
Có một khoản thiếu hụt tài liệu giáo khoa soạn thảo nhằm đáp ứng nhu cầu tu học và huấn luyện hiện tại cho đoàn sinh và huynh trưởng GĐPT Việt Nam tại Hoa Kỳ, điều này không sai! Nhưng rất dư dả một kho kiến thức nhân loại mà chỉ cần chúng ta chịu khó tìm tòi sẽ tiếp cận được, ngay trước mắt. Vấn đề còn lại, chúng ta sử dụng những kiến thức này như thế nào để lợi ích cho bản thân và vận dụng cho tổ chức trong thời đại của mình, ngay cả việc chúng ta đang đi tìm những ý tưởng để làm mới chương trình cũng như nội dung sách giáo khoa của GĐPT như vừa nói.
Thế hệ huynh trưởng hôm nay may mắn hơn các anh chị trưởng lớn ngày xưa nhiều điểm, nhưng đồng thời cũng nên tự vấn tại sao chúng ta có nhiều điều kiện và cơ hội hơn, nhiều lợi thế hơn, lại để tổ chức có nhiều điều bất cập với môi trường hoạt động tại bản xứ. Tất nhiên có nhiều vấn đề và nguyên nhân của nó. Nhưng ở đây, vấn đề tiên quyết là chúng ta cần phải đối diện một cách chân thành với từng vấn đề cụ thể như vậy, để cùng nhau để giải quyết.
Trong lúc mà các cơ chế Hướng Dẫn đang đi tìm một hướng đi mới thích hợp cho toàn cầu, mỗi cá nhân hay một nhóm anh chị trưởng…v.v vẫn có thể đi trước mà không phải chờ đợi. Vì ngày nay cộng đồng Phật Giáo thế giới hoạt động với những mô hình tự do và liên kết, điều đó không hề tạo ra những xung đột nào đối với các phả hệ Phật Giáo vốn có những sắc thái tổ chức, phát triển một cách nghiêm mật riêng.
Thế giới có những tổ chức tăng đoàn mà nhiệm vụ chỉ nhằm khai thác các vấn đề cấp bách của xã hội và các mối quan tâm chung trong thời đại, từ đó đưa ra những tư vấn hỗ trợ cho sự vận hành của cộng đồng Phật giáo toàn cầu, trên tinh thần khế lý và khế cơ, tùy thuận từng địa hạt khác nhau. Think Sangha, là một tổ chức Tăng Đoàn liên kết với Hiệp hội Phật giáo Hòa Bình (BPF) ở Hoa Kỳ, và Mạng lưới Phật tử dấn thân Quốc tế (INEB), có mục đích và tinh thần hoạt động trong ý nghĩa như vậy.
Think Sangha sử dụng phương pháp luận của tổ chức dựa trên tình bạn tương lân và thực hành Phật giáo cũng như lý thuyết và tư tưởng. Các hoạt động cốt lõi của Think Sangha là nối kết và tương tác với các nhà hoạt động tư tưởng, đưa ra các nhận định, phê bình của Phật giáo đối với các cấu trúc xã hội và các mô hình cải thiện xã hội, đồng thời cung cấp tài liệu và nguồn nhân lực cho các khóa đào tạo, hội nghị và nghiên cứu về các vấn đề xã hội cũng như cơ sở hoạt động.
Tăng đoàn thời đại hoạt động như thế, còn GĐPT chúng ta thì sao?
Liệu chúng ta có thể áp dụng chính thức một mô hình mở “think tank” như vậy trong sinh hoạt GĐPT hay không? Bên cạnh sinh hoạt Ban Hướng Dẫn? Mọi ý tưởng trong sáng ban đầu đều được quan tâm, tôn trọng và được chia sẻ rộng rãi kịp thời trên diễn đàn (như Sen Trắng) chẳng hạn, mà không phải nơm nớp lo âu “anh chị lớn theo dõi hay phật lòng.” Một khi nó được đón nhận bởi Tổ chức một cách công khai, và tư duy tích cực từ những người có lòng quan tâm, không nhất thiết là thành viên áo lam, nhưng với kiến văn chuyên môn, nó trở thành trí tuệ tập thể. Tập thể sáng suốt chính trong ý nghĩa này chứ không phải hô hào khẩu hiệu ở mỗi kỳ đại hội rồi phó mặc mọi Phật sự ủy nhiệm cho “Tân Ban Hướng Dẫn”, rồi xong!
Trong những bài trước, chúng tôi nêu lên nhận định của giới nghiên cứu, tôn giáo tại Hoa Kỳ rằng, thế hệ của Anh Chị niên trưởng, vốn đã khó có thể bảo tồn văn hóa và di sản truyền thống, khi mà điều được xem di sản này không nuôi dưỡng được ít nhất là một thế hệ mới trong môi trường mới. Đây là một trọng trách lịch sử đầy thử thách!
Chúng ta thuộc di sản thế hệ thứ 1, nếu điểm từ Huyền Trang 1 đến 5; cũng như Vạn Hạnh I và II tại Hoa Kỳ, là di sản của thế hệ Anh, Chị đầu tiên rời quê hương ra đi với hai bàn tay trắng, gìn giữ và truyền thừa lại. Những trì trệ, bất cập, khủng hoảng bấy giờ, nếu tự vấn bằng cái Bi, cái Trí và cái Dũng, chúng ta sẽ nhìn ra sự giải đãi của thế hệ chính mình – một thế thế hệ kế thừa di sản để phát huy di sản, được trưởng dưỡng ở hải ngoại – Ngoại trừ, ta không còn xem đây là di sản nữa!
Nam Mô Thường Hoan Hỷ Bồ Tát Ma Ha Tát!