
Tu học là lên đường, thực hiện một chuyến đi. Người học là lữ khách, và Pháp là phương tiện vận chuyển. Nếu đi đường thuỷ thì phương tiện là “thuyền bè”, đường bộ là “cỗ xe”. Thời Phật chưa có máy bay, tàu lửa, ô-tô, xe máy, xe đạp nên kinh điển không nói đến.
Một người ở một bản làng nào đó ở Lạng Sơn chẳng hạn, muốn đi vào Cà Mau, thì trước tiên phải đi bộ hoặc xe đạp hoặc xe máy ra thành phố, rồi đáp ô-tô về Hà Nội. Từ Hà Nội lại đi tàu lửa hoặc máy bay vào Saigon, rồi đi ô-tô về Cà Mau.
Khi tới Cà Mau, nếu được hỏi phương tiện nào tiện lợi, hiệu quả, và thích hợp nhất, thì chắc chắn người đó phải trả lời là tất cả các phương tiện. Bởi vì giả như trong bản có sẵn một chiếc xe tăng có thể sử dụng được đi nữa thì không ai bị tâm thần đến độ phải lái xe tăng ra bến xe hay chạy thẳng về Hà Nội; và cũng không khờ khạo đạp xe từ Hà Nội vào Cà Mau.
Đối với việc học Pháp cũng thế. Pháp không có cũ-mới, sang-hèn, hiển-mật, lạc hậu hay hiện đại. Đức Phật thị hiện thuyết pháp không chỉ vì con người, cũng không chỉ vì một hạng người nào đó, mà cho tất cả chúng sinh. Thế nhưng tâm tánh mỗi loài mỗi khác, vì thế mặc dù tất cả các Pháp đều có một điểm chung là giúp con người thoát ra khỏi khổ đau, nhưng khi thực hành thì mỗi người vận dụng một cách khác nhau. Để giúp người học dễ dàng chọn Pháp, chư Tổ đề ra 3 nguyên tắc:
– Khế Lý: Pháp được chọn phải là pháp giải thoát rốt ráo, tức có khả năng đưa người học đến chỗ chặt đứt được vô minh & phiền não.
– Khế Cơ: Pháp được chọn phải phù hợp với căn cơ (root ability) của người học; tức đừng quá “nặng” hoặc quá “nhẹ”. Nặng quá thì dễ “đứt gánh” giữa đường; nhẹ quá thì không đủ hành trang để đi được tới đích.
– Khế Thời: Pháp phải phù hợp cho từng thời điểm khác nhau.
Tu học không phải là việc có thể thành tựu chỉ trong một sớm một chiều, mà phải trải qua nhiều đời nhiều kiếp. Mặc dù đức Phật đã khuyên mọi người hãy nương vào Pháp & Luật để đi, nhưng khi chưa giải thoát thì chúng ta không thể biết mình đang ở đâu trên con đường dài, vì thế phải cần có Thầy (Guru).
Thầy là người đã đi qua những chặng đường mà mình sẽ đi; đồng thời biết được mình đang ở chặng nào để có thể giới thiệu loại phương tiện thích hợp và hiệu quả nhất. Đây là 2 phẩm tính cực kỳ quan yếu của người Thầy trong PG vì liên quan đến sự thành-bại của người học.
Trong trường hợp vì chướng duyên—đã từng phạm lỗi phỉ báng Tăng Bảo ở một chặng đường nào đó trong quá khứ chẳng hạn—nên không gặp được một người Thầy như thế thì người học vẫn có thể “lên đường” nếu đã phát tâm. Tuy nhiên cần phải thực hiện 2 bước song hành:
– một mặt vẫn có thể tự chọn Pháp từ trong các Thánh điển, rồi vừa đi vừa tự điều chỉnh dần cho phù hợp với “cơ-thời” của chính mình;
– mặt khác, vừa đi vừa tâm nguyện làm thế nào sớm gặp được người Thầy dẫn dắt. Không chỉ có một mình đức Phật Thích-ca xuất hiện trong thế giới này cách đây hơn 2500 năm, mà đã có nhiều vị Phật thị hiện từ vô lượng kiếp. Trong khoảng thời gian đó không thiếu những người đã đi, đã đến đích, và đã phát nguyện hỗ trợ người mới phát tâm trong bất cứ không gian thời gian nào. Kinh điển mô tả phát nguyện của những vị đó giống như những chiếc “vòng khuyên”. Vì thế, vấn đề còn lại của người học là làm thế nào tâm nguyện của mình đủ mạnh để có thể trở thành những “chiếc móc”. Một khi đã có sẵn chiếc móc trong tay thì không ngại gì có ngày sẽ móc được vào những vòng khuyên như thế.