
Lạnh từ phương nào tràn xuống, phố Bụi Bolsa mưa rả rích suốt buổi sáng như chờ một điều gì đang đến…
Đến hay Đi? Tôi thật sự không biết!
Tuần trước Chị Thu và Phẻ về Nam Cali để tham dự một sinh hoạt chủ đề văn hóa của Viện Việt Học. Dịp này lại có duyên gặp được chị Kim Ngân và Mỹ Hạnh, những khuôn mặt dễ thương và những tấm lòng bền bĩ vì tha nhân, vì tương lai tuổi trẻ Việt Nam nơi xứ người. Ngồi quanh bàn ăn tối, anh chị em lại nhắc đến Anh. Chị Thu kể, mẫu chuyện cuối cùng bên giường tử sinh, anh Lân chân thiết: “Các em sám hối cho Anh”.
Nghe ngậm ngùi và thương!
“Hạnh nguyện hộ trì Phật Pháp
Năng hành xây dựng nhà Lam
Vụng về, thành tâm sám hối
Anh về mở cõi thênh thang”
Tâm Thường Định, Cõi về thênh thang
Hôm qua Sung nhắn, trong bụng đã ưng thực hiện hai câu đối của Sung tiễn Anh mà không đợi bạn lên tiếng hỏi. Sáng ra Phẻ gởi thêm bốn câu thơ nữa, trong thơ Phẻ viết mấy chữ “vụng về, thành tâm sám hối”. Vụng về trong ý nghĩa đó là vô tình, không biết.
Không biết thì không mang tội!
Nhưng một lần Ôn Đỗng Tuyên dạy, người đi đường vô tình giẫm lên loài sinh vật, tuy ngộ sát, nhưng nghiệp vẫn thành lập. Tất nhiên hiểu Nghiệp một cách tích cực, là động lực để mình chuyển hóa, không phải để trừng phạt hay khen thưởng.
Sám hối vì vậy, là tư tưởng chủ đạo của một người từng trải, chí ít đã kinh qua toàn bộ lịch sử của Tổ chức GĐPT Việt Nam và của bản thân nên không ai ngoại lệ, cần thành tâm thực hiện khi sống và ở giờ phút cận tử cũng như lúc ra đi.
“Các em sám hối cho anh”. Tất nhiên đó là sự trợ lực quý báu cho Anh, nhưng cũng từ lời trối trăng này, có một thông điệp được nhắc nhở: hết thảy chúng sinh, trên đường hăm hở đi tới tương lai dù rực sáng, chắc gì không một lần vụng về vô tình giẫm nên những nỗi đau tình cờ!
Bấy giờ, Sám Hối chưa bao giờ là pháp thực hành buông xả thi thiết nhất, như lúc này…
Từ chốn Bụi, vọng kính tiễn Anh về Lạc Bang.
Mặc Cốc, 14 tháng Giêng, 2023
Uyên Nguyên – Trần Minh Triết