

Để tiện việc khảo sát cấu trúc cũng như quá trình vận hành của tồn tại có tên là “con người”, Phật giáo chia tất cả các yếu tố vật lý và tâm lý nói trên thành 5 phạm trù gọi là skandha. Chữ Phạn “skandha” được Thánh điển Trung Hoa dịch nghĩa là 蘊 (uẩn; heap, aggregate):
(i) Sắc uẩn (rūpaskandha; 色蘊; materiality aggregate) bao gồm các yếu tố vật chất: 5 căn mắt-tai-mũi-lưỡi-thân và 5 cảnh tương ưng hình-màu, âm thanh, mùi, vị, xúc chạm.
(ii) Thọ uẩn (vedanāskandha; 受蘊; sensation, sensory feeling) bao gồm 3 loại cảm thọ khổ, lạc, không-khổ-không-lạc.
(iii) Tưởng uẩn (saṃjñāskandha; 想蘊; perception, discrimination, conceptual identification) bao gồm các sự nhận biết về tướng hay các dấu hiệu và ký hiệu của cảnh.
(iv) Hành uẩn (saṃskāraskandha; 行蘊; conditioning factors) bao gồm tất cả các tâm sở, ngoại trừ 2 tâm sở thọ-tưởng được phân thành 2 uẩn riêng ở trên.
(v) Thức uẩn (vijñānaskandha; 識蘊; consciousness) bao gồm 6 cái biết thuộc về mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý.
THỦ UẨN: Tất cả 5 uẩn nói trên đều được gọi là “thủ uẩn” (upādānaskandha; 取蘊; aggregates that are the objects of clinging; aggregates of attachment). Luận Câu-xá giải thích:- năm thủ uẩn chính là phiền não;
– năm thủ uẩn là nhân của phiền não;
– năm thủ uẩn là quả của phiền não.
PHÀM PHU: Trên đây là mô tả đại cương về thực trạng tồn tại của một con người bình thường, của một “phàm phu” (pṛthagjan; 凡夫; ordinary being, common person). Thánh điển mô tả phàm phu là người:
– đang bị trói buộc bởi 10 loại kết sử; và vì thế không thể bước chân vào “dòng thánh giả” (srotaāpanna; 預流 / 須陀洹; stream-enterer, stream-winner);
– không thực chứng 4 sự thật thánh thiện (catvāry āryasatyāni; 四聖諦) dành cho hàng thánh giả (āryapudgala; 賢聖; noble person).
Căn cứ vào thực trạng nói trên mà con đường tu tập được lập thành trong PG. Như đã nói từ trước, tu tập trong PG có nghĩa là “trở thành”: từ phàm phu trở thành thánh giả, từ nhiễm ô trói buộc trở thành thanh tịnh giải thoát, từ mê mờ trở thành giác ngộ. Qua các phần trình bày trước đây về “quy y Phật” & “quy y pháp”, các bạn đã có khái niệm về lý tưởng tu học trong PG. Và đây là lúc các bạn có thời gian để suy gẫm và quyết định có nên QUY Y TĂNG. Bởi vì “quy y tăng” chính là quyết tâm lên đường thực hiện một chuyến đi—một chuyến đi hội nhập vào con đường của thánh giả, con đường mà chư Phật và vô lượng thánh giả đã từng đi qua trong quá khứ.