
Đại Hội 2004, tại chùa Diệu Pháp, một số đông anh em áo lam BHDTƯ ngoài Vụ, do bất bình các điều kiện tiên quyết sơ thảo, đã ra về. Còn lại chủ yếu là thành phần anh chị em lam viên của hai thực thể GĐPT Việt Nam tại Hoa Kỳ, một đã trực thuộc Vụ GHPGVNTN/VPII/VHĐ trước đó, và số còn lại của anh chị huynh trưởng thuộc BHDTƯ hiện hành vừa đề cập trên.
Tất nhiên, để có một kết quả như huấn từ của Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ: “Giáo Hội cần có một Ban Hướng Dẫn Trung Ương,” trong giai đoạn phục hoạt. Sự hy sinh của tập thể GĐPTVN tại Hoa Kỳ không hề nhỏ! Chúng ta lâu nay xoáy vào hiện tượng phân hóa của tổ chức theo hướng tiêu cực, mà không nhìn nhận nó một cách tính cực như thế, cho nên, việc phân, biện phải, trái còn triền miên, dù ẩn dật với hình thức nào trong tâm thức và hành động của nhiều anh chị trưởng niên cấp hướng dẫn. Song, do hiện tượng và hiện trạng phân hóa này lẽ ra cần được hóa giải trong một thời gian ngắn sau đại hội, để anh chị em lớp trẻ, nhất là các thế hệ sau không có cảm nhận, hoặc luôn nghi ngờ đó là tính nhất thời, hay là bản chất, vốn không thể chấp nhận trong một tổ chức sinh hoạt thanh niên trên nền tảng giáo lý vô chấp, vô ngã…
Ở trong nước, bấy giờ phải nhận ra rằng, trong tình hình chính trị vô vàn phức tạp và nghiệt ngã, hai bậc Long Tượng hàng đầu của Giáo Hội là Hòa Thượng Thích Huyền Quang và Hòa Thượng Thích Quảng Độ, mỗi người bị quản thúc nghiêm ngặt mỗi nơi, thì hầu như Gia Đình Phật Tử trong Nam, trở ra Huế…, dựa vào đâu mà sinh tồn, tiến thủ? Để tiến thủ cho đến ngày hôm nay, nếu trở ngược lại những ngày tháng đó, hiểu được nội tình lịch sử, vị thế đứng và vai trò của riêng mỗi chúng ta, ắt cũng giảm bớt phần nghi kỵ đố tật do tính phàm mà ít nhiều anh chị em huynh trưởng, bất kể tuổi đời hay cấp bậc vẫn còn lần dò trên đường tu tập thì còn vướng, kẹt.
Cũng vì làm chỗ dựa cho sự tiến thủ của đứa con cưng Giáo Hội Lịch Sử, giữa bao kế sách quyền lực-thế quyền luôn vây hãm truy bức, Hòa Thượng Tuệ Sỹ, và chư Tôn Túc nơi tịnh địa Già Lam là điển hình đã mở rộng cánh vạt Từ Bi bảo bọc chỡ che, trưởng dưỡng cho đàn con áo lam, nên cũng bao phen gồng mình chống đỡ những nghịch duyên từ ngoài, mà còn phải quặn lòng chịu trận với những chướng duyên từ trong.
Ở đây tôi chỉ cho trích đoạn một vài điểm chính trong một lá thư, mà chúng ta tạm không cần biết tác giả là ai, gởi ra từ trong nước vào những ngày tháng khó khăn đó, để anh chị em có thể hình dung được phần nào tình huống bi đát bên nhà và tính chất cần thiết của một cơ chế GĐPTVN tại hải ngoại, hành hoạt hiệu quả, mạnh mẽ yểm trợ cho tiếng nói của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất nói chung và Chư Tăng Ni, Phật Tử, cũng như của chính GĐPT Việt Nam tại quốc nội trước cơn sóng gió như thế nào:
“… hai hôm nay, sau chuyến đi trở về, qua nhiều tiếp xúc, tôi cảm giác có một áp lực tâm lý đang đè nặng lên quý thầy. Tôi không nói quý thầy mệt mỏi sau nhiều tuần bị bao vây, hăm dọa, bằng mọi thủ đoạn, cuối cùng cũng bị dồn vào những chỗ vắng vẻ, cô lập để áp chế. Thế nhưng chính sách hăm dọa đã ảnh hưởng càng ngày càng nhiều đối với Phật tử… Anh C. bị làm việc liên tục. H.H. bị lệnh quản chế bằng miệng. Và còn nhiều Phật tử nữa, mà tôi không kể tên các Anh Chị cũng có thể biết. Không có mệnh lệnh pháp luật nào cả. Nhưng điều đó còn dễ sợ hơn nhiều. Vì không biết trước cái gì sẽ xảy ra cho mình, cho gia đình mình. Tôi không biết các Phật tử sẽ còn giữ vững tinh thần được bao lâu. Nhưng cũng nên chấp nhận thực tế xót xa là sẽ phải gục. Vì sức người có hạn, mà guồng máy quyền lực thì vô biên…”
Nội dung thư thì còn dài nữa, tất nhiên là gởi gắm theo niềm kỳ vọng nơi tập thể lam viên hải ngoại bấy giờ, đến nay vẫn còn như một dấu son triện chưa ráo mực.
“… Hy vọng các Anh Chị thấy những điều tôi nói. Qua những lời ấy, tôi đề nghị TOÀN THỂ GĐPTVN Hải Ngoại có tiếng nói thiết thực yểm trợ các thầy, các Phật tử trong nước. Bằng mọi cách, làm sao để các thầy và các Phật tử thấy rằng mình không cô đơn. Chính sách bao vây, cô lập, rồi làm nhụt chí và tỉa dần của Nhà nước sẽ không có hiệu quả…”
Rồi trong hàng chư Tôn Túc Tăng Già thuở đó, hình ảnh của Ôn Đức Chơn quả thật đáng để anh chị em không chỉ quốc nội, mà hải ngoại gập mình bái kính và ghi trọng ân sâu.
Lời của Ôn Già Lam*, “Tôi sẽ chịu nhục cho quý Thầy làm việc”, không chỉ là câu ta thán trong thời nhiễu nhương chướng khí buổi đó, riêng cho bản thân, mà lời của Ôn đã thành kim ngôn cho những bậc Trí Giả Bất Hoặc tiếp bước theo sau, trong cái phong vận Phật-Việt bi tráng hôm nay.
Quảng Pháp Trần Minh Triết
_______________________________
* Cố Hòa Thượng Thích Trí Thủ
ĐẠO TỪ CỦA HỘI ĐỒNG CỐ VẤN GIÁO HẠNH GĐPT VIỆT NAM
Phật lịch 2552
Quảng Hương Già lam, ngày 2 tháng 10, 2008
Kính gởi các Anh Chị trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam tham dự lễ hội Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Thái Lan,
Các Anh Chị thân quý,
Thay mặt Chư Tôn đức Cố vấn Giáo hạnh Gia Đình Phật Tử Việt Nam, tôi gởi lời chào mừng đến các Anh Chị trưởng các Ban Hướng Dẫn Trung ương Gia Đình Phật Tử Việt Nam trên thế giới, cùng tất cả thành viên và thân hữu Gia Đình Phật Tử Việt Nam tham dự Đại hội Gia Đình Phật Tử Việt Nam trên thế giới, họp mặt lần thứ 2 tại Thái Lan.
Đến được đây, tôi biết các Anh Chị đã vượt không biết bao nhiêu gian nan hiểm trở, những phản trắc bất thường của thế đạo nhân tâm. Đến được nơi đây là các Anh Chị đã thêm một bước quyết định trong hướng đi lên cao dần theo Chánh đạo. Xin tán thán tâm Bồ đề kiên cố, ý nguyện kiên cường của các thế trẻ Gia Đình Phật Tử Việt Nam.
Các bạn trẻ Việt Nam sinh trưởng tại Hải ngoại có nhiều cơ hội tốt đẹp để nhìn và hiểu xu hướng phát triển Phật giáo trong thế giới hiện đại, đồng thời cũng chứng kiến hoặc tham dự nhiều hình thái sinh hoạt phong phú của nhiều cộng đồng trẻ của nhiều quốc gia và dân tộc khác nhau. Cuộc họp mặt lần này của các Anh Chị trưởng tại Thái Lan là cơ hội tốt để các thế hệ Gia Đình Phật Tử Việt Nam trong nước và ngoài nước, cùng chia xẻ những kinh nghiệm về sự tương giao và hội nhập của các các truyền thống tín ngưỡng và tư duy dị biệt, để từ đó thẩm định hướng đi của bản thân trong bước tiến chung của các cộng đồng nhân loại, để vừa bảo lưu các giá trị truyền thống cá biệt của Dân tộc và đồng thời thâu thái các giá trị phổ quát, thể nghiệm Phật Pháp từ những khám phá trong các sinh hoạt đa dạng của thời đại.
Trong một thời đại như thế, Phật tử Việt Nam, trong nước hay sinh trưởng hải ngoại, thường xuyên bị thôi thúc bởi ước muốn tìm hiểu một thế giới đang mở rộng, bị hấp dẫn bởi mạng lưới thông tin toàn cầu, và cũng bởi đó mà nhiều khi hoang mang mất hướng trước những mâu thuẫn quyền lợi trên quy mô quốc tế thường dẫn đến những xung đột đẩm máu tàn bạo. Vậy nên, quán chiếu thời đại thẩm định hướng đi là các đề mục cần được lưu ý trong các lần họp bạn để trao đổi kinh nghiệm và nhận thức.
Trên một nửa thế kỷ qua, trong những ngày đen tối nhất của lịch sử Phật giáo Việt Nam, bản thân tôi là chứng nhân của trang sử bi hùng của các thế hệ Gia Đình Phật Tử Việt Nam, vốn đã cống hiến cả sinh mạng của mình để giữ tròn khí tiết của người Phật tử, đã lâm vào cảnh khốn cùng vì không chịu khuất phục cường quyền mà từ bỏ lý tưởng của mình. Máu và nước mắt của các thế hệ đã qua, và cũng của chính những người đang sống hiện tại mà thường trực đối diện với mối đe dọa an ninh và nghề nghiệp; đó là chính nghĩa tồn tại của Gia Đình Phật Tử Việt Nam.
Những gì là hận thù, tranh chấp, những gì là vu khống đảo điên, là những điều không thể chấp nhận giữa những người con Phật. Vậy thì, người Phật tử cần có nhận thức chân chính rằng nền tảng để ta học đạo, hành đạo và hóa đạo là Sự thật; và trên nền tảng Sự Thật là sự hoà hiệp. Không còn có đạo lý hay pháp lý nào khác cho lý do tồn tại của Gia Đình Phật Tử Việt Nam, và cũng không còn có nền tảng nào khác ngoài sự thật và hòa hiệp để chấp nhận hay không chấp nhận sự hiện diện của Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Gia Đình Phật Tử Việt Nam được khai sinh bằng tâm nguyện học Đạo và hành Đạo, với lý tưởng phụng sự dân tộc và đạo pháp. Không học Đạo mà học đòi giả dối, không hành Đạo mà tâm hành hiểm độc, thì không còn gì để nói là lý tưởng và phụng sự. Như vậy cũng không còn gì xứng đáng để được gọi là Gia Đình Phật Tử Việt Nam.
Ngày nay, màu áo Lam của Gia Đình Phật Tử Việt Nam hiện diện trên nhiều châu lục; tất nhiên các sinh hoạt cũng thường xuyên bị tác động bởi phong tục tập quán và luật pháp tại từng quốc gia khác biệt. Gia Đình Phật Tử Việt Nam tuy trước sau vẫn là nhất thể bất khả phân, nhưng lại sinh hoạt trong nhiều thể chế xã hội khác nhau dưới nhiều hình thái bất đồng, nên thực tế phân hóa vẫn là mối đe dọa thường trực, mà tình trạng phân hóa đã bị đẩy lên đến mức độ gây cấn. Vậy, vấn đề cần được đặt ra ở đây là làm sao để được những người con Phật sống hòa thuận với nhau. Điều tất yếu là cần có nhận thức đầy đủ về ý nghĩa phát triển của Phật giáo trong thế giới hiện đại, và từ đó thẩm định vị trí của mình trong các quốc gia và các cộng đồng, để có thể học Đạo và hành Đạo vừa khế lý vừa khế cơ. Từ đó, tiến đến bước cụ thể là hình thành cơ cấu sinh hoạt mang tầm quy mô thế giới, tạo điều kiện cho các thế hệ gia đình khác nhau đang sống tại các quốc gia khác nhau cùng học cùng tu trong một thế giới đa nguyên và đa dạng. Có thể hình dung đó là một cơ cấu mà trong đó dù đang sinh hoạt tại bất cứ quốc gia nào, chịu chi phối bởi bất cứ hệ thống pháp luật và định chế xã hội khác nhau như thế nào, người Phật tử đều có thể phát huy giá trị phổ quát của Phật pháp đồng thời góp phần mang lại sự phồn vinh và an lạc cho cộng đồng xã hội mình đang sống.
Bằng cơ cấu sinh hoạt như vậy Gia Đình Phật Tử Việt Nam tất thể nghiệm được một cách sâu sắc lời dạy của Đức Phật rằng:
“Ta đến đây để dựng dậy những gì đã sụp đổ, chứ không phải phá sập những gì đang đứng vững.”
Trong ý nghĩ đó, thay mặt cho Chư Tôn Đức trong hội đồng cố vấn Giáo Hạnh, tôi nhất tâm cẩu nguyện toàn thể gia đình Phật tử Việt Nam trong nước cũng như Hải Ngoại, tâm Bồ Đề kiên cố, chí tu học vững bền. Các Anh Chị Trưởng luôn luôn xứng đáng với tin tưởng của Chư Tôn Đức trong sứ mệnh giáo dục các thế hệ trẻ sống phù hợp chánh tín. Các Anh Chị Trưởng cũng xứng đáng với lòng tin yêu và kính trọng của các thế hệ hiện tại và tương lai.
Xin kính chào tất cả trong nụ cười hoan hỷ của mười phương Chư Phật và Thánh chúng.
Sa Môn Thích Đức Chơn,
Chủ Tịch Hội Đồng Cố vấn Giáo Hạnh Gia Đình Phật Tử Việt Nam.Phật lịch 2552
Quảng Hương Già lam, ngày 2 tháng 10, 2008