
Những ngày cuối đời, tuổi già sức yếu. Trên chiếc xe lăn, người ta đẩy Hòa thượng ra giữa sân khấu rồi gắn cho Thầy những chiếc huân chương. Giữa âm thanh kinh động của những bàn tay tự đắc, hẳn những ai còn thương Đạo, thương Thầy vẫn nghe ra bao nỗi ngậm ngùi. Ai thấu!?
Những ngày sau đó, các cơ quan truyền thông báo chí nhà nước nối đuôi Tuyên giáo Trung ương đã đưa tin theo một định hướng, mà ý nghĩa và tâm lý định hướng gì thì rất dễ hiểu, ngoài trừ, chúng ta không muốn hiểu!
Buổi ấy người ta thay Hòa thượng nói, rồi thay Hòa thượng vỗ tay. Riêng Hòa thượng vẫn ngồi bất động. Tâm đã bất động từ lâu!
Sau năm 1975, người ta ngỡ Hòa thượng đã đem giao Viện đại học Vạn Hạnh cho nhà nước. Nhưng cái mà Hòa thượng giao nếu có, buộc phải, chỉ là cái cơ sở vật chất. Riêng cái phần hồn, là di sản văn hóa-tư tưởng Vạn Hạnh – là của tất cả Tăng chúng Giảng sư lẫn Sinh viên, Cư sĩ… từng thọ ân nơi mái trường này, thì không ai có thể lấy đi được, đồng nghĩa mọi người có bổn phận bảo tồn và phát huy chứ không riêng một mình Hòa thượng.
Lịch sử không phải đang chứng minh đó sao? Ngày nay, nhiều người trong chúng ta vẫn nhớ, và nhắc về tầm vóc của Viện đại học Vạn Hạnh, những tác phẩm văn hóa giáo dục, hay Tạp chí Tư tưởng, cũng như bao vị Giáo sư và Sinh viên xuất thân từ đây… là dấu ấn của một thời Phật học rực rỡ.
Song, Phật giáo Việt Nam nói chung và Viện đại học Vạn Hạnh nói riêng tồn tại với nhiều sắc thái, không phải để tô vẽ sự rực rỡ của mình, mà trong ý nghĩa của những giai đoạn tối tăm nhất của quốc gia, dân tộc, luôn hiện thân như một dòng Suối Từ âm thầm chảy quanh và thấm biến, nuôi lớn bao tâm hồn Tăng, Ni sinh, Cư sĩ của bao thế hệ kế thừa vẫn luôn ấp đầy lý tưởng tịnh độ nhân gian.
Tâm tình bất xuy động của Hòa thượng buổi đó cho đến lúc viên tịch, ví như lời bày tỏ của thầy Trí Siêu Lê Mạnh Thát trích trong câu đối viếng tang: “nhận lãnh niêm hoa giữ gìn Tổ đạo, vân du về nam địa, chỉ xem Tuệ là nghiệp.”
Buổi đó, nếu Giáo sư Trần Ngọc Ninh nán lại để bảo bọc cho các sinh viên đại học y khoa cũng như bệnh nhân của mình trong một giai đoạn ngắn – thì Hòa thượng đã nán lại suốt một đời, trước sau, mong giữ sáng ngọn đèn Tuệ. Thái độ đó là ác thế thệ tiên nhập, là hành trạng nhẫn nhục của một vị Bồ Tát Thường Bất Khinh.
Hoa vẫn nở từ đất Tâm những hạt giống Thầy gieo trồng. Nhưng thế gian biết còn mấy ai thông đạt nhìn hoa mà mỉm cười!?
Hôm nay, Hoa Đàm số tưởng niệm mười năm Đức Trưởng Lão Hòa thượng viên tịch, 2012-2022, là tấm lòng kết tập vụn vặt của chúng con, những kẻ hậu sinh, vừa gói ghém để kính dâng lên Thầy, bậc ân sư của Gia đình Phật tử Việt Nam, dẫu có lấm lút chút bụi trần, thì cũng xem như tâm hồn hoang sơ của những đứa trẻ vọc cát hồn nhiên cúng dường đức Thích Tôn mà mong Giác Linh Hòa thượng tác đại chứng minh, hoan hỷ và lượng cả bao dung.
Nam Mô Tác Đại Chứng Minh Bồ Tát Ma Ha Tát.