
GS Nguyễn Xuân Thu
Chương 3
Làm việc tại miền Nam
Làm mướn kiếm sống trong thời niên thiếu
Tôi bỏ làng ra đi kiếm sống một mình ở lứa tuổi 14, 15. Sáng ngày mồng ba Tết tôi đi bộ lên Hồ Xá, thuộc huyện Vĩnh Linh, cách đồn Châu Thị khoảng 3 cây số về hướng bắc. Ở lại đây ít hôm trong nhà của một người quen rồi tôi đón xe đò vào thị xã Quảng Trị, khoảng 40 cây số phía Nam của sông Hiền Lương, và cách làng tôi khoảng trên 50 cây số[1]. Lúc đầu tôi tìm tới nhà của một gia đình cùng quê nay đã lập nghiệp ổn định ở thị xã này. Họ cũng chẳng khá giả gì, nhưng họ đồng ý cho tôi ở tạm qua đêm trong nhà của họ. Ban ngày tôi đi đâu đó tự kiếm sống lấy.
Lúc đầu tôi thường đi lang thang trên bờ sông Thạch Hãn. Một hôm tôi đến một bến sông có nhiều người đang giặt áo quần lính. Một chị khoảng trên 30 tuổi hỏi tôi bằng giọng Quảng Nam: “Mày ở đâu? Có muốn giặt thuê không?” Trong hoàn cảnh của tôi, tôi đồng ý và bắt tay vào làm việc ngay. Cuối ngày, chị bảo tôi theo chị về nhà. Chị cho tôi ăn cơm. Xong, chị bảo: “Nếu mày muốn thì ở lại nhà chị, ăn cơm và hàng ngày đi giặt thuê quần áo cho Tây”. Nhà chị chỉ là một căn phòng rất hẹp, chỉ đủ cho hai vợ chồng chị, do đó tôi chỉ đồng ý làm cho chị để được ăn cơm ngày hai bữa và xin một vài đồng để ăn sáng thôi.
Vài tháng sau, tôi được tin lính Tây trong nội thành Quảng Trị[2] thuộc đơn vị pháo binh cần người biết nói tiếng Pháp giúp việc. Thế là tôi tìm đến xin việc. Nhờ có học một ít tiếng Pháp ở trường lúc học các lớp sơ cấp và có làm việc trong câu lạc bộ của lính Pháp trong thời gian ở tù trước đây, tôi được người Tây cho làm ngay. Công việc của tôi là phục vụ nhà ăn tại Câu lạc bộ Hạ sĩ quan Pháp và phụ bán ở quầy rượu.
Lúc đầu tôi phụ trách rửa chén bát, đặt bàn ăn, quét dọn và kéo quạt cho cả phòng có khoảng 40, 50 người Tây lúc họ ngồi ăn trưa và tối vào những ngày nắng nóng[3]. Sau một thời gian, họ chuyển tôi qua bộ phận phụ bán thức uống ở quầy bar. Tôi bán mọi thứ rượu, bia mỗi ngày từ 9 giờ sáng đến 8 giờ tối và ghi sổ sách cho những người không trả tiền mặt và kết toán sổ sách cuối ngày. Trung sĩ Lambert, người chủ trực tiếp của tôi, cũng như nhiều người Tây khác đến Câu lạc bộ này đối xử với tôi rất tử tế.
Đây là thời gian tôi có cuộc sống yên ổn nhất về mặt vật chất kể từ ngày mẹ tôi mất. Tôi không phải lo đói, lo chỗ ở chỗ ăn. Nhưng thời gian này không kéo dài lâu. Chỉ khoảng chín tháng sau, câu lạc bộ này đóng cửa vì đơn vị công binh này phải dời đi nơi khác. Mất việc, tôi trở lại cuộc sống thiếu thốn như trước.
Một hôm tình cờ tôi gặp một người Pháp quen lúc tôi làm ở câu lạc bộ Quảng Trị. Ông hỏi tôi có muốn đi làm việc ở PK17 không. Vì không có việc làm khá lâu, tôi nhận lời đi theo ông.
PK17 là một đồn Tây đóng trên quốc lộ số 1, bên cầu bắc qua sông An Lỗ, cách thành phố Huế 17 cây số và cách thị xã Quảng Trị về hướng Bắc trên 40 cây số. PK17 là một đồn lính Tây lớn và nổi tiếng đến nỗi nói đến PK17 ai ở Quảng Trị hay Huế cũng đều biết. Công việc của tôi ở đây cũng tương tự như việc làm bán ở quầy rượu trước đây ở Quảng Trị. Chỉ có khác là mỗi tuần tôi đi theo xe của cơ quan vào Huế một lần để phụ mua thực phẩm và những thứ cần thiết cho câu lạc bộ. Đây là những lần đầu tiên trong đời tôi biết đến Huế. Đối với tôi lúc đó Huế là một thành phố quá ư lớn với nhiều trường học lớn, nhiều chùa, đền, lăng, miếu. So với nội thành cổ Quảng Trị, đại nội Huế là một công trình vĩ đại. Trường Khải Định và trường Đồng Khánh ở Huế để lại ấn tượng thật sâu đậm trong trí tôi lúc đó. Mỗi lần đi qua hai ngôi trường này, nhìn học sinh lúc đến trường hay khi tan trường là những lần tôi rươm rướm nước mắt. Tôi tự hỏi tại sao cùng ở tuổi của chúng mà tôi không được đến trường. Có lần vào thành nội Huế, đi qua trường Thiếu sinh quân nằm sát trại Tế bần Huế trên đường Đinh Tiên Hoàng, tôi mới biết ngôi trường này dành cho những đứa trẻ mồ côi là con em của quân đội. Từ đó ý nghĩ trở lại trường học bắt đầu nhen nhúm trong tôi.
Làm việc tại PK17 khoảng ba tháng thì tôi bị bệnh thương hàn nặng. Xe cấp cứu phải đưa tôi vào Bệnh viện Trung ương Huế. Sau hai ngày thập tử nhất sinh, bệnh viện hầu như bỏ cuộc thì một người thăm bệnh nhân nằm bên cạnh tôi thấy tôi chẳng có ai đến thăm, đau đớn quằn quại và đi ngoài liên tục không dứt, ông nói cháu này trước sau gì cũng chết, thôi ông làm liều đến bên tôi xoa bóp và dùng kim nhỏ chích sau lưng tôi. Không ngờ sau đó bệnh tiêu chảy ngừng hẳn. Không ai săn sóc, người tôi lúc đó xanh xao, xơ xác và hôi hám vô cùng. Hai hôm sau, thấy trong người hơi khoẻ, tôi trốn bệnh viện ra về, xin xe về An Lỗ. Trên đường đi đến bến xe, có một người thấy tôi, rủ lòng thương hại, cho tôi 3 đồng bạc. Khát nước, tôi đem số tiền ấy mua một chai nước chanh. Thấy tôi quá tiều tụy, chị bán hàng trao cho tôi một chai nước mà không lấy tiền.
Về đến An Lỗ được hai ngày, tôi bỏ về Đông Hà tìm chỗ ở của người chị cả của tôi, lúc ấy đang sống với chồng trong trại lính của Tiểu đoàn 21. Đông Hà là một thị trấn nhỏ phía Bắc của thị xã Quảng Trị và cách thị xã này khoảng trên 10 cây số. Chị tôi và tôi xa nhau kể từ ngày tôi rời quê, bốn năm về trước. Sau khoảng trên một tháng dưỡng bệnh, tôi tìm được việc làm trong một Câu lạc bộ của Hạ sĩ quan Công binh Pháp, với tư cách là người phụ giúp bán ở quầy bar rượu. Tôi làm được gần một năm thì chiến tranh xảy ra rất ác liệt ở mọi nơi trên đất nước Việt Nam, đặc biệt là chiến trường Điện Biên Phủ.
Chồng của chị tôi đi hành quân tại vùng cao nguyên (bây giờ gọi là Tây nguyên) và bị quân đội Việt Minh bắt tại quốc lộ 19 trên đường Quy Nhơn-Pleiku trong lúc chị tôi đang chuẩn bị sinh cháu đầu. Sau khi chị sinh được gần hai tháng, chị bế cháu bé về quê chồng ở Quảng Bình. Tôi chia tay chị từ ngày đó và mãi đến 37 năm sau (1991) hai chị em mới gặp lại nhau. Sau khi từ giã chị và cháu bé, tôi xin nghỉ việc. Chấm dứt một chuỗi ngày làm việc kiếm sống sáu năm trong thân phận của một đứa bé mồ côi.
Dạy tại các trường trung học tư
Trước khi chính thức được Bộ Giáo dục bổ nhiệm làm giáo sư trung học năm 1964, tôi đã có một thời gian dài gần 7 năm làm nghề kèm trẻ tại nhà (ngày nay gọi là làm “gia sư”) và đi dạy học cho các trường trung học tư thục hay bán công tại Sài Gòn và Huế.
Ngoài những lúc kèm trẻ trong thời gian học trung học, trong năm học Dự bị Đại học tại trường Đại học Văn khoa Sài Gòn tôi có đi dạy mỗi tuần từ 10 đến 12 giờ tại một trường trung học tư thục nhỏ ở Hóc Môn, gần Trung tâm Huấn luyện Quang Trung, nay gọi là Trung tâm Phần mềm Quang Trung. Tôi dạy môn Toán buổi tối cho các lớp trung học đệ nhất cấp, nay gọi là trung học phổ thông cấp hai. Hóc Môn cách Sài Gòn khoảng 15 cây số, nên việc đi lại thời đó không đến nỗi khó khăn. Năm đầu tiên trong đời làm thầy giáo đứng lớp, tuy còn thiếu kinh nghiệm nhưng nhờ cố gắng nên mọi việc diễn ra khá tốt đẹp. Quan hệ giữa học sinh và giáo viên bình thường.
Sau mùa hè 1961, tôi thi đậu vào trường Đại học Sư phạm Huế. Ngoài việc theo học ở đại học, tôi còn đi dạy môn Quốc văn (Ngữ văn) cho trường trung học tư thục Bình Minh mỗi tuần khoảng 10 giờ và hai buổi tối mỗi tuần tại trường Bách Khoa trong Thành Nội. Thầy Trần Điền, hiệu trưởng trường trung học Bình Minh là một người vừa làm chính trị vừa là một nhà giáo gương mẫu. Các giáo viên trẻ như chúng tôi rất kính trọng thầy. Trong biến cố Tết Mậu Thân thầy bị mất tích. Tại trường Bình Minh tôi có nhiều người bạn là giáo viên giảng dạy trước tôi tại trường như các anh Nguyễn Văn Đương, Trần Văn Nghĩa, Nguyễn Văn Diên. Anh Đương đã mất tại Sài Gòn từ trên vài chục năm nay. Còn anh Nghĩa không có tin tức. Riêng Diên thì định cư ở California, Hoa Kỳ và gần đây nghe tin là anh đã mất.
Tôi dạy tại các trường tư thục từ tháng 10 năm 1961 cho đến tháng 5 năm 1963 thì nghỉ dạy. Tại trường Bách Khoa, tôi có hai người bạn cùng dạy các lớp đệ nhị (lớp thi để lấy bằng Tú Tài 1) là anh Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Châu. Lúc xảy ra phong trào xuống đường của Phật giáo chống lại chính phủ Ngô Đình Diệm, anh Tường là một trong số những sinh viên đầu não lãnh đạo trong phong trào. Sau này anh là một trong những người viết thể tùy bút có tầm cỡ của Việt Nam. Anh bị bệnh từ trên 10 năm nay và hiện anh đang sống những ngày cuối đời ở Thành phố Hồ Chí Minh. Riêng Nguyễn Châu sau khi tốt nghiệp dạy môn Triết tại trường Quốc học và là tác giả của một số quyển sách giáo khoa về triết học in trước năm 1975, và từ khi định cư ở San José, Hoa Kỳ, anh là tác giả của một vài quyển sách viết về Huế và về văn hóa Việt Nam. Châu cũng có gần 10 năm đi cải tạo trong các trại cải tạo ở miền Trung vì có liên quan đến đảng của cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.
Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Huế, tôi được Bộ Giáo dục bổ nhiệm đi dạy tại trường Trung học Nguyễn Huệ, Tuy Hòa. Hiệu trưởng lúc ấy là anh Nguyễn Đức Giang. Tuy Hoà thời đó được xem là nơi xa xôi cách trở và các giáo viên mới tốt nghiệp như tôi không ai muốn lựa chọn. Các bạn trong lớp tôi đều được đưa đến dạy các trường ở những thành phố lớn như Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt.
Gia đình tôi gồm có vợ và một đứa con trai hai tuổi Nguyễn Xuân Như đến Tuy Hoà vào giữa tháng 9 năm 1964. Tôi được phân phối dạy các lớp từ Đệ tứ đến Đệ nhị (lớp 9 đến 11 bây giờ), trong đó, hai lớp quan trọng là lớp Đệ tứ là lớp dạy cho học sinh thi để lấy bằng Trung học đệ nhất cấp và lớp Đệ nhị để thi lấy bằng Tú tài 1 (hai văn bằng này về sau đã bị bỏ).
Trong thời gian này cả miền Nam ngột ngạt bởi không khí chiến tranh. Rất nhiều thầy giáo phải đi quân dịch. Các trường tư thục thiếu giáo viên trầm trọng. Do đó, ngoài việc dạy tại trường công lập Nguyễn Huệ, tôi được mời dạy thêm môn Quốc văn, lớp 11 (lớp thi Tú Tài 1) ở trường Trung học tư thục Công giáo Đái Đức Tuấn.
Trong năm học 1964-1965, công việc dạy học diễn ra khá thuận tiện đối với tôi. Tuy nhiên, lúc này không khí chiến tranh mỗi ngày một trở nên ngột ngạt cả miền Nam, đặc biệt là trong thành phố Tuy Hòa, một thành phố hàng đêm bị Việt Cộng bao vây ba phía, và phong trào Phật giáo chống chính phủ miền Nam lan đến thành phố nhỏ bé này cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập của học sinh và sinh hoạt của người dân. Trong mỗi lớp có rất nhiều học sinh mang khăn tang đi học.
Trong kỳ thi Trung học đệ nhị cấp (cuối lớp 11) vào tháng 6 năm 1965, giáo viên trường Trung học Nguyễn Huệ được bố trí đi coi và chấm thi ở các thành phố có Hội đồng thi. Tôi được cử làm Trưởng ban chấm môn Việt văn của Hội đồng thi Huế. Năm sau, tôi được cử đi chấm thi ở Quy Nhơn, một thành phố ở phía bắc của Tuy Hòa, cách khoảng trên 100 cây số. Hàng năm thời gian đi chấm thi thường là lúc bạn bè nhà giáo tại nhiều tỉnh khác nhau gặp gỡ, tâm sự và trao đổi kinh nghiệm. Nhân dịp này tôi gặp một số bạn hiện đang dạy học và làm quản lý tại một số trường tại thành phố Sài Gòn. Một bạn tỏ ý muốn mời tôi về dạy học và làm quản lý tại trường Sư phạm Kiểu mẫu Thủ Đức.
Trong thời gian hai năm đi dạy học tại trường Nguyễn Huệ, ngoài công việc dạy học, tôi còn viết một số bài đăng trên các tạp chí Văn Học (văn học), Minh Tâm (tư tưởng phương Đông), và báo Chính Luận (trang giáo dục). Tôi cũng có viết nhiều bài đăng trên một tờ báo của Tỉnh đoàn Cán bộ Xây dựng Nông thôn tỉnh Bình Định, tại đây một người anh vợ của tôi đang làm Phó Tỉnh trưởng Nội an. Chính vì những bài viết này, đến mùa hè 1966, tôi nhận được sự vụ lệnh (văn bản) của Bộ Giáo dục quyết định chuyển tôi đến làm việc trong khối Nghiên cứu và Phát triển của Trung tâm Huấn luyện Cán bộ Xây dựng Nông thôn Vũng Tàu, theo đề nghị của Tổng Bộ Xây Dựng. Thế là từ đây tôi kết thúc nghề dạy học của mình.
Làm việc tại Bộ Xây dựng Nông thôn
Đầu tháng 7 năm 1966 tôi đến trình diện tại Trung tâm Huấn luyện Cán bộ Xây dựng Nông thôn Vũng Tàu (TTHL/VT), một trung tâm huấn luyện trực thuộc Tổng Bộ Xây dựng, từ năm 1969 về sau đổi thành Trung tâm Huấn luyện Cán bộ Quốc gia Vũng Tàu[4].
Để hiểu rõ vai trò của Trung tâm Huấn luyện Cán bộ Xây dựng Nông thôn, cần biết nguồn gốc ra đời của quốc sách này.
Từ những năm 1959, 1960, cán bộ Cộng sản nằm vùng bắt đầu nổi lên tấn công các xã ấp khiến miền Nam trở nên mỗi ngày một bất ổn. Để đối phó với tình hình này, từ cuối năm 1961 đầu năm 1962, chính phủ Ngô Đình Diệm đã đưa ra quốc sách Ấp chiến lược nhằm cô lập cán bộ Cộng sản nằm vùng ra khỏi người dân. Theo đó, các Ấp chiến lược được lập ra ở nhiều nơi tại miền Nam. Người dân trong các làng được đưa vào ở trong các Ấp chiến lược, có các hàng rào bao bọc, ra vào có sự kiểm soát của lực lượng bảo vệ. Mục đích là tách Cộng sản nằm vùng ra khỏi người dân. Tách ra khỏi dân giống như tách cá ra khỏi nước, cán bộ Cộng sản nằm vùng khó có thể tồn tại lâu dài.
Về lý thuyết, Ấp chiến lược (ACL) là một quốc sách được ra đời đúng lúc và có nhiều cơ may thành công. Nhưng trên thực tế, chương trình ACL này đã có nhiều sai lầm lúc áp dụng vào thực tế: một là, bắt dân chúng phải xa rời làng xóm và mồ mả tổ tiên để vào sống trong một khu chật hẹp, tù túng, ra vào phải có giờ giấc; hai là, ý đồ công giáo hoá người dân sinh sống trong các ACL của phần lớn các cấp chính quyền miền Nam lúc bấy giờ; ba là, bộ máy tuyên truyền tại miền Bắc cho rằng chính quyền Ngô Đình Diệm đã lập các nhà tù gọi là ACL tại miền Nam để giam giữ dân chúng. Những sai lầm của chính quyền cùng với quyết tâm đánh chiếm miền Nam qua bộ máy tuyên truyền của Cộng sản Bắc Việt là nguyên nhân đưa đến sự chống đối của người dân trong các ACL, và vì vậy, sau ngày Tổng thống Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu bị giết hại, với sự xúi giục của Việt Cộng nằm vùng, đa số ACL bị nhân dân nổi lên đốt phá và chương trình ACL xem như thất bại.
Trong thời gian khủng hoảng chính trị tại miền Nam từ cuối năm 1963 đến năm 1965, tình hình an ninh tại các vùng nông thôn miền Nam trở nên cực kỳ tồi tệ. Để cứu vãn miền Nam khỏi rơi vào tay Cộng sản miền Bắc, ngày 7/2/1966, Tổng thống Lyndon B. Johnson của Hoa Kỳ có cuộc họp thượng đỉnh tại Honolulu với hai Tướng Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ, Chủ tịch Hội đồng Lãnh đạo Quốc gia và Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương của miền Nam Việt Nam, để quyết định các phương sách bảo vệ miền Nam Việt Nam. Sau cuộc họp, một bản Tuyên bố chung được ra đời[5]. Theo đó, Chính phủ Hoa Kỳ quyết tâm bảo vệ miền Nam bằng một quốc sách dựa trên hai chính sách lớn: xây dựng chế độ dân chủ tại miền Nam và tái lập an ninh tại các xã ấp.
Với chương trình chính trị, đến năm 1967, miền Nam đã xây dựng được Hiến pháp Đệ nhị Cộng hoà và tiến hành bầu cử được Tổng thống và Phó Tổng thống. Thế là sau 4 năm từ ngày Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ, miền Nam Việt Nam đã có được một chính phủ hợp hiến, hợp pháp.
Đối với chương trình tái lập an ninh cho miền Nam, các lực lượng quân đội tinh nhuệ của Việt Nam Cộng hoà và quân đội Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam có nhiệm vụ phối hợp đương đầu với cuộc chiến tranh quy ước của các đơn vị quân đội chính quy của Cộng sản Bắc Việt đưa vào. Để tái lập an ninh cho miền Nam, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa quyết tâm xây dựng cho được một lực lượng phi quy ước (chú trọng về chính trị, gồm các lực lượng dân quân có võ trang thuộc các đơn vị phi chính quy) để đối phó với cuộc chiến tranh du kích của các đơn vị Việt Cộng nằm vùng.
Thế là quốc sách Xây dựng Nông thôn được ra đời, tại trung ương, được lãnh đạo bởi Hội đồng XDNT trung ương do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch và Tổng trưởng Tổng Bộ Xây dựng làm Tổng thư ký và các thành viên là các Bộ trưởng trong Chính phủ. Tại các ấp, chương trình xây dựng các Ấp Đời Mới (trước đây gọi là Ấp Chiến lược) và các đoàn cán bộ Xây dựng Nông thôn (CB/XDNT) được thành lập và đây là lực lượng chủ lực trong công tác xây dựng nông thôn mới. Các đoàn CB/XDNT có sự hỗ trợ quân sự của các tiểu đoàn quân lực VNCH, Địa phương quân và Nghĩa quân khi đến tái chiếm các ấp do du kích Việt Cộng tạm chiếm.
Các đoàn CB/XDNT có hai nhiệm vụ chính: một là xây dựng một cộng đồng an ninh tại mỗi xã ấp bằng cách tận diệt Cộng sản nằm vùng và cường hào ác bá, không để du kích Việt Cộng tung hoành, và hai là xây dựng một cộng đồng phát triển trong đó ưu tiên chú trọng đến việc tổ chức bầu cử chính quyền xã ấp; xây dựng lại cầu, cống, đường, trạm xá, trường học, đình làng, chùa, lăng, miếu; cải cách ruộng đất; khuyến khích phát triển nông nghiệp; lập quỹ hợp tác xã nông nghiệp.
Muốn đạt được các mục tiêu trên, tuyển dụng và đào tạo các đoàn cán bộ XDNT là chiến lược mang tính quyết định. Tổng bộ Xây dựng có nhiệm vụ lãnh đạo toàn diện các chương trình trên; Trung tâm Huấn luyện Cán bộ XDNT Vũng Tàu (TTHL/VT) phụ trách huấn luyện các đoàn CB/XDNT; và các Tỉnh đoàn CB/XDNT tại mỗi tỉnh có nhiệm vụ tuyển dụng, điều hành, kiểm tra mọi hoạt động của các đoàn CB/XDNT và đánh giá tình hình an ninh trong mỗi xã ấp dựa trên hệ thống đánh giá HES[6] do phía cố vấn Hoa Kỳ soạn ra. Bất cứ hoạt động nào, ở cấp từ trung ương đến cấp quận, huyện đều có sự cố vấn và yểm trợ đắc lực mọi mặt từ phía Hoa Kỳ.
TTHL/VT lúc đầu có ba cơ sở: Cơ sở đầu não đặt tại trại Chí Linh, trại Phù Đổng và cơ sở Lam Sơn cách trại Chí Linh khoảng 6 cây số về hướng Sài Gòn. Không giống như các trung tâm huấn luyện tại các trường học (nay gọi là Trung tâm Đào tạo), TTHL/VT được tổ chức và hoạt động như một đơn vị quân đội, có kỷ luật chặt chẽ, nhân viên và khóa sinh ra vào trại phải có giấy phép và được kiểm tra nghiêm ngặt bởi các đội Bảo vệ canh gác có súng.
TTHL/VT từ cuối năm 1965 do Trung tá Nguyễn Bé làm Chỉ huy trưởng (Giám đốc). Trung tâm có bốn khối: Khối Nghiên cứu và Phát triển, Khối Huấn luyện, Khối Hành chính và Khối Tổng đoàn khóa sinh. Ngoài ra, TTHL/VT còn có Ban Cố vấn gồm trên 40 người Mỹ đảm trách nhiều công việc khác nhau. Ban Cố vấn có nhiệm vụ yểm trợ đắc lực về mặt tài chính và hậu cần cho các hoạt động đào tạo và huấn luyện của Trung tâm.
Trong thời gian đầu, lúc mới đến Trung tâm, tôi được phân công đến tìm hiểu công việc tại các khối, phòng, ban và các Tổng đoàn khóa sinh của Trung tâm. Sau khoảng trên hai tháng, tôi được bổ nhiệm chức vụ Phụ tá Giám đốc đặc trách Khối Nghiên cứu Phát triển (NCPT). Chỉ huy trưởng của TTHL/VU là Trung tá Nguyễn Bé. Lúc ông làm Phó Tỉnh trưởng Nội an tại tỉnh Bình Định, tôi có giúp viết nhiều bài báo đăng trên tờ nội san của tỉnh đoàn Cán bộ XDNT Bình Định. Những bài viết này sau được tập hợp lại, hiệu đính và in thành quyển sách “Tìm hiểu Chung Thủy” ký tên Tường Vân Nguyễn Bé, để phát cho cán bộ và quan khách mỗi khi đến thăm Trung tâm. Có nửa triệu bản được phát hành trong lần in đầu tiên. Khi Nguyễn Bé mới vào làm Chỉ huy trưởng, anh có nhờ tôi viết một bài kêu gọi thanh niên Việt Nam phải ý thức về sứ mạng lịch sử của mình dù ở vào hoàn cảnh nào, và tôi không ngờ được rằng chính bài này đã được sử dụng để đọc trong Đêm suy tư trong mỗi dịp lễ mãn khóa với sự tham dự của hàng ngàn khóa sinh. Giữa đêm tối, khi máy phóng thanh phát ra bài này, nhiều người không cầm được nước mắt.
Khối NCPT do tôi trực tiếp điều hành có một số phòng và ban:
Phòng nghiên cứu phụ trách nghiên cứu và soạn thảo chương trình huấn luyện chuyên môn cho các công tác phát triển nông thôn, từ bài học về các mục tiêu của công tác XDNT, nhiệm vụ của cán bộ XDNT, công tác hướng dẫn bầu cử xã ấp, chống nạn mù chữ, vận động nhân dân tham gia vào các chương trình xây dựng cầu cống, đường sá, bệnh xá, trường học, đình làng, đến hướng dẫn sinh hoạt thiếu nhi, cách thức sinh hoạt cộng đồng… Cụ thể hóa các bài học là các nhiệm vụ mỗi loại CB/XDNT phải làm để đạt được mục tiêu đã đề ra và có phần hướng dẫn đánh giá mỗi nhiệm vụ. Sau khi soạn thảo xong và được đem ra dạy thử, các tài liệu được điều chỉnh lại trước khi chuyển sang Ban Cố vấn tại Trung tâm để được dịch ra tiếng Anh và sau đó trình cho Tổng Bộ Xây dựng xét duyệt, ban hành.
Phòng chính trị phụ trách soạn thảo các tài liệu liên quan đến môn chính trị, giúp học viên biết rõ lý do tại sao người CB/XDNT phải xây dựng nông thôn. Các nhiệm vụ chính là phải xây dựng cho được hai cộng đồng ở tại mỗi xã ấp: Cộng đồng an ninh để bảo vệ cuộc sống thanh bình của người dân, không để cho bất cứ ai áp bức, nhũng nhiễu dù kẻ đó là người phía quốc gia hay là cán bộ Cộng sản nằm vùng. Cộng đồng phồn thịnh là nơi mọi người dân được tự do bầu cử, đi lại, làm việc, học hành, có mọi tiện nghi tối thiểu về nhà ở, đường sá, cầu cống, trường học, trạm y tế, nhà hộ sinh, đình làng, chùa, miếu, nhà thờ.
Phòng báo chí phụ trách bài vở cho tờ báo Nước Ta, tờ nội san của Trung tâm phát cho cán bộ và khóa sinh đang học tập và làm việc tại Trung tâm, xuất bản hàng tháng và tờ báo Xây dựng Nông thôn, của Tổng Bộ Xây dựng xuất bản hai tháng một lần, chủ yếu phân phối cho cán bộ XDNT trong toàn miền Nam.
Phòng Phát thanh và truyền hình phụ trách hai chương trình phát thanh mỗi tuần (Đài Phát thanh Sài Gòn một giờ mỗi tuần và Đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA nửa giờ/tuần), và Chương trình Truyền hình Xây dựng Nông thôn mỗi tuần một giờ.
Ban Văn Công Chí Linh gồm khoảng trên 50 người có nhiệm vụ hỗ trợ tinh thần cho cán bộ XDNT tại các tỉnh bằng những chuyến lưu diễn, sinh hoạt thường xuyên với các khóa sinh tại TTHL/VT và thu băng, thu hình cho các chương trình phát thanh và truyền hình của Tổng Bộ Xây dựng.
Tôi học được rất nhiều từ công việc mới của tôi tại TTHL/VT này. Để có đủ kiến thức và kinh nghiệm, tôi đã phải đọc hàng ngàn trang đúc kết từ các cuộc phỏng vấn hay báo cáo của hàng vài chục ngàn khóa sinh đến học tại Trung tâm mỗi năm. Ngoài ra, cứ hai tuần một lần tôi đến khảo sát tình hình công tác của CB/XDNT tại một tỉnh. Đây cũng là dịp tôi học và biết được nhiều kinh nghiệm thực tế về những đau khổ cùng cực và mất mát lớn lao của nhân dân miền Nam trong cuộc chiến kéo dài ngót 20 năm. Những bài viết in trong các tập “Những ý tưởng trên đường xây dựng nông thôn” mang tên Tường Vân Nguyễn Bé là kết quả của những năm tôi tiếp xúc và học được từ những người dân ở tận các vùng xa xôi hẻo lánh của đất nước và từ những người cán bộ áo đen khát khao xây dựng lại xóm làng đổ nát của mình. Đó chính là máu, nước mắt và cuộc đời khốn cùng của họ.
Trong một chuyên công tác với một người cố vấn Mỹ tên Erich (tôi quên họ của anh) về tỉnh Châu Đốc vào những ngày cuối năm 1967 (chỉ hai ngày sau là xảy ra biến cố Tết Mậu Thân) chúng tôi thấy được rằng chương trình XDNT khó có thể thành công nếu không có sự hợp tác và hỗ trợ của các cấp chính quyền từ quận, huyện đến xã, ấp. Để có được sự tham gia của họ, tôi đã nói cho người cố vấn Mỹ của tôi biết là phải huấn luyện các viên chức hành chính này, đưa họ về học tập tại Rừng Chí Linh (TTHL/VT) như các CB/XDNT.
Sau chuyến công tác ấy, Khối NCPT và Ban cố vấn Mỹ phối hợp lập đề án “Huấn luyện cán bộ xã ấp”. Đúng như chúng tôi suy nghĩ, các cấp có thẩm quyền của Bộ Nội vụ lúc đầu đã chống đối quyết liệt. Nhưng khi Đại sứ Mỹ William Colby, đại diện cho phía Hoa Kỳ, đưa đề án ra với phía Việt Nam, Thủ tướng Trần Thiện Khiêm lúc ấy đồng ý ngay vì ông biết là ông không có lý do để phản đối. Thế là suốt năm 1968, nhóm xây dựng Đề án huấn luyện cán bộ quốc gia đã làm việc cật lực với các chuyên gia trong Ban cố vấn Mỹ và Bộ Nội vụ để hoàn thành chương trình huấn luyện. Đến giữa năm 1969, lớp huấn luyện cán bộ quốc gia đầu tiên tốt nghiệp, có Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, các tổng bộ trưởng, đoàn ngoại giao đến tham dự. Erich và tôi ngồi cuối phòng bắt tay tự chúc mừng nhau về sự kiện quan trọng mang tính lịch sử này. Từ đó về sau, Trung tâm cán bộ XDNT được đổi thành Trung tâm Huấn luyện Cán bộ Quốc gia và cán bộ từ các bộ, tỉnh, đến quận, huyện, xã, ấp đều phải đến dự các lớp huấn luyện tại Trung tâm Huấn luyện Cán bộ Quốc gia này.
Biến cố Tết Mậu Thân 1968 để lộ một lỗ hỏng lớn trong hệ thống an ninh và quốc phòng tại miền Nam. Các bộ phận trong cả phía Mỹ lẫn Việt Nam đã đổ trách nhiệm cho nhau trong việc đã không phát hiện được quân đội chính quy Bắc Việt xâm nhập vào tận Thủ đô Sài Gòn và hầu hết các tỉnh lỵ của miền Nam. Các bản báo cáo từ phía Hoa Kỳ cũng cho thấy quốc sách XDNT không thành công vì thiếu sự phối hợp có hiệu quả từ các cấp lãnh đạo cao nhất. Đây là cơ hội Hoa Kỳ xem xét lại toàn bộ quốc sách chống Cộng tại miền Nam.
Trước sự chống đối mỗi ngày một quyết liệt của dân chúng Hoa Kỳ trong cuộc chiến tại miền Nam, Tổng thống Richard Nixon hứa sẽ làm mọi cách để chấm dứt cuộc chiến tại Việt Nam và đưa những người lính Mỹ về lại Hoa Kỳ để không phải chiến đấu và chết trên rừng núi Việt Nam. Để thực hiện lời hứa đó, Tổng thống Nixon đã thay đổi chiến lược tại Việt Nam bằng chính sách Việt Nam hóa cuộc chiến Việt Nam (“Vietnamisation of the Vietnam War”), nghĩa là cuộc chiến tại Việt Nam phải do người Việt Nam đóng vai trò chủ động. Với chính sách mới, quân đội Hoa Kỳ giúp quân đội Việt Nam Cộng hoà đánh bại quân đội chính quy của Cộng sản Bắc Việt trên chiến trường miền Nam và Chương trình XDNT phải được cải tổ lại để có thể mang lại an ninh cho 100 phần trăm dân và đất tại miền Nam. Theo đó, Hội đồng Bình định và Phát triển Trung ương được thành hình, trong đó Chủ tịch Hội đồng là Tổng thống (trước đây là Thủ tướng), Thủ tướng Chính phủ làm Tổng thư ký (trước đây là Tổng trưởng Tổng bộ Xây Dựng), các Bộ trưởng trong nội các, Tư lệnh các vùng chiến thuật… là các thành viên. Đứng đầu phía Hoa Kỳ trong Chương trình này là Đại sứ William Colby (chức vụ là Phó Đại sứ nhưng ngạch trong ngành ngoại giao là Đại sứ) và thành viên là các vị đứng đầu của các bộ phận Viện trợ Mỹ (USAID), cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), cố vấn các vùng chiến thuật. Trung tâm BĐPT/TƯ (Bình định và Phát triển) là văn phòng thường trực của Hội đồng BĐPT/TƯ. Tại mỗi Vùng chiến thuật có Hội đồng BĐPT/Vùng, tỉnh có Hội đồng BĐPT/Tỉnh, Hội đồng BĐPT/Quận.
Từ năm 1969 trở về sau, mỗi năm Hội đồng BĐPT/TƯ cho ra đời một Kế hoạch BĐPT với những mục tiêu, chỉ tiêu khác nhau nhằm đáp ứng tình hình chiến sự tại miền Nam. Kế hoạch BĐPT có khoảng 20 chương trình nhằm phát triển nông thôn miền Nam với mục đích thu phục được “trái tim và khối óc” (hearts and minds) của người nông dân. Đó là những chương trình như chương trình quân đội, chương trình Phụng Hoàng, chương trình cảnh sát quốc gia, chương trình chiêu hồi, chương trình tỵ nạn, chương trình huấn luyện cán bộ xã ấp, chương trình bầu cử xã ấp, chương trình ấp đời mới, chương trình cán bộ XDNT, chương trình phát triển như xây dựng các trạm y tế, trường học, cầu, cống, đường sá, chương trình tuyển dụng và tu nghiệp giáo viên, dự án tự túc, cải cách hành chính, cải cách ruộng đất…
Đến đầu năm 1970, có 91 phần trăm dân số (17,9 triệu người) ở miền Nam sống trong vùng an ninh, 7,2 phần trăm sống trong vùng tranh chấp và chỉ có 1,4 phần trăm tức 256 ngàn người sống trong vùng Việt Cộng kiểm soát tại các vùng giáp giới với Miên, Lào, so với cuối năm 1964 lúc chỉ có 40 phần trăm dân số sống trong vùng Chính phủ miền Nam kiểm soát và 20 phần trăm sống trong vùng Việt Cộng kiểm soát. Cũng với chính sách cải cách nông thôn miền Nam, một tầng lớp nông dân “mới giàu” xuất hiện ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đến tháng 6/1970 dân tại vùng này làm chủ 3.400 máy cày, một thành quả của chương trình tín dụng nông nghiệp[7].
Giữa năm 1968, do tình hình chiến sự tại miền Nam gia tăng, mọi công chức, thanh niên ở trong lứa tuổi nhập ngũ phải gia nhập quân đội. Tôi từ giã TTHL/VT để lên đường tham dự khóa huấn luyện quân sự tại Trung tâm Huấn luyện Quang Trung. Sau 9 tuần lễ huấn luyện quân sự, tôi cũng như nhiều người khác được biệt phái về lại các đơn vị cũ để tiếp tục nhiệm vụ của mình. Tôi về trình diện tại Bộ XDNT và do nhu cầu, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Hoàng Văn Lạc[8] đã giữ tôi lại làm việc tại Bộ và bổ nhiệm tôi làm Chánh sự vụ Sở Tâm Chiến (một đơn vị hành chính thấp hơn Vụ nhưng trên Phòng), kiêm luôn một số công việc thuộc Khối NCPT tại TTHL/VT như các chương trình quảng bá xây dựng nông thôn, trong đó có các chương trình phát thanh, truyền hình…
Làm việc tại Sở Thông tin và Nghi tiết, Bộ Giáo dục
Giữa năm 1969, Bộ XDNT giải thể, chương trình CB/XDNT đưa về Phủ Tổng ủy Công vụ quản lý, Bộ trưởng NguyễnVăn Vàng được chuyển công tác làm Bộ trưởng tại Phủ Thủ tướng, tôi xin Ông được trở về lại Bộ Giáo dục, Văn hóa và Thanh niên (từ nay gọi là “Bộ Giáo dục”). Tôi được bố trí làm việc tạm tại Nha Kế hoạch và Pháp chế Học vụ. Trong thời gian này, tôi được Đại sứ Hoa Kỳ Ellsworth Bunker mời đi thăm Hoa Kỳ. Lúc trở về, tôi được bổ nhiệm chức vụ Chánh sự vụ Sở Thông tin và Nghi tiết (Lễ tân). Đây là một Sở trực thuộc Văn phòng Phó Thủ tướng và làm việc trực tiếp với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục Bác sĩ Nguyễn Lưu Viên.
Sở Thông tin và Nghi tiết (chức năng gần như tương đương với Vụ Hợp tác Quốc tế ngày nay) có hai chức năng tưởng như riêng biệt, nhưng trên thực tế thực sự bổ sung cho nhau.
Phòng Thông tin lúc bấy giờ có nhiệm vụ hợp tác với các tổ chức quốc tế tại Sài Gòn, đặc biệt là Cơ quan Viện trợ Hoa Kỳ về Giáo dục (USAID/Education) để phát triển giáo dục mọi cấp học. Trong giai đoạn có kế hoạch bình định và phát triển, giáo dục trong các Ấp đời mới có ưu tiên cao. Với chức năng này, tôi được đề cử làm đại diện thường trực của Bộ Giáo dục tại Trung tâm BĐPT Trung ương. Nhiệm vụ của tôi là điều phối chương trình giáo dục, họp hàng tuần với đại diện Thủ tướng Chính phủ và đại diện các bộ khác tại Trung tâm BĐPT/TƯ đăt tại Phủ Thủ tướng. Trong các buổi họp hàng tuần này, phía cố vấn Mỹ có đại diện Đại sứ Colby và các cố vấn Mỹ thuộc 4 vùng chiến thuật. Mỗi tháng một lần, tôi tháp tùng Phó Thủ tướng Nguyễn Lưu Viên họp tại Hội đồng BĐPT/TƯ tại dinh Tổng thống (nay là Dinh Độc lập). Tôi còn cùng với đại diện các bộ đi dự các cuộc họp về BĐPT tại các Trung tâm BĐPT ở bốn Vùng chiến thuật.
Phòng Nghi tiết có nhiệm vụ sắp xếp các cuộc họp của Phó Thủ tướng với các đối tác trong nước và quốc tế, phối hợp tổ chức các hội thảo, Hội thảo quốc tế tại Việt Nam, ví dụ như Hội thảo Tổ chức các Bộ trưởng Giáo dục tại các nước Đông Nam Á (SEAMEO) vào cuối năm 1969 và phối hợp với các nha (vụ), sở trong bộ, các bộ trong chính phủ, cơ quan viện trợ Mỹ và phát triển quốc tế, như tổ chức UNDP, UNICEF, FAO để phát triển giáo dục đến tận các vùng xa xôi, hẻo lánh.
Trong giai đoạn từ 1969 đến 1971, một số trường đại học Vùng và các trường đại học cộng đồng chuẩn bị ra đời, trong đó có Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức được mô phỏng theo mô hình các trường đại học “land grant” college của Hoa Kỳ. Đến đầu năm 1975 thì viện đại học này (university) có 9 trường đại học (schools) và do Giáo sư Đỗ Bá Khê làm Viện trưởng. Trường Đại học Quảng Đà (nay là trường Đại học Đà Nẵng), Hải học viện Nha Trang, trường Đại học Cộng đồng Tiền Giang, trường Đại học Cộng đồng Tây Ninh và Viện đại học tư thục Hòa Hảo ở An Giang cũng được chuẩn bị để ra đời trong giai đoạn này.
Nhóm chuyên gia thuộc Học viện Ngôn ngữ học Mùa hè (Summer Institute of Linguistics) với sự tài trợ của USAID/Education đã hoàn tất việc chuyển hóa tiếng nói của 23 dân tộc ít người thành chữ viết theo mẫu tự La Tinh và đã soạn xong bộ sách tập đọc cấp tiểu học cho 23 dân tộc đang sinh sống tại các tỉnh cao nguyên (Tây nguyên). Trong buổi lễ trao huy chương cho các chuyên gia thuộc Nhóm SIL, Bác sĩ Phó Thủ tướng Nguyễn Lưu Viên đã đánh giá cao công trình nghiên cứu mang tính lịch sử này. Những công trình của Nhóm SIL này ngày nay vẫn còn được tiếp tục phát triển và sử dụng.
Đến giữa năm 1971 tôi lên đường đi du học ở Mỹ theo chương trình Học bổng Lãnh đạo (Leadership Scholarship) do Tổ chức Văn hóa Á châu cấp. Anh Phạm Văn Minh[9], một đồng nghiệp của tôi thời còn cùng dạy học chung ở Trường Trung học Nguyễn Huệ ở Tuy Hòa, tạm thời thay tôi trong giai đoạn đầu.
Làm việc tại Nha Sưu tầm và Nghiên cứu, Bộ Giáo dục
Giữa năm 1974, sau khi tốt nghiệp bằng Tiến sĩ về ngành quản trị giáo dục đại học tại Viện Đại học Indiana, Hoa Kỳ, tôi trở về nước trình diện Bộ Giáo dục. Lúc này Bác sĩ Nguyễn Lưu Viên vẫn còn là Phó Thủ tướng nhưng không còn phụ trách Bộ Giáo dục nữa. Ông Ngô Khắc Tĩnh, một dược sĩ thành đạt và là người bà con của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bấy giờ là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và là người chủ mới của tôi.
Trong thời gian ở Mỹ mới về, tôi không thuộc bất cứ một đơn vị nào trong bộ, hàng ngày tôi đến Bộ trình diện, rồi đi uống cà phê ở quán trên các đường Lê Thánh Tôn hay đường Tự do (nay là đường Đồng Khởi). Ước mong của tôi là được đi dạy tại Viện Đại học Sài Gòn, hay Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức. Một buổi chiều tôi đang đứng trước sân Bộ Giáo dục thì một nhân viên phụ trách quay roneo trao cho tôi một tờ giấy ông vừa mới in xong. Tôi đọc lúc ấy mới biết đó là một Nghị định bổ nhiệm tôi làm Giám đốc Nha Sưu tầm và Nghiên cứu. Tôi hoàn toàn ngạc nhiên vì Bộ chưa bao giờ hỏi ý kiến của tôi. Về sau người ta mới tiết lộ là các vị có thẩm quyền tại Bộ Giáo dục đã cân nhắc ba vị trí: Viện trưởng Viện Đại học Cộng đồng Quảng Đà, Phó viện trưởng đặc trách nghiên cứu tại Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức và Giám đốc Nha Sưu tầm và Nghiên cứu của Bộ Giáo dục. Tiến sĩ T.C. Clark, giám đốc USAID/Education, người có ảnh hưởng rất lớn đối với các quyết định quan trọng của Bộ Giáo dục và cá nhân Bộ trưởng Ngô Khắc Tĩnh, đã hỗ trợ tôi trong chức vụ Giám đốc Nha Sưu tầm và Nghiên cứu, dựa trên các kinh nghiệm từ dạy học, làm việc đắc lực tại Bộ Giáo dục và Bộ Xây dựng Nông thôn trước đây, đến vai trò điều phối tại Trung tâm Bình định và Phát triển Trung ương, và có một số công trình nghiên cứu đã được in và đã xuất bản nhiều bài báo về giáo dục.
Nha Sưu tầm và Nghiên cứu, cơ quan đứng đầu trong danh sách các cơ quan tại Bộ Giáo dục, với gần 50 chuyên viên, có nhiệm vụ tư vấn cho Bộ Giáo dục và Hội đồng Giáo dục về các chính sách phát triển giáo dục miền Nam. Nha có ba khối: Khối Sưu tầm, Khối Nghiên cứu và Khối Hành chính.
Hai khối Sưu tầm và Nghiên cứu có nhiệm vụ sưu tầm và nghiên cứu nhiều lĩnh vực khác nhau liên quan đến các hoạt động chính của Bộ Giáo dục, Văn hóa và Thanh niên, kể cả cung cấp tư vấn cho các cơ quan của Bộ Giáo dục về phân tích quản trị, một lĩnh vực rất mới thời bấy giờ. Một số chủ đề phân phối cho các chuyên viên đảm trách như sau:
Giáo dục tiền học đường (giáo dục mầm non), giáo dục trung tiểu học phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục nông nghiệp, giáo dục tráng niên (giáo dục thường xuyên), giáo dục đại học, cơ sở và trang thiết bị.
Các vấn đề liên quan đến giáo dục thanh niên học đường, thể dục thể thao, y tế học đường, khám chữa bệnh, dinh dưỡng, chương trình sữa học đường và cung cấp bữa cơm trưa cho học sinh, giáo dục học sinh sắc tộc (dân tộc thiểu số) và phát triển sách giáo khoa bậc tiểu học cho một số sắc tộc ở vùng Cao nguyên, giáo viên vùng nông thôn, đặc biệt là giáo viên trong các Ấp đời mới.
Chính sách du học (tự túc và có học bổng) bao gồm các khu vực ưu tiên khuyến khích du học sinh đến học (chuyển từ khu vực truyền thống Âu châu qua các nước trong khu vực Thái Bình Dương và Úc châu).
Cải tổ chương trình giáo dục trung tiểu học; chương trình trong các trường Sư phạm; tuyển dụng và đào tạo giáo viên; quản trị học đường; sinh viên vụ; hướng dẫn học đường.
Con số khoảng 50 chuyên viên cơ hữu của Nha hoàn toàn không đủ để có thể đảm trách nhiều lĩnh vực nghiên cứu như trên, vì thế mỗi dự án phải mời thêm nhiều chuyên viên từ các Nha, Sở trong Bộ Giáo dục và các bộ khác. Nha STNC cũng có một số các chuyên gia người nước ngoài thuộc các tổ chức quốc tế có văn phòng tại miền Nam. Ngân sách sử dụng để thực hiện các dự án nghiên cứu trên gồm có ngân sách quốc gia (thường để trả lương cho chuyên viên) và tài trợ của các tổ chức quốc tế như UNESCO, UNICEF, UNDP, Tổ chức Văn hóa Á châu, Viện trợ Hoa Kỳ về Giáo dục, Viện nghiên cứu Giáo dục Nhật Bản (NIER).
Tôi rời Việt Nam đi họp Hội thảo về nghiên cứu giáo dục tại Tokyo, Nhật Bản vào giữa tháng 3/1975 trong lúc tình hình chiến sự tại miền Nam đang ở vào giai đoạn khốc liệt nhất. Đến đầu tháng tư, mặc dù Hội thảo chưa kết thúc, tôi đã phải đổi vé máy bay về sớm hơn. Tôi về đến Sài Gòn tối ngày 7/04/1975. Hôm sau đến thăm các cố vấn Mỹ trong đó có Jim Woodcock, Phó Đại diện của Tổ chức Văn hoá Á châu, tôi mới biết là họ đang ở trong tư thế chuẩn bị để lên máy bay rời khỏi Việt Nam bất cứ lúc nào có lệnh. Họ cũng cho biết là đợt di tản đầu tiên dành cho nhân viên làm việc cho các cơ quan của Mỹ, đợt thứ hai cho nhân viên Việt Nam làm việc tại các cơ quan cần di tản trong chính phủ Việt Nam Cộng hòa, và giai đoạn sau cùng dành cho những người đứng đầu nhiệm sở trong các cơ quan của Mỹ và Việt. Gia đình tôi theo kế hoạch được Jim Woodcock thông báo là đã được đưa vào danh sách di tản đợt sau cùng.
Trong thời gian này mọi người hoảng sợ tìm kiếm đủ cách và mọi phương tiện để rời khỏi Việt Nam. Riêng tôi và các chuyên viên trong Nha STNC lao đầu vào các công tác cứu trợ những người di tản từ miền Trung vào. Quá tin vào kế hoạch di tản của Mỹ, tôi chẳng có một giờ phút nào nghĩ đến việc đưa gia đình đi trước, mặc dù lúc ấy tôi có Doug Reese[10], một người bạn học Mỹ tại trường Đại học Indiana có mặt tại Việt Nam và khuyên tôi nên để cho anh thu xếp đưa gia đình tôi đi trước. Vợ tôi không muốn đi một mình. Lúc đang ở phi trường Tân Sơn Nhất vào phút chót, Doug vẫn còn gọi điện thoại cho tôi khuyên nên đưa gia đình đi. Doug đã đưa được 27 gia đình rời khỏi Việt Nam trong vòng ba tuần lễ đầu của tháng tư. Ngày 20 tháng 4 tôi cũng nhận được một cú gọi điện thoại quốc tế từ Tây Đức của Christopher Kohler, một người bạn ở phòng kế phòng tôi trong cư xá sinh viên của Đại học Indiana trong thời gian chúng tôi đang học ở Hoa Kỳ. Anh bảo tôi bằng mọi cách phải mua vé máy bay rời khỏi Việt Nam càng sớm càng tốt. Anh đã đưa tài khoản của vợ chồng anh cho các hãng máy bay.
Thế nhưng mọi kế hoạch không thành khi tối 28 tháng tư, phi trường Tân Sơn Nhất bị máy bay thả bom khiến cho mọi cuộc di tản dự tính bằng phi cơ không thể thực hiện được nữa. Từ sáng ngày 29 đến chiều ngày 30/4 các cuộc di tản chỉ còn bằng phi cơ trực thăng và dành cho các quan chức Mỹ và một số yếu nhân người Việt. Gia đình tôi kẹt lại Việt Nam. Gần một tháng sau, giống như nhiều người có nắm giữ vai trò quản lý hay lãnh đạo khác trong chính quyền hay quân đội miền Nam, tôi lên đường đi trình diện cải tạo.
Nhìn lại quá khứ
Tính cho đến ngày miền Nam sụp đổ, tôi giữ hai chức vụ tại Bộ Giáo dục hai lần khác nhau, từ Chánh sự vụ Sở Thông tin Nghi tiết rồi đến Giám đốc Nha Sưu tầm và Nghiên cứu, vỏn vẹn được khoảng ba năm.
Trong khoảng 15 năm từ 1960 cho đến 30/4/1975, ngoài thời gian đi học, tôi đã làm ba công việc chính: 1. giáo sư trung học đệ nhị cấp (giáo viên trung học phổ thông cấp ba), 2. Phụ tá Nghiên cứu Phát triển rồi Chánh sự vụ Sở Tâm chiến tại Bộ Xây dựng Nông thôn, và 3. Chánh sự vụ Sở Thông tin và Nghi tiết rồi sau cùng Giám đốc Nha Sưu tầm Nghiên cứu tại Bộ Giáo dục, Văn hóa và Thanh niên. Mỗi công việc đã để lại một số dấu ấn khá lâu dài trong đời tôi.
Trong thời gian tôi đi dạy học (lúc đầu ở trường trung học tư thục Bình Minh và trường Bách Khoa trong thành nội Huế, rồi sau này đến các trường trung học tại Tuy Hòa) miền Nam có nhiều biến cố lớn ảnh hưởng trực tiếp đến giới sinh viên-học sinh. Từ các cuộc biểu tình của giới sinh viên học sinh ở Huế chống lại chủ trương đàn áp Phật giáo của chính phủ Tổng thống Ngô Đình Diệm năm 1963 và chống lại chế độ quân đội cầm quyến của các tướng Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ năm 1965, rồi đến tình hình chiến sự leo thang từ năm 1964-1965 đưa đến việc chính phủ Hoa Kỳ đem hơn nửa triệu quân đội vào tham chiến tại miền Nam, rồi đến các phong trào nhạc du ca của Nguyễn Đức Quang và nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn ra đời, triết lý hiện sinh của phương Tây cũng xuất hiện rầm rộ tại các thành phố lớn, văn thơ phản ánh xã hội hỗn loạn, bế tắc, nay sống mai chết bắt đầu xuất hiện mỗi ngày một nhiều từ tiểu thuyết của Nguyễn Thị Hoàng, Nhã Ca, Túy Hồng đến Chu Tử, Lệ Hằng…
Mỗi một biến cố đều có những tác động mãnh liệt đến giới trẻ miền Nam. Có những sinh viên học sinh chủ động tham gia, cũng có những em bị bạn bè hay các thế lực chính trị lôi kéo, đặc biệt là tổ chức của Cộng sản miền Bắc hoạt động bí mật tại miền Nam. Là những nhà giáo đứng lớp, không ai không thấy rõ những suy nghĩ, lo âu, đau khổ của lớp trẻ và sự khó khăn của người thầy trước cảnh đất nước loạn ly. Làm sao các em học sinh và thầy giáo có thể yên tâm học hành hay dạy dỗ trước thời buổi một số em mới hôm nào đang ngồi ở ghế nhà trường rồi chỉ mấy tháng sau nghe tin đã chết trên chiến trường? Làm sao chúng tôi có thể yên tâm dạy học khi trong lớp có gần một phần tư học sinh mang khăn tang trên đầu đi học? Chúng tôi sẽ dạy được gì trong một xã hội xáo trộn tận gốc với cảnh các cô gái làm điếm biếu tiền boa cho bác sĩ, hay một số thầy giáo phải chạy xe xích lô ban đêm và có lúc chở phải học trò của mình? Nhà giáo làm sao có thể vô tư dạy học khi mỗi thành phố có quá nhiều các em mồ côi, bụi đời vì cha hay mẹ đã chết trong chiến tranh? Làm nhà giáo thời đó có thể quên được những đêm cắm trại và cả thầy lẫn trò đều khóc hàng giờ khi nghĩ về thời cuộc và sự bất lực của con người trước chiến tranh?
Trước hoàn cảnh ấy, giới trẻ có thể nổi loạn, bỏ học hay có thể làm những điều gây tội ác. Tuy nhiên cũng thật may mắn là phần lớn giáo viên miền Nam chúng tôi thời bấy giờ ít gặp những trường hợp đau xót ấy. Các em học sinh vẫn lễ phép, trật tự học đường vẫn được bảo đảm. Học trò không có lệ thăm viếng hay quà cáp cho thầy giáo. Tình thầy trò rất trong sáng.
Trong thời gian làm việc tại Bộ Giáo dục ở Sài Gòn phụ trách điều phối chương trình phát triển giáo dục tại các xã ấp miền Nam tại Trung tâm BĐPT Trung Ương, có vô cùng khó khăn phải vượt qua bằng tất cả khối óc, trái tim. Làm sao có thể tuyển giáo viên sơ cấp và đưa họ về các ấp mất an ninh trong thời chiến? Làm thế nào để những người mới học xong lớp ba trường làng sau ba tháng “tu nghiệp” mà báo chí thời đó gọi là “giáo viên 90 ngày ngơ ngác” có thể đứng lớp? Khi các xã ấp có cuộc sống thanh bình trở lại làm sao giải quyết số phận của họ? sa thải khoảng trên 20.000 thầy cô giáo này hay chuyển họ vào làm những vị trí khác hay hợp thức hóa cho họ trở thành những giáo viên thực thụ (biên chế) của Bộ Giáo dục?
Trong 20 năm đất nước chia đôi, chỉ có năm năm đầu, từ năm 1954 đến đầu năm 1960, miền Nam Việt Nam được sống tương đối ổn định, kinh tế phát triển. Nhiều nước ở Đông Nam Á và Bắc Á, kể cả Hàn Quốc mong ước được như miền Nam Việt Nam. Đến lúc phong trào Đồng Khởi dấy lên năm 1960, khởi đầu tại Ấp Bắc, thì tình hình chiến sự tại miền Nam mỗi ngày một trở nên ác liệt, bắt đầu từ các vùng nông thôn rồi về sau lan đến các thành thị. Chính quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm phải lập ra các Khu Dinh điền (1959) rồi các Ấp Chiến lược (do Sir Robert Thompson, người Anh, làm cố vấn, áp dụng trong năm 1962) để cắt nguồn tiếp tế lương thực, tình báo đối với cán bộ Việt Cộng. Đến tháng 11 năm 1963 sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, thì chỉ một thời gian ngắn sau đó các Ấp Chiến lược xem như cáo chung[11]. Miền Nam chuyển qua một giai đoạn cực kỳ nguy khốn. Ở Sài Gòn các tướng lãnh liên tục đảo chính lẫn nhau. Tình hình chính trị vô cùng bất ổn, còn nông thôn thì Việt Cộng mỗi ngày một áp sát tại các quận lỵ, huyện lỵ và thành phố. Miền Nam hầu như sụp đổ.
Giữa lúc ấy một cuộc họp thượng đỉnh được triệu tập tại Honolulu của bang Hawaii, một hòn đảo phía Tây của Mỹ, giữa Tổng thống Mỹ Johnson và các tướng Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ của miền Nam. Một bản thông cáo chung được ra đời. Theo đó, chính phủ Hoa Kỳ cam kết ủng hộ miền Nam Việt Nam chống lại sự xâm lược của Cộng sản Bắc Việt và xây dựng một chính quyền dân chủ tại miền Nam. Từ đó, nửa triệu quân đội Mỹ đổ bộ ào ạt vào miền Nam. Cuộc chiến tàn khốc nhất trong lịch sử bắt đầu diễn ra. Bắt đầu bằng những cuộc hành quân “Tìm và diệt” của tướng Westmoreland. Hậu quả có hàng trăm trại tỵ nạn Cộng sản được lập ra tại các tỉnh ở miền Nam để nuôi những người còn sống sót sau những trận càn quét và chính từ những cuộc hành quân ấy đã xuất hiện vô số trẻ mồ côi, bụi đời và đàn bà, con gái trở thành đĩ điếm khắp các thành phố lớn ở miền Nam. Hàng rào điện tử McNamara ở phía nam vùng phi quân sự ở tỉnh Quảng Trị (huyện Gio Linh) và các sư đoàn không vận bằng trực thăng lần đầu tiên trên thế giới được ra đời tại Việt Nam.
Song song với các hoạt động quân sự nhằm ngăn chặn và tiêu diệt các lực lượng bộ đội chính quy Bắc Việt, chính phủ Hoa Kỳ và chính quyền miền Nam cho áp dụng quốc sách Bình định Phát triển do Phó Đại sứ Robert Komer đề xướng nhằm mang lại an ninh và đời sống phú túc cho người dân ở nông thôn. Theo đó, Ấp Chiến lược trước đây được thay thế bằng Ấp Đời mới. Khác với Ấp Chiến lược được bao bọc bởi các hàng rào kẽm gai và các thành lũy, Ấp Đời mới chủ trương ba cùng, cùng ở với dân, cùng làm với dân và cùng dân bảo vệ và xây dựng xóm làng khỏi mọi áp bức và đe dọa từ các thế lực bên ngoài. Để có thể xây dựng được một Ấp Đời mới, trước hết có một cuộc hành quân của các tiểu đoàn chính quy của quân đội Việt Nam Cộng hòa và các đơn vị Địa phương quân, Nghĩa quân. Sau khi loại được du kích Việt Cộng ra khỏi ấp, một đoàn cán bộ XDNT được đưa đến ở lại ấp để lo an ninh cho ấp và sửa sang lại đường sá, cầu cống, bệnh xá, trường học và tổ chức các sinh hoạt cộng đồng… Để hoàn tất được các mục tiêu và chỉ tiêu đã được đưa ra, các cán bộ XDNT được tuyển từ các địa phương, đưa đi huấn luyện tại Trung tâm Huấn luyện CB/XDNT Vũng Tàu. Tại đây các khóa sinh được thổi lên ngọn lửa xây dựng quê hương và các kỹ năng xây dựng xã ấp. Sau 13 tuần lễ học tập, các cán bộ được đưa về lại xã ấp của mình đúng như kế hoạch đã được đề ra.
Đến cuối năm 1967, Robert Komer rời Việt Nam để nhận nhiệm vụ khác tại Trung Đông, Phó Đại sứ William Colby (ngạch đại sứ) lên thay thế. Biến cố Mậu Thân xảy ra. Richard Nixon đắc cử Tổng thống. Ông chủ trương Việt Nam hóa cuộc chiến Việt Nam, nghĩa là từ nay phía Việt Nam chủ động trong các chương trình, kế hoạch tại miền Nam và phía Hoa Kỳ chỉ đứng ở vị trí cố vấn và yểm trợ. Nhưng trên thực tế, mọi kế hoạch đều do phía Hoa Kỳ soạn thảo. Về mặt tổ chức, không như trong giai đoạn đầu, Quốc sách Bình định Phát triển được cơ cấu lại hoàn toàn, Chủ tịch của Hội đồng Bình định Phát triển Trung ương là Tổng thống, Thủ tướng Chính phủ là Tổng thư ký và các Bộ trưởng trong chính phủ là thành viên. Trung tâm Bình định Phát triển Trung ương đặt tại Phủ Thủ tướng là văn phòng thường trực của Hội đồng BĐPT/TƯ. Đứng đầu phía Hoa Kỳ là Đại sứ Colby. Ông có hai người làm phụ tá, một sĩ quan cao cấp làm cố vấn quân sự có nhiệm vụ điều phối các lực lượng quân đội hỗ trợ cho chương trình BĐPT và một cố vấn dân sự phụ trách điều phối các hoạt động BĐPT. Ở mỗi vùng chiến thuật, mỗi tỉnh và mỗi quận/huyện đều có các Hội đồng BĐPT và Trung tâm BĐPT ở mỗi cấp.
Từ năm 1969, mỗi năm có một Kế hoạch BĐPT ra đời. Kế hoạch BĐPT có khoảng 20 chương trình lớn. Những chương trình có mục tiêu bình định, tức là mang lại an ninh cho các xã ấp như Chương trình Quân đội, Phụng hoàng, Cảnh sát, Chiêu hồi, Huấn luyện viên chức xã ấp, Cán bộ XDNT … Những chương trình liên quan đến mục tiêu phát triển gồm các chương trình người cày có ruộng, y tế cộng đồng, giáo dục, bầu cử xã ấp, dự án tự túc,… Trong số các chương trình trên, chương trình Phụng Hoàng là nổi bật nhất, đã để lại nhiều vết thương lớn cho nhân dân miền Nam và cả nước Mỹ. Theo con số được một số nhà nghiên cứu Hoa Kỳ đưa ra, cho đến năm 1972, tại miền Nam Việt Nam có 81.740 cán bộ Cộng sản nằm vùng đã bị loại, trong đó có 26.369 người bị giết.
Từ năm 1969 mỗi năm có một Kế hoạch BĐPT riêng, với nhiều chương trình, chỉ tiêu khác nhau tùy theo tình hình chiến sự. Đến năm 1972, theo các đánh giá khách quan và sau này có sự thừa nhận của miền Bắc, Kế hoạch chinh phục “trái tim và khối óc” hay tranh dân giành đất này đạt được những kết quả tốt, nghĩa là miền Nam kiểm soát được đất và có được nhiều dân ở trong các ấp tương đối phồn thịnh, nhưng chính quyền miền Nam vẫn chưa được sự ủng hộ thực sự của người dân.
Lý do bắt nguồn từ lịch sử. Khi đất nước đang nằm trong tay của thực dân Pháp, nông thôn là vùng do tầng lớp cường hào ác bá tung hoành, đàn áp, bóc lột người dân. Đến khi Việt Minh lên nắm chính quyền, những nông dân ít học bị đàn áp trước đây nay lên nắm chính quyền. Có quyền thế trong tay, họ tha hồ trả thù một cách tàn bạo. Rồi sau năm đất nước chia đôi, miền Nam lại có chính quyền do chính phủ miền Nam đưa lên, những người mới này lại có dịp tha hồ trả thù những gia đình đã từng hành hạ gia đình mình trước đây. Và nông thôn miền Nam cứ liên tục thay ngôi đổi chủ như thế. Từ đó, để được sống yên ổn trong xã ấp của mình, người dân không dám tin ai, không dám hết lòng ủng hộ một thế lực chính trị nào.
Ngày 30 tháng tư năm 1975, đối với người Cộng sản miền Bắc đó là ngày chiến thắng. Nhưng đối với nhân dân miền Nam, trong đó có người viết những trang này, là ngày đau buồn. Còn toàn thể dân tộc Việt Nam nói chung tuy trí óc có niềm hãnh diện cao nhưng trái tim của mỗi một gia đình bị chùng xuống sâu. Chúng ta không thể sống mãi trong men rượu chiến thắng, hay mãi mãi ôm ấp vết thương hận thù. Điều cả dân tộc Việt Nam cần phải làm là hãy tự làm lành vết thương của mỗi người, mỗi gia đình để cuộc sống của chúng ta được thanh thản hơn và để có đủ sức mạnh xây dựng một đất nước Việt Nam độc lập, tự do, dân chủ và phát triển thực sự.
[1] Sau này lúc đất nước chia đôi, làng tôi ở phía bắc của vĩ tuyến 17.
[2] Quân đội Pháp trong thời gian này cho đến năm 1954 chiếm đóng toàn bộ nội thành Quảng Trị.
[3] Đây là một cái quạt tự chế, khung làm bằng tre và có mắc vải vào, dài khoảng 6 mét, rộng 60 cm, treo trên trần nhà và có một sợi dây nối dài ra khía cuối phòng nơi có một người ngồi kéo làm mát cho cả phòng.
[4] Lúc mới thành lập, trung tâm này chỉ huấn luyện các cán bộ XDNT ở xã ấp. Từ đầu năm 1969, huấn luyện thêm cả các loại cán bộ làm việc tại các xã ấp như xã trưởng, trưởng ấp, rồi dần dần đến quận, huyện và sau cùng tất cả mọi loại cán bộ, công chức từ địa phương lên đến trung ương.
[5] Bản tuyên bố chung “Declaration of Honolulu”, 7/2/1966.
[6] “Hamlet Evaluation System” do cố vấn Hoa Kỳ soạn ra, là một hệ thống đánh giá (định lượng) tình hình an ninh và phát triển trong mỗi xã ấp.
[7] Xem bài phát biểu của Robert W. Komer tại California “Impact of Pacification on Insurgency in South Vietnam”, do The RAND Corporation, tháng 8 năm 1970 (Ảnh hưởng của Chương trình Bình định Phát triển đối với Việt Cộng tại miền Nam Việt Nam).
[8] Tỉnh trưởng tỉnh Rạch Giá từ năm 1957. Phụ tá Bộ Xây dựng Nông thôn từ giữa năm 1966 đến tháng 5 năm 1968 lên làm Thứ trưởng Bộ XDNT. Thiếu tướng Hoàng Văn Lạc gắn liền với nhiều chương trình từ chương trình Dinh điền (1957), Ấp chiến lược (1962), Ấp tân sinh (1965), đến Ấp Đời mới (1966). Trước năm 1975, viết Một Giải pháp cho vấn đề Việt Nam (1966) và Từ Biến cố Mậu Thân… (1968). Sau 1975 lúc về hưu tại Hoa Kỳ, ông viết Blind Design (1996), Theo dấu chân Phật (1998), Buddhism- Religion of Freedom (2002) và Sống – ta từ đâu đến? Chết – ta sẽ đi về đâu? (2003).
[9] Hiện nay Phạm Văn Minh đang sống ở Sydney. Anh và Hoàng Văn Giàu là hai người nắm vai trò chủ chốt trong tờ báo Chuyển Luân xuất bản ở Sydney, một tạp chí gây nhiều tranh luận trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại.
[10] Năm 2009 tôi gặp lại Doug Reese tại Sài Gòn và lần sau cùng dùng cơm tối với anh và vợ anh năm 2010 trong lúc anh chuẩn bị về lại Mỹ để điều trị bệnh ung thư xương giai đoạn cuối. Đến nay tôi không còn biết anh có còn sống không.
[11] Sau Ấp Chiến lược là đến Ấp Tân sinh ra đời được một thời gian ngắn thì được thay thế bằng Ấp Đời mới. Ấp Đời mới ra đời từ năm 1966 và tồn tại cho đến tháng 4 năm 1975 khi miền Nam rơi vào tay của chính quyền Hà Nội.
Chapter 3
Working in the South
Making ends meet as youth/surviving youth
To survive, I had left my village, alone, at the age of 14, in 1949. On the third day of the Lunar New Year, I walked to Hồ Xá in the Vĩnh Linh District, about 3 km away from Châu Thị station to the north. Here I stayed at an acquaintance’s place for a few days before travelling to Quảng Trị town, about 40 km to the south of Hiền Lương river, and about 50 km away from my village.[1] I started by looking for the family of a fellow countryman who had settled down in this town. They were not at all well off, yet they generously offered to put me up every night. During the daytime, I went out to earn a living.
At first I often wandered along the Thạch Hãn River until I ran into a group of people washing military uniforms. A lady of 30 year or so said to me in the Quang Nam dialect, “Where are you from? Do you want to make money by washing these clothes?” I had no choice but agree to work immediately. Late that day, the lady took me to her place and gave me food. She said, “If you want, you can stay here and eat here, but everyday you need to wash clothes for French troops.” Given that her house was only a small room, just big enough for her and her husband, I told her that I would work for 2 meals a day and some money for breakfast.
Some months later, I heard that the French artillery troops in a station in Quảng Trị inner city area were looking for a kitchen hand who could speak French. So in no time I set out to seek this job. Since I had some grasp of French, acquired during the elementary classes in primary education, and thanks to my working experience in a French club during my days in prison, I quickly got the job. I worked there as a waiter in the canteen of the club for French non-commissioned officers and as a barkeeper.
At first I was in charge of washing the dishes, laying the tables, cleaning the floor, and manually cooling a whole room of 40 or 50 French soldiers with a mechanical fan during lunch and dinner on hot days.[2] After a while, I was moved to the bar to serve and sell drinks. I worked there everyday from 9 am till 8 pm, selling all kinds of alcoholic drinks, recording debts and balancing the books at the end of the day. Lambert, a sergeant and also my boss, as well as many other French customers at this club, treated me very well.
Financially that was my most secure period since the death of my mother. I did not have to worry about food and shelter. But it did not last long. Nine months later this club was shut down, because this army engineer unit was moved to another area. Unemployed, I returned to the miserable old days.
One day I ran into a French acquaintance whom I had met while working in the club in Quang Tri. He asked if I wanted to work in PK17. Since I had been unemployed for a long while, I accepted his offer.
PK17 was a French station located on national route 1, by the bridge across the An Lỗ river, about 17 km away from Huế and over 40 km from Quảng Trị to the north. Being a huge station, it was widely known to everyone. My job here was similar to what I did in the bar in Quảng Trị. The only difference was that once every week I had to take the station’s car in to Huế to buy food and other necessities for the club. This was my first exposure to Huế. For me, Huế was a huge city with many schools, pagodas and temples. Compared to the ancient Quảng Trị city, Huế inner city was a great piece of work. I was massively impressed by the Khải Định and Đồng Khánh high schools here. My eyes were always brimming with tears whenever I passed by these two schools, seeing students rushing to and from. I wondered why I did not have such a chance like those peers. Once in Huế, walking by the military academy that was situated by the orphanage centre near Đinh Tiên Hoàng Street, I got to know that it was a school for orphans from military families. This ignited in me the thought of going to school again.
I contracted a serious typhoid fever after working at PK17 for 3 months. I was taken to Huế Central hospital in an ambulance. After two days under critical treatment, the doctors lost hope. Seeing a boy without any relatives, in agony, a patient visitor approached me, saying that since there was no hope, he would resort to the last chance by giving me some massage and puncture to my back. Miraculously, the typhoid fever stopped. Without any care, I looked wretched, pale and smelly. Two days later, feeling better, I escaped the hospital and caught a bus to An Lo. On the way to the bus station, I was given 3 dongs by someone showing pity on me. Squeezed for thirst, I used that money to buy a bottle of lemonade. But the street vendor lady did not want to take money from a sick boy like me.
I came back to An Lo and stayed there for 2 days before leaving for Đồng Hà to find my eldest sister. I had heard that she was living with her husband in the barracks of the 21st Company. Đồng Hà was a small district about 10 km to the north of Quang Tri. My sister and I had been separated for 4 years since I first left my village. After resting for over a month, I secured another job as an assistant bartender in a club for French non-commissioned engineering officers. I worked there for a year before the war spread wildly all over Vietnam, especially in the Điện Biên Phủ battlefield.
When he joined the operation in the Central Highlands, my brother- in-law got caught on National Road 19 between Quy Nhơn and Pleiku by Việt Minh troops. At that time my sister was preparing for the birth of her first child. Two months after the child was born, my sister took her baby to her husband’s native hometown in Quảng Bình, and we did not see each other again until 37 years later (1991). After seeing off my sister and her little infant, I quitted my job, ending the six years struggling to make ends meet as an orphan.
Teaching at private high schools
Before being officially assigned by the Ministry of Education to work as a high school teacher in 1964, I had about 7 years working as a private tutor, and teaching at private or half-private highs schools in Huế and Saigon.
While doing the preparatory course at the Saigon College of Letters, I also worked 10 to 12 hours a week teaching at a small private high school in Hoc Mon, near the Quang Trung training centre, now the Quang Trung centre for software development. I taught maths in evening classes for pupils of the first grade in high school, equivalent to today’s junior secondary schools. The travel was not too difficult, because Hoc Mon was only 15km away from Saigon. This was the first time I had taught in front of a class: I was very inexperienced, yet excited to do my best. I have no special memories, however, about my relationship with the pupils.
In the summer of 1961, I passed the entrance exam to the Huế College of Education. In addition to the study schedule, I taught Vietnamese language for 10 hours a week at Bình Minh private high school and 2 evenings a week at Bách Khoa High school in the Huế Citadel. Mr Trần Điền, head of Bình Minh high school was both a politician and an exemplary teacher. Young teachers like us showed him great respect. During the Tết Offensive in 1968, he suddenly disappeared. At Bình Minh high school, I also had several colleagues who had taught here before me, such as Nguyễn Văn Đương, Trần Văn Nghĩa, and Nguyễn Văn Diên. Duong died in Saigon over a decade ago. I have not heard anything from Nghĩa ever since. Diên had lived in California, USA, but I have heard that he died not very long ago.
I taught at private high schools from October 1961 to May 1963. At Bách Khoa polytechnic school, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Châu and I taught Year 11 (cramming classes to prepare for the Baccalaureate 1). When the Buddhism protest against the Ngô Đình Diệm government broke out in the streets, Tường was among the student leaders. Later he became one of Vietnam’s famous short story writers. He has been sick for the last 10 years and is now spending his last days in Hồ Chí Minh City. As for Nguyễn Châu, after finishing his Bachelor Degree in Philosophy at Huế University, he authored some philosophical textbooks printed before 1975, and since immigrating to San Jose in the US, he has written some books on Huế and Vietnamese culture. He also spent almost 10 years in the re-education camps in Central Vietnam.
After graduating from Huế University College of Education, under the assignment of the Ministry of Education of the South, I became a teacher at Nguyễn Huệ high school in Tuy Hòa . By then Nguyễn Đức Giang was the school principal. Tuy Hòa was not in the list of choices for newly graduated teachers since it was a remote area at that time. My other classmates were assigned to teach at high schools in big cities like Huế, Đà Nẵng, Nha Trang and Dalat.
In September 1964, I moved to Tuy Hòa as a married man with a 2 year old son Nguyễn Xuân Như. I was assigned to teach in classes from the Fourth grade to Second grade (today’s grade nine to eleven), among which the two most important were those for the Fourth grade (now Year 9) because pupils in those classes were preparing for the Level 1 High School Certificate and the Second grade (now Year 11) preparing for the Baccalaureate 1. (These two qualifications were later abolished.)
During this time, the South of Vietnam was suffering from suffocating days of war. Many school teachers were enlisted into the army. There was a serious lack of teachers in private high schools. As a result, besides teaching at Nguyễn Huệ public high school, I also taught Vietnamese language to Baccalaureate 1 classes (today’s grade 11) at Đái Đức Tuấn Catholic private high school.
My teaching went smoothly in the academic years of 1964 and 1965. However, war was escalating all over the South, especially Tuy Hòa , a city surrounded by Việt Cộng on three sides (the remaining side is the ocean). The Buddhist movement against the South government also spread to this little city and greatly disturbed the whole life of its people and especially young pupils. Many pupils wearing funeral bands were observed in each class.
In June 1965, teachers at Nguyễn Huệ high school were arranged to supervise and grade papers in the exam for Level 1 of the high school Certificate in cities presented with exam councils. I was assigned to be the head of the assessment committee for Vietnamese language in the Huế Examination Jury. The following year I was assigned to assess examination papers in Quy Nhơn, a city over 100 km to the north of Tuy Hòa . Examination time every year like this was a great opportunity for teachers across provinces to meet and share teaching experiences. On such occasions, I made friends with some who are now teachers or administrators at some high schools in Saigon. One of them even invited me to teach and take up a managerial position at Thủ Đức Model Teachers’ Secondary School.
During two years teaching at Nguyễn Huệ, besides teaching, I also published some articles in such magazines as Van Hoc magazine (for literature), Minh Tam (for Eastern thought), and the Chính Luận newspaper (for education). I also published several articles for a newspaper owned by the Bình Định Department of Rural Development, where one of my brothers-in -law was then working as Deputy Chief Province responsible for security. Thanks to these writings, in June 1966 I received a Memorandum from the Ministry of Education that assigned me to work at the Vũng Tàu Rural Development Cadres Training Centre, following the request by the Ministry of Rural Development. This also meant the end of my job as a high school teacher.
Working at the Ministry of Rural Development
In early July 1966, I presented myself at the Rural Development Cadres (RD Cadres), which belonged to the General Ministry of Rural Development and from 1969 turned into a Centre for National Officials.[3]
The importance of the Training Centre for Rural Development Cadres lay in its origin. In 1959 and 1960, the communist insurgents were attacking hamlets and villages in the South, making its security fragile day by day. To cope with this situation, from late 1961 and early 1962, the Ngô Đình Diệm government of the Republic of Vietnam (South Vietnam) issued a national policy for strategic villages in order to isolate the communist cadres from the local people. As a result, many strategic hamlets were set up in different locations across South Vietnam. The village people were forced to move to the strategic hamlets surrounded by fences and trenches and controlled by the local government paramilitary guards. Like isolating a fish out of the pond, it was hoped that the communist cadres could not long survive.
In theory, the policy for strategic hamlets was timely and stood a good chance of success. But in fact this program proved to be deeply flawed when applied in practice: first, it separated people from their homes and land and forced them to cram into narrow and disciplined areas; secondly, it underlined the South government’s plan of converting villagers to Catholicism; and thirdly, the northern communists’ propaganda apparatus considered these strategic villages as huge prisons to jail the people of the South. The mistakes committed by the majority of southern government officials and the determination by the Communists in the North to win over the South were the major causes of the protests of those villagers. Consequently, after the assassination of President Ngô Đình Diệm and his political advisor Ngô Đình Nhu , the people, under the exhortation of Việt Cộng insurgents, rose up to burn down these village fences, destroying the whole program.
During the political crisis in the South from late 1963 to 1965, security in rural areas became worse. To prevent the occupation of the North Communists over the South, on 7th February 1966, US president Lyndon B. Johnson convened a summit in Honolulu with Nguyễn Văn Thiệu and Nguyễn Cao Kỳ, President of the National Leadership Council and the Head of the Central Executive Committee respectively, to decide on the plans for protecting South Vietnam. After this meeting, a joint Declaration was issued.[4] According to this Declaration, the US government determined to defend the South via a two-pronged national policy: to establish a democratic government in the South and to expand security to all hamlets and villages in South Vietnam.
Under this political program, in 1967 the South elected national assembly members and subsequently developed the legislation to give birth to the Second Republic of Vietnam, and then organised the election for President and Vice-President of South Vietnam. These achievements ended the four years of political turmoil since the overthrow of President Ngô Đình Diệm in November 1963.
According to the security program, the elite armed forces of the Republic of Vietnam joined the US army to fight against the North Vietnam conventional military units sent to the South. In order to expand security to rural areas of the South, the government of the Republic of Vietnam (South Vietnam) had to build an unconventional warfare force (focusing on political struggle, including the local militia forces) to fight against the unconventional warfare raised up by local Việt Cộng guerrillas.
The national policy for the Rural Development Program was thus set up. At the central level, the Central Council was composed of the Prime Minister as its Chairman, Minister of Rural Development as its General Secretary, and all ministers of other related ministries as its members. At the provincial level, the government commenced the program to build new life hamlets (formerly called the strategic hamlets) at various districts and villages and formed many units of RD cadres. According to expansion plans, in order to expand security to villages temporarily occupied by Việt Cộng guerrillas, first of all, the military operations by South Vietnamese army units went to the villages to eliminate Việt Cộng before the RD cadres got into the hamlet and started their pacification and development programs.
The associations of cadres for rural development took up two main tasks: first, to build up a security community by eradicating the disguised Communist insurgents and the tyrannical landlords in each village, thus preventing Việt Cộng guerrilla warfare; secondly, to build up a prosperous community focused on organising elections for the governments of hamlets and villages, and on reconstruction of bridges, roads, tunnels, schools, dispensaries, village temples and pagodas, and promotion of agricultural production.
The recruitment and training of RD cadres in rural communities was a decisive factor in the realisation of these aims. The Ministry of Rural Development was in charge of supervising the whole program for RD Cadres and was responsible for training them. The RD Department in each province had to recruit, manage, inspect and evaluate all activities taken by the RD cadre groups. All actions from central government to grass roots government were agreed to with strong support from the US advisors from different levels of administration.
The Vũng Tàu RD Training Centre was initially composed of three sub centres: Chí Linh centre (headquarter), Phù Đổng centre, and Lam Sơn centre 6 km away from Chí Linh (along the route from Vũng Tàu to Saigon). Unlike other education training centres, this centre functioned as a military camp, with strict discipline. At the entrance to the centre, all staff and trainees had to show their identities or pass and to be thoroughly examined by the armed guards.
Lieutenant Colonel Nguyễn Bé was the Director of this centre from 1965. It had four departments: Administration Department, Research and Development Department, Training Department, and Trainee Affairs Department. Besides, there was also an Advisory Division of over 40 American advisors providing planning advice and logistic works.
In my first days at the Centre, I was assigned to understand how each department and office worked. Over two months later, I became the Deputy Director responsible for the Research and Development Department. This appointment was based on several factors. First, the General Director (Lieutenant Colonel Nguyễn Bé) was my brother-in-law; he knew well my ability in relation to RD programs, from how I had helped him when he was Vice Chief of Bình Định Province responsible for security. Secondly there were my articles in newspapers and professional magazines published in Saigon. Many articles I wrote previously were later collected, edited and published as a book entitled An Understanding of Ending-Beginning Philosophy (Tìm hiểu Chung Thủy) under the author name as Tường Vân Nguyễn Bé. Many hundreds of thousands of copies of this book were distributed as gifts to all RD cadres and guests to the Centre. During his first days at Vũng Tàu RD Training Centre around mid 1965, Bé asked me (by that time I was still teaching in a high school in Tuy Hòa ) to write a paper reminding all Vietnamese youth to be more aware of their historical mission and current difficulties. It was beyond my expectation that this piece of paper was used at the RD Cadres graduation ceremonies. On the graduation night, when this article was broadcast on the loudspeakers, many thousands of trainees could not hold back their tears.
The Research and Development Department consisted of several offices:
The Office of Technical Training Material Development (also called the Technical Office) was in charge of research and development of technical training materials to train RD technical cadres. The training programs covered a wide range of activities, such as how to motivate the people to protect their village, how to organise a local election, how to engage the people in building bridges, schools, dispensaries and community houses, how to combat illiteracy, how to organise cultural events in a village or a hamlet. The specification of the lessons entailed specific tasks that each cadre must perform to achieve the determined objective, as well as the evaluation of such tasks. After this program was drafted and piloted in class, and with feedback, they were then revised before being sent to the Advisory Division to be translated into English and submitted to various levels of authorities for approval.
The Office of Political Training Material Development (also called the Political Office) was responsible for developing documents related to political knowledge that allowed trainees to understand the rationale for the missions of rural community development. The main mission of an RD cadre involved building up two communities at each village. The first mission was to build a security community to ensure a peaceful life for the village people by preventing all oppressive forces, regardless of their source, whether from the communist insurgents or from the South Vietnamese government authorities. The second mission was to build a community of prosperity, where people were free to vote, work and develop their village. The aim of this prosperity community was to build houses, roads, schools, dispensaries, healthcare centres, village temples, pagodas and churches and to enable people to have prosperous farms and increase their agricultural products.
The Media Office was in charge of the publication of Nước Ta (Our Country), a monthly journal that was published and distributed to all trainees at the Centre, and Xây dựng Nông thôn magazine (Rural Development Development), a bimonthly journal of the Ministry of Rural Development, which was distributed to RD cadres across South Vietnam.
The Radio and Television Broadcasting Office was in charge of broadcasting two weekly radio programs (one hour per week on Saigon Radio and half an hour per week on the Voice of America), as well as an hour weekly television program promoting Rural Development activities.
The Office of Chí Linh Cultural and Artistic Group was composed of more than 50 actors, actresses and singers whose tasks involved fostering the high spirit of the RD cadres in rural community development through their tours across different provinces and their frequent exchange activities with trainees at the Vũng Tàu National Training Centre, as well as recording broadcasting programs of the Ministry of Rural Development.
I learnt a lot from the new post at the Vũng Tàu National Training Centre. To supplement my knowledge and experience, I had to read thousands of summaries of the interviews or reports done by the thousands of trainees at the centre every year. Besides, every two weeks I took a fact finding mission tour to a province. Thanks to these trips I gained much insight into the sufferings and losses of southern people during the war that lasted almost 20 years. All the essays published in the volumes entitled ‘Ideas along the path to rural community development’ under the name of Tường Vân Nguyễn Bé were derived from the years I travelled and contacted people from remote areas of the country and from the down-to-earth trainees aspiring to reconstruct their war-torn villages. The villages represented their blood, their tears and their own miserable lives.
On a trip with Erich, an American advisor (I forget his surname), to Châu Đốc province on the last days of 1967 (only 2 days before the Tết Offensive), we realized that the RD program would be impossible without the co-operation and support of the local authorities across different administrative levels, from cities and districts down to villages and hamlets. I told my American advisor that to engage these authorities in building a happy community in their hamlet or village, it was necessary to take them to Vũng Tàu National Training Centre like other RD cadres for training courses to help them understand why they had to build up their communities.
The trip resulted in cooperation between my Department for Research and Development and the Centre’s US Advisory Committee on a training project of local authorities in villages and hamlets. As we expected, the authorities from the Ministry of Interior at first violently protested against the idea. But when William Colby, the US ambassador responsible for the RD program in Vietnam, strongly supported this project, the then Prime Minister of South Vietnam Trần Thiện Khiêm saw no reason not to approve it immediately. As a result, throughout 1968, the project group worked closely with experts from the Vũng Tàu National Centre, the US advisory committee and the Ministry of Interior to develop training materials for this program. Mid 1969 saw the graduation ceremony for the first batch of national cadres, with the attendance of President Nguyễn Văn Thiệu, all ministers, and several diplomatic delegations in South Vietnam. Sitting at the end of the room, Erich and I shook hands as a way to celebrate this historical event. From then, the Vũng Tàu Training Centre for Rural Development Cadres was renamed as the Vũng Tàu Training Centre for National Cadres, which involved officials from all ministries from central government to rural areas.
The 1968 Tết Offensive revealed a deep flaw in the security and defence system in South Vietnam. Both the US and the government of South Vietnam blamed each other for not recognizing that the Northern armed forces had slipped into Saigon and almost all provinces in the South. The US reports also showed that the failure of the Rural Development Program was due to the ineffective co-ordination of the highest authorities. This was the chance for the US to review their whole anti-communist policies in South Vietnam.
With increased waves of protest from the American people against the Vietnam War, President Richard Nixon promised to end the war by whatever means and to bring all the American soldiers home instead of letting them struggle and be killed in the jungles of Vietnam. To realize this promise, President Nixon decided to use a new strategy called “Vietnamesation of the Vietnam War”, which means that the Vietnamese themselves would be mainly responsible for the war. With this new policy, the US army would support the army of the Republic of South Vietnam to beat North Vietnam’s communist army, and the Rural Development Program had to be restructured to ensure security for all the people and their land in the South. As a result, the Central Council for Pacification and Development was established, with the President of Vietnam as the Council Chairman (in the earlier program the Prime Minister was in this position), the Prime Minister as the Council’s General Secretary (the Minister of Rural Development in the earlier program), all ministers in the cabinet, commanders of four Military Zones as the council’s members. On the American side, the chief of the program was Ambassador William Colby (his position was deputy ambassador, but in the diplomatic career, ambassador was his official title), and its US members included heads of the USAID, heads of CIA and advisors of four strategic zones. The Centre for Pacification and Development was the standing office of the Council. In each strategic zone and each province there was accordingly a Council for Pacification and Development.
Each year from 1969, the Central Council for Pacification and Development issued a new national plan with various objectives and outcomes to respond to new developments of the war in South Vietnam. The Plan for Pacification and Development each year consisted of about 20 programs aimed at pacifying and developing South Vietnam. Its aim was to win the peasants’ ‘hearts and minds’. Such programs included, to name a few, the military program, the Phoenix program, the national police program, Chiêu hồi (open arms) program, the refugee program, the program for training authorities of villages and hamlets, the program for election of officials at villages and hamlets, the Ấp Đời Mới (new village hamlet), the program for training cadres in rural development, the program for building medical dispensaries, schools, bridges and roads, and the program for recruitment and training of teachers, self-help program, and the program for administration and land reforms.
Up to early 1970, about 91% of the population (about 17.9 million people) in the South were protected in the security area, 7.2% lived in the disputed areas and only 1.4 % (about 256 thousand people) lived in the Communist controlled areas along the borders with Cambodia and Laos. By comparison, in late 1964, only 40% of the population lived in the areas controlled by the South government, while 20% lived in the Việt Cộng areas. It was the programs for rural reform that led to the emergence of a ‘newly rich’ class among the peasants in the Mekong Delta river. In June 1970, 3.400 tractors were owned by the people in these areas, a fruit of the rural credit program.[5]
In mid 1968, due to the escalation of the war in the South, all civil servants and adolescents old enough for military services had to join the army. I left my post at the Vũng Tàu Training Centre to attend a military training program at Quang Trung Training Centre. After 9 weeks of military training, like others, I was seconded to my earlier post. Due to a new demand, General Hoàng Văn Lạc, the then Vice Minister of Rural Development, appointed me as chief of the Psychological Warfare Bureau (an administrative Unit lower than a Department but higher than an Office), while still in charge of some earlier tasks at the Vũng Tàu Training Centre Department for Research and Development, such as programs for popularizing rural development activities through radio and television broadcasting programs.
Working at the Department for Information and Protocol, Ministry of Education
In mid 1969, the Ministry of Rural Development was dissolved, and the program for training cadres in rural development came under the management of the General Public Affairs Department. The then Minister Nguyễn Văn Vàng was appointed as Minister responsible for the Prime Minister’s office. I asked him to send me back to the Ministry of Education, Culture and Youth (henceforth ‘Ministry of Education’).
Back in the Ministry of Education, I was assigned to work as an expert at the Department of Planning and Legal Educational Affairs. During this time, the US Ambassador, Ellsworth Bunker, invited me to undertake a six week visit to the United States. This was the first time I visited the United States. I first came to Washington DC and met with some officials at the State Department. I then flew to New York, where I took a sight-seeing tour to visit various well known places in that city. After two days there, I flew to San Juan of Puerto Rico. In the plane across the United States all passengers saw for the first time a Jumbo Jet 747 flying in the skies. I stayed in San Juan and visited surrounding cities for nearly a week before I flew to New Orleans, where I met my wife’s nephew Nguyễn Lê Minh who was studying journalism at Loyola University. I also spent time meeting with many Vietnamese medical doctors who were pursuing their postgraduate programs at the Tulane University School of Medicine. In New Orleans, I had the opportunity to watch the Mardi Gras and enjoyed immensely that cultural event. New Orleans is a French city, and many people still spoke French. Highlighting my visit to the United States was the visit to the Kennedy Space Centre in Orlando in Miami. After the security check, with guidance of security staff, I took three elevators to reach the lab room on the top floor where they launched Apollo 11 to the moon. An official of the centre told me that I was the second Vietnamese guest to visit this centre. The first had been a high ranking official from Saigon. I never thought that one day in my life I could have this rare opportunity to visit those premises. Since then I kept thinking about why the State Department had arranged my visit to this space centre while they knew very well that I was only a junior official and had a very humble background.
I had only six weeks in the United States, but I saw many things that I’d never seen in my life. I also learned many things which I could not learn anywhere else in the world: a country leading in science and technology, a country with a long tradition of democracy, a land of both great opportunity and tremendous challenges.
Upon my return, I was appointed as Chief of the Department for Information and Protocol, which belonged to the Office of the Deputy Prime Minister and Minister of Education. Here I worked and reported directly to Dr Nguyễn Lưu Viên, MD, the Deputy Prime Minister and Minister of Education until the day I left Vietnam for my education in the United States.
At the Department for Information and Protocol (similar to today’s Department for International Relations) I had two distinct but complementary functions.
The Information Division was in charge of co-operating with international organisations in Saigon, especially USAID/Education at all levels of the education system. In the Pacification and Development program, schools and education in villages was a top priority. Based on my previous work, Deputy Prime Minister Nguyễn Lưu Viên appointed me as a standing representative of the Ministry of Education at the Central Centre for Pacification and Development, which was located in the Prime Minister’s Palace. Together with representatives of other ministries, I had weekly meetings with a representative of Ambassador Colby, other US advisors and a representative of the Prime Minister at the Central Centre for Pacification and Development, and once a month I accompanied Deputy Prime Minister Nguyễn Lưu Viên to the meetings at the Central Council for Pacification and Development at the Presidential Palace (now the Independence Palace). Together with representatives from other ministries, I also attended important meetings at strategic zones to understand how pacification and development programs progressed in four strategic zones of South Vietnam.
The Protocol Division was responsible for arranging meetings between the Deputy Prime Minister and his national and international partners, for co-ordinating international conferences and seminars in Vietnam, such as the SEAMEO conference in late 1969, and for co-ordinating with other departments and bureaus within the ministry, with governmental ministries, with USAID agencies and international organisations such UNDP, UNICEF and FAO, for the development of education in remote areas.
The period from 1969 to 1971 saw the establishment of some regional universities and community colleges, among which Thủ Đức Polytechnic University was modelled on the land-grant colleges in the United States. In the early 1970s, this university was composed of 9 schools, under the leadership of Professor Đỗ Bá Khê. Other universities being prepared for establishment within this period included Quảng Đà University (today’s Đà Nẵng University), Nha Trang Marine Institute, Tiền Giang Community College, Tay Ninh Community College, and Hòa Hảo private university in An Giang.
Under the USAID/Education sponsorship, experts from the Summer Institute of Linguistics (SIL) successfully converted the spoken languages of over 20 ethnic minorities into the Latin alphabet, as well as completing a set of reading textbooks for primary pupils of over 20 ethnic groups living in the Central Highlands of South Vietnam. In the ceremony organized to award the medals for those SIL experts, Deputy Prime Minister Nguyễn Lưu Viên expressed his high appreciation of such an historic intellectual endeavour. The studies done by this SIL group are still in use today and are being further developed. I think this work was a significant contribution by American experts to improve the social and economic status of the ethnic groups in Vietnam.
At the Department of Documentation and Research, Ministry of Education
In mid 1974, having obtained a doctoral degree in Higher Education Administration at Indiana University in the US, I returned to Vietnam and presented myself at the Ministry of Education. By this time Doctor Nguyễn Lưu Viên was still in office as the Deputy Prime Minister, but no longer Minister of Education. Mr Ngô Khắc Tĩnh, a successful pharmacist and also one of President Nguyễn Văn Thiệu’s relatives, had replaced him in the role of Minister of Education.
In my first days after returning from the US, I did not belong to any portfolio at the Ministry, but every day I still came to the office and then spent time sitting at the coffee shops on Lê Thánh Tôn Street or Tự Do Street (today’s Đồng Khởi Street). My wish at that time was to teach at Saigon University, or Thủ Đức Polytechnic University. One afternoon, when I was standing in the back yard of the Ministry of Education, an office staff member gave me a document he had just printed. Reading through the paper, I realised it was in fact a decision appointing me as Director of the Department of Documentation and Research. I was surprised, because the Minister had never asked me about this before. Later on, I was told that the authorities at the Ministry of Education had already considered three positions for me: Director of Quảng Đà Community College, Vice President in Research at Thủ Đức Polytechnic University, and Director of the Department of Documentation and Research at the Ministry of Education. Dr T.C. Clark, Director of USAID/Education, a man who had a significant influence on a number of major decisions at the Ministry of Education and personally on Minister Ngô Khắc Tĩnh, supported me in this position. The decision was based on my earlier teaching experience, substantial working experience at the Ministry of Education, at the Ministry of Rural Development, and at the Central Centre for Pacification and Development, and on academic works published in a number of newspapers and professional magazines.
The Department for Documentation and Research, a leading portfolio in the Ministry of Education, was composed of about 50 experts whose task was consulting for the Ministry of Education and the Council of Education on educational development policies of South Vietnam. The Department for Documentation and Research had three sections: Documentation Section, Research Section, and Administration and Management Section.
These sections were responsible for policy development and management analysis for the Ministry of Education, Culture and Youth, including departments within the Ministry of Education and provincial education departments. Thus, the experts in these Sections dealt with different themes, including: pre-school education; primary and secondary education; professional education; agricultural education; adult education (continuing education); higher education; and educational facilities and infrastructure; issues related to adolescent education, sports education, school health education, health care, nutrition, milk and lunch provision programs for schools, education for pupils of ethnic minorities, textbook development for ethnic students in the Central Highlands, and teacher education for rural areas, especially for the students in the New Life Hamlets.
Also dealt with were policies for overseas study (self-funded students and scholarship grantees), including policy development in relation to Vietnam’s social and economic growth. (As a result, there were more students choosing to study in the Pacific countries and Australia and New Zealand, rather than in European countries as in the past.)
There was also a curriculum restructuring program for primary and secondary education; curriculum for teacher training, and new issues in relation to school administration and student affairs.
Because it was impossible for the Department with only a few proficient professionals to deal with so many issues, experts from other Departments and Bureaux in the Ministry and from other ministries were also invited to join each project. The Department for Documentation and Research also received a small number of international education professionals to work in parallel with experts from our Department. My Department also worked closely with many international organisations such as UNESCO, UNICEF, UNDP, Asia Foundation, USAID/Education, and Japan’s National Institute for Educational Research (NIER) in a number of projects to deal with education for tribal students.
I left Vietnam to attend the conference on education research in Tokyo, Japan in mid March 1975 when the violence of the war in the South had reached its peak. In early April, although the conference had not ended, I had to change my air ticket to return to Vietnam earlier. I arrived in Saigon on the evening of 7th April 1975. The following day I went to see some American advisors, including Jim Woodcock, Vice Representative of the Asia Foundation. I was informed that they were all ready to leave Vietnam at any time. They also told me that the first emigrating batch was for staff at US agencies, the second for Vietnamese staff working at those prioritized agencies in the government, and the last was for senior officials working for the American offices and the Vietnamese officials from different ministries. According to this plan, as Jim Woodcock said, my family and I would leave Vietnam last.
During these days, while everyone was anxiously looking for ways to leave Vietnam, including a number of colleagues from my Department, my Department staff and I were busy seeking donations from The Asia Foundation to provide financial support to students escaping from different provinces and cities from Central Vietnam. Relying too much on the evacuation plan, I didn’t spend time thinking of ways to evacuate my own family. Doug Reese,[6] an American friend who had studied at Indiana University of Bloomington campus at the same time with me, offered assistance to take my wife and children out of Vietnam. However my wife refused to leave without me. At the last minute before leaving Tân Sơn Nhất Airport, Doug still called me to urge me to go. During the last three weeks before the collapse of South Vietnam, Doug had helped 27 Vietnamese families to leave Vietnam. On 20th April, I received a telephone call from Christopher Kohler, a friend of mine in West Germany. He urged me to leave Vietnam by whatever means. It was too late, however, as all international airlines in Saigon had closed. All such plans were missed when Tân Sơn Nhất Airport was bombed on the evening of 28th April, nullifying all the evacuation flights. From early 29th to late 30th April, there were only helicopters dedicated to evacuating American officials and some lucky Vietnamese officials. My family was trapped in Vietnam. A month later, like those who held leadership or managerial positions in the South government or the South army, I had to attend re-education camps.
Twenty years in retrospect
Up until the last day of the South regime, I held two positions at the Ministry of Education at two different times, one as head of the Department for Information and Protocol and the other as Director of the Department for Documentation and Research, all only 3 years.
In the 15 years from 1960 to 30th April 1975, besides my time in schools, I had three main jobs: 1) Senior high school teacher (equivalent to today’s high school teacher) at Nguyễn Huệ High School, 2) Assistant Director in Research and Development at Vũng Tàu RD Training Centre and then head of the Warfare Psychological Department at the Ministry of Rural Development, and 3) Head of the Department for Information and Protocol and finally Director at the Department for Documentation and Research at the Ministry of Education, Culture and Youth. Each post left a deep imprint on my life.
During my teaching years (first at Bình Minh private high school and Bách Khoa (Polytechnic) School in the inner Huế Citadel, then at Nguyễn Huệ High school in Tuy Hòa), students and young adults had witnessed various historical events and social changes. These included, to name a few: one, the pro-Buddhism protests against President Ngô Đình Diệm’s regime carried out by students in Huế, leading to the collapse of Ngô Đình Diệm’s regime in 1963; two, the protests against the militaristic regime led by Generals Nguyễn Văn Thiệu and Nguyễn Cao Kỳ in 1965-1966, creating a period of mortal political turmoil; three, the escalation of war in 1964-1965 that led to the presence of over a half million American soldiers in the battles in South Vietnam; four, the birth of music movements by Nguyễn Đức Quang’s Singing while Travelling (Du ca) and Trịnh Công Sơn’s anti-war, igniting flames of anti-war among the younger generation; five, the introduction of the Western philosophy of existentialism in universities and schools in big cities in South Vietnam, and the literary movements that reflected a messy and chaotic society through writings by many authors, including Nguyễn Thị Hoàng, Nhã Ca, Tuý Hồng, Chu Tử and Lệ Hằng.
Each of these incidents had a huge impact on the youth of South Vietnam. Students either actively joined in such events or they were led by their friends or by some political forces, especially the secret Communist groups. A teacher like me could not fail to see the anxieties and sorrows inherent in the minds of the young as well as the numerous difficulties facing a teacher in times of war. How could a lesson go smoothly when many of them were just present in class for a short while, only to die some months later in battle? How could a teacher be calm when he saw a quarter of his students wearing a funeral band to class? The educational task was hardly possible in a chaotic society where it was not difficult to find young girls working as prostitutes to bribe the doctors, or to find a teacher who, while taking a night job as a cyclo (cycle rickshaw) driver, recognised that his customer was one of his students? How could a teacher enjoy teaching when the city was fraught with wandering young orphans whose parents had died in the war? Could he or she forget, during the camping nights, how both teachers and students cried for hours just thinking about their lives being torn apart by the war?
In such situations, many a child could rebel, quit school or commit crimes. Fortunately, we did not find many such instances. The students were still very self-disciplined, and school regulations were hardly ever broken. There were no incidences of pupils bribing their teachers. The school relationship was of mostly one of integrity.
There were countless difficulties I had to overcome with both my heart and mind when co-ordinating the program for educational development for villages in the South between the Ministry of Education and the Central Centre for Pacification and Development. How to recruit elementary teachers and persuade them to work in villages without any security during the war? How to enable those who had just finished their third grade and a 3 month training course to teach a class? And how to arrange these half-baked teachers’ lives when war retreated from the villages? To make 20,000 of them redundant or to transfer them to other positions, or to turn them into tenured teachers?
During the 20 years’ North-South division, except for the first six years, from 1954 to 1960, life in the South of Vietnam was relatively stable, with high economic growth. Many nations in South East Asia and North Asia, even South Korea, aspired to develop like South Vietnam. With the rise of the Đồng Khởi movement in South Vietnam led by the Communist party in North Vietnam in 1960, first at Ấp Bắc hamlet, just under 100 km southwest of Saigon, violence gradually spread all over the South, beginning in rural areas and then reaching the urban areas. To isolate Communists’ food sources and agent networks, the government of President Ngô Đình Diệm decided to set up Agricultural Land Hubs in the central high lands in 1959, and then Strategic Hamlets in 1962 (with advice by Sir Robert Thompson, an English advisor).
From November 1963, after the collapse of the Ngô Đình Diệm regime, the Strategic Hamlet Program came to an end.[7] The South entered political turmoil. The government in Saigon saw many successive coups d’état among the generals. The political situation was extremely unstable; the Việt Cộng was in control of almost all rural areas and was gradually approaching the cities and towns. The whole South was near to collapse.
Amidst this critical period, a summit meeting was convened in Honolulu in Hawaii, an island to the West of the United States, between President Lyndon B. Johnson of the United States and generals Nguyễn Văn Thiệu and Nguyễn Cao Kỳ of Vietnam, President and Prime Minister respectively. The result was a common statement which expressed the US’s support of South Vietnam in the war against the Northern Communists and of building a democratic government in the South. From then, half a million US soldiers were torrentially sent to the South, and the most monstrous war began. General Westmoreland’s ‘search and destroy’ operations came first. The result was the establishment of hundreds of Communist refugee Centres for survivors after the sweeping attacks. The operations also brought about countless orphans and prostitutes all over the big cities in the South. This period also saw the world’s first McNamara electrical fences in the Gio Linh district of Quảng Trị province, around 5 km south of the Demilitarised Zone (DMZ) and the introduction of the first US helicopter squadron in Vietnam.
In parallel with the military operations to prevent and destroy the Northern Vietnamese regular army, the US government and the South Vietnamese government sought to provide security protection and foster prosperity for their people by adopting the Pacification and Development Program, an initiative by Vice Ambassador Robert Komer. According to this national policy, the former Strategic Hamlets were replaced by the New Hamlets. Unlike the Strategic Hamlets, which were surrounded by barbed wires and fortifications, the New Hamlets advocated that RD cadres and the villagers live together, work together and protect the village together against all threats from outsiders. To build up a new hamlet, an operation must be first carried out by a company of the regular army of South Vietnam, the local military units and people’s forces. After uprooting all communist guerrillas from the hamlet, a team of RD cadres would come to provide security and build infrastructure such as roads, tunnels, bridges, dispensaries and school,s and organize community activities and cultural events. To achieve these objectives, local RD cadres were recruited by each province and were sent to be trained at the Vũng Tàu RD Training Centre. Here the trainees would be inspired and fuelled with ideology and passion to contribute to the development of their home villages. After 13 weeks of training, they would be sent back to their province to start their commitment journey.
In late 1967, Robert Komer was replaced as Vice Ambassador by William Colby, and took up a new mission in the Middle East. The Tết Offensive broke out. And Richard Nixon won his presidential election. He advocated Vietnamisation of the Vietnam War, which means encouraging South Vietnam to lead the Vietnam war by their own initiatives and plans, with the US standing back to provide advice and support. Yet in reality all plans were arranged by the US. Unlike the earlier phases, this time the national strategy for rural development was entirely restructured and replaced by the Pacification and Development Plan. The President now also became its Council Chairman, the Prime Minister its General Secretary, and the governmental ministers its members. Accordingly, the top body of the Pacification and Development Program was the Central Council for Pacification and Development, which was presided over by the President of South Vietnam, and its co-ordinating body was the standing office of the Central Centre for Pacification and Development, which carried out all policy development works. This Central Centre was headed by the Prime Minister. The counterpart of the Prime Minister was US Ambassador William Colby. Each Strategic military zone had a Council and Centre responsible for its Pacification and Development program, and each province had a Provincial Council and Provincial Centre to implement the Pacification and Development in each province.
From 1969, there was in each year a new plan for pacification and development. This plan had about 20 major programs. They were designed to ‘pacify’ and ‘develop’[8] the rural areas of South Vietnam, or in other words, to bring peace and prosperity to all the villages and hamlets of South Vietnam. Thus, the final aim of these programs was to win the minds and hearts of the people.
According to objective evaluation and also the acknowledgement of North Vietnam, the pacification and development program achieved good results, but South Vietnam never really won true influence over the people.
There was an historical cause for this situation. When the country was under French colonial rule, the peasants were exploited and oppressed by the ferocious tyrants and greedy landlords. When the Việt Minh took control of the government, the former illiterate and ignorant peasants suddenly became the rulers. With power at their disposal, they sought bloody revenge. When the country was divided in half the following year, the new rulers established by the South government also had freedom to wreak their revenge on those who caused their families to suffer earlier. Such changes of power persisted in rural South Vietnam like a habit. As a result, to ensure their own life in the village, the peasants did not have the courage to place any trust in others, nor did they heartily support any political force.
For the North Communists, the 30th of April 1975 was the day of victory. Yet for the South people, including the writer of these pages, it was a sad day. There could be pride in the mind of the whole people, yet in the heart of each family there lay, still buried, unrecoverable losses. We cannot live on victory forever, but neither can we insist on embracing the wounds of hatred. What the whole nation should do is to let the wounds heal themselves, to live a calmer life and to regain unified strength for building up a Vietnam with true independence, true freedom and true development.
[1] Later when the country was divided in half, my village was located north of the 17th Parallel.
[2] This is a handcrafted fan, with a bamboo frame covered in cloth, about 6m in length and 60cm in breadth, hung to the ceiling and tied to a strand that led to the room corner where it would be manually pulled to cool the whole room.
[3] Since its early days, this centre was used for training cadres for rural development – from villages and hamlets only. From early 1969, it also covered heads or vice heads of hamlets and villages and broadened to officials from local to central governments.
[4] “Declaration of Honolulu”, 7/2/1966.
[5] See the speech by Robert W. Komer in California, “Impact of Pacification on Insurgency in South Vietnam”, in a conference held by The RAND Corporation, August 1970.
[6] In 2009 I met Doug Reese again in Saigon and the last time we had lunch together with him and his wife before he left for the US to treat his terminal bone cancer (sarcoma). He died in the US in 2013.
[7] The Strategic Hamlets were replaced by the New Life Hamlets and then the New Hamlets. The New Hamlets were set up in 1966 and existed until April 1975 when the South fell under the control of Hanoi.
[8] ‘To pacify’ meant to bring security, and ‘to develop’ meant to bring social economic development. The main aim of this national policy was to build each community to become a community of peace and prosperity.