vậy.
Trong cuộc sống hằng ngày, Hòa Thượng đã thể hiện tối đa tinh thần tri túc; do vậy mà cả đời Ngài chỉ có một cái giường gỗ cũ kỹ, một chiếc xích đu cũng cũ kỹ, một chiếc ghế đẩu làm bàn, một bình trà, vài cái tách, tất cả cũng đều cũ kỹ! Ngày nay thật hiếm có vị nào có cuộc sống đơn sơ, khiêm tốn đến thế!
Suốt đời tận tụy hy sinh cho mọi người như vậy nhưng Hòa Thượng vẫn nhất tâm chuyên cần tu niệm để trang nghiêm cho chính mình. Tự lợi, lợi tha, công hạnh của Ngài hoàn toàn đầy đủ!
Viên tịch:
Rằm Trung thu Quý tỵ – 2013, buổi sáng Chư Tăng về bố tát, Hòa Thượng vẫn thanh thảng ngồi trên chiếc xích đu, hoan hỷ thăm hỏi sách tấn mọi người đến vấn an.
Đến chiều tối, Hòa Thượng thấy trong người hơi mệt, nên sai thị giả lấy lò than cho Ngài sưởi, các đệ tử đến chăm sóc, và mời các Bác sĩ đến khám. Hòa Thượng đã từ chối không đi bệnh viện theo yêu cầu của Bác sĩ. Tuy nhiên ít phút sau sức khỏe Ngài dần ổn định.
Đến 21giờ 45 phút cùng ngày, Hòa Thượng an nhiên ngồi thị tịch ngay trên chiếc xích đu thường ngày của hơn 30 năm qua. Hòa Thượng trụ thế 92 năm, 72 pháp lạp, 67 hạ lạp.
Thật là:
Giới Định thường tùy từ thời ứng pháp
Kinh sám hành trì điều phục thân tâm
Khuya sáng trưa chiều tối chuyên cần
Phạm hạnh thanh tâm sạch như băng tuyết…
Hoá duyên đã mãn, Hoà thượng đã trở về cảnh giới Niết Bàn Vô Dư, nhưng gương sáng về đời sống phạm hạnh và công đức tu hành của Hoà thượng vẫn còn mãi mãi với Đạo Pháp, với Tăng Ni Phật tử Việt-nam.
Nam Mô Tân viên tịch Từ Lâm Tế Chánh Tôn, tứ thập tam thế, Húy Thượng Tâm Hạ Nhẫn, Tự Hành Từ, Hiệu Chí Tín Giác Linh Trưởng Lão Hòa Thượng Liên đài chứng giám.
Môn Đồ Pháp Quyến Hải Ngoại kính soạn
_________________________
Nhớ Lại Ân Xưa
Đồi Trại Thủy ngày buồn đêm thảm
Chùa Long Sơn ảm đạm màu tang
Thầy về lại chốn Lạc Bang
Đàn con trong cảnh bàng hoàng ngẩn ngơ.
Nhớ Giác Linh xưa
Từ thuở khai sơn
Chùa tranh vách đất
Nằm cạnh ven rừng
Linh địa chốn Già Lam
Rồi từ dạo đó
Thầy nuôi chí xuất trần thượng sĩ
Ngày muối dưa cơm hẩm thuở cơ hàn
Sớm công phu Lăng Nghiêm năm đệ từng hàng
Chiều bái sám mời nhơn thiên câu hội.
Phước duyên tích tụ làu làu
Trí tánh ngần soi tỏ tỏ
Hương thơm giới đức như vầng trăng soi ngõ
Từng bước chân thành Thạch Trụ Tòng Lâm.
Thầy không đi học
Chữ nghĩa thế trần
Làm loạn tâm tu mật hạnh
Khẩu từ chân chánh
Thân hiện oai nghi
Giữ mình giới đức
Bất khả tư nghì
Sạch như băng tuyết lưu ly,
Sáng ngời tâm Phật
Lúc đứng khi đi
Thầy là tàng cây đại thọ
Rợp mát một đời Tăng Ni
Kể từ thời Chùa xưa nho nhỏ
Cạnh cây Bồ Đề xanh um hứng gió
Thầy trồng từ thuở lên mười.
Nhưng giờ đây
Tàng cây Bồ Đề không còn nữa
Thầy buồn một thủa ai hay?
Sinh lòng thương xót
Như đóa sen đầy
Thầy cho hương thêm sắc
Như bấy lâu nay.
Người đi qua
Kẻ ở lại
Tâm Thầy luôn đong đầy.
Mặc cho đời áo mão cân đai.
Thầy luôn hiện tướng
Chiếc áo tràng đà chỉ xỏ một tay
Thầy ngồi nơi nhà Thiền
Phật tử sum vầy
Ngày Rằm mồng Một
Mỗi tháng lưng đầy
Có tịnh tài nuôi chúng Tăng ăn học.
Mà chẳng lo chi cho Thầy
Tay nải vơi đầy
Cam tươi sữa ngọt
Cỡi chiếc xe đạp đem ngay cho người
Chẳng giữ trong tay
Những gì Thầy có
Thầy học hạnh buông xả
Bềnh bồng như mây.
Thầy đi tìm hang kiến
Cho đồ ăn thật đầy
Cơm nguội bánh mì đường cát
Ấy là việc làm xưa nay.
Thầy thương loài vật
Thầy giúp người ngay
Thầy làm Bồ Tát hạnh
Trong cuộc đời này.
Nhưng bạch Thầy!
Thân Đại thọ đã ngả về Tây!
Đàn con ríu rít xé cay nát lòng.
Thầy đi như bóng thu không
Hình hài ẩn hiện lối mòn quạnh hiu.
Vách đá lưng trời
Chùa xưa vắng bóng
Bậc Ân sư muôn thuở nào phai.
Lời vàng thước ngọc
Thầy để lại hôm nay
Cho nghìn sau
Và mãi mãi nghìn sau
Như tấm thân già tứ đại
Hơn 30 năm ngày tháng qua
Thầy ngồi nơi đó!
Chiếc xích đu giờ như bỏ ngỏ.
Thầy đã đi và đi mãi không về
Đàn con buồn tái tê
Giọt sầu rơi xuống trăng thề đầu non.
Long Sơn! Long Sơn!
Tên Chùa Thầy đặt
Hôm nay vẫn còn
Dựa lưng vào vách đá
Trên đỉnh non ngự tọa Kim Thân.
Tâm Thầy như áng phù vân
Đến đi chẳng buộc ai vần chẳng lay.
Chúng con ở lại chốn này
Để học và học hạnh Thầy
Nghìn sau vẫn học thân này dù tan.
Kính nguyện Thầy Cao Đăng Thượng PĐệ tử Nguyên Siêuhẩm
Lễ Nhập Kim Quan 20/9/2013