
Sau ngày miền Nam sụp đổ
Tại Nha Sưu tầm và Nghiên cứu, Bộ Giáo dục
Đầu tháng 4 năm 1975 lúc tôi đang dự Hội thảo về Nghiên cứu Giáo dục tại Trung tâm NIER, Tokyo, Nhật Bản, thì được tin ở nhà rằng tình hình miền Nam rất nguy ngập và bảo tôi phải trở về gấp. Tôi đổi vé máy bay và về đến Sài Gòn vào chiều ngày 7/04. Công việc đầu tiên trong ngày hôm sau khi đến nhiệm sở là gọi điện thoại cho Jim Woodcock, Phó Đại diện của Tổ Chức Văn hóa Á châu (Asia Foundation) và cũng là một người bạn thân từ ngày tôi bước chân đến Hoa Kỳ. Đến gặp anh, tôi mới biết là tất cả các nhân viên ngoại giao được lệnh phải túc trực tại nhà 24/24 ngoại trừ những lúc phải đi gặp các quan chức Việt Nam. Trong buổi gặp này, Jim cũng cho biết là tên của tôi và gia đình tôi đã được đưa vào danh sách di tản vào đợt sau cùng trong diện ưu tiên cùng gia đình các nhân viên cao cấp khác trong chính chủ Việt Nam.
Trong những ngày kế tiếp, hầu hết các cơ quan của chính phủ tại Sài Gòn đều tập trung vào công tác cứu trợ những người di tản từ miền Trung vào. Nha Sưu tầm và Nghiên cứu (STNC) được các tổ chức quốc tế cho tiền để cứu trợ các sinh viên học sinh từ miền Trung vào, mỗi người mỗi tháng nhận được 20.000 đồng (lớn hơn lương của một thư ký). Các chuyên viên trong Nha STNC (nay gọi là Vụ) nhận nhiệm vụ đi tìm những người mới di tản vào Sài Gòn và lập danh sách. Danh sách chỉ có họ tên, số căn cước (giấy Chứng minh nhân dân), từ đâu đến và địa chỉ tạm trú ở Sài Gòn. Mỗi danh sách sau khi làm xong chỉ cần trình cho Giám đốc ký. Có chữ ký của tôi là các chuyên viên có thể đến bộ phận tài chính để nhận tiền. Tất cả thủ tục chỉ làm xong không quá một giờ. Sau đó họ mang đi phân phát cho những người có tên trong danh sách. Lúc này chúng tôi bận rộn với công tác cứu trợ không có lấy một chút thì giờ để nghĩ đến việc tìm kiếm các phương tiện di tản khác ngoài lời hứa từ phía Hoa Kỳ.
Trong thời gian này vẫn còn những buổi họp giao ban vào mỗi sáng thứ hai hàng tuần tại Bộ Giáo dục, nhưng số người đến họp mỗi ngày một thưa dần. Đến sáng ngày 28/04 tôi nhận được điện thoại của vợ tôi, bảo tôi phải về nhà đưa gia đình ra khỏi cư xá Thanh Đa gấp vì nghe tin cây cầu bắc qua cư xá này sắp sửa bị đánh sập. Tôi lập tức lái xe về nhà đưa vợ con tôi đến cơ quan tạm trú. Lúc này tại cơ quan tôi mọi người cũng bỏ đi đâu hết, mạnh ai nấy chạy, kể cả tài xế cũng vắng bóng.
Buổi chiều, tại Nha STNC chỉ còn có vợ chồng tôi và năm đứa con (đứa lớn nhất 12 tuổi). Trong lúc chính phủ do Tổng thống Dương Văn Minh đang làm lễ tuyên thệ nhậm chức, thì chúng tôi nghe những tiếng nổ vang rền từ phía Tân Sơn Nhất. Rất hoảng sợ, không ai bảo ai tất cả mọi thành viên trong gia đình tôi đều ngồi núp dưới các dãy bàn. Vợ tôi tụng kinh Phật liên tục, điều mà tôi chưa bao giờ nghe trước đó. Tôi tưởng lại có đảo chính. Nhưng một lúc sau mới biết là phi trường Tân Sơn Nhất bị đánh bom. Sáng hôm sau tôi được tin người đánh bom tại phi trường hôm trước là phi công Nguyễn Thành Trung, một sĩ quan thuộc quân chủng Không quân của Việt Nam Cộng hoà đã đào tẩu ra Đà Nẵng nay bay trở về bắn phá. Sân bay Tân Sơn Nhất sau khi bị đánh bom hoàn toàn bị tê liệt. Công tác di tản bằng phi cơ chấm dứt. Đêm ấy gia đình tôi ở lại tại cơ quan.
Từ sáng sớm hôm sau, máy bay trực thăng bay lượn khắp thành phố Sài Gòn, Gia Định và Chợ Lớn để đón các viên chức Mỹ chưa kịp di tản. Một số ít các viên chức và gia đình người Việt may mắn cũng được trực thăng đưa đi. Còn tôi thì lái xe chạy khắp thành phố tìm đường di tản. Người anh vợ tôi, Đại tá Nguyễn Bé cũng tự tìm đường thoát thân riêng. Đêm đó tôi ở lại nhà của anh Quát ở đường Công Lý gần phi trường Tân Sơn Nhất, nay là đường Nguyễn Văn Trỗi. Giống như tôi, anh Quát là người nhận được học bổng đi học Tiến sĩ tại Hoa Kỳ do Tổ chức Văn hóa Á châu tài trợ.
Sáng ngày 30/04 tôi dời đến ở lại tại Trung tâm Truyền hình Giáo dục Đắc Lộ, số 161 đường Yên Đỗ[1]. Tôi có tham gia trong một giai đoạn ngắn lúc Trung tâm mới tiến hành dự án nghiên cứu khả thi. Tại đây tôi xem đài truyền hình phát lúc Đại tướng Dương Văn Minh đọc lời kêu gọi các lực lượng võ trang của Việt Nam Cộng hòa buông súng để tránh đổ máu. Tôi bủn rủn chân tay, không còn một năng lực nào trong người. Tôi nằm suốt buổi chiều đến tối với ý nghĩ là đợi phía Cách mạng đến bắt và số phận của tôi kể như là chấm dứt bất cứ lúc nào từ đây. Đêm đó gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác ở lại Trung tâm này và sáng hôm sau, ngày 1/05, tôi lái xe đưa vợ con về lại cư xá Thanh Đa, trước khi trở lại cơ quan trình diện “Cách mạng”.
Tôi đến Nha STNC trước 8 giờ sáng và đi thẳng lên văn phòng tôi ở lầu 1 chuẩn bị tài liệu để bàn giao cho Ban tiếp nhận của Cách mạng. Trong lúc tôi đang làm việc ở lầu trên thì hai anh cán bộ Cách mạng đến. Khi thấy khói bốc lên từ khu đốt rác dưới đất, một trong hai cán bộ Cách mạng hỏi. Người lao công phụ trách quét dọn trả lời là anh đốt rác của cơ quan như mọi ngày. Nhưng anh Thành, trưởng phòng Hành chính trước đây, nay có mang băng đỏ đứng cạnh đấy trả lời rằng Ông Thu đốt tài liệu mật. Người cán bộ Cách mạng hỏi ông Thu là ai. Thành trả lời là Ông Giám đốc của cơ quan. Sau này khi đi cải tạo, trong hồ sơ của tôi có thêm tội “đốt tài liệu mật”.
Trong những ngày đầu khi có Ban tiếp quản, cơ quan STNC có nhiều chuyện đáng nói. Hơn một phần ba người trong cơ quan đã di tản. Số còn lại đã sống những ngày tràn đầy lo âu về số phận của mình. Đây cũng là những ngày thấy rõ nhân tình thế thái của con người. Ba khối trong cơ quan bây giờ có ba người mới điều hành. Khối hành chính do Thành, trưởng phòng hành chính vừa được bổ nhiệm vào đầu tháng 4 (người mới thấy mang băng đỏ trong những ngày gần đây) đứng ra điều khiển mọi người. Một chuyên viên trong Khối Sưu tầm phụ trách Khối Sưu tầm và một chuyên viên khác phụ trách Khối nghiên cứu. Anh tài xế cũ của cơ quan đứng ra tập hát bài quốc ca của miền Bắc và sắp xếp chỗ ngồi trong các buổi họp của cơ quan. Sau khoảng một tuần có nhiều chuyện nhố nhăng xảy ra ở cơ quan, một chị trước đây làm việc trong Ban trực điện thoại nay chồng đã di tản đã chấp nhận sống với một trong hai cán bộ cách mạng tiếp quản. Chính chị là người kể cho cán bộ cách mạng nắm vững tình hình của mỗi cá nhân còn ở lại trong cơ quan. Có lẽ nhờ chị mà sau hơn một tuần lễ tiếp quản, các cán bộ cách mạng dần dần đã có thái độ đối xử đúng mức hơn đối với từng người một kể cả đối với cá nhân tôi. Trong các ngày hội thảo tại cơ quan, mọi người đều được yêu cầu kiểm điểm công tác của mình trước đây. Có người phát biểu rất trung thực với quan điểm cá nhân mình. Nhưng cũng có một số người khác bày tỏ thái độ “thức thời” của mình[2]. Ngày 27 tháng 5, tức gần khoảng một tháng sau ngày miền Nam sụp đổ, tôi theo những “ngụy quân”, “ngụy quyền” khác lên đường đi học tập cải tạo.
Trại cải tạo Long Thành
Theo thông cáo của Ủy ban Quân quản, mọi công chức từ chánh sự vụ trở lên và sĩ quan trong quân đội Việt Nam Cộng hòa phải chuẩn bị lương thực một tháng để đi cải tạo. Tôi từ giã vợ và các con với hy vọng sẽ gặp lại nhau một tháng sau. Tôi và đứa con đầu của tôi lúc ấy mới được 12 tuổi chở nhau trên một chiếc xe đạp đến địa điểm trình diện tại Trường Trung học Gia Long (nay là Trường Nguyễn Thị Minh Khai). Bầu trời lúc ấy âm u. Trên đường đi tôi thấy cả một tương lai đầy u ám. Tôi chỉ nói một câu ngắn gọn “con cố gắng học” lúc hai cha con chia tay nhau.
Sau một đêm ngủ lại tại địa điểm tập trung, sáng hôm sau chúng tôi có khoảng trên 600 người được xe chở đến Trại Cô nhi tại Long Thành, cách Sài Gòn khoảng 30 cây số về hướng Đông Bắc. Tại đây có khoảng trên 2000 công viên chức của chế độ cũ, kể cả các dân biểu, nghị sĩ, cảnh sát được gọi một từ chung là “ngụy quyền” và có cả một số phụ nữ trẻ hành nghề bán dâm trước đây. Sau đó, Ban quản lý trại đã chia chúng tôi ra thành nhiều khối, ở trong các ngôi nhà lợp tôn khác nhau. Nhóm “ngụy quyền” chúng tôi thuộc Khối A.
Trong thời gian ở trại Long Thành, công việc chủ yếu hàng ngày của chúng tôi là học tập chính trị. Những bài học thường nêu lên tội ác của Mỹ, Ngụy đối với nhân dân, Mỹ không có sức mạnh đáng kể v.v. Đó là những bài học hết sức đau đầu và sau những bài học như thế chúng tôi được yêu cầu phải viết những bài “thu hoạch”. Ngoài ra, điều khó khăn nhất của chúng tôi là phải viết đi viết lại các bản “Tự khai báo”, tố cáo và lên án tội ác đối với Cách mạng, với nhân dân của tất cả những ai, kể cả ông bà, cha mẹ, đồng nghiệp, bạn bè và cả chính bản thân mình. Các buổi tối trại viên có khoảng gần hai tiếng đồng hồ để họp “phê và tự phê” và tập hát các bài ca của Cách mạng. Thỉnh thoảng chúng tôi được đưa đi lao động nhưng thực sự là để tránh bớt những ngày học tập chính trị quá căng thẳng.
Chế độ ăn uống tại trại Long Thành thật tồi tệ đưa đến nạn thiếu dinh dưỡng và bệnh tật. Tôi không chứng kiến có một trại viên nào bị đánh đập, nhưng thỉnh thoảng có một số trại viên bị đưa đi lúc ban đêm và cũng có một số trại viên có bà con là cán bộ Cách mạng bảo lãnh cho về, trong đó có anh Trần Tri, trước đây là Phó Giám đốc của một Nha (Vụ) tại Bộ Thông tin Chiêu Hồi được ông Tổng Bí thư Lê Duẩn cho xe hơi đến trại rước về nhà. Một số anh trước đây làm trong các cơ quan thuế vụ, điện lực cũng được tha về. Thời gian ở trại Long Thành, anh Tri thường cho chúng tôi xem tấm hình gia đình anh trong đó có Tri chụp chung với Tổng Bí thư Lê Duẩn đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng lúc ông đến thăm Sài Gòn vào những ngày đầu tháng 5. Nghe rằng gia đình của Trần Tri đã giúp đỡ ông Lê Duẩn rất nhiều trong thời gian ông hoạt động bí mật tại miền Nam.
Đến cuối tháng 11 năm 1975 thì trong Trại A có khoảng một phần tư được chuyển đi các trại khác hoặc được tha về. Số trên 600 trại viên còn lại, trong đó chỉ có ba người trước đây đã làm việc cho Bộ Giáo dục: ông Nguyễn Văn Bon (Tổng thư ký), tôi (Giám đốc Nha STNC) và Phạm Văn Cung (Giám đốc Trung tâm Innotech)[3].
Khối “ngụy quyền” trên đường ra Bắc
Vào một buồi chiều đầu tháng 10 năm 1976, Ban quản lý trại tập họp các trại viên thuộc khối ngụy quyền và thông báo là Đảng và nhà nước có quyết định đưa chúng tôi đến một địa điểm thuận tiện cho chúng tôi học tập và cải tạo để được sớm về đoàn tụ với gia đình. Liền sau đó yêu cầu mỗi trại viên chúng tôi chỉ mang theo một túi nhỏ các thứ dùng cho vệ sinh cá nhân như bàn chải và kem đánh răng, khăn mặt, còn lại những thứ khác bỏ vào trong một bao bố, có ghi rõ họ và tên, và khẩn trương trở lại ngay địa điểm tập trung, ai tiện đâu đứng đó, không cần đứng theo tổ, đội như thường ngày.
Chúng tôi được lệnh đứng ra thành từng nhóm, theo hàng hai, mỗi hàng 10 người. Nhóm này cách nhóm kia khoảng 15 mét. Đến 8 giờ tối, một đoàn xe GMC chạy đến đậu trước mỗi nhóm. Chúng tôi được lệnh lên xe và ngay sau khi lên xe, họ tuyên bố, để bảo đảm an toàn, chúng tôi phải để cho họ khóa tay lại, mỗi cặp hai người.
Trong đêm tối, xe chạy về hướng Sài Gòn. Chúng tôi nghĩ là có lẽ họ đưa chúng tôi về các trại cải tạo ở miền Tây. Nhưng khi đến Sài Gòn, xe chạy về hướng Tân Cảng và ngừng lại trước chiếc tàu thủy rất lớn mang tên Hải Phòng. Chúng tôi được họ mở khóa tay ra. Tất cả gần 400 người được lệnh ngồi xuống. Không ai được phép đứng lên. Bộ đội và cảnh sát đứng bao vây chúng tôi phòng hờ có kẻ chạy trốn.
Khoảng một lúc sau, chúng tôi được lệnh hàng một lên tàu. Mỗi người phải cố gắng lắm mới lần qua được các thanh sắt làm tạm thay cầu mà không bị rơi xuống sông. Nghe nói có một số người đã bị rơi xuống nước và có người không cứu được. Tất cả khoảng 400 trại viên chúng tôi lên một khoang tàu thường dùng để chở hàng hóa.
Vì là một khoang chở hàng hóa, trong khoang tàu không có phòng vệ sinh hay bất cứ tiện nghi nào khác. Ban hộ tống tù nhân trao cho chúng tôi một số xô có cột dây thật dài để tại bốn góc của khoang tàu để cho chúng tôi đi vệ sinh. Mỗi khi xô đầy thì có người đứng trên boong tàu kéo lên đổ ra biển và sau đó thả xô trống xuống trở lại cho chúng tôi sử dụng tiếp. Khi ai nấy đều ở trong khoang tàu, mỗi người chúng tôi được phát thức ăn khô cho ba ngày.
Theo nội quy của các trại tù, tù nhân chúng tôi chỉ được mặc áo quần đồng phục của trại, không một ai được phép mang đồng hồ, hoặc cất giữ tiền bạc. Những ngày trên tàu chỉ nhìn lên trời từ khoang tàu. Nắng mới biết là ngày và tối là đêm. Chúng tôi hết sức khổ sở trong những ngày ở trên tàu vì ngột ngạt, nóng nực, tù túng. Ban ngày một phần của khoang tàu bị phủ bạt vì họ đề phòng máy bay địch có thể thấy chúng tôi. Ban đêm họ mới cuốn bạt lại để cho chúng tôi có được chút gió. Nằm, ngủ, suy nghĩ về thân phận, vợ con và người thân là những hoạt động chính của chúng tôi trong những ngày nằm trên tàu. Số phận của chúng tôi hoàn toàn đang nằm trong tay của những người chiến thắng.
Đến sáng ngày thứ ba thì chiếc tàu cập bến lúc đó chúng tôi mới biết đó là cảng Hải Phòng. Chúng tôi xuống tàu được một lúc và đang ngồi nghỉ thì thấy một tốp tù nhân khác từ một khoang tàu đầu kia từ từ xuống bến. Khi đó chúng tôi mới biết là trên tàu có hai khoang, khoang phía đầu tàu là chở nhóm tù “ngụy quyền” và khoang phía sau dành để chở khối “ngụy quân”. Nhóm “ngụy quân” trẻ và khỏe hơn nhóm chúng tôi nhiều. Lúc này chúng tôi mới thấy khối già này dù sao cũng được đối xử có phần ưu tiên hơn vì thời gian chịu đựng cực hình trên tàu của chúng tôi tương đối ngắn hơn nhóm “ngụy quân”. Ưu tiên ở chỗ chúng tôi lên tàu sau ở bến Sài Gòn và ra khỏi tàu trước ở cảng Hải phòng.
Sau khi nghỉ ngơi được một lúc, mọi người gồm cả hai khối được phát bánh mì và chuối và được đưa lên xe buýt có vải che chung quanh. Chúng tôi một lần nữa lại được mang còng số 8. Mỗi lần xe ngừng lại, khi có một người đi vệ sinh thì người kia bị khóa chung phải đi theo. Tại nhiều vị trí xe ngừng lại để cho chúng tôi đi vệ sinh có nhiều phụ nữ lao động chạy đến ném đá, chửi rủa chúng tôi thậm tệ, lên án chúng tôi là bọn “quỷ đội lốt người”, mang “nợ máu” đối với nhân dân, đối với Cách mạng.
Đến quá trưa thì chỉ có nhóm “ngụy quyền” chúng tôi đến trại tù “Phú Sơn 4” còn nhóm “nguỵ quân” thì chẳng biết được đưa đi đâu. Đây là một trại tù khá khang trang. Bên ngoài có tường bao bọc và bên trên có kẽm gai và có công an bảo vệ cẩn mật. Không một ai biết đây là ở đâu trên núi rừng phía Bắc. Chúng tôi được phân ra làm từng đội, mỗi đội có khoảng 30 người và được đưa vào ở trong một nhà/buồng. Tôi ở buồng số 6. Như vậy đến lúc này chúng tôi mới biết là nhóm “ngụy quyền” vào trại này chỉ còn dưới 200 người. Số còn lại chẳng biết đã được đưa đi đâu.
Trại Phú Sơn 4
Khu A của chúng tôi lúc đầu chỉ có 6 ngôi nhà/buồng dùng để giam nhóm “ngụy quyền”. Giữa các buồng có tường cao ngăn cách nhau. Diện tích mỗi buồng có sân và một cái hồ chứa nước sinh hoạt khoảng 20mx60m =1200m2. Trong mỗi buồng giam có 18 giường đôi (giường hai tầng), người trẻ nằm tầng trên, người lớn tuổi hơn nằm ở tầng dưới. Trong mỗi buồng có một cầu tiêu. Khi đi cầu, phân và nước rơi xuống một thùng ở phía dưới và sáng hôm sau có thường phạm[4] mang đi và để lại một thùng trống khác.
Trong thời gian đầu lúc mới ra Bắc, chúng tôi chỉ sống và sinh hoạt trong buồng của mình. Mỗi buổi sáng khoảng 7 giờ, cán bộ đến mở cửa. Chúng tôi được lệnh ra khỏi buồng và tập hợp, điểm danh ngay. Sau đó cán bộ khóa trái cửa ngoài. Bên trong chúng tôi làm vệ sinh cá nhân, rồi ăn sáng rất thanh đạm. Khoảng 8 giờ cán bộ trở lại tập hợp chúng tôi lại ngồi nghe đọc báo, hoặc viết các bản Tự khai báo. Đến khoảng 11 giờ thường phạm mang cơm trưa đến. Chúng tôi phải ăn vội vã đến 12 giở 30, điểm danh và bắt vào buồng trước khi cán bộ khóa trái buồng và cổng ngoài. Khoảng 2 giờ chiều cổng ngoài và buồng bắt đầu được mở ra lại. Chúng tôi được tự do một lúc rồi trở lại học tập hoặc nghe đọc báo tiếp. Đến chiều, sau khi ăn tối xong, chúng tôi lại được lệnh tập hợp, điểm danh và vào buồng. Cán bộ lại khóa trái buồng và cổng ngoài. Ban đêm các toán bảo vệ thay nhau đi tuần tiễu.
Sinh hoạt của chúng tôi suốt ba tháng như thế, chỉ nằm trong phạm vi trại và buồng của mình. Thỉnh thoảng có những buổi chiếu phim tuyên truyền, các trại viên ở trong các buồng mới có dịp gặp nhau, nhưng mỗi buồng ngồi một khu riêng, nên không ai được phép trò chuyện với nhau. Chúng tôi hoàn toàn biệt lập với thế giới bên ngoài. Thời gian này chúng tôi không có lấy một mẩu tin nhỏ từ xã hội bên ngoài. Tuyệt đối không có tin tức gì từ vợ con, gia đình và người thân. Chúng tôi vô cùng tuyệt vọng. Có nhiều lúc tinh thần xuống rất thấp, cơ hồ như không thể đứng vững nổi. Sau này nghe kể lại, gia đình chúng tôi cũng tưởng là chúng tôi đã không còn sống.
Ngoài đau khổ về tinh thần, với chế độ ăn uống ở trại, chúng tôi đói triền miên. Đói, suy dinh dưỡng, bệnh tật, thiếu thốn thuốc men đã đe dọa mỗi trại viên chúng tôi. Suốt ngày ai cũng chỉ nghĩ đến ăn uống. Từng giấc ngủ ban đêm cũng bị bệnh đói hành hạ. Có người lúc mới đi trình diện cải tạo khoảng 80 kg nay chỉ còn lại dưới 40 kg. Da bụng đen như da bụng trâu nái. Trông người rất thê thảm.
Vào một buổi sáng gần cuối năm 1976, tất cả trại viên chúng tôi được triệu tập lên hội trường. Vị cán bộ lãnh đạo trại tuyên bố là với chính sách “khoan hồng” của Đảng và nhà nước, chúng tôi được phép viết thư cho gia đình nhưng phải tuân thủ một số nguyên tắc. Chúng tôi chỉ được phép hỏi thăm sức khỏe của người thân và thông báo cho gia đình biết là chúng tôi vẫn khỏe mạnh, học tập tốt, và đang đợi Đảng khoan hồng cho về đoàn tụ với gia đình. Trong thư chúng tôi không được nhắc đến thời tiết, và không được dùng các giới từ như “trong”, “ngoài”, “trên”, “dưới”. Chúng tôi có thể xin gia đình tiếp tế cho thuốc men, thức ăn. Cuối thư ký tên, nhưng không được ghi địa chỉ. Ban quản lý trại kiểm duyệt rất kỹ trước khi thư được chuyển vào Nam.
Hơn một tháng sau, chúng tôi được gọi lên hội trường nhận quà và thư của gia đình từ trong Nam gởi ra. Chỉ có một số rất ít trại viên không nhận được quà vì nhiều lý do: gia đình đã trốn ra nước ngoài, gia đình về quê, gia đình không đủ điều kiện kinh tế để mua quà cho chồng, vợ đã bỏ đi lấy người khác để có điều kiện nuôi con. Trong buồng 6 tôi ở chỉ có một người không có quà từ gia đình. Đó là anh Briu, người dân tộc Katu, trước đây làm Tổng thư ký của Bộ Sắc tộc trong Chính phủ miền Nam và có thời đã đi tu nghiệp ở Hoa Kỳ.
Chúng tôi ai cũng mừng khi nhận được thư và quà của gia đình gửi cho, nhưng không ai không ngậm ngùi và lo lắng. Vợ tôi cho biết là cả gia đình vẫn bình thường và các con còn đến trường. Về công việc kiếm sống, từ ngày tôi đi cải tạo, bà kiếm sống bằng cái máy may cũ và bán một ít bánh kẹo cho con nít trong xóm để sống qua ngày. Vợ tôi cũng nói bà lo là sẽ không có thể tiếp tục gửi quà cho tôi nếu thời gian cải tạo của tôi quá lâu.
Chẳng bao lâu sau ngày nhận được quà, tất cả các trại viên chúng tôi đều được thông báo rằng lao động là một phần trong quá trình học tập cải tạo. Ngày đầu tiên các trại viên “ngụy quyền” chúng tôi xuất trại đi lao động, trên địa điểm lao động có hàng mấy trăm người dân sống đâu đó gần trại đến xem chúng tôi lao động như đi xem xiếc.
Lúc đầu, mỗi xe “cải tiến” chở gạch (chúng tôi mới nghe và thấy loại xe này khi đi lao động) có ít nhất là sáu trại viên: hai người kéo ở trước, hai người đẩy hai bên xe và hai người đẩy ở phía đàng sau. Chúng tôi kéo xe đi từ từ như đi ngắm cảnh. Dân chúng đứng xem chúng tôi và bụm miệng cười khúc khích. Cán bộ quản giáo cũng không hề nhắc nhở gì. Nhưng mãi về sau khi đã lao động quen, chỉ cần một trại viên kéo một xe cải tiến chở đầy gạch và kéo chạy lúp xúp chứ không đi từ từ như lúc chúng tôi mới bắt đầu. Bấy giờ chúng tôi mới hiểu được nụ cười của người dân lúc họ đứng xem khi chúng tôi mới bắt đầu ra công trường lao động bằng tay chân. Mãi đến lúc này chúng tôi mới biết Trại Phú Sơn 4 nằm trong tỉnh Bắc Thái (Bắc Cạn và Thái Nguyên).
Nhóm “nguỵ quyền” chúng tôi ở trong 6 buồng, mỗi buồng một đội. Có đội làm nông nghiệp, có đội phụ trách trồng rau, có đội xây dựng. Tôi ở Đội 5 lúc đầu được phân công làm sắt. Công việc của chúng tôi là uốn những thanh sắt cong quẹo thành những thanh sắt thẳng dài. Thấy cả một đống sắt chồng chất cao vút, ai trong đội chúng tôi cũng ngán ngẫm. Chúng tôi loay hoay mãi không uốn được, phần vì chúng tôi toàn là những người ngồi bàn giấy chưa bao giờ quen lao động làm sắt, phần vì chúng tôi không được cung cấp dụng cụ. Lúc đầu cả đội mỗi ngày không uốn thẳng được một thanh sắt dài 50 mét. Rất may mắn trong đội của chúng tôi có một anh người thấp, gầy, nhưng rất khéo léo. Tên của anh là Mai Như Mạnh. Anh tự sáng chế ra dụng cụ và với dụng cụ ấy, mọi người có thế uốn thanh sắt cong quẹo thành những thanh sắt thẳng rất dễ dàng. Nhờ vậy về sau mỗi giờ mỗi toán có thể uốn được 50 mét (150 mét cả đội). Chúng tôi hoàn thành công tác uốn thẳng cả đống sắt sau khoảng vài tháng. Về sau chúng tôi mới biết là những thanh sắt ấy được dùng để làm các dây thôi lôi chống sét cho các buồng trong trại. Sau khi hết làm sắt, Đội 5 chúng tôi được phân công làm chè gồm các khâu chăm sóc, bón phân và thu hoạch chè và từ đây chúng tôi mới biết thế nào là “một tôm hai lá”. Công việc của Đội chè có lẽ là nhẹ và sạch nhất so với số các đội lao động khác. Bù lại, vào mùa đông lên các đồi chè thì lạnh “nhức xương” và đói vì chỉ được bồi dưỡng bằng nước chè xanh.
Với các đội nông nghiệp, công việc nặng nề hơn nhưng vào mùa thu hoạch, họ được bồi dưỡng bằng củ sắn, củ khoai. Đội trồng rau thì cũng khá dễ chịu nhưng bẩn vì phải gánh phân từ trại ra và phải dùng tay để bóp mịn phân tươi ra trước khi đem tưới rau. Công việc của các đội xẻ, đội làm gạch là nặng nhọc nhất, phần lớn được phân công cho các đội “ngụy quân” thuộc Khu B gồm những người tương đối trẻ và khỏe hơn. Bù lại, họ được Ban quản lý trại cho ăn bồi dưỡng. Khu B là một khu được Đội 4 của nhóm tù “ngụy quyền” xây dựng lên, khoảng trên 6 tháng sau khi nhóm “ngụy quyền” đến trại.
Khu B giam giữ “ngụy quân” gồm có ba đội đặc biệt đáng nói. Một đội gồm các tuyên úy Công giáo trước đây. Đội này chỉ cho lao động trong khu vực Nhà giam, không cho ra ngoài như những đội khác. Một thời gian cả đội được chuyển đi các trại khác. Không ai biết họ đã được chuyển đi đâu. Còn hai đội kia gồm các Tuyên úy Phật giáo. Hai đội này đi lao động như các đội “ngụy quân, nguỵ quyền” khác, có biệt danh là hai đội “dầu lai”. Đơn giản là vì họ ăn phải trái giống trái dầu lai và cả hai đội bị ốm nặng mất ba ngày. Những thầy tu trong đời thường ăn trái dầu lai mà nay lại bị dầu lai “ảo” hành!
Trong thời gian học tập cải tạo tại Trại Phú Sơn 4, các trại viên chúng tôi gặp vô vàn khó khăn. Mỗi người có những loại khó khăn ở mức độ cao thấp khác nhau. Nỗi tuyệt vọng nhất của chúng tôi là không biết ngày nào chúng tôi được tha về vì chúng tôi không ai có án. Ban lãnh đạo trại nhắc nhở chúng tôi rằng Đảng và nhà nước sẽ khoan hồng cho về với vợ con đối với những ai học tập cải tạo tiến bộ, nhưng sự thực không ai rõ các tiêu chí tiến bộ trong học tập ra sao. Thi thoảng có một số ít được tha về thì chỉ là những người có bà con là cách mạng. Những người không có bảo lãnh thì chẳng biết bao giờ sẽ có ngày về.
Lo lắng về vợ con ở nhà cũng chiếm mọi suy nghĩ của các trại viên. Đối với tôi, gia đình nội ngoại không có; tiền bạc, của cải cũng không. Tôi lo lắng chẳng biết vợ con tôi lấy gì để sống cho qua ngày. Hoàn toàn bất lực, cuối cùng tôi đành phải tự an ủi rằng kẻ chiến bại không có quyền quyết định về số phận của mình, ngoại trừ quyền tự kết liễu đời mình như một số trại viên thỉnh thoảng đã làm.
Đói triền miền là mẫu số chung của tất cả các trại viên. Chúng tôi đói ban ngày, đói ban đêm, đói mọi lúc. Có người trước khi ngủ phải xin các bạn tù gom lại được vài lít nước uống mới ngủ được. Anh bạn tên Lai này khi vào trại nặng trên 80 kí lô nay chỉ còn dưới 40 kí, suốt ngày có dịp là Lai chỉ nói đến chuyện ăn. Trong những giấc mơ của anh cũng chỉ thấy chuyện ăn uống, nhưng khi sắp ăn thì giật mình thức giấc. Chúng tôi cũng biết không phải chỉ có tù như chúng tôi đói. Cả nước lúc ấy ai cũng đói, nhưng cái đói của người dân bên ngoài không bức bách như cái đói của chúng tôi trong tù. Chúng tôi ăn bo bo “thiết giáp” (không xát vỏ), thỉnh thoảng mới có một bữa có một bát cơm. Các dịp tết, lễ trong năm chúng tôi mới có được một bữa ăn tươi (có thịt). Quà của gia đình gửi cho gồm thực phẩm và thuốc men ba tháng một lần cũng cứu đói phần nào và giúp chúng tôi vượt qua được những lúc bệnh hoạn.
Đời sống túng quẫn và nạn đói triền miên trong tù cũng làm cho trại viên dù có kiên định đến mức nào rồi dần dần cũng phải buông thả. Đúng như có người nói trại tù tại miền Bắc Việt Nam là hòn đá thử vàng để thử nhân cách của trại viên. Mọi người nghi kỵ lẫn nhau, rồi đi đến tố cáo nhau. Toàn là những chuyện tố cáo nhảm nhí. Chỉ có những chuyện như tổ chức trốn trại, tuyên truyền chống phá Cách mạng v.v. mới có vấn đề. Nhưng tại Khu A trong suốt trên ba năm ở Trại Phú Sơn 4 chưa thấy có những hiện tượng này. Sinh hoạt trong trại vì thế cũng là một trong những vấn đề và là nguyên nhân đã gây nhiều đau khổ và bực bội cho các trại viên.
Tại Trại Phú Sơn 4, lúc đầu tôi làm trại viên của Buồng số 5. Một thời gian sau cán bộ quản giáo chọn tôi làm đội trưởng. Đến khi Ban giám thị bắt đầu đưa cả trại đi lao động, vị sĩ quan phụ trách chính trị cho tất cả trại viên bầu Ban Thi đua của toàn trại từ 6 đội trưởng. Tôi được chọn làm Trưởng ban thi đua. Thú thực, tôi cũng không hiểu tại sao họ lại chọn tôi. Có lẽ họ thấy tôi có bằng cấp cao và hiền lành chăng?
Công việc chính của Ban thi đua là lo gìn giữ vệ sinh và trật tự trong buồng trại; phụ giúp cán bộ tổ chức các sinh hoạt văn nghệ, thể thao trong trại, tổng kết báo cáo hàng tháng của các đội về lao động và học tập của trại viên. Ban thi đua được một điều ân huệ là không phải đi lao động cực nhọc như những trại viên khác và chính điều này cũng là mấu chốt của mọi sự ghen tỵ, nghi ngờ.
Trong một trại cải tạo, làm bất cứ một công việc gì do trại giao cho cũng đều bị anh em trại viên nghi ngờ và không dành cho sự đối xử công bằng. Trong hoàn cảnh cùng cực khó khăn, ít có người chịu thông cảm và độ lượng với người khác. Tôi nắm rất rõ điều ấy và luôn luôn giữ mình để sống với đồng nghiệp của mình mà không thấy hổ thẹn với lương tâm. Cho đến bây giờ, lúc tôi đang ngồi viết những dòng chữ này, tôi vẫn thấy mình chưa làm điều gì sai đối với những người bạn tù trong trại của mình.
Tại trại Hà Nam Ninh
Đến khoảng tháng 10 năm 1979 khi Việt Nam bị quân đội Trung Quốc tấn công vào các tỉnh giáp biên giới ở phía Bắc thì chúng tôi được lệnh chuyển trại. Công việc đầu tiên là Ban quản lý trại sắp xếp chúng tôi thành từng đội theo danh sách của họ. Tôi ở trong một đội chỉ có năm người ở trong đội cũ, số trại viên còn lại từ các đội khác. Hành trình chuyển trại lần này gần giống với lần chuyển trại ba năm trước đây, lúc từ Sài Gòn ra Hải Phòng rồi từ Hải Phòng lên Bắc Thái. Chỉ khác là người dân đến chửi và ném đá chúng tôi lần này vì họ tưởng chúng tôi là tù nhân người Trung Quốc bị bắt khi đến xâm lược Việt Nam.
Khi đến Phủ Lý thuộc tỉnh Hà Nam Ninh, một số xe chở nhóm chúng tôi đưa đến trại Mễ, là một phân trại của Trại Hà Nam Ninh. Còn lại hàng trăm chiếc khác từ Trại Phú Sơn 4 và các trại khác nằm dọc theo biên giới Việt Trung thì được chở vào các phân trại A, B, C và D thuộc Trại Hà Nam Ninh.
Phân trại Mễ là một trại tù rất nhỏ, hẹp, tôi không nhớ rõ diện tích, có lẽ khoảng 2000 mét vuông, được bao bọc bởi bốn bức tường rất cao. Bên trong có các dãy nhà sát nhau và cách nhau bằng những con mương nhỏ làm lối thoát nước. Trại này gần thị xã Phủ Lý dùng để nhốt các “ngụy quân” và “ngụy quyền” mất sức lao động, đa số là người già yếu, bệnh nặng sắp chết. Trong trại lúc chúng tôi đến có 5, 6 người bị bệnh cùi (phong) phải ở cách ly, hai đội gồm các trại viên bị bệnh lao, bệnh xơ gan cổ trướng, hai đội toàn người chống gậy, một đội gồm những trại viên từ 60 tuổi trở lên trong đó có một số Bộ trưởng, nghị sĩ, dân biểu của chế độ Việt Nam Cộng hòa.
Tôi được bố trí ở trong một đội phần lớn trại viên là những người từ Trại Phú Sơn 4 chuyển đến. Cũng như tại Trại Phú Sơn 4, tôi được giao làm trưởng Ban Thi đua và nhiệm vụ của đội chúng tôi là phụ trách vệ sinh trong doanh trại và giúp trại viên trong các sinh hoạt hàng ngày. Ban Thi đua có khoảng 10 người, trừ tôi ra, số còn lại có số tuổi khoảng dưới 35. Đây là những người bạn tù tuyệt vời trong đời tù nhân của tôi. Hồng Khắc Lê Minh, trước đây là một giám đốc trẻ tại Bộ Thông tin. Anh là một người có lý tưởng, có tri thức, có chữ viết và vẽ rất đẹp. Anh rất xông xáo và sẵn sàng giúp đỡ mọi người khi cần. Sau này lúc được tha về, anh vượt biên và đã chết trên đường đi tỵ nạn. Nguyễn Văn Đang, một học sinh cũ của tôi trong thời học trường trung học Nguyễn Huệ ở Tuy Hòa, Phú Yên. Trong chế độ cũ anh là một sĩ quan cảnh sát. Trong thời gian ở trại, Đang đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Những gì nặng nhọc Đang luôn luôn đỡ đần tôi một cách tận tình. Từ ngày được tha về đến nay tôi không có tin tức về anh, nhưng nghe nói hình như anh hiện nay đang sống ở bang California của Hoa Kỳ. Tôi rất mong gặp anh để được nói một lời cám ơn.
Những ngày đầu tại trại Mễ là những ngày kinh khủng. Nhiệm vụ đầu tiên của chúng tôi là dọn dẹp và quét sạch các mương nước đầy máu, đờm, phân, nước tiểu, với mùi hôi thối xông lên nồng nặc. Chúng tôi phải lấy áo che mũi và lao vào làm sạch dần dần các mương với tất cả tấm lòng thành, vì vệ sinh trong trại này quyết định số phận sống còn của chúng tôi. Nếu không làm sạch thì rồi chúng tôi cũng phải bị lây bệnh và chết dần.
Vì trại Mễ được dành cho những tù nhân mất sức lao động nên lao động trong trại này không nặng nhọc như ở Trại Phú Sơn 4. Chủ yếu là làm sạch vệ sinh chung quanh trại và trồng và thu hoạch rau chung quanh trại. Số người chết hầu như tuần nào cũng có. Có người nằm chết trên sạp (giường) đến sáng hôm sau lúc mọi người tập thể dục mới biết. Có người chết ban đêm khi chưa kịp kêu cấp cứu. Có người chết trên đường lúc khiêng ra bệnh viện Phủ Lý. Có người chết tại Bệnh viện Phủ Lý. Cá nhân tôi cũng được đưa ra Bệnh viện Phủ Lý một lần để cắt trĩ và cũng nhờ có lần đi viện này mà khoảng sáu tháng sau tôi mới được tha về vì lý do sức khỏe.
Vào đầu tháng 5 năm 1980, năm năm sau kể từ ngày tôi đi cải tạo, tôi cùng với khoảng 50 trại viên khác tại trại Mễ được tha về. Trong Giấy tha ra trại có ghi tội danh là “Giám đốc ngụy”. Chúng tôi được đưa ra ga Phủ Lý và mỗi người nhận một tấm vé xe lửa và 20 đồng để đi đường. Gần hai ngày sau, vào một buổi chiều, vai mang một cái túi cũ kỹ, tôi bước vào nhà trước sự vừa ngỡ ngàng vừa mừng rỡ của vợ và các con của tôi.
Vượt biên
Việc đầu tiên sau năm năm xa nhà là phải có những ngày ngắn điều chỉnh lại cuộc sống từ một tù nhân cải tạo đến một người mới được trả tự do. Hàng tuần tôi phải đến trình diện chính quyền Phường gồm những con người, trước đây là những người khá bình thường, nay là những con người Cách mạng luôn thể hiện quyền lực đối với những người thuộc chế độ cũ. Tôi cũng được lệnh là phải đến trình diện tổ chức trí thức yêu nước[5] và gặp những con người với những bộ mặt kiêu ngạo mà tôi tự nhủ trong lòng là sẽ không bao giờ đến gặp lại lần thứ hai.
Tiếp xúc với bạn bè cũ và nhân viên cũ cũng không còn bình thường như trước. Kinh nghiệm dạy rằng trong xã hội mới, muốn sống bình yên phải đề phòng mọi bất trắc, kể cả lời ăn tiếng nói. Một số bạn bè bảo là tôi không có chỗ đứng trong xã hội mới. Thế là vợ tôi và tôi bàn kế hoạch vượt biên.
Chúng tôi đến thăm vợ chồng anh chị Tôn Thất Hoán ở đường Trương Minh Giảng. Anh chị bảo tôi lấy ba cây vàng và tìm cách rời Việt Nam ngay. Anh Hoán trước đây là một dược sĩ thành đạt, hiệu trưởng trường Bồ Đề của Phật giáo tại Quảng Trị, và là một dân biểu thuộc đơn vị Quảng Trị. Anh có nhà thuốc tây ở Quảng Trị và trên đường Trương Minh Giảng, quận 3, Sài Gòn[6]. Anh Út là một người lái xe trước đây, nay rất khá giả vì có gia đình là cách mạng, cũng đưa cho tôi vay hai cây vàng để tìm đường vượt biên.
Thế là chưa đầy một tháng sau khi ra khỏi trại Cải tạo Hà Nam Ninh, tôi vượt biên lần đầu. Chúng tôi xuất phát từ Rạch Giá. Sau một ngày và hai đêm trên biển thì bị bão và con thuyền của chúng tôi bị lạc hướng và bị một con tàu quốc doanh đang đánh cá dẫn độ chúng tôi về đồn Công An Rạch Giá. Rất may, nhờ người dân đến xem đoàn người chúng tôi kín đáo ra hiệu nên tôi và một số ít người khác đã trốn được, trong lúc số đông còn lại bị bắt giam tù mãi nhiều tháng sau mới được tha về.
Trong lúc cả gia đình tưởng tôi đã đi lọt và đang đợi điện tín từ ngoại quốc thì lại thấy tôi lù lù trở về, vợ tôi vô cùng hoảng hốt. May mà trong thời gian tôi vắng mặt, vợ tôi khai với chính quyền và Công An Phường là tôi đi vùng kinh tế mới để lập nghiệp nên nay thấy tôi trở về họ cũng không ngạc nhiên mấy. Thấy chân tôi bị lột da và người tôi cháy nám đứa con út của tôi lúc bấy giờ mới 9 tuổi khuyên “Ba ở nhà với chúng con, ba đừng đi vùng kinh tế nữa”.
Tuy vậy, hai tuần sau, trong lúc thời tiết đang có bão, tôi liều chết lại vượt biên lần thứ hai. Sáng ấy tôi ra khỏi nhà trong lúc các con của tôi còn đang ngủ. Lần này tôi cũng xuất phát từ Rạch Giá. Sau ba ngày và bốn đêm lênh đênh trên biển, con tàu nhỏ chở 63 người chúng tôi may mắn cập bến tại một tỉnh ở phía Nam của Thái Lan, cách trại tỵ nạn Songkla của Cao ủy Tỵ nạn khoảng một giờ lái xe. Trong thời gian trên biển, chiếc thuyền của chúng tôi bị cướp biển người Thái đến lục soát, lấy tiền của, vàng bạc năm lần. Nhưng may mắn là đàn bà con gái không bị hãm hiếp như nhiều con tàu khác.
Chúng tôi được đưa đến trại tỵ nạn Songkla lúc ấy khoảng giữa trưa, trời nắng nóng. Chúng tôi bị các trại viên trong trại đến bao vây thăm hỏi. Trong người tôi lúc ấy chỉ vỏn vẹn mặc một chiếc áo thun và một cái quần xà lỏng và trên tay chỉ cầm một cái túi nhỏ đựng kem dánh răng và một vài cái quần lót. Đó là tất cả gia tài của tôi mang theo trên con đường tỵ nạn và một ý chí quyết sống để lo cho vợ và năm đứa con của tôi còn ở lại quê nhà.
Trại Songkla
Trại tỵ nạn Songla lúc tôi đến vào giữa tháng 7 năm 1980 có khoảng 3000 người từ Việt Nam đã liều chết bỏ nước ra đi vì không thế sống được dưới chế độ Cộng Sản. Những lúc đông, trại Songkla lên đến khoảng 20 ngàn người. Trại Songkla do các viên chức của Cao ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) điều hành và tài trợ và có sự giúp đỡ của một Ban điều hành cũng là người tỵ nạn được những trại viên bầu lên.
Trại Songkla như là một xã hội nhỏ, có đủ cả các thành phần: từ quân đội, cảnh sát và quan chức của chế độ VNCH cũ, đến dân chúng thuộc mọi thành phần trong xã hội. Ngoài Ban điều hành trại ra, trong trại còn có nhiều tổ chức thiện nguyện quốc tế và nhiều tổ chức tôn giáo đến giúp đỡ các trại viên. Trong số những tổ chức thiện nguyện ấy chỉ có tổ chức Công giáo do cha Joe Dewlin là có văn phòng thường trực trong trại và giúp đỡ trại viên nhiều nhất, nhờ có sự đóng góp của nhiều tổ chức thiện nguyện quốc tế gửi tiền nhờ cha Joe phân phối. Ngoài việc giúp đỡ trại viên, cha Joe còn là nơi để cho các trại viên thân tín đến tố cáo những trại viên họ nghi ngờ là cán bộ Cộng Sản hay có quan hệ đến chế độ Cộng Sản và từ đó cha Joe báo cáo trực tiếp với các phái đoàn của các nước đến làm thủ tục định cư cho các trại viên. Kết quả có một số khá lớn bị từ chối cho đi định cư tại một nước thứ ba. Có một số lời tố cáo đúng, nhưng đa số chỉ là nghi ngờ hay vì tỵ hiềm cá nhân. Có trường hợp những trại viên bị tố cáo là nếu để họ ở lại trong trại có thể bị nguy hại đến tính mạng, Cảnh sát Thái Lan trực tiếp đưa ra giam trong đồn Cảnh sát ngoài trại và thỉnh thoảng mới cho vào trại thăm thân nhân. Còn những người bị tố cáo khác vẫn cho ở trong trại và bị các phái đoàn từ chối không cho đi định cư để chờ điều tra thêm.
Bản thân tôi cũng bị tố cáo là cộng sản. Không có điều kiện để xác minh, phái đoàn Mỹ, dựa vào các đơn tố cáo ấy, từ chối đơn xin tỵ nạn của tôi dù họ biết tôi đã đi du học và có bằng Thạc sĩ và Tiến sĩ tại Mỹ, công chức cấp cao trong chính phủ VNCH và có thời gian làm đại diện Bộ Giáo dục tại Trung tâm Bình định và Phát triển Trung ương thuộc văn phòng Thủ tướng Chính phủ và làm việc trực tiếp với Ban cố vấn Mỹ thuộc Văn phòng dưới quyền của Đại sứ Hoa Kỳ William Colby. Bạn bè của tôi tại Mỹ rất phẫn nộ khi nghe tin ấy.
Trong cộng đồng người tỵ nạn cũng có rất nhiều đoàn thể mọc lên. Từ các tổ chức tôn giáo như Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hòa Hảo, Cao Đài… đến các đoàn thể khác như Hội cựu quân nhân, Hội cựu Hải quân, Hội cựu Không Quân, Hội cựu quốc gia hành chánh, Hội cựu Cảnh sát Quốc gia… Những thành viên trong các hội này, ngoài các trợ cấp hàng ngày của Cao ủy Tỵ nạn, thỉnh thoảng còn nhận được sự giúp đỡ vật chất và tinh thần đáng kể từ các Hội cùng ngành từ các nước như Hoa Kỳ, Canada, Pháp… Đối với các người dân tỵ nạn khác, để kiếm thêm thu nhập cải thiện đời sống trong những ngày chờ đợi định cư, họ đã phải làm mọi việc, từ mở quán cà phê, nước ngọt, bia rượu, quán ăn, quán tạp hóa, đến đi làm thuê cho những người khác. Sống trong trại tỵ nạn với những ngày dài đợi chờ, việc gia đình mỗi ngày một trở nên chào xáo, bất hòa rất thường xuyên xảy ra. Nhiều cặp thanh niên nhập form, tách form. Lớp thanh niên rượu chè, cờ bạc, đánh nhau cũng không phải cá biệt. Nhiều người vì tư thù hay ganh tỵ tố cáo nhau lên Cao ủy Tỵ nạn, hoặc trực tiếp nộp đơn lên các phái đoàn xét hồ sơ định cư. Từ ngày ra đời làm việc tôi chưa bao giờ phải chung đụng với đủ hạng người và nhiều vấn đề quá phức tạp như tại Trại Tỵ nạn Songkla.
Đến trại Panatnikhom
Đến giữa năm 1981, sau hơn một năm sống tại Trại Tỵ nan Songkla, vì Cao ủy Tỵ nạn LHQ có kế hoạch đóng cửa trại này nên tôi và đông đảo trại viên được đưa về Trại tỵ nạn Panatnikhom, gần Bangkok, sống và tiếp tục những ngày dài chờ đợi. Tại đây tôi dạy các lớp tiếng Anh hoàn toàn miễn phí cho người Việt tỵ nạn và làm thông dịch cho Phái đoàn Úc mỗi lần họ đến phỏng vấn trại viên. Trong trại, những người bị tố cáo và phải ở lại trại tỵ nạn lâu nhất có các anh Hoàng Văn Giàu (gần 3 năm, nay đang sống ở Sydney), anh Châu Tâm Luân (hơn 1 năm, đang định cư ở Thụy Điển) và tôi (gần 2 năm).
Trong gần hai năm sống trong các trại tỵ nạn ở Thái Lan, tôi nhận được nhiều sự giúp đỡ từ một người anh vợ ở Mỹ (Nguyễn Bé, đã mất năm 1981), một học sinh cũ (Nguyễn Nhật Tân, ở Mỹ), bạn học cũ (Sheryl Bonds ở Canada, vợ chồng Christopher và Georgia Kolher ở Đức, Phạm Văn Minh ở Úc), các thầy cũ tại trường Đại học Indiana Hoa Kỳ (thầy August Eberle và thầy Robert Shaffer). Người giúp đỡ đặc biệt tận tình và thường xuyên nhất là Jim Woodcock lúc ấy anh đang làm việc tại Bangkok, trước đây làm Phó Giám đốc Cơ quan Văn hóa Á châu (Asia Foundation) tại Sài Gòn. Jim có đến trại tỵ nạn Panatnikhom thăm tôi vài lần.
Tôi sống tại trại Panatnikhom một thời gian thì được Phái đoàn Úc nhận tôi là người tỵ nạn vào nước Úc theo diện nhân đạo, nghĩa là không có bà con bảo lãnh. Sáng ngày 9 tháng 2 năm 1982 thì máy bay đáp xuống phi trường Melbourne trên chuyến bay của hãng Qantas. Khi đi qua trạm hải quan Melbourne, với con dấu đóng trên giấy thông hành “Permanent Residence”, tôi biết từ nay ở tuổi gần 50 tôi sẽ bắt đầu xây dựng lại cuộc đời mới. Australia đang là quê hương thứ hai của tôi. Và trên đất nước Việt Nam cũ của tôi đang còn có vợ và năm đứa con thân yêu đang chờ đợi ngày đoàn tụ với chồng, với cha.
_________________________________
[1] Đây là Đài truyền hình giáo dục tư nhân đầu tiên ở miền Nam Việt Nam do các linh mục dòng Tên (Jesuit) quản lý và điều hành. Linh mục Jean-Claude Blaquière là người làm giám đốc đầu tiên.
[2] Đa số những người làm việc trong Nha STNC hiện nay đang sống ở Mỹ, Canada. Có người đã chết trên đường vượt biên hoặc vì bệnh. Tôi chỉ còn gặp lại được hai người hiện nay đang sống ở Sài Gòn.
[3] Nguyễn Văn Bon hiện nay ở Sydney và Phạm Văn Cung ở California.
[4] Không phải là tù nhân chính trị. Phần lớn là tội trộm cắp, giết người. Nhóm thường phạm này ở một khu khác. Đa số họ sắp mãn án tù.
[5] Đa số các thành viên trong Hội trí thức yêu nước là những người làm việc cho chế độ cũ, bằng cấp và địa vị xã hội của họ lúc trước thấp. Nay trở thành những người quan trọng, họ có nhiều cách để nhục mạ chúng tôi.
[6] Tôn Thất Hoán cùng một đứa con trai đi vượt biên trước tôi vài tuần và cả hai cha con bị cướp biển người Thái giết lúc gần đến đất liền Thái Lan. Năm 1990 lúc đi Mỹ tôi có đến thăm vợ và các con của anh một lần.
After the Fall of Saigon
At the Department of Documentation and Research, Ministry of Education
Early in April 1975, while attending a conference on educational research at NIER, in Tokyo, Japan, I was urged to come home immediately because of critical changes in South Vietnam. I changed my air ticket to return to Vietnam on the evening of 7 April. The first thing I did the day after was to call Jim Woodcock, Vice-Representative of the Asia Foundation and also my close friend whom I had known when I was studying in the US. When I arrived in his office, I realised that all the diplomats there were requested not to leave home unless they had an appointment with a Vietnamese government official. Jim said that the names of all my family members were already on the priority list for evacuation like other senior Vietnamese government officials.
During the following days, most governmental agencies in Saigon focused on aiding people to escape from the central provinces. The Department for Documentation and Research was funded by emergency funds co-ordinated by the Asia Foundation to provide each student from the central provinces with 20,000 dong per month (a sum greater than a secretary’s monthly salary). Almost all staff members of the Department for Documentation and Research were formed into seven or eight groups and each group dispersed into different locations to look for needy students who had recently arrived in Saigon from the war zone in central provinces and registered their names on the lists, which described briefly their full names, identification (if available), points of origin and contact addresses in Saigon. Each of the lists would then be submitted for the Director’s signature. After the list was signed, the financial office would be able to provide money to the groups. All these administrative procedures took no more than an hour. The groups then took the money and allocated it to each person on the list. During that time I was too busy to think about finding means to leave Vietnam other than the promise from my American counterparts.
During this time, meetings at the Ministry of Education still regularly took place every Monday, but the number of attendants became smaller and smaller. On the morning of 28 April, I got a call from my wife (which rarely happened) telling me that I had to move the family out of the Thanh Đa residential area immediately, before the bridge from Thanh Đa to Saigon collapsed. So I immediately drove home to take my wife and five children to my office. The whole Department looked empty at that moment. My driver was also not at the office.
In the afternoon, there were only me, my wife and my five children (the eldest was 12 years old) at the Department premises. In the meantime, when President Dương Văn Minh was making his presidential inauguration address, we heard very loud explosions echoing from the Tân Sơn Nhất Airport. Too scared, my whole family crawled under the desks for protection. My wife kept praying to Buddha, which I had never heard from her before. I thought there was a new coup d’état. But then it turned out that the Tân Sơn Nhất Airport was bombed. The following morning I heard that the bomber was Nguyễn Thành Trung, a pilot officer of the Republic of Vietnam Air Force. He had deserted to Đà Nẵng (a city recently occupied by the North’s troops) with a fighter a few days before and then flew back to Saigon to bomb the airport. Tân Sơn Nhất Airport was paralysed. All evacuation flights were cancelled. That night my family and I stayed in my office.
Early next morning, helicopters hovered all over Saigon, Gia Định and Chợ Lớn to pick up US officials who had missed the earlier evacuation flights. Some lucky Vietnamese officials and their families were also evacuated. All I could do was to drive along different spots to find a means to leave Vietnam. My wife’s brother, Senior Colonel Nguyễn Bé, was also looking for an escape himself. That night we stayed at my friend Quát on Công Lý Street (today’s Nguyễn Văn Trỗi Street) near the Tân Sơn Nhất Airport. Like me, Quát was also a fellow receiving the leadership scholarship from the Asia Foundation to undertake his PhD in the US. In the morning of 30 April, I moved to the Đắc Lộ Broadcasting Education Centre, on 161 Yên Đỗ Street[1] in District 3. I had once worked briefly with Jean Claude Blaquière, a Jesuit priest, to develop a private educational TV program for this Centre. Here I watched the news about General Dương Văn Minh’s ordering of all South Vietnamese forces to cease fighting, to save the blood of the people. I felt exhausted, depleted of all living energy. I lay in bed all the afternoon until nightfall, yielding to the thought that I could only wait until the Revolutionary force came at any time to take my life. That night we stayed at this Catholic Centre together with several other families. The morning after, on May 1st, I drove my wife and children back to the Thanh Đa residence, before going to my office to present myself to the Revolution authorities, who were responsible for taking over the Documentation and Research Department.
I arrived at the Department of Documentation and Research before 8.00 am, and went straight to my office on the first floor to prepare all documents before submitting them to the new occupying officials. While still working on this, I heard two Communist officers coming from downstairs. They asked a cleaning staff member about the burning of waste papers. The cleaner replied that he had burned the waste papers in the yard as he normally did. But Nguyễn Văn Thành, the man who had been temporarily appointed as head of the Administrative Section, who was now wearing a red band and standing nearby, said that Mr Thu had burnt secret documents. The revolutionary man asked who Mr Thu was. Thành replied that he was the Director of this Department. Later, another charge of ‘burning down the secret documents’ was added to my profile while I was in the so called “re-education camp”.
It is worth mentioning how the Department was during the early days of the takeover. More than one third of my department officials had escaped and gone overseas. The rest were living under fear and anxiety. The people in their variety of existential shades could be observed in this situation. All three divisions of the Documentation and Research Department were now managed by new people. The Administrative Division was directed by Nguyễn Văn Thành (the man with a recently carried red band). The Research Division and the Documentation Division were managed by two staff who had worked there earlier. The Department’s driver was now in charge of practising the people in the Department to sing the North Vietnam anthem and looked after the seating of attendants at meetings. After a week or so, the whole office was morally chaotic. A lady who once was one of the Department’s telephone operators now agreed to live with one of the Communist cadres (her husband had escaped to overseas in late April). She was also the main source of information about everyone in our Department. Maybe it was thanks to her that the Communist officers gradually changed their attitude towards me, and treated people in the office less harshly. At all the meetings of the new office, everyone was asked to make a critical assessment of what they had done during their years in the South. Some people expressed their views frankly, others not really so.[2] On May 27th nearly a month after the collapse of the South Vietnamese government, I was among those of the Republic of Vietnam Army Force (now called ‘puppet troops’) and the old senior government officials (now called ‘puppet authorities’) to present ourselves to the Communist winners for re-education camp.
Long Thành Prison or “Re-education camp”
A notice from the Hồ Chí Minh City Military Management Board indicated that all civil officials, including the office chief and all officers in the Army of the Republic of Vietnam, were requested to bring food and clothes sufficient for a month in the re-education camps. I left my wife and my children with the hope that we could see each other again a month later. I took my eldest son, who was then 12 years old, on a bicycle to the meeting venue at Gia Long Secondary School (today’s Nguyễn Thị Minh Khai Secondary School). It was a gloomy day, just like the grim future awaiting us in my thoughts at that time. In front of the gate of Gia Long Secondary school I said good-bye to my son and briefly told him to study hard and help his mother to look after his siblings.
After spending a night at the gathering point, around 600 of us were driven to Long Thành Orphanage Village, about 30km away to the north-east of Saigon. At this camp, there were about 2,000 people, including civil servants of the old regime such as the parliamentary deputies and senators, government officials, policemen categorised as ‘puppet authorities’, and some young women who used to be prostitutes. The camp managerial board then divided us into different groups in different metal roofed houses. We, the ‘puppet authorities’, belonged to group A.
While in Long Thành camp, we were scheduled to take political lessons every day. These lessons mainly charged the US and the puppet government with causing suffering to the people, and highlighted the insignificant strength of the US army. These lessons could be really painful, especially when we were required to write ‘essays’ on the documents lectured on by the Communist presenters. Besides, the greatest difficulty for us was to repeat countless times the ‘self-declaration’ reports, in which everyone had to describe what evil things we had done towards the Revolution and the people. Each of us had to accuse everyone including our grandparents, parents, siblings, friends and colleagues who did what they called “commit crimes to the Revolution and the people”. At the end of the day after dinner, we had a 2 hour meeting to make ‘critiques and self-critiques’ and learn revolutionary songs. Sometimes we were taken out to labour; but in fact that was like a relief after the stressful days of political brainwashing.
Many people at Long Thành camp suffered from malnutrition and diseases. I did not witness anyone being beaten, but sometimes at night some were taken out for some reason or those who were relatives of the Revolutionary officers would be sent home. Among these, Mr Trần Tri, who used to be the Vice-Director at a Department in the Ministry of Information and Open Arms, was driven home on Vietnam Communist Party General Secretary Lê Duẫn’s order. Some senior professionals who used to work in the tax offices or electrical agencies were also released. While at Long Thành camp, Tri often showed us a picture of his family taken with General Secretary Lê Duẫn published in the Sài Gòn Giải Phóng newspaper on the occasion of Lê Duẫn’s visit to Saigon early in May 1975. I heard that Tri and his family had provided great support to Lê Duẫn during his active days in the South.
Late in November 1975, a quarter of the people in Group A were released or moved to another place. The rest of around 600 people remained in the camp. Only three of these had once worked for the Ministry of Education in Saigon: Nguyễn Văn Bon (the general secretary), me (Director at the Department of Documentation and Research) and Phạm Văn Cung (Director of the Innotech Centre).
The ‘puppet authorities’ on the way to the North
One afternoon early in October 1976, the Camp’s management leaders gathered the people in the puppet authorities’ group and announced that in order to make fast progresses in our re-education, the Party and the Government had decided to take us to a more adequate re-education camp so that we could soon be re-united with our families. Right after that, each of us was required to bring only a small bag with some essential necessities for personal use, such as toothbrushes, toothpaste and towel, while all other belongings were to be packed into a sack on which each wrote his name. After this preparation was done, within an hour or so we were required to return immediately to the gathering point without bothering to group ourselves as usual.
We were ordered to queue in groups, each consisting of two rows, each with ten people . Each group was 15m away from the other. At around 8.00 pm, a number of trucks arrived and stopped in front of each group. We were then required to get in. Immediately after that, they told us that each of us would be handcuffed with another person to ensure security.
In darkness, the trucks set out in the direction of Saigon. We thought we were being transferred to re-education camps in the Mekong area. But when we arrived in Saigon, the trucks continued in the direction to the New Port and stopped in front of a large ship called Hải Phòng. We were then un-handcuffed. All of us were told to sit down. No one was allowed to stand up. For fear that we might escape, they surrounded us with soldiers and policemen.
A moment later we were told to get aboard. Each of us had to try hard to cling to the handles on a temporary ramp, otherwise we would fall straight into the river. If we fell into the water, there was no way we could be rescued in the dark night. We were then directed to the front part of the ship.
Because it was a cargo compartment, there were no toilets or any basic facilities. The prisoner escort officers gave us some buckets with long ropes as a toilet and told us to place them at the corners of the compartment. When a bucket was filled up, it would be pulled out by someone on the deck above to pour the contents into the sea, and then it was placed back for our use. When everyone was present in the compartment, we were given dried food for three days.
According to the regulations of the camps, prisoners like us were supposed to wear the uniform, and no one was allowed to wear watches or keep money. During the days on the ship, we could only see the sky by looking up through the deck. The days were very painful and stuffy. Only at night, they would open the roof to make way for the wind to get in. Our main activities during these days were sitting, lying and thinking about our lives, our families and relatives. There were only three days, but they seemed as long as three centuries. Everyone of us was filled with total despair. Our fates were totally in the winners’ hands.
On the early morning of the third day, the ship arrived at the port. Only then did we know it was at Hải Phòng. After we got down and sat for a while, we saw another group of prisoners descending from a rear cargo hold on the other side of the ship. Only then did we know there were two holds in the ship, with the head hold being used for confining the ‘puppet authorities’ and the rear hold for the ‘puppet troops’. The members of the ‘puppet troops’ were younger and stronger than us. We realised that the old ‘puppet authorities’ were treated with more leniency because the confinement time on the ship was shorter than that of the ‘puppet troops’, as we had got on board later than them in Saigon, and got off earlier at the Hải Phòng port.
After some brief rest, the two groups were provided with bread and bananas before being taken away, covered in cloth, on buses. We were again handcuffed. Every time the bus stopped because someone needed to urinate, the other person sharing his handcuff had to follow him. Often the bus would stop at some places where there were several women workers who would fiercely curse and throw stones at us, calling us ‘beasts masked in human faces’ and charging us with incurring ‘bloody debts’ to the Revolution and the people.
In the afternoon, only our ‘puppet authorities’ were taken to Phú Sơn 4 camp. We had no idea where the ‘puppet troops’ were. Phú Sơn 4 camp was quite well organised. It was surrounded with walls covered in barbed wire, and carefully supervised by policemen. No one among us had any idea where we were in the midst of this Northern forest. We were divided into groups, each composed of 30 people and stuffed into a celled house.
I was in cell 5. Until then we had not realised that there were only 200 ‘puppet troops’ sharing this location with us. We did not know where the rest had been taken to.
At Phú Sơn 4 Camp
Section A of the camp, which initially consisted of 6 cells, was meant for ‘puppet authorities’. The cells were separated from each other by a high wall. The area of each cell, which had a yard and a small water pool, was 20m x 60m =1200m². There were 18 bunk beds in each cell, the upper assigned for the younger of the two. There was also a toilet, where all human waste would fall into a bucket beneath. The next morning a criminal prisoner[3] would take this bucket out and replace it with another empty bucket.
In our early days in the North, we were only confined in our own cells. Every morning at 7 o’clock, responsible policemen would unlock the gate of the camp outside each cell under their charge. We were ordered to get out of the cell, gather and answer a roll-call. The officers then locked the gate again. Inside we would do our morning routines and had breakfast. At 8.00 am, the officers returned, gathered us to listen to news or to write a self-report. At about 11.00 am, two criminal prisoners brought us lunch. We ate in a hurry because at 12.30 pm we had to take another roll-call and come back to our cells before the officers came to lock the doors again. At about 2.00 pm, the doors were unlocked, and we were free for a while before being summoned again to take in political lessons or to listen to newspapers being read. In the late afternoon, when we had finished dinner at around 6.00 pm, we were gathered again to take another roll-call before returning to our cells. The officers locked all the doors. And night guards took turns to monitor the area during the night.
This life of confinement continued regularly for 3 months. Only on rare occasions when there was a propagandizing film did we have a chance to meet. But the occupants of each cell had to sit in a stipulated area, so we were not allowed to talk with those from other cells. We were totally secluded from the outside world. During these days we had no idea what was happening around us, no news from our families or relatives. We were totally desperate. Sometimes out of depression, we found it hard even to stand. Later, when recalling these days, our families recalled that they had all thought that we could not survive in the prison.
Besides depression, we also suffered from malnourishment. Hunger, diseases, and lack of medicine were constant threats to us. All we could think about was food and water, even in the midst of sleep. Some lost weight from 80kg to below 40kg. Their belly skin became darkened. Everyone looked wretched.
One morning in late 1976, all prisoners were summoned to a hall. The prison officers declared the ‘lenient policy’ from the Party and State: we were now allowed to write letters to our families, but we had to conform to some rules. We were only allowed to ask how they were doing and told them that we were fine, that we were studying hard and waiting for the Party’s ‘lenient policy’ to return home soon. In the letters, we were instructed not to mention the weather or to use prepositions such as ‘in’, ‘out’, ‘up here’, ‘down there’. But we could ask our families to provide us with food and medicine. After signing the letter, we must not write our address. The prison managers then examined these letters carefully before sending them to the South.
More than a month later, we were once again summoned to the hall to receive letters and gifts from our families in the South. Only a few of us received nothing, partly because their families had escaped for overseas or returned to their native hometown or because they were too poor, or their wives had to live with another man, normally with communist cadres, to be able to support their young children. One of these few unlucky men was Briu, a Katu man, who had worked previously as the General Secretary of the Ministry of Ethnicity in the government of South Vietnam, and also had once studied in the US.
We were all delighted to receive letters and gifts from our families; none of these letters left us feeling worried. My wife told me that everyone was well, and all our children went to school. Since my departure for the re-education camp, my wife earned a living with her old sewing machine, or selling sweets to children in the neighbourhood to makes ends meet. She said she might not be able to continue sending gifts if the re-education time were to last too long.
Soon after receiving gifts, we were told that labour would be part of the re-education process. On the first day we were taken out to labour, there was a crowd of people living nearby rushing to watch us work as if they were to be entertained by a circus performance.
At first, we were assigned to pull the ‘improved’ wheelbarrows carrying bricks, each by a group of at least 6 prisoners: two pulling at the front, two pushing at the two sides, and two pushing at the back. We moved the wheelbarrows so slowly that the curious crowd could not help laughing at us. The warders did not say anything. But a long while later, when we were used to doing the job, a wheelbarrow could now be moved by one person. Only then did we understand why we were being laughed at during the first days. And it was even later still that we knew that Phú Sơn 4 Camp was located in Bắc Thái province (combined from the two old provinces of Bắc Cạn and Thái Nguyên).
We ‘puppet authorities’ were divided into 6 groups, staying in 6 cells, one for each group. Some groups were responsible for farming, some cropping, and some construction. I was in group 5, doing metal work. Our task was to straighten distorted iron bars. Everyone in my group was put off at the sight of a huge heap of iron bars. We tried hard, but without success, partly because we were more used to paper work than metal work, and also because we were not provided with tools to do the job. At first, the group could barely straighten an iron bar of 50m in length. We were lucky to have a guy who, though short and thin, was quite tactful. His name was Mai Như Mạnh. He invented a tool so we could shape the bars much more easily. With this tool, each sub-group in the metalwork group could straighten 50 metres of iron bars (150m for the whole group). After some months, the job was done. Later we heard that these iron bars were used to make lightening rods for the camp. After the metalwork, we were in charge of the tea plants, undertaking all the stages from growing, fertilizing and harvesting the tea. From this experience, we came to really understand the ‘two young leaves and a bud’ handpicking technique of tea harvesting that we had heard of. This was perhaps the easiest job compared to those of the other groups. The thing was, in wintertime it was cold to the bone in the field and our hunger was assuaged just by some sips of tea.
The farming groups were undertaking a more tedious job than ours, but in the harvesting season they were at least fed with sweet potatoes or cassavas. The task for the vegetable crop groups was also not too laborious. But they had to carry fresh nightsoil from the camp to the plantation, and press the nightsoil hard with their bare hands before fertilizing the crops. The most laborious job was taken by the ‘puppet troops’ in the B Section. These people were much younger and stronger than us. In return for their hard job, they were fed with proper meals. The B Section Buildings were built by Group 4 of the ‘puppet troops’ for 6 months before the whole troop moved in.
There are some remarkable things to be said about three groups in the B Section. One group was composed of the previous Catholic army chaplains. They were assigned to tasks within the camp, and not allowed to go out into the field like other groups. After some time, they were moved to another camp. No one had any idea where they were taken to. The other two were Buddhist army chaplains. They were allowed to work in the field like the others, and were nicknamed the ‘hybrid nut’ groups, simply because they all suffered from severe sickness for three days from eating some hybrid nuts. This was ironic because the Buddhist monks suffered from the very food they ate every day.
While at Phú Sơn 4 Camp, we experienced countless difficulties, each with different degrees for each person. The most desperate thing was that we did not know when we would be released, because there was no sentence for us. The camp managers kept repeating that if we worked hard and made progress, we would get the Party’s ‘lenient policy’ to return home sooner, yet in reality we had no idea of their criteria for such ‘progress’. Sometimes some of us were released home, but only those who were relatives of the revolution officers. The rest, without any relative guarantee, had no idea of their release date.
What preoccupied the thoughts of all the inmates was their families. As for me, relatives from both sides were few and far between; and we had no money or property. I was worried how my wife and children could survive. Helpless, I yielded to the thought that only the winner would decide my fate, except for the choice of suicide-which some prisoners committed.
Constant hunger was shared by all prisoners. We felt hungry in the daytime, at night, at every moment. Some had to gather some litres of water from other inmates to ease their stomach before they could sleep. One such was Nguyễn Văn Lai, whose weight was over 80kg before, and now reduced to below 40kg. He talked about eating all day. Food haunted even his sleep; he often dreamt of eating, and when food was near to the mouth, it suddenly dropped from him. We were aware that it was not only prisoners like us who suffered from hunger. Everyone in the country at the time was hungry, yet their hunger was not as suffocating as that of prisoners like us. We also had to eat hulled barley, and on some rare occasion would be fed with rice. Only during Tết or national holidays were we given some meat. Once every three months each inmate was allowed to receive a five-kilo gift of food and medicines from his family. This greatly helped us from illness and starvation.
A desperate life coupled with hunger gradually sapped the prisoners’ will, even that of the most determined man. As people often say, Northern prisons were the acid tests for the prisoners’ personalities. Everyone started doubting, and then making accusations against one another about stupid issues. Only issues related to escape plans or anti-revolution propaganda would be considered serious. But for over three years in Section A we did not experience anything like that. The suffocation and inflictions caused by the prison life were already too much for us.
At Phú Sơn 4 Camp, at first I stayed in cell 5. Some time later the warders made me the group leader. Before getting us to labour in the field, the superintendent board asked all prisoners to vote for an emulation committee among the 6 group leaders. I was elected head of this committee, probably because the ‘puppet authorities’ were all academics and they knew that I had a doctoral degree from an American university.
The main task for the Emulation Committee was to oversee cleaning and order in the cells; to aid the officers with cultural and sports activities in the camp, and to make monthly reports on the labour progress of the prisoners. The privilege for being a member of this committee was less hard work, and this was also the source of all envy and doubt.
During the period of three years from 1976 to 1979 at Section A of Phú Sơn 4 Camp, two inmates died. The first one in early 1977 was Mr Phan Khắc Tứ of Group 5. He died at the Bắc Thái Hospital a few days after he was evacuated from Phú Sơn 4 Camp because he urinated with freshly blooded urine after he took a strong malaria pill which he had brought with him from Saigon. We did not know of his death until a week later when a prison officer came in and collected his belongings and officially told us that Tứ had passed away because of illness.
The second case was Mr Sơn Thương, an inmate who was in Group 4 responsible for building and construction. Mr Sơn Thương, a Vietnamese of Khmer background, used to be a colonel in the South Vietnam Army and his last post was Director at the Khmer Affairs Department of the South Vietnam Ministry of Ethnicity. He committed suicide for unknown reasons by taking nivaquine tablets, a medicine distributed to soldiers by the army and which he had brought with him.[4]
Whenever being assigned to a task, any member of the Emulation Committee was often unfairly treated with doubt by other inmates. In time of extreme hardship, few would normally have sympathy and tolerance for others. I was well aware of this fact, and always stuck to my own principle that I would not do anything that I would regret in my conscience. And up to this time, when these lines are being written, I do not have anything to feel guilty of.
At Ha Nam Ninh Camp
Early in October 1979, when Vietnam was attacked by the Chinese army in the northern bordering provinces, we were moved to another camp. The first thing they did was to arrange us into groups according to their list. My group involved the earlier 5 people; the others came from other groups. The transition this time was similar to the first time we were brought here three years earlier, from Saigon to Hải Phòng, and then from Hải Phòng to Bắc Thái. The only difference was that the people cursing and throwing stones at us this time thought we were Chinese prisoners who were captured during their invasion into Vietnam.
When we arrived in Phủ Lý in Hà Nam Ninh province, our group was taken on a bus to the Mễ sub-camp, one branch of the Hà Nam Ninh Re-Education camp. Hundreds of other buses took the other groups from Phú Sơn 4 Camp and from those in the Vietnam-China border to branch camps A, B, C, and D of the Hà Nam Ninh camp.
The Mễ sub-camp was a small and narrow prison, probably about 2000m² in area, and was surrounded by very high walls on all four sides. Inside, the buildings were narrowly separated by small drainage tunnels. This camp was used to imprison the invalid ‘puppet government authorities’ and ‘puppet troops’ who were old and terminally sick. There were about 5 or 6 quarantined lepers; two groups consisted of people suffering from tuberculosis and cirrhosis, two others were all people who could not stand and had to use walking sticks; one group consisted of people over 60 years of age, including some ministers, senators, and representatives of the South regime.
Most members of my group came from the Phú Sơn 4 Camp. As at that camp, I was assigned to be the head of the Emulation Team, and was in charge of overseeing the cleaning of the camp and facilitating the other prisoners with their daily activities. There were about 10 people in the Emulation Team; all were under 35 years of age, except me. They were my most wonderful inmates. Hồng Khắc Lê Minh, who used to be a young director at the Ministry of Information, was a man of ideals, wisdom and talents. He could write and paint beautifully. He was also very active and willing to help others when they were in need. Later, after release, he escaped Vietnam by boat but unfortunately was killed by pirates before reaching a refugee camp. The other close friend was Nguyễn Văn Đang, one of my former students at Nguyễn Huệ high school in Tuy Hòa , Phú Yên. In the former regime, he was an officer in the police force. He helped me a lot during my days of imprisonment in the Me camp. He never let me take up heavy tasks. Since the release date, I haven’t heard of him, but it seems he now lives in California in the US. I really owe him a debt of gratitude.
The early days at the Mễ camp were terrible. Our first task was to clean the camp, especially the tunnels full of rotten-smelling blood, phlegm and night-soil and urine. We had to cover our nose with our clothes, and were determined to make the tunnels clean as best as we could, since our lives would depend on the hygienic condition of the camp. If we failed to do it, we would contract diseases and surely die.
Since all at the Me camp were invalid prisoners, the tasks we were in charge of were not as laborious as those at the Phú Sơn 4 Camp. The main tasks involved cleaning the camp, and growing and harvesting vegetables. There were deaths almost every week. Some people died in their bed during the night and were not discovered until someone got up early to do morning exercise. Some died at night before we could call for rescue. Some died on the way when being taken to the Phủ Lý hospital. I was once taken to that hospital for surgical treatment for my haemorrhoids, and thanks to this I was released 6 months later for health reasons.
In early May 1980, 5 years after my first day of imprisonment, I was released, together with about 50 other prisoners. The release paper read that I had committed a crime called ‘a puppet director’. We were taken to Phủ Lý train station and each got a ticket and 20 đồng. The train took us from Phủ Lý station to the South. The train stopped at the main stations-Vinh, Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Nha Trang, and then Saigon. Everywhere the train went through, we noticed that the people and especially young children were very thin and mal-nourished. Their clothes were tattered. Their faces looked sad. Cows and buffalos were also very thin. Throughout our journey I did not see any happy faces – so different from my trips in 1959 and 1960 from Huế to the South or from Saigon to the Southern provinces via An Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng and Cà Mâu. Almost 2 days later, late in the afternoon, with an old bag on my shoulder, I stepped into my house to the surprise and happiness of my wife and my children.
Escape by boat journey
The first thing I did after 5 years away from home was to readjust myself from being a prisoner to being a free man. Every week I had to present myself to the local authorities, who used to be friendly, but now, because of their new status as revolutionary people, always showed contempt towards those of the old regime. I was also requested to present myself at the Association for Patriotic Intellectuals[5] and there I met people who were so haughty that I swore to myself that I would never see them again in my life.
My relations with old colleagues and friends were no longer the same as before. Living in a new society, common sense says, one has to take good care of one’s words and deeds if one wants peace. Some friends told me that I had no place in this new society. As a result, my wife and I started thinking about illegally leaving Vietnam.
We came to see Tôn Thất Hoán and his wife, who were living on Trương Minh Giảng Street. They lent me 3 ounces of gold and told us to leave Vietnam immediately. In the old regime, Hoán used to be a successful pharmacist, the principal of a Buddhist school called Bồ Đề in Quảng Trị, and also a member of the parliament house. He had a pharmacy in Quảng Trị and the other on Trương Minh Giảng Street in District 3 of Saigon.[6] Út, who used to be a driver, now was much better off thanks to being a high ranking relative to the revolutionary side, also lent me 2 ounces of gold for my border crossing journey.
So within less than a month after my release from the Mễ Sub-camp of the Ha Nam Ninh re-education camp, I escaped Vietnam by boat for the first time. I started from Saigon and proceeded to Rạch Giá. After a day and two nights on a boat at sea, we faced a storm, got lost, and were taken to the Rạch Giá police station by a state fishery ship. Luckily, some curious local residents nearby secretly showed us the way out, I was able to escape with some other people, while the rest were detained in the prison for several months.
While waiting for news from me, my family were shocked to see me back. Luckily, during my absence, my wife had told the local authority that I had gone to the new economic zone to seek employment, so my return did not cause any doubt to them. Perhaps Mr Thiên (a lecturer at Hồ Chí Minh City Polytechnic University), who lived on the second floor of Block II in my residence and was also in charge of supervising me, did not believe my story, but he said nothing. Seeing my swollen feet and burnt skin, my youngest child, who was then 9 years old, said this: ‘Dad, please stay home with us, don’t go to the economic zone again’.
Yet two weeks later, even in the midst of a storm, I took yet another risk. I left home early in the morning, when my children were sleeping. This time I also set out from Rạch Giá. After 3 days and four nights at sea, our small boat carrying 63 people arrived in a southern province of Thailand, about a day’s drive from the Songkla Refugee camp, one unit of the High Commission for Refugees. During the journey on the sea, all cash and gold owned by the boat people were robbed by Thai pirates, not just once or twice, but five times. Fortunately no women were raped, as happened on many other boats.
We were taken to the Songkla Refugee camp on a hot day. All the other refugees in the camp came to see and talk to us. I was wearing a shirt and shorts, and carrying a small bag with toothpaste and some underwear items. They were my only property on the journey as a refugee, together with a determined will to stay alive to save my wife and children one day.
Songkla Refugee Camp
When I arrived at the Songkla Refugee camp in mid July in 1980, there were about 3000 Vietnamese people there who had also risked their lives to escape the communist regime by whatever means. At its peak, the number of people there reached 20,000. The refugee camp was funded and managed by staff of the United Nations High Commission for Refugees (UNHCR) and was aided by a co-ordinating board composed of refugees elected by other refugee members.
Songkla Refugee camp was like a small society, with all kinds of people ranging from soldiers, policemen, and officials from the old Republic of South Vietnam, to others from different jobs and classes. Besides the management board, we were also supported by international volunteers and religious organisations, among which the Catholic association, led by Father Joe Dewlin, was the only organisation that had a standing office in the refugee camp. With the money sent from other international volunteer groups, Father Joe and the Catholic association could give us the best support.
Besides aiding activities, Father Joe’s office was also where the refugees came to report Communist suspects or those who had communist relatives. Based on such information, Father Joe was able to report directly to the international delegations before they could decide who would be eligible for resettlement in a third country. As a result, quite a few were refused for resettlement. Some accusations were correct, but most were false, because of unfounded suspicion or personal disputes. Thai policemen sometimes had to separate some refugees who were accused of causing potential danger to others in the refugee camp. These people were brought to a camp outside, and were occasionally allowed to enter the camp to see their relatives. Other refused refugees were still allowed to stay in the camp for further investigation. Some had to stay there for several years, including me. With Father Joe Dewlin’s letter sent to the US delegations accusing me of being a communist, my refugee application was declined for the reason that during my imprisonment at Phú Sơn 4 Camp in the North, the camp management board made me the group leader and then the head of the emulation board, although the US delegations knew clearly that I had undertaken graduate programs (Master and Doctor degrees) in their country, worked as a senior official in the government of the Republic of South Vietnam, and as a representative of the Ministry of Education at the Central Centre for Pacification and Development under the management of Prime Minister’s Office, and even worked directly with the US advisory committee which was led by Ambassador William Colby. In my letter to Father Joe Dewlin on 5th February 1982, I wrote that, ‘your help to the Vietnamese refugees at Songkla Refugee camp has been commendable, yet the biased reports from a Catholic priest and their serious consequences on many families are irrelevant and unacceptable’. One of my American friends who was working in Bangkok was well aware of this incident and angrily said, ‘if I had known I was contracting cancer at that time, I would have given Father Joe a deadly shot’.
Several groups emerged from the refugees in the camp, ranging from religious groups such as Buddhism, Catholicism, Protestantism, Hòa Hảo, and Cao Đài, to other associations such as the veterans, the navy, soldiers, sailors, national administrative officers, and national policemen. Besides daily support, members of these groups and associations also received considerable help, both spiritually and materially, from members from other countries in the US, Canada and France. As for the other refugees, to earn a better living and to prepare for the day their hope of resettlement might come true, they took up all kinds of jobs, from running small coffee shops, bars, restaurants and convenience stores to other jobs earning wages. During these long waiting days, personal disputes regularly occurred. Groups of young adolescents were formed and then soon dispersed. They drank, played gambling games and fought one another. Because of personal hostility and envy, many sent their accusations against one another to the High Commission for Refugees, or directly to the resettlement delegations. Since the day I began this life, I had never been exposed to so many kinds of people and so many complicated problems as during my days at the Songkla camp.
Panatnikhom Refugee Camp
In mid 1981, after more than a year staying at Songkla, and due to the UNHCR’s decision to shut down the camp, I was moved, together with other refugees, to the Panatnikhom Refugee camp in Bangkok and continued the long waiting days. Here I taught free English classes to other refugees and worked as an interpreter for the Australian delegations every time they came to interviewthe refugees. The people who were accused and had to be delayed here included Hoàng Văn Giàu, who stayed for the longest time among us (for 3 years; he lived in Sydney and died in 2016), Châu Tâm Luân (for more than a year, now in Sweden), and me (for 17 months).
During one and a half years in the refugee camps in Thailand, I received much support from one of my wife’s brothers (Nguyễn Bé, who died in 1981), an old student (Nguyễn Nhật Tân, in the US), old classmates (Sheryl Bonds in Canada, Christoph and Georgia Kohler in Germany, Phạm Văn Minh in Australia), and old teachers at Indiana University (Professor August Eberle and Professor Robert Shaffer). The person who helped me most frequently and dedicatedly was Jim Woodcock, who had worked previously as Vice-Director of the Asia Foundation in Saigon, and was then working in Bangkok.
I stayed at the Panatnikhom Refugee camp for a while before the Australian delegation accepted me as a refugee. On 9 February 1982, the Qantas flight landed at Melbourne airport. When passing the immigration and customs, and being sealed with ‘permanent residence’ on my passport, I became fully aware that from now on, at the age of 49, I was starting my life from scratch. Australia would be my second country. And in my former country, my wife and the five beloved children were still waiting for a family re-union.
_______________________________________
[1] This was the first private educational broadcasting centre in South Vietnam, managed and directed by the Jesuits. Jean-Claude Blaquière, a Jesuit priest, was its founding director.
[2] Most of those who once worked for the Department of Documentation and Research now live in the US and Canada. Some lost their lives because of diseases or their unlucky jouneys seeking refugee camps. I could meet only two of them, both now living in Saigon.
[3] These were non-political prisoners from the North who had mostly committed murder or theft. They were confined in another section. Most of those in our camp were about to be soon released.
[4] When Group 4 was informed of Mr Sơn Thương’s collapse, the Emulation team was asked to take him to the Camp dispensary. The full story was long later recounted to me by Mr Vũ Quang Dũng, then an inmate of Group 4.
[5] Most people in this association had previously worked for the old regime with low positions and qualifications. Now powerful, they thought of different ways to offend us.
[6] Tôn Thất Hoán also crossed the border with his son some weeks before I started. Both of them were killed by Thai pirates when they had almost reached Thailand. In my trip to the US in 1990, I was able to visit his wife and children.