
Buổi chiều trên đường phố Pokhara, cách vườn Lumbini nơi Thái Tử Tất Đạt Đa sinh ra 126 miles (203 km). Ở Mỹ đó là một đoạn đường ngắn có thể lái xe đến thăm và trở lại phố cùng ngày. Nhưng Nepal thì không. Đường rất xấu và đèo dốc cheo leo phải mất cả ngày mới tới nơi và không thể trở lại trước khi trời tối.
Đây không hẳn là tượng Phật mà chỉ là tấm bia bằng nhôm hay xi-măng đúc hình đức Phật. Dưới chân đức Phật không phải là hoa quả do thập phương bá tánh cúng dường, chung quanh ngài không phải là những bậc La Hán và trên nền trời không phải chư thiên vân tập về nghe pháp.
Không, chung quanh ngài là hình ảnh quảng cáo. Một lon Coke, một lon Exel, những mẫu vẽ áo quần, đồ trang sức, những bụi hoa dại héo tàn. Cách đó không xa, một hãng máy bay tuyến đường ngắn từ Pokhara đi Kathmandu được đặt một cái tên rất an toàn là Buddha Air.
Theo thống kê, hơn 80% dân Nepal theo Ấn Độ Giáo (Hinduism), khoảng 8% là Phật Giáo. Nhưng thực tế, nếu tách chư tăng và tín đồ Tây Tạng, Miến, con số thuần túy Phật Giáo Nepal từ thời vương quốc Shakya còn lại ít hơn nhiều.
Chính quyền Nepal đầu thế kỷ 20 cũng không khoan dung cho một tôn giáo lớn của nhân loại đã gieo hạt mầm đầu tiên trên đất Nepal của họ. Triều đình Rana trong những năm 1926 và 1944 từng có chính sách kỳ thị với tông phái Theravada và một số tăng sĩ thuộc tông phái này đã bị trục xuất sang các nước lân cận.
Người dân Nepal, nhất là các chủ tiệm bán đồ kỷ niệm, rất hãnh diện khi giới thiệu với du khách “Nepal là quê hương của đức Phật” nhưng đó chỉ là cách để gạ bán hàng chứ không biết gì về Bát Chánh Đạo, Tứ Diệu Đế hay kinh điển Phật Giáo.
Tương tự ở Chennai, miền Nam Ấn Độ, khi tôi hỏi món quà kỷ niệm nào khách ưa chuộng nhất, người chủ tiệm trả lời “tượng Phật”.
Dù trong hoàn cảnh nào và được đối xử ra sao, đức Phật vẫn mỉm cười.
Thị Nghĩa Trần Trung Đạo
(2020)