
Điện thoại thông minh là phương tiện để các mối gắn kết của con người mở rộng ra ở mức độ xuyên quốc gia. Một người có thể ngồi ở một góc rừng thuộc Cao nguyên trung phần Việt Nam và chuyện trò với người thân hoặc bạn bè trên một cao ốc tại Wall Street, Hoa Kỳ. Chúng ta hả hê vì không cần đi đâu cả, vẫn có thể tiếp cận những thông tin từ mọi miền thế giới…
Và chúng ta chìm đắm trong cái thể giới nửa thật nửa ảo đó. Ngay cả đám bạn ba bốn người ngồi cà phê với nhau, cùng cắm mặt vào điện thoại, và thỉnh thoảng nói chuyện với nhau bằng cách text qua các apps tin nhắn có sẵn smartphone, mà không nhận thấy nhu cầu phải nói chuyện trực tiếp với nhau. Dù có nhiều cảnh báo rằng: điện thoại thông minh đang hủy hoại cách con người tương tác với nhau (như cách vốn có từ khi con người biết giao tiếp với nhau), chúng ta cũng phớt lờ đi và tiếp tục cắm mặt vào điện thoại mà không ngẩng mặt lên ngay cả khi cha/mẹ/vợ/chồng chúng ta hỏi han về sức khoẻ, công việc, bla bla…
Giao tiếp online hầu như chiếm phần lớn nếu không muốn nói là đang dần dần chiếm trọn mọi mối liên hệ hằng ngày của chúng ta, và gần như có xu hướng thay thế toàn bộ mọi giao tiếp offline, đến nỗi khiến chúng ta coi thường những tương tác offline nhỏ nhặt nhưng đầy ý nghĩa. Chúng ta bỏ quên giao tiếp bằng mắt với nhau, thay vào đó là giao tiếp qua màn hình điện thoại thông minh.
Thế rồi, Covid đã đến, nó khiến con người vì hoàn cảnh bị cách ly, giãn cách xã hội, phong toả thành phố…mà buộc phải ngồi một chỗ trong nhà, trong căn hộ, trong bàn làm việc và làm tất cả mọi việc chỉ thông qua máy tính và điện thoại. Covid khiến phần lớn chúng ta, trong một vài tháng hay cả năm trời, không còn mối tương tác offline nào, mà bị buộc phải hoàn toàn online. Covid cho chúng ta ‘cơ hội’ bất khả kháng để được sống như chúng ta muốn (hoặc có xu hướng muốn): sống trên điện thoại thông minh. Covid cho chúng ta ‘cơ hội’ buộc phải trải nghiệm trước điều mà chúng ta trước sau gì cũng tiến đến: cuộc sống online hoàn toàn, ngồi một chỗ và chỉ giao tiếp online.
Và rồi sao nữa? Và rồi khi bị buộc phải online, chúng ta đau đớn nhận ra rằng: cái mà chúng ta nghĩ có thể hoàn toàn hoặc chí ít là phần lớn có thể thực hiện được qua online không thể khiến đời sống này trọn vẹn. Một phần nhỏ còn lại, cái mà chúng ta còn chừa không gian cho các hoạt động không-smartphone trước khi có Covid, lại là phần không thể thiếu, không thể đánh mất, và là thứ để chúng ta thấy mình thực sự SỐNG. Và khi bị buộc phải từ bỏ nó, chúng ta mới thấy được nó quan trọng đối với mình như thế nào.
Bạn biết không? Không một máy ảnh nào dù hiện đại nhất, có thể giúp ta cảm nhận rõ vẻ đẹp huy hoàng tuyệt vời của ráng chiều như khi nhìn bằng mắt thường. Không một bản hoà tấu piano nào được thu lại và phát trên youtube có thể cho ta cái cảm nhận thống khoái như khi nghe tiếng piano trực tiếp phát ra. Và vì thế, không một cách liên lạc online nào đủ THẬT để thay thế cho một cuộc gặp gỡ offline. Và chúng ta nhớ da diết cái cảm giác được ngồi đối diện với nhau, mặt đối mặt, dù không nói một lời, dù chỉ nhìn vào mắt nhau thôi…Không một giao tiếp nào thay thế được giao tiếp trực tiếp bằng mắt thường, tai thường, da thịt thường… Thường thôi, nhưng quý giá, rất quý giá trong mùa Covid này.
Ngôn ngữ được dùng trong cả giao tiếp trực tiếp và giao tiếp qua mạng. Nhưng trong khi các phương tiện online chỉ có thể được thực hiện thông qua vài hình thức giới hạn của ngôn ngữ, thì giao tiếp offine có thể được thực hiện kể cả qua hình thức phi ngôn ngữ. Trong khi một cuộc nói chuyện online cần âm thanh để thể hiện lời nói, cần hình ảnh để thể hiện ngôn ngữ cơ thể; thì giao tiếp offline vẫn tự nó có ý nghĩa mà không cần cả ngôn ngữ lời nói và ngôn ngữ cơ thể. Bạn có để ý cách trẻ em chưa biết nói chơi với nhau không? Ngay cả khi không nói với nhau một lời nào, chúng vẫn có thể vui vẻ với nhau cả ngày trong cách thức phi ngôn ngữ đó.
Lảm nhảm dài dòng như vậy để làm gì? Để cho thấy tác giả, người phải chịu 3 lần cách ly tại gia gần hai tháng trời, đang nhớ da diết bạn bè mình, những người mà trước khi có Covid, người viết nghĩ giao tiếp online với họ vẫn ổn thoả. Là một người chịu chứng trầm cảm đã gần mười năm, tôi rất nhạy cảm với những vấn đề dù nhỏ nhặt, xuất hiện trong đời sống của mình. Và vì sự nhảy cảm đó, tôi biết được rằng không có cái gì có thể thay thế được việc gặp nhau offline, không có gì có thể làm vơi đi nỗi nhớ trừ khi gặp nhau trực tiếp.
Tôi thường không thích nói chuyện qua điện thoại, bởi nó không chỉ không có khả năng làm khuây khoả nỗi nhớ, mà còn khiến nỗi nhớ trở nên khó chịu đựng hơn. Tôi có một đứa cháu gọi mình là ‘cô hai’, nhưng cả nhiều tháng tôi mới gọi đứa cháu, mà tôi yêu quý nhất trên đời, một lần, chỉ vì tôi không chịu được cái cảm giác khó chịu khi kết thúc cuộc gọi. Phải chi tôi có hộ chiếu để đi thăm cháu, thì tôi không cần phải nói gì cả, không cần mấy lời rỗng tuếch ‘cô hai nhớ Côn Bằng’, ‘cô hai thương con rất nhiều’, chỉ bằng một cái ôm thôi, mọi nỗi nhớ sẽ khuây khoả.
Tóm lại, sau Covid, bà con hãy bỏ điện thoại vào một góc, đi ra đường, ngửa mặt cho ánh mặt trời sưởi ấm từng ngóc ngách khuất lấp nhất của tâm hồn mình, và đến ôm từng người bạn, từng người thân lâu ngày không gặp của mình nhé. Covid đã cho chúng ta thấy rõ hơn về chính mình. Hãy cám ơn Covid vì điều đó, vì những thay đổi nhận thức của chúng ta, sẽ thay đổi tương lai của thế giới. Cầu bình an cho Sài Gòn, và bình an cho tất cả chúng ta.
Huỳnh Thục Vy
24/8/2021