
Lắng nghe là khởi đầu của sự thấu hiểu, đồng cảm và yêu thương. Không một tình yêu nào giữa con người với con người, con người với vạn vật, vạn vật với vạn vật, mà có thể thiếu vắng đi sự lắng nghe. Lắng nghe là điều kiện tiên quyết của một thế giới hòa bình và giàu tình thương.
Chất lượng của một mối quan hệ trong cuộc sống xuất phát từ chất lượng của sự lắng nghe lẫn nhau trong mối quan hệ ấy. Nếu con không lắng nghe cha, nếu anh không lắng nghe em,… chúng ta không thể thấu hiểu và cảm thông cho nỗi niềm riêng. Không có sự lắng nghe, sẽ không có sự chia sẻ, bởi lắng nghe là chia sẻ. Không có sự chia sẻ, sợi dây gắn kết sẽ dần đứt gãy. Tình cảm từ đó nhạt phai dần cho đến khi hoàn toàn xa cách nguội lạnh.
Vạn vật trong cuộc sống này từ khi sinh ra đều mang sẵn bản năng phát ra âm thanh. Tiếng khóc của em bé lúc chào đời. Tiếng chim hót buổi sớm mai. Tiếng cựa quậy của một hạt mầm nhô ra khỏi lòng đất. Tiếng suối chảy. Tiếng sóng vỗ rì rào,… Mỗi một âm thanh đều mời gọi ta tĩnh lòng mình lắng nghe, để cảm nhận vẻ đẹp huyền diệu của đất trời bao la, của tạo hóa vĩ đại. Chính vì lẽ đó, biết lắng nghe là khởi đầu của biết ơn và biết yêu thương cuộc sống.
Khi ta lắng lòng mình nghe thanh âm của vũ trụ, ta nhận ra hết thảy những thanh âm này như xuất phát từ nội tại của chính ta. Tiếng suối hình như chảy róc rách trong ta, tiếng trẻ con khóc đã khóc trong ta tự lúc nào, tiếng chim hót véo von như thanh âm tình yêu hoan ca trong trái tim ta, tiếng cha mẹ ta như đã làm ta sống dậy từ tuổi ấu thơ,… Khi lắng lòng mình nghe thanh âm của vũ trụ, ta là một với vũ trụ, ta mở rộng lòng trắc ẩn để ôm chầm lấy từng sinh vật dù nhỏ bé trong vũ trụ bao la. Lắng nghe là khởi đầu của lòng từ bi.
Cuộc sống bận rộn có làm ta xao nhãng quá hay không, khi ta có lúc đã không còn đủ nhạy cảm và kiên nhẫn để nghe hết lời tâm sự của một người bạn. Rồi chính sự lạnh nhạt và hờ hững ấy của ta đã làm người bạn đau đớn và tổn thương. Bạn không còn tìm đến ta để được lắng nghe nữa. Thanh âm của bạn rời đi, sợi dây gắn kết giữa ta và bạn cũng đứt gãy. Trong cuộc đời, ta đã bao giờ hối hận vì mình không đủ nhẫn nại lắng nghe một ai đó hay chưa? Và ta có muốn bản thân mình trở thành một kẻ chống lại những thanh âm đang van nài sự quan tâm chia sẻ?
Bạn hỡi! Ai ai trong cuộc đời này cũng đều có nhu cầu được lắng nghe. Khi ta buồn đau phiền não, hay khi hạnh phúc thăng hoa, ta đều muốn có ai đó sẵn sàng lắng nghe để sớt chia nỗi niềm. Nếu có thời gian cho một ai đó, chỉ mong rằng ta hoàn toàn lắng lại những suy nghĩ, để hoàn toàn lắng nghe và cảm nhận, mà không phán xét, không định kiến. Đôi khi chỉ cần lắng nghe toàn tâm toàn ý vậy thôi, ta đã làm vơi đi nỗi buồn hay làm đầy thêm niềm hạnh phú của đối phương thật nhiều.
Nhưng khi ta đang có những u sầu, đang thật sự phiền não, vậy thì ta phải lắng nghe chính ta trước tiên. Ta có thể từ chối việc lắng nghe thêm những phiền não từ bên ngoài bằng cách chân thành nói lên tình trạng của bản thân: “Tôi đang cần chữa lành tổn thương bên trong. Tôi cần một khoảng trời riêng để thanh lọc tâm trạng. Xin thứ lỗi vì đã không thể sớt chia nỗi buồn cùng bạn bây giờ!” Chỉ cần nhẹ nhàng như vậy, họ sẽ thấu hiểu cho ta. Để khi ta lấy lại được thăng bằng bên trong, ta mới có thể lắng nghe thật chu toàn câu chuyện của người khác.
Biết lắng nghe sẽ biết bao dung. Ai ai có khả năng lắng nghe đều dễ dàng tha thứ cho người khác lẫn cho chính mình, vì trong lắng nghe đã bao hàm sự thấu hiểu và thấu suốt vấn đề. Họ nhận ra ai ai cũng có khó khăn và thử thách riêng, thay vì trách móc và phê phán, sự lắng nghe đủ đầy giúp họ có trọn vẹn sự cảm thông. Bởi vậy, khi ai đó có lỡ làm họ tổn thương, thì họ cũng dễ dàng bỏ qua mọi lỗi lầm, quay về bên trong lắng nghe chính mình và tự giải quyết vấn đề nội tại. Thế nên, người biết lắng nghe là người biết tự chữa lành và là một người vô cùng mạnh mẽ.
Khi thế giới càng có thêm nhiều người biết lắng nghe, những mâu thuẫn, tranh giành, chiến tranh,… sẽ không còn cơ hội lấn át.