
Những nỗi đau thời thơ ấu với tôi, thật ghê hồn! Thời thơ ấu của tôi thật dị kỳ, phức tạp, như một bi kịch quá sức lạ lùng. Chẳng phải vì chiến tranh mịt mù trời đất từ những năm trước 1950 vùng Trung Du Bắc Việt, mà còn bao biến cố riêng tư của gia đình và dòng tộc. Mẹ goá bồng bế vào Nam. Làng quê nghèo xơ xác vùng Tây Ninh được vài năm yên bình, rồi giết chóc, cắt cổ, ám sát. Năm 1960, trận Tua Hai gần nhà, bắt đầu nổ ra chiến tranh thật sự. Đêm nào súng cũng bắn từ chập tối đến mờ sáng. Hỏa châu suốt đêm lúc nào cũng lơ lửng trên trời và rơi sát gây cháy nhà. Từng đoàn xe ”công voa” nối nhau có khi chạy tới vài tiếng đồng hồ. Tàu bay chuồn chuồn có khi bay nườm nượp cả hàng trăm chiếc. Đêm, chuồn chuồn bay ngay trên đầu, khạc lửa thành vòi đỏ chói bắn xối xả gần bên. Những xác chết. Những tù binh. Mẹ thì vất vả nhưng nghiêm khắc. Chỉ có điều, sau kinh tối gia đình, ngồi quây quần bóc lạc hay cùng ăn mẹt mía, để khi đi ngủ, bà miên man kể chuyện làng Hiền làng Bục ngoài Bắc, như một cõi sương khói lạ lùng huyền thoại.
Nhà nghèo. Cha xứ già. Chẳng quen biết. Mày mò đi tu, đâm vào những nơi …buồn cười và càng bị mang thương tích thể xác tâm hồn. Thời đó, có lẽ cũng đạo đức đàng hoàng ra phết. Và tâm chao động vì hình ảnh và bút tích diễn cảm của Têrêxa Hài Đồng, và nhất là chuyện đời có vẻ đầy lãng mạn du phương của Phanxico Assisi. Nhưng nỗi bất an, nỗi đớn đau quằn quại ngấm ngầm nào đó chẳng yên. Thomas Merton như tiếng thì thầm mời gọi. Những vần thơ Đường. Những trang Dịch Lý và Đạo Đức Kinh đọc lõm bõm như niềm dịu dàng an ủi. Bất ngờ, được đọc Thiền Luận của Suzuki, được đọc Nẻo Về Của Ý của Nhất Hạnh. Và lòng thật lạ, dù có lẽ cũng chẳng hiểu gì!
Hì hục năn nỉ bắt Dòng phải cho đi núi. Có lẽ để thoả một tiếng gọi lãng mạn hơn là khát khao tu tập. ”Mười năm xưa ta vào Lô Sơn. Dựng túp lều rơm bên sườn dốc thẳm. Chống cây thiền trượng leo núi quanh co. Lên cao. Lên cao. Tuyệt đỉnh sa mù…”. Ông anh trên núi chẳng biết tu pháp gì, cả năm chẳng nói một câu về Thiền về Đạo về Phật. Chỉ khi nào thấy thằng em bất an sợ hãi vì đói, vì du kích vào núi săn ruồng, ông mở miệng nói: Chú, chú, chú xem hoa huệ ngoài đồng!
Cơ duyên với Phật Đạo là như thế! Chẳng học hành tu tập giáo lý giáo pháp đàng hoàng. Chẳng tiếp xúc với chùa chiền và các bậc thạc đức cao tăng. Kinh Phật cũng chỉ đọc lõm ba lõm bõm. Tự mày mò tu thử hết pháp này sang pháp khác, kể cả chơi tí Mật Tông, trong sự tìm cách dung hoà với con đường Kitô Giáo.
Chưa tan đâu. Chưa dứt đâu. Nhưng từ khá lâu rồi, thấy mình cũng vui cũng khoẻ cũng an an một tẹo. Ơ, thì cuộc đời với những diễn biến đủ thứ đủ trò như thế, nhưng có gì là quan trọng và thật sự đâu. Như cơn mơ, như bóng nước, như chớp loè. Được sống qua đủ thứ đủ trò như thế, cũng hay và cũng vui cũng đã điếu một phen. Múa may quay cuồng một giấc mơ. Và ngay trong những bồng bềnh hư ảo đời mình, sao lại càng nghe tiếng gọi mời và thúc dục của một Phương Xa. Tiếng gọi mời và thúc dục của Vùng Trời nào chưa biết mặt. Hôm qua, lõm bõm đọc chơi chút chút về Duy Thức, lòng lại rưng rưng xúc động. Ôi, tất cả chỉ là Thức. Thức làm nên tất cả. Thức bày ra đủ trò trong cuộc đời và bày ra cả vũ trụ này mênh xì mông. Thức hay Tâm cũng là Lời. A. Nhờ Lời mà muôn vật được tạo thành. Dzui nhỉ. Quanh co, quay quắt, đau khổ, kiếm tìm, đủ thứ nọ kia, đời vui đời đẹp đời khốn khổ nọ kia, nghiệp báo nhân quả đủ trò nọ kia, tất cả chỉ là sự diễn bày của Thức, của Lời. Nhảy tỏm bố nó vào trong Lời, nhờ Lời, với Lời, thế là vui, là khoẻ.
Viết về mình chút chút như vậy hôm nay, để gọi là chút niềm tạ ơn lên Phật cùng giáo pháp của Ngài. Giêsu là Pháp, là Đường. Nhưng dường như, Đức Phật lại càng chỉ rõ hơn Con Đường ấy.
Linh Mục Đặng San