
Vì thế, sau mọi thứ chuẩn bị thì cuối cùng ta đã sẵn sàng phát khởi sự giác ngộ. Việc kế tiếp cần phải làm là đến gặp một guru, và nhờ ông chỉ dẫn trạng thái giác ngộ – ta hãy làm như ông đang cất giữ của cải của ta, làm như ai đó đang sở hữu của cải của ta, và ta đang xin họ trả lại. Đúng vậy, đó là điều đang xảy ra, và ta phải thực hành một loại lễ nghi nào đó. Khi ta hỏi, thầy ta sẽ chỉ dẫn cho ta. Điều này được gọi là sự trao truyền. Từ ngữ trao truyền hay abhisheka đặc biệt được dùng trong Kim cang thừa và giáo pháp Du-già Phật giáo. Nó được dùng nhiều trong truyền thống Tây tạng và trong cả Thiền tông. Trao truyền không có nghĩa thầy ta đang trao cho ta kiến thức hay những khám phá của ông – điều đó không thể thực hiện được. Ngay cả đức Phật cũng không thể làm được. Tuy nhiên, toàn bộ vấn đề là ta hãy ngưng tích góp bất cứ cái gì nữa, và chỉ tìm cách làm trống rỗng bất cứ cái gì ta có. Và để tránh tích góp bất cứ cái gì thêm nữa, để tránh sạt điện cho tự ngã, ta cần hỏi xin người ngoài cho ta cái gì đó, để cảm thấy rằng ta đã được ban cho cái gì đó. Lúc đó ta sẽ không xem đó là của cải của ta được người đó trả lại, mà là cái rất quý giá của người đó. Vì thế ta cũng phải biết tri ân thầy mình. Và đó là sự bảo vệ lớn lao chống lại tự ngã, vì ta không xem đó là cái được tìm thấy trong chính ta, mà là cái người khác ban cho ta. Thầy ta cho ta món quà này; mặc dù trong thực tại, như ta đã nói, sự trao truyền không phải là cái được trao cho ta mà nó chỉ được tìm thấy trong chính ta. Tất cả những gì thầy ta có thể làm là tạo ra một hoàn cảnh. Ông sẽ tạo ra hoàn cảnh đúng, và nhờ hoàn cảnh này và môi trường này mà tâm trí của người học trò cũng sẽ ở trong tình trạng đúng, bởi vì anh ta đã ở đó. Nó giống như đi xem hát: mọi thứ đã được làm sẵn cho ta – ghế ngồi, sân khấu, vân vân – vì thế khi bước vào đó ta tự động cảm thấy rằng ta đang tham dự một sự vụ đặc biệt nào đó. Bất cứ khi nào ta đi đến một nơi và tham gia cái gì đó, ta đều trở thành một phần của nó bởi vì hoàn cảnh đã được tạo ra. Trong trường hợp trao truyền thì hoàn cảnh có hơi khác, tuy nhiên vẫn có một hoàn cảnh. Có thể thầy ta sẽ không nói gì cả, hoặc có lẽ thầy ta sẽ giải thích rất dong dài đề tài nào đó, hoặc có thể sẽ thực hành một nghi lễ nào đó, hoặc cũng có thể làm cái gì đó rất tức cười.
Có câu chuyện kể về Niropa, một pandit Ấn-độ vĩ đại, một mahapandita (Đại Hiền triết), của trường Đại học Nalanda. Ông là một pandit vĩ đại vào thời kỳ đặc biệt đó của lịch sử Phật giáo. Ông được biết đến như là pandit vĩ đại của Ấn – cũng như của toàn bộ thế giới thuộc lãnh vực đó. Ông thuộc lòng tất cả các thánh điển, hiểu biết tất cả triết học và mọi thứ, nhưng ông không vừa lòng với chính mình; vì ông chỉ nói ra những gì ông đã học mà không bao giờ thật sự học được chiều sâu của nó. Thế rồi, một hôm đang tản bộ trong hành lang nhà trường ông tình cờ nghe được một nhóm ăn mày trò chuyện bên lối vào chính. Ông nghe họ nói có một đại sư du-già tên là Tilopa, và khi nghe cái tên này ông hoàn toàn chắc rằng đó chính là guru đích thực của ông, vì thế ông quyết định đi tìm ngài. Ông cho những người ăn mày thức ăn và hỏi xem Tilopa sống ở đâu. Họ chỉ chỗ cho ông nhưng ông cũng đã phải mất khoảng mười hai tháng tìm kiếm. Mỗi lần ông tưởng đã tìm ra đúng chỗ thì người ta lại bảo ông ấy đã đi nơi khác. Cuối cùng ông đến một làng đánh cá nhỏ và hỏi thăm về Đại hành giả du-già Tilopa. Một ngư dân nói, “À, tôi không biết ‘đại hành giả du-già’ gì cả, nhưng có một người tên Tilopa đang sống ở bờ sông dưới kia. Ông ta rất lười và không ăn cá. Ông ta chỉ sống bằng những thứ ngư dân vứt đi – đầu cá, lòng cá, chỉ có thế.” Naropa nghe theo lời chỉ dẫn, nhưng khi đến nơi ông chỉ thấy một lão ăn mày, trông rất yếu ớt, thậm chí ngay cả nói năng e rằng cũng không còn sức. Tuy nhiên ông vẫn quỳ xuống và xin dạy bảo. Trong ba ngày Tilopa chẳng nói gì, nhưng cuối cùng ông gật đầu. Naropa hiểu rằng ông đã nhận mình làm đệ tử. Rồi Tilopa nói, “Hãy theo ta”. Thế là Naropa đi theo thầy mình trong mười hai năm dài, trải qua bao nhiêu gian khó trong suốt thời gian đó. Một hôm Tilopa nói rằng ông rất đói. (Tôi nhắc đến điều này vì đó là một phần của sự truyền trao. Quý vị thấy đó, Tilopa đang tạo ra một hoàn cảnh thích hợp.) Vì thế ông yêu cầu Naropa đi kiếm thức ăn. Bấy giờ, Naropa là một người rất tao nhã – ông sinh ra trong một gia đình bà-la-môn – nhưng ông phải sống qua cảnh này, theo gương Tilopa. Vì thế ông tìm đến một ngôi làng nơi người ta đang tổ chức một tiệc cưới hoặc một bữa tiệc đặc biệt thuộc loại gì đó. Lúc đầu ông cố xin, nhưng người ta cấm xin ăn vào ngày mở tiệc đặc biệt đó. Ông bò vào nhà bếp, lấy trộm một chén cháo và rồi chạy về dâng cho thầy mình. Tilopa hình như rất vừa lòng. Thật vậy, lần đầu tiên Naropa nhìn thấy nét tươi vui tuyệt vời trên khuôn mặt người thầy. Ông nghĩ, “À, thật tuyệt vời. Ta nghĩ mình nên đi kiếm một chén nữa.” Tilopa biểu đồng tình và nói ông muốn một chén nữa. Nhưng lần này Naropa bị bắt. Ông bị đánh gãy tay chân và bỏ nằm dưới đất, dở sống dở chết. Vài ngày sau Tilopa tìm đến bảo, “A, chuyện gì thế? Sao ngươi không về?” Thầy ông có vẻ hơi giận dữ. Vì thế Naropa nói, “Con đang chết.” Nhưng thầy ông nói, “Đứng lên. Ngươi không chết được. Ngươi vẫn phải theo ta trong nhiều năm nữa.” Nghe vậy, ông cố đứng lên và cảm thấy rất bình thường. Quả vậy, chẳng có gì bất ổn cả.
Dịp khác họ đi đến một con kênh thật sâu, đầy đỉa. Tilopa nói ông muốn đi qua và bảo Naropa nằm ngang con kênh làm cầu. Thế là ông nằm xuống, cả người ngập nước. Và khi Tilopa bước qua, Naropa thấy hàng trăm con đỉa bám đầy người mình, và ông đã bị bỏ nằm ở đó nhiều ngày. Những chuyện như thế xảy ra thường xuyên. Cho đến một ngày vào tháng cuối cùng của năm thứ mười hai, ông đang ngồi với Tilopa thì bỗng nhiên Tilopa tháo chiếc giày rồi quất vào mặt ông. Vào đúng khoảnh khắc đó những lời dạy về mahamudra lóe lên trong tâm ông như một tia chớp và ông đã đạt được sự chứng đắc. Sau đó có một bữa tiệc lớn, và Tilopa bảo ông, “Đó là tất cả những gì ta có thể chỉ cho ông. Tất cả giáo pháp của ta giờ đây đã trao hết cho ông. Mai sau, nếu có người muốn đi theo con đường Đại thủ ấn thì phải học và tiếp nhận các huấn thị từ Naropa. Sau ta, Naropa là vị vua thứ hai.” Và chỉ sau đó Tilopa mới giải thích chi tiết mọi giáo pháp cho Naropa.
Đó là ví dụ về sự “trao truyền”. Dĩ nhiên, vào thời đó con người kiên nhẫn hơn và đủ sức lực để trải qua một thời gian dài như thế và cũng được chuẩn bị để làm như thế. Tuy nhiên, ý nghĩa không phải là Naropa chỉ nhận được sự giáo huấn vào thời điểm bị đánh chiếc giày vào đầu. Tiến trình học đạo của ông diễn ra suốt mười hai năm trời mà ông đã trải qua với thầy mình. Tất cả những khó khăn và những giai đoạn khác nhau ông đã trải qua là một phần của việc trao truyền. Đó là vấn đề thiết lập và tạo dựng bầu không khí. Cũng như thế, những nghi lễ trao truyền nào đó, những nghi thức abhisheka, là một phần của tiến trình tạo ra một hoàn cảnh, bao gồm căn phòng, con người, và câu nói, “Trong vòng ba ngày ta sẽ dạy ông, và việc trao truyền rồi sẽ xảy ra.” Bằng cách này, tâm trí người học sẽ mở rộng ra. Và khi người học đã mở rộng ra thì người thầy sẽ nói vài lời, có lẽ không có nhiều ý nghĩa lắm, hoặc có thể sẽ không nói gì cả. Điều quan trọng là tạo dựng được một hoàn cảnh đúng, cho thầy cũng như trò. Và khi hoàn cảnh đúng đã được tạo ra thì đột nhiên cả thầy và trò đều không còn ở đó nữa. Thầy sẽ xuất hiện như một lối vào, và trò cũng xuất hiện như một lối vào. Và khi cả hai khung cửa khai mở thì sẽ có một sự trống rỗng hoàn toàn, một cái một trọn vẹn giữa thầy và trò. Đây là điều thuật ngữ Thiền tông gọi là “sự giao hội giữa hai tâm”. Khi người học giải được công án cuối cùng thì cả thầy và trò đều im lặng. Thầy không nói, “Con đúng rồi” hay “Bây giờ con đã có nó.” Người thầy dừng lại; và học trò cũng dừng lại. Và có một giây phút im lặng. Đó là sự trao truyền – sự tạo lập một hoàn cảnh đúng – đó là tất cả những gì một guru ở bên ngoài có thể làm. Đó cũng là tất cả những gì ta có thể làm. Sự trao truyền chỉ là việc mở ra ở cả hai phía, mở ra toàn bộ sự vật. Tự thân ta mở ra trọn vẹn theo một thể cách mà, dù có thể chỉ trong một vài giây, nhưng bằng cách nào đó nó lại có ý nghĩa vô cùng. Điều đó không có nghĩa là ta đã đạt ngộ, mà là ta đã thoáng thấy được thực tại là gì. Và điều này không có gì để phấn khích hay giật mình, cũng không nhất thiết phải là một kinh nghiệm làm đảo lộn trời đất. Chỉ là một cái gì đó mở ra, một tia chớp lóe lên; chỉ thế thôi. Dù ta thấy nó được mô tả trong kinh sách là “đại an lạc” hay “đại thủ ấn” hay “tâm giác ngộ” hay “satori” – với đủ loại từ ngữ và danh xưng; thế nhưng sát-na thật sự thì rất đơn giản, rất thẳng thắn. Đó chỉ là sự gặp gỡ của hai tâm. Hai tâm trở thành một.
Trích THIỀN TRONG HÀNH ĐỘNG
Nguyên tác: Meditation in Action
Tác giả: Chögyam Trungpa Rinpoche
Đạo Sinh chuyển ngữ
Anh chị em Lam viên có thể liên lạc nhà xuất bản Lotus Media để nhận ấn bản PDF miễn phí, làm tài liệu tham khảo trong việc tu học của mình
(TÂM THƯỜNG ĐỊNH tamthuongdinh@gmail.com)