
Có một tình cảm rất dễ hình dung nhưng khó cảm nhận mãi cho tới khi mình lớn tuổi và có cháu ngoại hay cháu nội. Đó là tình ông bà và cháu.
Sáng Mùng Một, tôi thức dậy sớm đi chùa. Vợ tôi thức dậy lo nấu nướng. Hôm nay cu Huy và em theo ba mẹ về nhà ngoại ăn Tết. Cậu con trai cũng về. Ngoại trừ cô út đã trở lại trường sau lễ Giáng Sinh, gia đình sẽ quây quần ăn Tết.Nhà không đông nhưng “bà ngoại” bận bịu suốt hai ngày. Nấu cúng chay. Nấu cho người lớn. Nấu riêng cho hai cháu ngoại.
Những năm trước, Tết là ngày tưởng nhớ tổ tiên, chúc lành cho nhau, nhưng các cháu còn khá nhỏ. Năm nay cu Huy hơn 5 tuổi và Khải My hơn 2 tuổi. Hai anh em tham gia vào sinh hoạt gia đình nhiều hơn. Khải My hát tối ngày.
Nhiều người nhận xét tình thương ông bà và cháu là tình thương bao dung nhưng không phải nặng gánh và ít trách nhiệm trực tiếp hơn là cha mẹ. Tôi không thấy điều đó trong “bà ngoại” của hai cháu ngoại nhà tôi. “Bà ngoại” lo lắng cho hai cháu từng chút và ngủ không được nếu cháu nào bị cảm sốt.
Yếu tố chính theo tôi vẫn là thời gian gần gũi nhau. Vì không còn nhiều thời gian nên chúng ta trân quý từng phút giây có được bên nhau. Các cháu lớn rất nhanh trong khi chúng ta không còn lớn nữa. Các cháu là những mầm xanh không ký ức trong khi chúng ta là những chiếc lá vàng cuối thu cố bám vào kỷ niệm.
Tôi tập Khải My nói vài câu cách ngôn tiếng Việt. Câu đầu tiên cô bé học là “Tình thương không đáy”.
Người đời thường nói “Lòng tham không đáy” nhưng tôi nghĩ dạy cháu như vậy là tiêu cực. Phân tích cho cùng, “lòng tham” không phải là “nhân” mà là “quả”. Thay vì nhắc nhở về những tánh không tốt của con người, chúng ta nên khơi dậy những hạt mầm tình thương đã có sẵn trong tâm hồn cháu. Tình thương sẽ thắng lòng tham.
Dĩ nhiên cô bé không hiểu “Tình thương không đáy” là gì. Nhưng điều đó không quan trọng. Rồi một ngày cháu sẽ hiểu. Lời ru ngọt ngào của mẹ các con cũng không hiểu. Nhưng các con lớn lên từ đó. Những giọt nước thánh thiện nhỏ xuống tâm hồn con mỗi đêm và nuôi con lớn thành người.
Ngày xưa tôi có làm bài thơ để chỉ sự bất hạnh của việc thiếu lời ru trong đó có đoạn:
Mẹ tôi ra đi sớm
Tôi lớn thiếu lời ru
Đời như cây thiếu nước
Khô cằn và hoang vu
Từ khi tôi thiếu mẹ
Cơm chẳng bữa nào ngon
Bài học hoài không thuộc
Đêm giấc ngủ chưa tròn…
Nhưng rồi khi vào chùa cây đa già giúp ru tôi ngủ. Khi ra đi tôi có làm bài thơ Nhớ Cây Đa Chùa Viên Giác để cám ơn cây.
Ða làm mẹ vỗ về tôi giấc ngủ
Ða làm cha che mát những trưa hè
Ða làm bạn quây quần khi rảnh rỗi
Ða làm người chơn thật chẳng khen chê
Mỗi buổi sáng tôi một mình ôm chổi
Quét lá vàng như quét nỗi cô đơn
Lá vẫn rụng khi mỗi mùa thu tới
Như đời tôi tiếp nối chuyện đau buồn….
Giống như âm nhạc, ngôn ngữ của tình thương không cần phải diễn tả bằng lời nói hay chữ viết mà bằng âm thanh. Đêm nghe tiếng lá đa xào xạc, ngồi bên bờ suối nghe tiếng suối reo hay dạo trên đồi cỏ xanh nghe tiếng gió thổi đều có tác dụng làm dịu tâm hồn.
Tình thương không đáy.
Thị Nghĩa Trần Trung Đạo