
Tăng Thân Làng Mai, Pháp | Ảnh: Làng Mai
“Yaḥ saṃghaṃ śaraṇaṃ gacchati śaikṣāśaikṣānasau saṃghakarakāndharmān gacchati yeṣāṃ lābhenāṣṭau pudgalāḥ saṃghī bhavanti abhedatvāt” [Người quy y tăng-già là người quy y các pháp tạo thành tăng-già dựa vào hai pháp hữu học và vô học. Nhờ đắc được các pháp này, tám hạng ‘người’ trở thành một sự hòa hợp không thể phá vỡ.]
Trên đây là định nghĩa của luận Câu-xá về quy y tăng. Ngài Huyền Trang dịch sang Hán văn: 歸依僧者,謂通歸依諸能成僧學無學法, 由得彼故僧成八種補特伽羅, 不可破故。 (Quy y tăng giả, vị thông quy y chư năng thành tăng học vô học pháp, do đắc bỉ cố tăng thành bát chủng bổ-đặc-già-la, bất khả phá cố.)
SAṂGHA được Thánh điển Trung Hoa dịch âm là 僧伽 (tăng-già; cộng đồng; community), có khi chỉ gọi tắt là “tăng”; và dịch nghĩa là 衆 (chúng). Tăng-già là danh xưng thiêng liêng nhất trong PG, được dùng để chỉ cho cộng đồng các bậc thánh, bao hàm cả chư Phật, chư A-la-hán, chư Đại Bồ-tát, và các hành giả đã nhập vào dòng thánh (Dự Lưu).
TÁM HẠNG NGƯỜI tu học trong PG được liệt kê trong luận Câu-xá là: tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, sa-di, sa-di-ni, thức xoa, cận sự nam, cận sự nữ, và cận trú. Sau khi phát tâm Quy Y Tam Bảo, tất cả tám hạng này, mặc dù khác biệt nhau về số lượng giới pháp thọ trì, nhưng đều cùng đặt chân trên con đường dẫn đến niết bàn giải thoát. Một khi nhập được vào dòng chảy của hàng thánh giả thì chính thức trở thành “thành viên” của tăng-già. Trong Thánh điển Pāli, khi được ngài A-nan thưa hỏi về tung tích của hơn 50 cư sỹ mạng chung ở Nādikā, đức Phật đã dạy rằng tất cả đều đã đoạn trừ năm kết sử hạ phần, hóa sinh, nhập niết-bàn ở đó, và không trở lại thế gian này nữa. (Paropaññāsaṃ ānanda nādike upāsakā kālakatā pañcannaṃ orambhāgiyānaṃ saññojanānaṃ parikkhayā opapātikā tattha parinibbāyino anāvattidhammā tasmā lokā. ~ D. ii, 16)
HỮU HỌC & VÔ HỌC là hai pháp môn tu học của hàng thánh giả. Khi đoạn trừ được 3 kết sử đầu tiên là “hữu thân kiến”, ” nghi”, và “giới cấm thủ” thì hành giả chính thức tham dự vào dòng thánh nên gọi là Dự Lưu. Sau khi đoạn trừ tất cả các kết sử thì hành giả hoàn tất giai đoạn Hữu học, chính thức trở thành A-la-hán, và bước chân vào giai đoạn Vô học. Đây là giai đoạn hành giả có thể tiếp tục tu tập cho đến khi đạt được giác ngộ viên mãn.
Hữu học bao gồm 2 giai đoạn là Kiến đạo (darśanamārga; 見道; path of vision) & Tu đạo (bhāvanāmārga; 修道; path of cultivation). Với những hành giả thuộc Bồ-tát đạo thì Kiến đạo được tu tập ở địa thứ nhất là Hoan Hỷ địa; và Tu đạo ở địa thứ hai là Ly Cấu địa.
Từ những mô tả trên chúng ta có thể hình dung Tăng-già là một tồn tại vượt thời gian và không gian, lấy thánh tính làm thể, lấy sự hòa hợp không gì có thể phá vỡ làm tướng; và dụng là “lên đường vì lợi ích của chư thiên và loài người”, như đức Phật đã từng nhắc nhở tất cả các hành giả sau khi đã thực chứng quả vị A-la-hán dưới thời ngài.
Chính từ một nội hàm như thế mà Tăng-già trở thành một trong 3 ngôi báu, làm nơi nương tựa cho hết thảy chúng sinh khổ đau trong ba cõi. Tăng-già là Āryasaṃgha, là Thánh Chúng, là Paramārthasaṃgha, là Tăng-già Đệ Nhất Nghĩa (Ultimate Community) để phân biệt với Saṃvṛtisaṃgha (Conventional Community)—hay tám hạng bổ-đặc-già-la đang còn chơi vơi ngoài dòng thánh giả.