
“Vào một ngày mùa xuân năm 1966, nơi tu viện của bang Kentucky, có hai người tu sĩ thuộc hai truyền thống tôn giáo và quốc tịch khác nhau — một là công dân của quốc gia bị đánh bom và một là công dân của quốc gia đang thực hiện việc đánh bom — đã ôm choàng lấy nhau như anh em”.
Đó là đoạn kết ấn tượng của bài báo đăng trên trang America, The Jesusit Review, ngày 24 tháng Giêng, 2022. Tác giả, Gregory Hillis.
Anh đặt tựa bài báo là: “Tưởng nhớ Thích Nhất Hạnh, nhà sư Phật giáo mà Thomas Merton gọi là huynh đệ của tôi.”
Nhưng Thomas Merton là ai?
Thomas Merton OCSO (915 – 1968) là một tu sĩ Trappist người Mỹ, một nhà văn, nhà thần học, nhà thơ, nhà hoạt động xã hội và là một học giả về tôn giáo.
Ngày 26 tháng 5 năm 1949, ông được tấn phong linh mục Công giáo và được đặt tên là “Cha Louis,” thuộc Tu viện Đức Mẹ Gethsemani, gần Bardstown, Kentucky, và sống ở đó từ năm 1941 cho đến khi qua đời.
Bình sinh Merton đã viết hơn 50 cuốn sách trong khoảng thời gian 27 năm, chủ yếu về tâm linh, về công bằng xã hội và chủ triết lý hòa bình, cũng như rất nhiều bài phân tích và nhận định giá trị. Trong số các tác phẩm nổi tiếng nhất chính là cuốn tự truyện của ông, The Seven Storey Mountain (1948). Tác phẩm kể về cuộc hành trình tâm linh của Merton đã truyền cảm hứng cho rất nhiều cựu chiến binh, sinh viên và thanh thiếu niên trong Thế chiến II. Tác phẩm nằm trong danh sách 100 cuốn sách hay nhất thế kỷ của National Review.
Một trong những dấu ấn của Merton là đã đề xướng việc quan tâm đến sự hiểu biết liên tôn giáo, khám phá các tôn giáo phương Đông thông qua việc nghiên cứu và thực hành của mình. Ông đặc biệt được biết đến vì đã tiên phong đối thoại với các nhân vật tôn giáo nổi bật của châu Á, bao gồm cả Đức Đạt Lai Lạt Ma; thiền sư D. T. Suzuki; Nhà sư Phật giáo Thái Lan Buddhadasa và nhà sư Việt Nam Thích Nhất Hạnh. Ông đã đi nhiều nơi để gặp gỡ các nhân vật này và tham dự nhiều hội nghị quốc tế về tôn giáo. Ngoài ra, ông còn dành thời gian viết sách về Thiền tông, Nho giáo và Đạo giáo, cách mà Cơ đốc giáo có sự liên quan. Bấy giờ, vào thời điểm đó ở Hoa Kỳ việc làm này rất bất thường, đặc biệt là trong các dòng tu.
Trappist Fr. Thomas Merton với Đức Đạt Lai Lạt Ma vào năm 1968,
người mà Merton đã gặp trong chuyến đi châu Á của ông. | Ảnh: Trung tâm CNS / Thomas Merton tại Đại học Bellarmine
Trở lại nội dung chính của bài báo, Gregory Hillis thuật lại, đại ý như sau:
Vào năm 1966, Thích Nhất Hạnh, một nhà sư Phật giáo Việt Nam đã đến thăm Hoa Kỳ trong một chuyến thuyết giảng nhằm bày tỏ với người dân Hoa Kỳ về cuộc chiến Việt Nam từ góc nhìn của một người Việt Nam. Chuyến đi của Thầy gồm một loạt các cuộc gặp gỡ với những chính trị gia, nhà tư tưởng và nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo, bao gồm Martin Luther King Jr., và tháng 5 của năm đó, Thầy gặp vị tu sĩ Trappist Thomas Merton.
Bấy giờ, mối quan tâm của Merton đối với Thầy Nhất Hạnh, vị tu sĩ Phật giáo Việt Nam vừa viên tịch vào ngày 21 tháng Giêng ở tuổi 95, đã tăng gấp bội. Những năm đầu thập ‘60, Merton trở thành người đề xướng tinh thần bất bạo động khi đối mặt với cỗ máy chiến tranh hạt nhân mà ông tin rằng chỉ có thể dẫn đến việc tự sát tập thể. Trong bối cảnh đó, Merton sớm trở thành một nhà phê bình mạnh mẽ về Cuộc Chiến tại Việt Nam mà ông mô tả vào năm 1968 là “vô cùng tàn khốc.” Cũng vì lẽ này, Merton mong muốn được trò chuyện với Thầy Nhất Hạnh để hiểu cặn kẽ hơn những gì đang diễn ra tại Việt Nam. Đồng thời, Merton cũng muốn nói chuyện với Thầy Nhất Hạnh về Phật giáo cũng như tìm hiểu về truyền thống thanh quy của hệ thống tự viện. Qua cuốn tự truyện The Seven Storey Mountain của Merton, độc giả hẳn sẽ nhận ra sự quan tâm của ông đối với Phật giáo bắt đầu từ khi còn học ở Đại học Columbia, sau khi đọc cuốn sách của Aldous Huxley, Kết thúc và Phương tiện, trong đó Huxley dựa trên các tác phẩm Phật giáo, đã viết về nhu cầu của nhân loại để chấp nhận nếp sống tri túc và thực hành chánh niệm nhằm vượt qua những xung động cơ bản nhất của bản thân.
Linh Mục Thomas Merton (1915 – 1968) | Ảnh: Pittsburgh Post – Gazette
“Merton tin rằng những người quy ngưỡng đạo Phật và đạo Cơ đốc có thể học hỏi lẫn nhau, đặc biệt là trong một thế giới dường như đang tự hủy diệt.
Tuy nhiên, mãi đến cuối những năm 1950, Merton mới bắt đầu nghiên cứu sâu hơn các tác phẩm Phật giáo và trao đổi với các nhà tư tưởng Phật giáo, như thiền sư D. T. Suzuki (1870-1966). Merton trở nên tin rằng các tu sĩ Cơ đốc giáo sẽ đón nhận được nhiều lợi lạc từ việc đối thoại với Phật giáo và không phủ nhận hoặc coi thường những khác biệt thực sự tồn tại giữa Cơ đốc giáo và Phật giáo.
Vào ngày 28 tháng 5 năm 1966, Thầy Nhất Hạnh đến thăm Merton tại Tu viện Gethsemani nhân một người bạn chung, Jim Forest qua đời. Cả hai đã trò chuyện đến khuya. Họ nói về kinh điển, về thiền trong truyền thống của nhau, và về sự hình thành tu viện. Và, họ không quên nói về chiến tranh Việt Nam.
Vài năm sau, khi nhắc lại kỷ niệm từ lần gặp gỡ này, Thầy Nhất Hạnh vẫn còn nguyên niềm xúc động: “Trò chuyện với anh ấy thật dễ dàng. Anh ấy cởi mở với mọi thứ… Anh ta cầu thị, không nói quá nhiều về bản thân mà chỉ liên tục đặt câu hỏi. Và sau đó chú tâm lắng nghe… Tôi bị ấn tượng bởi khả năng đối thoại của Merton…”
Một ngày sau đó Thầy Nhất Hạnh lại có một buổi nói chuyện với các tu sĩ của tu viện Đức Mẹ Gethsemani, tuy nhiên bất ngờ Thầy đã bị mất giọng. Merton liền bước vào và kể với mọi người đại ý những gì hai người trò chuyện trước đó. Qua băng ghi âm còn lưu lại đến nay, rõ ràng Merton đã rất ấn tượng về vị tu sĩ Việt Nam. Ông mô tả Thầy Nhất Hạnh là “một người cực kỳ giản dị và khiêm tốn”, Merton nói với các người anh em của mình rằng Thầy “đích thực là một vị tăng sĩ” mà ông cảm thấy “rất tâm giao”.
Hôm đó, Merton nhấn mạnh với các tu sĩ rằng Chiến tranh Việt Nam “phải được nhìn nhận là biểu hiện của một cuộc khủng hoảng tâm linh,” và do đó, ông đề cao rằng việc tất cả mọi tu sĩ — đối thoại với một tu sĩ anh em từ tình huống ngay cả khi anh ta đến từ một truyền thống khác. Và Thầy Nhất Hạnh đã không e dè khi chia sẻ những gì đang diễn ra trên đất nước của mình. “Mọi thứ đều có thể bị hủy diệt,” Merton nhớ lại câu nói ấy khi hỏi Thầy quan điểm về chiến tranh.
Thiền sư Nhất Hạnh (1926-2022) | Ảnh: Paulist Productions
Merton rất ấn tượng về Thầy Nhất Hạnh, đến nỗi một tháng sau của chuyến viếng thăm, ông đã viết thư cho ủy ban giải Nobel kêu gọi rằng Thầy là “sứ giả thực sự của hòa bình và của các giá trị tinh thần” nên được xem xét trao giải Nobel Hòa bình. Cũng ngay sau cuộc gặp gỡ của họ, Merton đã phổ biến một bài tiểu luận ngắn có tên “Nhất Hạnh Là Huynh Đệ Của Tôi” trên tạp chí Jubilee. Tại đây Merton bày tỏ tình cảm của mình với Thầy Nhất Hạnh bằng những lời lẽ mà qua đó, cũng cho thấy ông đã vỡ mộng như thế nào đối với rất nhiều người Mỹ đồng hương từng ủng hộ Chiến tranh Việt Nam, khiến ông thật ngỡ ngàng.
“… Bây giờ tôi sẽ nói với các bạn một điều rất sâu sắc, mà tôi đã học được sau nhiều năm. Chiến tranh biến những người tử tế thành những kẻ giết người. Vâng, tất cả các cuộc chiến tranh và đối với tất cả những người tử tế… Dẫu cho đó là sự ngây thơ khi muốn hòa bình thay vì chiến tranh, hãy để thiên hạ cho rằng tôi là đứa ngây thơ, vì tôi muốn hòa bình thay vì chiến tranh. Nếu họ nói với tôi rằng họ muốn chiến tranh thay vì hòa bình, tôi sẽ không nói họ ngây thơ, tôi nói họ si mê. Si mê đến mức khó tin khi phái những người trẻ tuổi đi giết những người trẻ tuổi khác mà họ thậm chí không biết, những người chưa bao giờ làm hại ai, chưa bao giờ làm hại họ. Đó là hệ thống hiện tại. Tôi thật ngây thơ? Và thật là điên rồ!” ” | Ben Ferencz
Là những người đồng cảnh ngộ trong một thế giới được đặc trưng bởi sự chia rẽ, Linh mục Merton và Thầy Nhất Hạnh đã chọn cách nhìn thấy ở nhau điều gắn kết họ lại với nhau, để khẳng định với nhau điều mà họ cũng nhìn thấy trong chính mình. Cả hai đều nhận ra rằng con đường dẫn đến hòa bình chỉ có thể được tạo nên bởi phương pháp đối thoại, tập trung vào đó là sự đoàn kết hơn là chia rẽ. Mặc dù Merton không ủng hộ chủ nghĩa tương đối ngây thơ hay chủ nghĩa bầy đàn mà theo cách nói của ông, “chấp nhận mọi thứ mà không suy xét”, tuy nhiên, ông lập luận và khẳng định rằng điều đoàn kết chúng ta phải được công nhận chính là hòa bình.
Đây là nguyên tắc hành hoạt và tinh thần đặc trưng cho cuộc đời của Merton cũng như Thầy Thích Nhất Hạnh. Và giờ đây nó trở thành di sản cho hậu thế.
Vào một ngày mùa xuân năm 1966, nơi tu viện của bang Kentucky, có hai người tu sĩ thuộc hai truyền thống tôn giáo và quốc tịch khác nhau — một là công dân của quốc gia bị đánh bom và một là công dân của quốc gia đang thực hiện việc đánh bom — đã ôm choàng lấy nhau như anh em.
Bấy giờ, như Thomas Merton ta thán:
“Tôi có nhiều điểm chung với Nhất Hạnh hơn là với nhiều người Mỹ, và tôi không ngần ngại nói ra điều này.”
_____________________________
Source: Remembering Thich Nhat Hanh, the Buddhist monk who Thomas Merton called a brother