
Tản mạn về Lịch sử – Truyền thống.
21.7.2016.
Xưa nay, thế hệ đi trước thường áp đặt suy nghĩ, cảm xúc của mình lên các thế đi sau. Mà lịch sử, truyền thống luôn được dùng làm sợi dây trói buộc, gắn kết. Một nếp nghĩ, một cách nhìn diễn đi diễn lại qua nhiều năm, nghiễm nhiên trở thành tín điều thiêng liêng. Đó là cách tuyên truyền cũng như gìn giữ truyền thống quen thuộc ở những xã hội còn mang nặng tính bảo thủ. Đặc biệt, trong bình diện Thế giới phẳng, con người ta càng muốn tìm hiểu, càng muốn cường điệu BẢN SẮC, như một phương thức khẳng định giá trị của cộng đồng mình thuộc về, trước những nguy cơ bị các nền văn hóa lớn nhấn nuốt, hòa tan. Tuy nhiên, khi đứng lui ra xa để nhìn lại lịch sử, truyền thống, sẽ thấy tất cả chỉ như những đợt sóng nhỏ to, cuồn cuộn vỗ bờ, rồi lại hòa tan vào biển cả. Chẳng có thứ gì là bản sắc bất biến, nhưng tất cả đều là bản sắc.
Có thể đơn cử sự thay đổi về kiểu tóc, để thấy được những biến thiên trong quan niệm truyền thống của người Việt tính riêng 500 năm trở lại đây. Trước thế kỷ XV, người Việt có truyền thống cắt tóc ngắn. Sau khi nhà Minh đặt ách đô hộ đã ra lệnh cấm cắt tóc, để rồi sau đó, sử thần Ngô Sĩ Liên than rằng: hai mươi năm biến thành tóc dài, răng trắng, còn gì là người Việt. Nhà Lê cổ xúy mái tóc ngắn thêm được một trăm năm, lại ra lệnh cả nước phải để tóc dài. Nhưng khác với người Minh, người Lê buông xõa tóc ra sau lưng. Truyền thống xõa tóc này duy trì đến hết thời Lê, chấm dứt sau khi nhà Nguyễn lập quốc. Thay vào đó là tục búi tóc vấn khăn, đã sớm được quy định vào năm 1744 ở Đàng Trong. Khi thấy khăn vấn của dân Đàng Trong, sĩ phu nhà Lê, Bùi Dương Lịch thảng thốt: Áo mũ ngàn năm thành cỏ rác. Còn như trung thần nhà Lê là Lê Quýnh, sau khi được vua Thanh thả về nước, đã quyết xõa tóc, mặc áo tràng theo tục Lê, từ chối áo dài, khăn đóng của nhà Nguyễn. Có điều, sau hơn trăm năm dưới sự trị vì của họ Nguyễn, người Việt lúc này đã nhất loạt coi búi tó, khăn vấn là quốc hồn, quốc tục. Đến nỗi, sau khi phải cắt búi tó theo phong trào văn minh, nhiều người Việt đã đau đớn khóc ròng, coi đó là sự đoạn tuyệt với truyền thống tổ tiên ngàn đời.
Câu chuyện tưởng chừng đã khép lại. Nhưng không! Do sự khủng hoảng văn hóa, niềm tin, sự hoang mang về bản sắc, người Việt hiện đại chỉ biết dành nhiều cảm xúc cho chiếc áo dài, khăn đóng, cho cái bánh chưng, bánh tét v.v. mà không cần biết những truyền thống đó có tự bao giờ. Ký ức gần nhất của họ, chính là ông bà, cụ kị sống ở thời Nguyễn. Và khi phục hiện lại những nếp sinh hoạt truyền thống từ cách ăn, cách mặc đến cách sinh hoạt trong những dịp lễ dịp hội v.v. người ta như thể tìm thấy mạch nguồn dân tộc, ít nhất về mặt cảm tính.
Tôi không mong các thệ hệ tương lai tiếp tục mắc kẹt trong những cảm xúc hỗn độn này. Tôi mong họ học rộng hiểu nhiều, để có thể đạt được sự tự do trong tư tưởng, cảm xúc. Khi ấy, học lịch sử là học một cách khách quan, những câu chuyện đã diễn ra trong quá khứ. Từ cách ăn, mặc, ở, từ tư tưởng, lối nghĩ, từ các cuộc chiến tranh chính nghĩa và phi nghĩa. Truyền thống cũng sẽ không còn là sợi dây trói buộc, không phải thứ đem ra nạt nộ, phán xét đạo đức. Nó chỉ là tập hợp những thói quen, lối nghĩ được duy trì trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Nếu muốn, hãy tái hiện nó như một vật trang sức, làm đẹp cho cuộc sống mới, cho tư tưởng mới mà thôi!
Trần Quang Ðức