
Theo Phật giáo, giá trị của một tồn tại có 3 khía cạnh chính: thể – tướng – dụng. Thể là nội hàm, tức các yếu tố cấu thành tồn tại đó. Tướng là các tính chất ngoại biểu như mô hình, trật tự, hình dạng, màu sắc, tên gọi, v.v. Dụng là tác dụng, ảnh hưởng do tồn tại đó tạo ra.
Khi con người bắt đầu sống chung với nhau thì xuất hiện cái gọi là “đời sống cộng đồng”. Thể của cộng đồng này là 1 tập hợp từ 2 người trở lên. Tướng là gia đình, bộ tộc, làng, xã, cho đến quốc gia, châu lục, và thế giới. Dụng là tác động hỗ tương giữa các thành viên của cộng đồng, và giữa các cộng đồng với nhau.
Khi đời sống chung bắt đầu xảy ra các xung đột, mâu thuẩn, bất hòa, v.v., thì có một hoặc những thành viên nào đó trong cộng đồng suy nghĩ, thao thức làm thế nào có thể giả quyết các mâu thuẫn để mang lại trật tự, thanh bình cho cuộc sống chung. Có thể xem đây là loại ý thức chính trị “nguyên thủy” của loài người. Để thực hiện ý thức này, các thành viên trong cộng đồng cùng nhau đề cử một người có năng lực, làm thay cho họ 2 việc: điều giải các mâu thuẩn; đồng thời tìm ra và thực hiện những phương sách nào đó để tái lập trật tự cho cộng đồng. Và vì phải dành thời gian thực hiện các “công tác chính trị” như thế, không có thời gian sản xuất, nên các thành viên còn lại của cộng đồng phải “đóng thuế” để nuôi người này. Đây là định chế chính trị đầu tiên. Thể của loại định chế này là ý thức và các sách lược chính trị. Tướng là tộc trưởng, trưởng làng, .v.v. Dụng là giải quyết xung đột và tái lập trật tự.
Theo thời gian, khi số lượng thành viên trở nên ngày càng nhiều, thì định chế chính trị cũng phải thay đổi theo. Ví dụ như trước kia chỉ có một người, vừa nghĩ ra các luật lệ, kế sách (lập pháp), vừa thi hành các luật lệ đó (hành pháp), vừa phải phân xử các xung đột (tư pháp), thì bây giờ phải cần đến nhiều người hơn. Từ đó xuất hiện các cộng đồng nhỏ là triều đình, chính phủ, v.v.
Phật tử cũng là một thành viên của cộng đồng; hoặc cộng đồng điều hành hoặc cộng đồng dân thường. Dưới cái nhìn của lý Duyên khởi thì tên gọi và cấu trúc của bất kỳ cộng đồng nào cũng chỉ là Tướng, không có tác dụng thực. Thể, tức các thành viên tạo thành cộng đồng, mới có tác dụng thực sự. “Đó là một gia đình hạnh phúc” có thể xem như một phát biểu hết sức mơ hồ; bởi vì thật sự không ai có thể tìm thấy “gia đình” ở đâu cả. Trong thực tế chỉ có các đơn vị tồn tại mang tên “chồng”, “vợ”, “con trai”, “con gái”, cùng xuất hiện trong một không gian nhất định nào đó, vào một thời điểm nhất định nào đó. Đã không tìm thấy “gia đình” ở đâu thì thuộc tính “hạnh phúc” nằm ở chỗ nào. Cuối cùng, chúng ta phải thừa nhận nếu có cái gọi là “hạnh phúc” thì hạnh phúc đó chỉ thực sự có thể tìm thấy ở mỗi thành viên của bất kỳ cộng đồng nào.
Có thể nói toàn bộ Phật Pháp đều đặt nền tảng trên lý duyên khởi. Nguyên lý này giúp cho người học hiểu biết tường tận thể-tướng-dụng của bất kỳ hiện tượng nào. Có hiểu biết tường tận thì suy nghĩ và hành động mới không sai lầm, và mới không phải đón nhận các kết quả khổ đau từ chúng. Nhà Phật gọi một hiểu biết tường tận như thế trước mọi hiện tượng cả trong lẫn ngoài vũ trụ là “nhất thiết chủng trí” (sarvākārajñatā; 一切種智; knowledge of all aspects).