
Sen Trắng nhận được tùy bút của Trưởng Nhật Lực, vẫn với tâm thái rụt rè, nhưng đầy nhiệt huyết. Điều này gợi nhắc hình ảnh của cố niên trưởng Nguyên Thân Lê Khắc Kỷ – Ủy Viên Lịch Sử BHD/GĐPT Miền Quảng Đức – một đời lam trải nghiệm đầy kinh lịch, nhưng khi nghĩ đến việc đặt bút viết ra một điều gì, vô cùng cân nhắc. Nhật Lực cũng vậy! Nhìn lại một quá trình dài lâu, nếu mỗi Gia đình Phật tử là một trường Việt ngữ, nếu mỗi anh chị Trưởng còn mang trọng trách gìn giữ và trao truyền tiếng Mẹ cho các thế hệ tiếp nối nơi xứ người, vậy Viết là một bổn phận của việc lưu truyền, và viết với tâm thiện lành. Bằng phương tiện viết, thơ và văn, Nhật Lực trải lòng như cách xông xáo lên đường. Sen Trắng là đạo tràng của lam viên bốn phương, với đầy đủ ý nghĩa gởi gắm và chia sẻ tư duy của tất cả Anh-Chị-Em thiết tha với tổ chức.
Lục hòa, con đường tốt đẹp,
nhưng tại sao ít thấy ai đi?
Sau hơn một năm tránh né, chống COVID-19, Tôi tự hỏi nó ở đâu để mà chống, và để tránh? Hiện nay , nhiều đơn vị GĐPT đã trở lại sinh hoạt trong sự dè dặt. Sáng nay tôi khoác Áo Lam cũng dè dặt, sợ lớp bụi đời chồng chất phủ lên màu Áo dày đặc. Tôi phất tay rũ mạnh, bụi bay dày đặc hơn.
Tôi vẫn vượt chướng ngại để học Phật, hiểu Phật mới thấy được Phật; học Pháp mới hiểu được Phật bằng không cứ sống trong ảo tưởng vô minh rồi hình tượng hoá u minh mà gây ra khổ đau cho tự thân, khó để xóa tan sóng mê lầm, sóng cuồng vọng để rồi tạo nghiệp tối tăm.
Mỗi Chủ Nhật tôi vẫn thường như vậy, vẫn tụng kinh Lễ Phật. Lời vọng tâm kinh như tiếng ca u hòai ca ngợi sự rỗng lặng vô ưu, ca ngợi sự thản nhiên trước những biến động vô thường của dòng đời, đặc biệt Pháp lục hòa tôi học được trong kinh điển như chìa khoá mở cửa Hạnh Phúc cho chốn nhân gian, trong GĐPT Pháp Lục hòa đánh phá được những chướng ngại trên con đường Tự độ độ tha…
Nói chuyện với Anh Quảng Pháp, phụ trách trang Sen Trắng những điều suy ngẫm về màu Áo Lam, về những khúc mắc mà nhiều người biết nhưng không thổ lộ, ngại phạm thượng, những khúc mắc về lục hòa trong GĐPT, đó là bài Pháp tuyệt vời đã bị bỏ quên, tôi mạnh dạn hỏi:
– Chào Anh, Long định viết một bài tuỳ bút về “Lục hòa, Con đường tốt đẹp, sao ít thấy ai đi?” nhưng sợ bị phản lại những quy luật của giới Pháp Lục hòa được đức Đạo sư nói ra để dạy cho các đệ tử xuất gia của Ngài lấy đó làm nền tảng căn bản cho nếp sống cộng đồng Tăng đoàn trong hòa hợp, hòa kính và ACE Áo Lam trong một tổ chức GĐPT thực hiện lý tưởng và mục đích nhưng ngại quá… Sợ phạm thượng…
Anh nhẹ nhàng nói:
– Mặc dù thuyết Lục hòa chỉ có thể áp dụng cho Tăng đoàn, là những vị được quan niệm không có tài sản, nhưng trên thực tế thì pháp Lục Hòa vẫn được áp dụng một phần trong sinh hoạt giới tại gia. Về điểm này, ngay như Pháp Yết Ma dành cho Tăng lữ, nhưng gần đây Thầy Nhất Hạnh cũng khuyến khích dùng cho GĐPT, ngay cả với Oanh Vũ. Vì vậy, Long cứ viết theo cảm nhận của Long, quan trọng là mình viết lịch thiệp… Pháp, quan trọng là phù hợp, nên sự cải tiến là cần thiết. Tuy không thành văn, nhưng xét ra Lục Hòa là pháp mà cư sĩ luôn cố gắng thực hành, nên nghĩ viết với tâm thiện thì là pháp. Còn Pháp trong ý nghĩa Kinh điển là phạm trù khác nữa, Nên Long đừng ngại…
Tôi nói tiếp:
– Pháp liên hệ với Văn – Tư – Tu mỗi giai đoạn mỗi khác, Long thấy quý Anh Chị áp dụng Lục hòa gì mà mỗi lần Đại hội hay họp hành không thấp thực thi, cái Tôi và Ta luôn hiện diện.
Anh đáp lại:
– Mình rất mừng là còn người chịu nghĩ và viết ra, cần rất nhiều anh chị em viết luận văn, thường xuyên chứ không phải đợi sau trại, sau bậc học mới viết, cần nêu lên những vấn đền thiết thực, dù gai góc…Viết là đòi hỏi mình suy nghĩ trước, rồi mới viết xuống. Không như nói, buộc miệng là nói không suy nghĩ chính chắn.
Tôi suy ngẫm một lúc rồi viết:
– Long đang cân nhắc nên viết hay không? Vì viết là đụng chạm, không viết thì Tu mà quên tư duy… Thế rồi bẵng đi một thời gian tôi không viết, ngần ngại về những hạt Bồ Đề trên vai, ngần ngại vốn liếng ngôn ngữ, ngần ngại lời thật mất lòng, ngại:
Lời sắc bén, tổn thương dễ vướng
Làn gió đưa âm hưởng ghét thương
Lời phiền muộn không sắc hương
Hạ gục tất cả lụy vương suốt đời
(Nhật Lực, trong bài thơ Ái ngữ)
Sợ vướng vào phiền não, sợ bị la, sợ khẩu nghiệp tạo nhân quả hiện tiền. Cho nên, Pháp Lục hòa là vị cứu tinh từ trong tất cả ô nhiễm quay đầu lại, nương vào tâm thanh tịnh, hồi phục lại vạn đức vạn năng của tự tánh của Anh Chị Em Áo Lam cùng xây dựng một gia đình Phật tử cùng hiểu, xây dựng kiến hòa đồng giải, làm cho chúng sanh chín pháp giới chân thật là tâm phục khẩu phục nhưng Pháp giới đó đã và đang phải ngóng chờ mòn mỏi
Tôi biết pháp hòa kính có năng lực hóa giải tất cả những chuớng ngại của sự đoàn kết, các hàng Thinh Văn cầu Bồ-đề, khi tu tập cần phải ái kính lẫn nhau, ai đã từng thọ trì đều thấy được sức mạnh của Pháp này đã hoá giải mọi xung đột trong cuộc sống, nếu ai ai cũng hiểu rốt ráo lợi lạc, ai cũng dấng thân vì mục đích, lý tưởng thì đẹp biết bao. Tiếc thay!
Nói về khẩu hòa vô tranh đứng trên phương diện giao tiếp chỉ bảo qua ngôn ngữ lời nói lẫn nhau, luôn luôn thể hiện tinh thần khuyến khích khuyên bảo cùng nhau làm thiện, dứt trừ làm ác, dứt bỏ nói lời hai lưỡi… Phật dạy có 4 lời nên nói: Lời chân thật, lời Chánh Pháp, lời nói đưa người nghe hướng thiện và lời Ái ngữ:
Ái ngữ đẹp ,đem vui đại chúng
Nói lời hay ,lợi lạc tứ phương
Một đời chẳng lụy nhiễu nhương
Yêu thương hằng ngự mười phương thanh bình
Nhưng ít ai áp dụng, có lần tôi tham dự đại hội, mỗi người chỉ được phát biểu giới hạn 3 phút, nhưng có những Anh Chị lại dùng những ngôn ngữ khó nghe, sau 3 phút tiếng chuông của Hội đồng Giám sát vang lên, anh chị vẫn nói thao thao bất tuyệt, tự xem ý kiến của mình luôn luôn đúng.
Nói về ý hòa đồng duyệt trên phương diện tư tưởng, lúc nào cũng tôn trọng và ái kính ý kiến người khác, nếu tư tưởng ý kiến đó là đúng, còn nếu không thì hãy cùng nhau bàn bạc cho ra lẽ và vui vẻ chấp nhận, đó là con đường dẫn đến an vui nhưng hiếm khi người đối diện mỉm cười tiếp nhận
Nói về giới cùng sống chung trong một tập thể, lúc nào chúng ta cũng nên tuân thủ cùng nhau tu tập theo giới luật chung đã được đặt ra, khó đồng tu nổi khi ngồi giữa đám đông nhiều chuyện, ngồi giữa đám đông bè phái, ngồi lại là lấy hột trên vai để áp đặt…
Nói về kiến hòa là nói về về chân lý, lý đạo cùng nhau tu tập, đồng giải thật khó khăn khi tôi ta chấp ngã trỗi lên, không ai nghe ai! Ai cũng cho mình là nhất, sự ái kính lẫn nhau không còn nữa… bởi nhận thức để tiếp nhận giáo Pháp tùy căn cơ thì kiến hòa đồng giải ắt có và đủ trí tuệ và từ bi đồng nhất…
Nói đến lợi hòa đồng quân là tất cả mọi thứ của cải vật chất có được từ sự hỷ cúng dường được chia đều cùng nhau một cách bình đẳng một cách hợp pháp, đó là lý thuyết, mấy ai thực thi được?
Lục hòa thông dụng mà chúng ta thường nghe thấy hay thọ trì của tổ chức GĐPT từ đơn vị cho đến cấp Trung Ương nhưng mỗi HTr không thực thi kiến hòa mà tự quyết, rồi tự chia sẻ bởi ai chẳng màng nghe tiếng lòng của ai.
Quên mình vì chúng sanh, vì đàn em là cuộc sống đẹp. Phải bắt đầu từ đây các anh các chị mới hướng dẫn các em mình biết sống vì người khác, sống với tinh thần Lục hòa, Tứ nhiếp, sống với nụ cười bao dung, yêu người như yêu ta, trân trọng người như ta luôn mong được người trân trọng. Pháp Lục hòa của những người con Phật đều thuộc lòng nhưng bị bỏ quên hay chưa thiết thực, hay chẳng mang ý nghĩa đúng sai, hay đã đi ngược vì theo tạo hoá vô minh?
Khuya. Đồng hồ tích tắc điểm chậm về sáng. Tôi thử hỏi nếu Lục hòa là con đường tối thắng thì tại sao Giáo hội và GĐPT Hải ngoại đến bây giờ, lớp lớp tóc bạc rũ Áo chia tay, người khuất bóng hát dây thân ái giọng ca yếu dần rồi một thế hệ trẻ tiếp nối vẫn chưa thấy con đường chung bước, vẫn lại thấy chia năm xẻ bảy và ly tán như hiện nay?
10/29/21
Nhật Lực Lê Khắc Long