
A nô luật đà: (阿奴律陀) (? – 1077) Còn gọi là A na luật đà. Là vua nước Miến điện vào thế kỉ thứ XI. Năm 1044, thống nhất Miến điện, lập nên Vương triều Bồ cam, tôn một vị trưởng lão A la hán thuộc Thượng tọa bộ Phật giáo làm quốc sư. Từng sai sứ sang Tích lan thỉnh kinh, tổ chức các vị tăng học giả xem xét so sánh rồi dịch ra tiếng Miến điện. Xác lập Thượng tọa bộ Phật giáo làm quốc giáo, kiến tạo chùa tháp tại các nơi trên toàn quốc và thành lập giáo đoàn. Năm 1070, nhận lời thỉnh cầu của vua Tích lan là Tì xá da bà ha đệ nhất (Vija-yabàhu I), nhà vua phái chư tăng sang Tích lan để giúp việc tổ chức lại Tăng đoàn.
Dòng thời gian không ngừng trôi, sự hiển hiện của Phật giáo trên thế gian như ánh sáng mặt trời xua tan đi sự u ám của đêm đông giá buốt, như đuốc sáng dẫn đường cho tất cả chúng sanh ra khỏi vô minh hướng về tột đỉnh của trí tuệ, của giải thoát. Ngược dòng thời gian trở về xứ Ấn Độ xưa cách đây hơn 2500 năm, vị Thái Tử ưu tú, tài hoa nhất xứ Ấn Độ_Thái Tử Tất-Đạt-Đa bỏ lại sau lưng bao niềm vui lạc thú để đi tìm ánh sáng chân lý và khi sao mai ló dạng Ngài chứng ngộ quả vị Chánh Đẳng Chánh Giác thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni, xuất hiện như vụ cứu tinh của nhân loại, đem lại an vui hạnh phúc cho nhân loại, đem lại an bình cho thế giới. Đạo Phật không còn bị giới hạn về mặt địa lý tại một đất nước mà theo lẽ tự nhiên của dòng chảy, đạo Phật du hóa khắp nơi, lan truyền rộng rãi trên khắp mọi miền, khắp các đất nước, từ Đông sang Tây, từ Bắc sang Nam, từ Âu sang Á, từ thành thị cho đến nông thôn không phân biệt màu da sắc tộc, ở đâu có sự khổ đau thì ánh sáng chân lý hạnh phúc có len lỏi tới, trên lộ trình chiếu sáng ấy như một thiện nhân duyên, Phật giáo đã đi đến vùng đất huyền bí Miến Điện.
Miến Điện là đất nước nằm ở phía Đông Bắc tiếp giáp với Vân Nam Tây Tạng của Trung Quốc, phía Tây thì giáp với Ấn Độ và Pa-ki-xtan, phía Đông lại giáp Thái Lan và Lào, phía Nam giáp vịnh Ben-gan, với vị trí địa lý ấy đã tạo nên sự đa dạng và phong phú trong nền văn hóa và tôn giáo. Từ xưa các nước ở vùng Đông Nam Á lúc đầu đều không có nền văn hóa riêng, nhưng do nằm giữa hai nền văn hóa lớn là Trung Quốc và Ấn Độ, họ đã hấp thu và sản sinh ra nền văn hóa của riêng mình sau này.Đạo Phật không phải là tôn giáo duy nhất được truyền vào Miến Điện, ngoài đạo Phật còn có các tôn giáo khác được truyền vào Miến Điện theo nhiều con đường khác nhau như Hồi giáo, Thiên Chúa giáo, Bà-la-môn giáo, nhưng Phật giáo đã được đón nhận và phát triển thành quốc giáo.
Do thiếu tài liệu lịch sử nên dẫn đến việc nghiên cứu và xác định sự du nhập của Phật giáo vào Miến Điện vẫn còn nhiều khó khăn và có nhiều ý kiến khác nhau nhưng thuyết nào cũng đều có nguyên nhân của nó, họ đều dựa trên một trọng điểm để làm trung tâm.Có nguồn tin cho rằng Phật giáo Miến Điện được truyền từ Ấn Độ, lại có thông tin khác lại cho rằng truyền từ Trung Quốc, Tây Tạng, hay gần hơn là Tích Lan. Bắt nguồn từ một cách mơ hồ như thế, nhưng có thể nói rằng dù được truyền bá theo con đường nào thì Phật Giáo cũng đã và đang phát triển một cách bền vững, đem lại nhiều lợi cho nhân sinh Miến Điện.
Bất kỳ một tôn giáo nào du nhập vào một đất nước mới cũng phải trải qua nhiều thăng trầm sóng gió và đi qua bao cuộc thịnh suy từ lúc du nhập cho tới nay, qua bao triều đại vương quyền, Phật giáo ngày càng được khẳng định rõ hơn sự lợi ích mà bản thân mang lại. Trong lịch sử Phật giáo tại Miến Điện trải qua ba thời kỳ ấn tượng dưới sự lãnh đạo anh minh và sự cống hiến của ba vị vua ở ba triều đại lớn cũng là ba vị anh hùng dân tộc. Đó là vương triều Bồ Cam dưới sự thống lĩnh của vua A-nô-luật-đà, giai đoạn thứ 2 là vương triều Đông Cổ với sự lãnh đạo của vua Mãng Ưng Long, và dưới vương triều Cống Bảng, vị anh hùng dân tộc vua A Não Phách Nhã mà Trung Quốc gọi là Ung Tích Nha cũng đã có nhiều cống hiến đưa Phật giáo ngày càng phát triển hơn. Và trong số đó đáng nói đến với sự thành công rực rỡ và thăng hoa nhất và đã đưa Phật giáo trở thành quốc giáo là dưới triều đại Bồ Cam với sự cai trị của vua A-nô-luật-đà.
Miến Điện có lịch sử thành văn từ năm PL 1588 (1044), sau khi vương triều Bồ Cam do A nô luật đà(1044-1077) dựng nên. Trước đó không có chính sử, có ghi chép cũng chỉ là mờ mịt không rõ ràng, khó tin cậy, Phật giáo cũng vậy, từ sau vương triều Bồ Cam mới có những ghi chép tương đối đáng tin cậy. Vương triều Bồ Cam được thiết lập không phải bắt đầu từ vua A nô luật đà, sử sách Miến Điện cho rằng nó được thiết lập vào thế kỉ thứ 2 PL ( TK 4 BC).Do biến cố chính sự lúc bấy giờ, nên từ thuở ấu thơ A-nô-luật-đà đã theo cha ẩn trong chùa, về sau ông nuôi chí khôi phục lại ngôi vua cho cha, nên khi lớn lên ông tuyên chiến và giết được Tu-ca-đế, ông mời cha lên ngôi nhưng do già yếu nên không đủ sức bèn từ chối và để A-nô-luật-đà lên ngôi. Sau khi lên ngôi ông lần lượt chinh phục quần hùng các cứ và thống nhất Miến Điện, từ đó lịch sử đã mở ra trang mới. Pagan trở thành ngọn nguồn của đất nước, từ đây bắt đầu hình thành văn hóa dân tộc này, A-nô-luật-đà là vị vua rất sùng kính đạo Phật, nên ngay sau khi thống nhất đất nước, ông đã rất chú trọng đến việc phát triển Phật giáo Thượng Tọa Bộ. Ở đây, A-nô-luật-đà bắt đầu tiếp thu tư tưởng Phật giáo dưới sự dẫn dắt của cao tăng Arhano, pháp danh Dhammadassi. Trưởng lão Shin Arhano theo trường phái Phật giáo Thượng Tọa Bộ, có tài hùng biệt, tinh thông Tam tạng, có tâm huyết với sự phát triển Phật giáo và tinh thần quốc gia. Chính nhờ những giải thích rõ ràng của trưởng lão Arhano mà Anawratha am tường giáo lý Phật giáo và rất hiểu về tình hình sinh hoạt Tăng đoàn Phật giáo bấy giờ. Vì vậy, sau khi thống nhất quốc gia, vua A-nô-luật-đà rất chú trọng tới việc cải cách Tăng đoàn và thống nhất giáo lý Phật giáo. Vốn có sự hiểu biết và thiện cảm với Phật giáo Thượng Tọa Bộ nên vua A-nô-luật-đà đã chọn tư tưởng Phật giáo này làm quốc giáo và đưa nó trở thành hệ tư tưởng phổ biến trong dân chúng. Với mong muốn phổ biến rộng rãi Phật giáo trong dân gian, nên Tam tạng Pali trở thành cần thiết. Theo lời đề nghị của trưởng lão Arhano, vua Anawratha phái sứ giả đến xứ Thaton xin được ban tặng Tam tạng và xá lợi Phật. Quốc vương Thaton chẳng những không cho mà còn làm nhục sứ giả. Vua A-nô-luật-đà tức giận phái quân đến đánh Thaton, kết quả Thaton đại bại. Vua A-nô-luật-đà cho thu thập kinh Tam tạng cùng các sách văn vật tại các trung tâm Phật giáo Thaton với hơn 500 nhà sư thuộc Thượng tọa bộ giới luật trang nghiêm, cùng các nhà nghệ thuật, thợ thủ công và cả vua Thaton cũng bị bắt làm tù binh (tu ở một ngôi chùa ở Pagan). Đây là sự kiện lớn trong lịch sử Phật giáo ở Miến Điện(1057), đánh dấu sự hùng mạnh của vương triều Pagan.Để phát triển Phật Giáo trong dân gian nhà vua đã cho xây dựng nhiều chùa tháp, đúc nhiều tượng Phật với kích cỡ khác nhau trên mọi miền đất nước, và ngày đêm trong việc xây dựng chùa tháp Pagan. Pagan hồi đó là kinh đô văn hoá lớn.Cùng với việc biên dịch và hiệu đính toàn bộ Tam tạng, vua A-nô-luật-đà liền cho xây dựng một tòa lầu trang nghiêm hùng vĩ, cất giữ các bộ Tạm tạng để cúng dường Phật, đồng thời còn cho xây dựng nhiều chùa, tháp khắp đất nước Miến Điện, trong đó, nổi tiếng nhất là tháp Shwe-dagon. Khi nhà vua qua đời, ngôi tháp này vẫn chưa xây xong, con ông tiếp tục hoàn tất. Ngôi tháp hình chiếc chuông vàng, trong tháp cất giữ thánh vật là chiếc xương bả vai trước và chiếc răng của Đức Phật. Pagan trở thành một đô thị tâm linh, một cõi đi về của cội nguồn dân tộc Miến Điện.
Chính nhờ sự tận lực hộ trì của vua A-nô-luật-đà, nên Phật giáo vương triều Pagan đã trở thành trung tâm văn hóa Phật giáo Nam truyền lúc bấy giờ. Vua Sri Lanka có lần sai xứ tới Miến Điện để thỉnh cầu vua A-nô-luật-đà ban cho Tam tạng kinh và cử tăng đoàn sang Sri Lanka truyền thừa giới pháp. Vì những cống hiến to lớn cho Phật giáo của A-nô-luật-đà, nên nhà vua được tôn là vua A Dục của Miến Điện.Sau khi A-nô-luật-đà qua đời, người kế nghiệp bất tài, nên đã xảy ra phản loạn. May thay, một người con khác lên nối ngôi, tên là Tilinman đã củng cố lại vương triều. Đây là một vị vua anh minh và cũng là một Phật tử thuần thành, ông tiếp tục mở mang lãnh thổ, phát triển đất nước, và đưa Pagan bước vào thời kỳ phát triển rực rỡ nhất. Tilinman đã xây cho mình một đài kỷ niệm xứng danh, đó là chùa Ananda. Ananda nổi lên lộng lẫy giữa đô thị cổ Pagan, đứng một mình ngạo nghễ giữa trời xanh và thách đố với thời gian.Năm 1300, vó ngựa xâm lăng của Mông Cổ buộc những cư dân ở đây phải rời bỏ thành Pagan cổ kính thiêng liêng, mặc cho những cơn gió cuốn theo lớp bụi vàng của vùng cao nguyên cháy nắng phủ lên những đền đài trầm mặc, cô tịch. Vương triều Pagan tồn tại gần 3 thế kỷ và đều lấy Phật giáo Thượng Tọa Bộ làm quốc giáo. Điều này không chỉ có ý nghĩa thuần tuý về mặt tôn giáo mà còn giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành quốc gia dân tộc, và văn hóa Phật giáo đã trở thành một bộ phận không thể thiếu được trong nền văn hóa Miến Điện. Mặc dù vua A-nô-luật-đà không còn nữa, mặc dù vương triều Bồ Cam chỉ còn là lại trong lịch sử, thế nhưng những cống hiến, những thành tựu mà nhà vua và hệ thống Tăng đoàn lúc bấy giờ để lại là mãi mãi, nó luôn tồn tại trong tâm trí mỗi người dân Miến Điện nói riêng và những người con Phật nói chung. Có thể nói đây là thời đại hoàng kim của Phật Giáo Miến Điện.
HUỆ NHƯ