
Viên Giác số 54 kỳ nầy với chủ đề là “Tương Lai Thanh Thiếu Niên Việt Nam”; nhưng đề tài nầy khá bao quát, cả trong nước lẫn ngoại quốc. Do đó chúng tôi chỉ xin trình bày về hải ngoại mà thôi. Nói đến thanh thiếu niên là nói đến sự phát triển, sự vươn lên, sự xây dựng v.v… Vì thế trong bất cứ một quốc gia nào, một cộng đồng nào, thanh thiếu niên cũng đóng góp một vai trò quan trọng, nhất là đối với thanh thiếu niên Việt Nam hiện ở tại ngoại quốc ngày nay.
Đức Phật có dạy rằng: “Muốn có tương lai tốt thì hiện tại phải tốt”. Vì thế muốn có một thế hệ thanh niên tốt đẹp ở ngày mai, ngay trong hiện tại chúng ta phải gây dựng cho thế hệ nầy có một niềm tin vững chắc vào tương lai, một sức học uyên bác qua giáo dục của học đường, một đạo đức đúng đắn dựa vào niềm tin của Tôn Giáo.
Chắc chắn một điều, ai trong chúng ta cũng không thể không qua sự giáo dục mà trưởng thành được cả. Khi còn nhỏ, con cái phải qua sự giáo dục của gia đình, khi khôn lớn, thanh thiếu niên phải qua sự giáo dục của học đường và khi đi vào đời phải có một niềm tin vào một Tôn Giáo. Nếu thiếu các điều kiện trên, chắc chắn thanh niên sẽ không có lối thoát.
Chúng ta vẫn thường hay nghe danh từ “giáo dục”, “sư phạm”, “dưỡng nhi” v.v… nhưng cũng có nhiều người ít khi lưu tâm về ý nghĩa của nó. Vậy giáo dục là gì?
Câu hỏi tuy đơn giản; nhưng sự trả lời có nhiều phương diện khác nhau. Chữ giáo có nghĩa là dạy bảo, hướng dẫn, khuyên răn, nhắc nhở. Chữ dục có nghĩa là dưỡng thành, chăm sóc, huấn luyện. Nếu gộp chung ý nghĩa của hai chữ lại, chúng ta có thể nói rằng: giáo dục là sự huấn luyện cho con người trở nên đứng đắn. Sự huấn luyện nầy có thể đến từ cha mẹ hay học đường, trong nhà hoặc ngoài xã hội.
Còn “sư phạm” có nghĩa là gì?
Sư có nghĩa là thầy, phạm có nghĩa là mô phạm, quy tắc của một nhà giáo. Học Sư Phạm tức là học nguyên tắc của việc làm Thầy, hướng dẫn như thế nào để thanh thiếu niên đi đúng với đường lối giáo dục.
Ở nhiều nước xã hội tân tiến có các cơ quan “Dưỡng Nhi, Ấu Trĩ Viên” v.v… để huấn dục các trẻ nhỏ từ 1 đến 5 hoặc 6 tuổi. Đây cũng là những cơ quan giáo dục rất quan trọng đối với tuổi thiếu niên.
Trở về vấn đề thanh thiếu niên Việt Nam Hải Ngoại của chúng ta trong hiện tại, chúng ta đã làm được gì trong 3 điều khoản vừa nêu trên?
Đối với gia đình
Gia đình là nền tảng của xã hội. Gia đình là đơn vị nhỏ nhất trong xã hội; nhưng rất quan trọng. Vì chính gia đình là những mô thức căn bản giáo dục con người đi vào xã hội. Nếu căn bản đạo đức của gia đình không vững chắc, thì chắc chắn rằng các thanh thiếu niên sống trong gia đình đó, khi lớn lên, ra ngoài xã hội sẽ bị sự tiến hóa của xã hội đào thải và mọi người bên cạnh chê bai là những thanh thiếu niên đó không được sự huấn dục của cha mẹ.
Có nhiều bậc cha mẹ khi ra ngoại quốc mải lo bon chen với đời sống vật chất, quên đi sự chăm sóc cho con cái mình bằng Đạo học Đông Phương, đến một ngày nào đó giữa con cái và cha mẹ dường như có một bức tường chia cách, vì tuổi tác, vì quan niệm sống, vì hoàn cảnh bên ngoài chi phối những thanh thiếu niên kia.
Người Nhựt họ tiến bộ thật nhiều về kỹ thuật; nhưng đồng thời những truyền thống văn hóa, đạo đức cổ truyền họ không quên, do đó việc duy tân, hội nhập của họ không bị mất gốc. Trong khi đó, nếu chúng ta không tạo được cho thanh thiếu niên có được đạo đức của Đông Phương, như: đi thưa, về trình, lễ phép với các bậc trưởng thượng v.v… thì chắc chắn cái hội nhập của văn hóa Tây Phương sẽ dễ làm cho con em của chúng ta bị đồng hóa một cách mau chóng và quên đi những cội nguồn của một Dân Tộc. Đây là một hiện tượng mất gốc.
Những bậc cha mẹ có cái gốc từ Việt Nam sinh ra và lớn lên tại đó bằng 30 hay 40 năm trời, chắc chắn rằng cái gốc vẫn còn. Trong khi đó các Thanh Thiếu Niên Việt Nam sinh ra tại hải ngoại, hoặc giả ở Việt Nam chỉ được 5 hay 10 năm và thời gian trưởng thành ở ngoại quốc hàng 10 hay 20 năm. Chắc chắn rằng cái ngọn sẽ nhiều hơn cái gốc. Vì thế hiện tượng bị mất gốc không phải là chuyện khó xảy ra, nếu gia đình đó, cha mẹ kia không truyền thừa được hạt giống tinh thần, đạo đức của cha ông từ trong nước ra hải ngoại. Vì vậy bổn phận của cha mẹ đối với con cái trong gia đình rất quan trọng.
Cái quyền của cha mẹ ở Việt Nam đối với con cái rất nhiều như việc lo cho con ăn học, lo cho đời sống kinh tế, dựng vợ gả chồng v.v… nhưng khi ra ngoại quốc, một số quyền nầy cha mẹ đã bị hạn chế; nên sinh buồn nản và bực dọc con cái mình. Ngược lại, con cái cũng nhân cơ hội đó mà đòi ly khai gia đình và chấp nhận cuộc sống tự do ở nơi đây. Như vậy nền tảng của gia đình sẽ bị tan vỡ. Hay hơn hết cha mẹ nên chấp nhận những cái hay của xứ người, xứ mình, loại trừ những hủ tục của xứ ta và tật xấu của nơi mình đang sinh sống, nhằm trung hòa thế đứng giữa hai thế hệ trẻ và già, cũ và mới. Có như thế cha mẹ vẫn còn giữ được thế đứng của mình và con cái mới vui vẻ chấp nhận một cuộc sống mới.
Đối với học đường
Học đường là lò đúc nhân tài. Điều đó đúng. Vì xưa nay những người làm nên lịch sử không ai là không xuất thân từ học đường cả. Thỉnh thoảng cũng có vài người ngoại lệ, không được đào tạo trong học đường; nhưng họ cũng đã thành danh ngoài xã hội. Ở nhà có ông bà cha mẹ, đến trường có thầy cô, bè bạn. Thanh thiếu niên sẽ học được những gì nơi những vị ấy ?
Ở Á Đông chúng ta thường thường người học trò chỉ học từ lời dạy của ông Thầy, hoặc từ sách vở. Vì thế mới có cảnh phải học thuộc lòng từng chữ, từng câu. Với truyền thống đó, mãi cho đến bây giờ vẫn còn ảnh hưởng mạnh đến một số thanh thiếu niên Việt Nam tại Hải Ngoại. Có lẽ ngày xưa Việt Nam chúng ta bị ảnh hưởng bởi nền giáo dục của Trung Quốc. Khi học chữ Hán, nếu không thuộc mặt chữ, chắc chắn một điều sẽ không đọc thông câu văn đó. Trong khi đó, chữ quốc ngữ hoặc chữ theo mẫu tự La Tinh của Âu Châu, mặc dầu chúng ta không biết nghĩa, chúng ta vẫn có thể đọc được chữ đó như thường. Vì thế cái học của Âu Châu không cần phải học thuộc lòng và nhồi vào óc như cái học của Á Đông chúng ta.
Vả lại Âu Châu ông Thầy chỉ là một vị hướng dẫn mà thôi. Vị Thầy không có quyền tuyệt đối trong việc hướng dẫn tư tưởng cho thanh thiếu niên học sinh, mà Thầy hay Cô giáo chỉ là những người bạn đến trường trao đổi kinh nghiệm học hỏi của mình cho thế hệ đi sau. Châm ngôn Á Châu chúng ta có câu là “Trọng Thầy mới được làm Thầy”. Trong khi đó ở Âu Mỹ Châu người học trò xem Thầy không hơn không kém một người bạn. Điều nầy giữa Âu và Á có cả những điểm hay và những điểm dở của nó. Người Á Châu chúng ta khi dạy trẻ thường hay dùng roi vọt và lời nạt nộ để thị uy làm cho đứa trẻ lo sợ mà học bài. Nhưng chắc chắn một điều là đứa trẻ sợ cái roi và lời nạt nộ hơn là sợ tư cách mô phạm của một ông Thầy. Trong khi đó sự giáo dục của Âu Mỹ là trao đổi kinh nghiệm. Những đứa trẻ có quyền đưa ý kiến của mình trên mọi bình diện, mọi vấn đề. Vì thế khi ra đời, một thanh niên, sinh viên Âu Mỹ chắc chắn dạn dĩ hơn những thanh thiếu niên được giáo dục bằng đường lối Á Châu, chỉ học từ sự hiểu biết của ông Thầy. Dĩ nhiên lối giáo dục nào cũng có cái hay cái dở của nó; nhưng điều quan trọng là chúng ta phải biết chấp nhận cái nào và loại bỏ cái nào.
Có nhiều bậc cha mẹ sợ con cái mình không theo kịp người địa phương, nên cho phép con cái nói toàn tiếng Đức, tiếng Anh, tiếng Nhật mà không hề cho nói tiếng mẹ đẻ. Cho nên sau nầy cha mẹ cũng rất khổ tâm, vì không biết con cái muốn nói cái gì với mình mà cha mẹ cũng không hiểu; vì khả năng ngoại ngữ của cha mẹ có giới hạn. Cho nên một người được gọi là biết giữ gìn truyền thống văn hóa của Dân Tộc, chắc chắn rằng chúng ta sẽ không quên việc cho con cái mình học tiếng Việt và nói tiếng Việt. Việc đọc, nói và viết được một ngoại ngữ là quý, hơn nữa đây là tiếng mẹ đẻ của các thanh thiếu niên nam nữ ngày nay tại hải ngoại lại càng cần thiết rất nhiều.
Chúng ta là người Việt Nam, nếu chúng ta nói tiếng Việt dở thì người Việt mới cười, chứ chẳng ai khen chúng ta nói tiếng ngoại quốc giỏi, trong khi đó lại quên tiếng của mẹ mình sinh ra. Chúng tôi có gặp một người đàn bà Việt Nam có chồng Thụy Sĩ lâu năm, con cái bà ta nói được nhiều thứ tiếng, đặc biệt nói tiếng Việt rất rành, tôi có hỏi là sao các cháu nói tiếng Việt rành thế
? Người mẹ Việt nam trả lời rằng: Bạch Thầy “các cháu phải nói tiếng mẹ đẻ của cháu chứ”. Nghe câu trả lời rất đơn giản; nhưng ý nghĩa quá sâu sắc. Vì thế các bà mẹ Việt Nam, dầu cho chồng mình là người gì đi chăng nữa, cũng nên cố gắng tập cho con mình nói tiếng Việt thì tương lai con cái mình mới có khả năng hiểu biết về văn hóa của Việt Nam. Trong khi đó cũng có nhiều gia đình cha mẹ là người Việt Nam mà con cái lại nói toàn tiếng ngoại quốc. Vả chăng đây là một hiện tượng không còn gốc rễ nữa?! Nếu gia đình đã vậy thì học đường chỉ là kế thừa những sản phẩm của gia đình mà thôi. Vì thế sự giáo dục của cha mẹ đối với con cái phải cần thẩm định lại.
Đối với tôn giáo
Tôn giáo là đời sống tinh thần của con người. Nếu con người không có tôn giáo tức người đó như gỗ đá, không biết thiện ác, xấu tốt mà chỉ sống theo thị hiếu mà thôi. Tôn giáo tượng trưng cho phần tâm linh hướng thượng của con người. Nếu đời sống vật chất tăng mà đời sống tinh thần giảm, con người sẽ bị khủng hoảng. Ngược lại đời sống tinh thần tăng mà đời sống vật chất không phát triển thì trở nên nghèo nàn, lạc hậu. Vì thế chúng ta cần phải có một đời sống quân bình. Nghĩa là vật chất và tinh thần phải phát triển đều đặn, ngang hàng cùng nhau.
Ở Âu Mỹ ngày nay có nhiều bậc lãnh đạo tinh thần kêu gọi giáo dân, thanh niên, thiếu nữ, nên trở về nội tâm, trở về sống với thiên nhiên. Vì vật chất đã quá nhiều và vật chất đã làm chủ mọi phương diện. Tuy tiếng hô to ấy còn vang vọng đâu đây; nhưng con người tại Âu Mỹ đã bị cuốn hút vào nguồn máy kỹ nghệ, hưởng thụ, cho nên lời ngăn ngừa của tôn giáo vẫn còn xa thăm thẳm.
Trong khi đó tại Á Châu chúng ta hay ngay những thanh thiếu niên Việt Nam tỵ nạn ngày nay tại hải ngoại có được cái may mắn là thừa hưởng một giá trị tinh thần rất nhiều của các tôn giáo Á Châu. Trong đó Phật Giáo đóng góp một vai trò không nhỏ trong việc quân bình đời sống của con người giữa xã hội vật chất như ngày nay tại hải ngoại.
Có nhiều bạn trẻ bảo rằng: Tôi không cần Tôn Giáo. Có lẽ đúng một phần. Vì khi hỏi một người đang mạnh khỏe có cần nhà thương không? Chắc chắn là anh ta trả lời rằng: Không. Nhưng mấy ai trong chúng ta lại được trẻ mãi không già. Mà khi già rồi thì bịnh đau, chết chóc sẽ đến một cách bất thường. Do đó họ phải cần đến Tôn Giáo. Tôn giáo là một chiếc phao, là một cây gậy để cho người chết đuối, hoặc kẻ già nua nương vào đó để sống. Nói như vậy không có nghĩa là Tôn Giáo chỉ cần cho người già mà người trẻ lại chẳng cần. Đức Phật đã dạy rằng: “Cuộc đời là vô thường; nhưng sự chết chóc là chắc chắn”. Ai sinh ra rồi cũng phải chết cả. Mà sự chết đó không chờ ở tuổi tác, hay sự khủng hoảng tinh thần không lựa người để khủng bố, hủy hoại, mà chúng đến cùng lúc và cuộn trôi tất cả vào một guồng máy khổng lồ để nghiền nát đi giá trị tinh thần. Đó là sự phá hủy đi đời sống tâm linh của con người.
Trong khi các thanh thiếu niên Âu Mỹ ngày nay sống không tương lai và đời sống tinh thần bị áp đảo ở nhiều mặt, họ tìm đến Tôn Giáo, nhất là các Tôn Giáo Đông Phương, trong đó có Phật Giáo, thì các thanh thiếu niên Việt Nam tại hải ngoại chúng ta lại vùi mình vào những hưởng thụ vật chất của Tây Phương, mà chắc chắn một điều những sự hưởng lạc tinh thần có tính cách ngắn ngủi nầy chỉ mang con người vào cõi chết như con thiêu thân trước bóng đèn mà thôi.
Vì vậy Tôn Giáo vẫn là một chất liệu dưỡng sinh cho bao nhiêu tâm hồn lạc lõng muốn tìm về cõi sống tâm linh của chính mình, mà, điều nầy chủ nghĩa nào cũng không thể mang lại cho con người được, ngoại trừ Tôn Giáo.
Bên trên chúng tôi đã dựa vào 3 căn bản của Gia Đình, Học Đường và Tôn Giáo để gởi đến các bậc phụ huynh có con em là những thanh thiếu niên tại hải ngoại ngày nay. Nhằm giúp khai thông một vài chỗ uẩn khúc nếu có và đối với thế hệ trẻ, chúng tôi muốn họ nhìn về một tương lai, một chân trời mở rộng, mà chắc chắn giá trị tâm linh phải được quân bình với đời sống vật chất tại xứ người.
Không có một sự giáo dục nào mà không lấy con người làm căn bản cả. Vì vậy dù cho là người gì đi chăng nữa, dầu ở trong nước hay ở ngoại quốc, chắc chắn một điều là con người không thể thiếu một sự giáo dục nhân bản được.
Đứng trước sự trưởng thành của các thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam hải ngoại ngày nay và sự lui về quá khứ của những bậc cha mẹ, chúng tôi tin rằng chúng ta sẽ có một lối thoát, biết chia xẻ cái hay, cái đẹp cho nhau, biết giữ gìn văn hóa, ngôn ngữ và Tôn Giáo cũng như phải biết yêu thương nhau những người đồng loại thì một tương lai Việt Nam huy hoàng bởi những sự đóng góp bằng con tim khối óc của các thanh thiếu niên nam nữ ngày nay tại hải ngoại không phải là chuyện ngoài tầm tay.
Nguyện cầu cho mọi người, mọi loài có được những ý niệm đẹp và cố gắng thực hiện những giá trị nhân bản của con người.
Chùa Viên Giác một ngày vào Đông 89
(Số 54, Tháng 12.1989)