
Ngôi cổ tự Việt Nam, Los Angeles, dấu ấn lịch sử của nền Phật Giáo Việt Nam du nhập vào Mỹ. Nơi đó nở ngát một tòa Sen Trắng, một trong những đơn vị đầu tiên tại Hoa Kỳ, miền Nam California, đó là Gia đình Phật tử Long Hoa (1976).
Từ thời khắc này, nhắc đến Long Hoa không chỉ là nhắc lại dấu ấn sử lịch dựng xây, phát triển GÐPTVN tại Hoa Kỳ mà còn là dịp để cùng nhau suy nghiệm về bản sắc của màu Áo Lam mà ròng rã chừng ấy năm hành hoạt, Long Hoa đã đóng góp biết bao nhiêu công sức của bao thế hệ trước sau nơi sân chùa ấy, cho Ðạo, cho Ðời.
Từ giữa thập niên 70 cho đến đầu thiên niên kỷ sau. Long Hoa hiện diện như một biểu tượng tiêu biểu của GÐPTVN trong cộng đồng người Việt tỵ nạn không chỉ khu trú tại địa phương, mà nhiều nơi khác, khi Giáo hội, Tổng Hội, Tự viện, Am thất cần đến, lúc quý Thầy Cô trông cậy, thuở Ðồng hương nương nhờ.
Di ảnh Cố Hòa Thượng Thích Thiện Minh (Phải) do Bác Nguyễn Văn Thắng vẽ
trong dịp kỵ Ôn Thiên Ân và Thiện Minh tại chùa Việt Nam, Los Angeles, hàng năm.
Hình ảnh Long Hoa trùm lấp một bầu trời kỷ niệm khi ta lần giở từng trang Sử Lam hôm nay. Mỗi khuôn mặt hiện lên rực rỡ chính là những tấm lòng Vì ngôi chùa ấy, Với mái Gia Ðình ấy và trên hết, Cho một một đại nguyện Bi-Trí-Dũng, mà ý nghĩa thiết cốt của châm ngôn GÐPT này là sự dấn thân đem Ðạo và Ðời.
Long Hoa, nói cho trọn là bao thế hệ huynh trưởng dìu dắt đơn vị đã làm tròn sứ mệnh của mình trong một giai đoạn lịch sử khi tự thân đã gánh vác vai trò lịch sử từ buổi ban đầu. Và trên con đường lịch nghiệm đó, nước mắt và mồ hôi của bao thế hệ chan hòa đắp bồi cho những nụ cười tươi rạng của đàn em hôm nay, để vui lên, mà đi tiếp.
Và trên con đường thênh thang ngày tháng qua, từng thế hệ theo chân nhau, giờ đây chúng ta sẽ luôn thương nhớ mãi hình ảnh của bác Đồng Phước Nguyễn Văn Thắng, như một chiếc bóng chập trùng, nhưng chưa bao giờ khuất dấu trong dòng chảy sử Lam Việt Nam.
Vì một lúc nào khi trở về Ngôi Nhà Chung Quảng Ðức, nhìn quanh trên những mảnh tường vôi, vẫn còn như mới những tác phẩm mỹ thuật, những chiếc phù hiệu mà tự tay bác tỷ mỷ thực hiện cho bao kỳ trại và đại hội, nhạc hội… Một ngày nào đó, giữa sân chùa cổ Việt Nam, phũ phục bên họa phẩm chân dung Cố Hòa Thượng Thích Thiện Minh, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên, GHPGVNTN, từ trong đôi mắt của Thầy, rực sáng niềm tin bất diệt nhờ thủ pháp của bác Thắng điểm xuyết… Chừng ấy đủ đã là di sản cho chúng ta chiêm ngưỡng một đời. Di sản của MỘT TẤM LÒNG vì, với và cho GÐPT, thủy chung trọn vẹn!
Những lúc ấy, chúng ta và những thế hệ các em sau này sẽ nhắc đến một Người: bác Ðồng Phước Nguyễn Văn Thắng!
Kính thương tiễn Trưởng Niên Ðồng Phước Nguyễn Văn Thắng,
Nguyên thành viên BHD Miền Quảng Ðức;
Bác Gia Trưởng GÐPT Long Hoa, Los Angeles
Quảng Pháp Trần Minh Triết
1 thought on “Quảng Pháp: Di Sản của Một Tấm Lòng Thủy Chung Màu Áo”