
ĐỊNH NGHĨA
Hộ là che chở, giúp đỡ, cũng có nghĩa là bảo hộ, bảo bọc, làm cho vững chãi, bền lâu.
Trì là nắm giữ, giữ gìn.
Từ kép của hộ trì chúng ta có thể hiểu nghĩa rộng là phát tâm giúp đỡ, bảo hộ làm cho lớn mạnh, vững chãi, dài lâu một việc mà mình tin rằng tốt đẹp, xét ra thấy lợi mình, lợi người hiện tại và tương lai.
Tam Bảo thì ai cũng hiểu là Phật, Pháp, Tăng.
Trong một Đại hội Cư sĩ Phật tử Trí thức mà định nghĩa Tam Bảo quả là một điều không nên làm. Tuy nhiên, biết đâu Thượng Tọa Tổng Vụ Trưởng lại chẳng quảng phát đến mọi giới “Phật tử”, nên thêm một vài dòng chắc cũng không sao.
Phật bảo là một quả vị cao nhất trong đạo Phật. Ai tu đạt được đến quả vị này gọi là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, nghĩa là ba đời, mười phương chư Phật giác ngộ đến mức tột cùng cũng chỉ có như vậy chứ không có cao hơn được. Đây là một quả vị do sự tu tập, phát triển trí tuệ đến chỗ cùng cực mà được thành tựu chứ không phải một tước vị do ai đó phong tặng. Quả vị này là quý báu (bảo) vì không thể tìm cầu, mua bán, trao đổi ở bất cứ nơi nào có thể được, mà chỉ gia công, miệt mài thanh lọc phiền não, tham sân si cho đến khi nào các đức tánh Từ bi (vô sân), Dũng mãnh (vô tham), Trí tuệ (vô si) hiển lộ toàn diện thì được xưng tán là Phật, Như Lai, Thế Tôn v.v… Vì không phải là một tước vị nên chúng ta không thể tìm cầu từ bên ngoài mà chỉ có thể chứng đạt nơi tự tâm.
Pháp bảo là những phương pháp, những phép tắc do chính đức Phật, người đã cật lực áp dụng trong khi tu tập và nhất là những phương pháp, phép tắc ấy đã dẫn đến một kết quả toàn hảo phi thường đúng như hoài bảo khao khát lúc ban sơ. Được gọi là “Bảo”, hay vi diệu, nhiệm mầu vì lẽ bất cứ người nào quyết chí áp dụng, thực tập những phương pháp do chính bậc Giác ngộ chế tác, một cách liên tục không gián đoạn trong suốt cuộc sống hàng ngày, sẽ thấy kết quả tức thì, ngay trong lúc thực tập, ngay trong kiếp sống này mà không phải chờ đợi một kiếp lai sanh.
Tăng bảo là một đoàn thể, trước hết là từ bỏ gia đình đơn lẻ, sống không gia đình riêng tư và kế đến là phải hội đủ các điều kiện tối thiểu, sống dúng giới luật Phật chế, sống hòa hợp, sống thanh tinh từ thân đến tâm. Lấy việc trau dồi và phát triển trí tuệ làm sự nghiệp chính của đời mình. Luôn khắc ghi trong lòng rằng tất cả mọi người, mọi loài đều là thân bằng quyến thuộc của mình, đều có liên hệ chặt chẽ trong sự nghiệp trí tuệ của mình; và do vậy, khi thành tựu trí tuệ nguyện sẽ chia xẻ đồng đều. Nguyện như vậy, sống như vậy quả là một điều khó tìm, khó thấy giữa đời này nên gọi là hiếm quý hay là “bảo”.
Vì nhận thấy ba điều quý báu (Tam Bảo) trên có thể trực tiếp làm lợi lạc cho mình, cho người trong mọi thời, ở mọi nơi nên mình phát tâm bảo hộ, giúp đỡ che chở để được trường tồn, không bị mai một (hộ trì), nên gọi là Hộ trì Tam Bảo.
DANH CHÁNH
Để có sự chánh danh trong việc Hộ trì Tam Bảo, trước hết bạn phải là một “hội viên” trong Tam Bảo, tức là bạn nên Quy y Tam bảo.
Quy y là một từ Hán Việt. Quy có nghĩa là xoay trở lại, thức tỉnh lại, kịp thời dừng lại.
Xoay cuốc sống gàn dở, bê bối của mình trở lại để tập thành một cuộc sống tốt đẹp, hiền lành, thánh thiện. Thức tỉnh những hành động, những lời nói, những ý nghĩa của mình đừng để bị chi phối triên miên bởi ba độc (tham, sân, si). Dừng lại kịp thời, những điều tai hại cho mình và cho người, tức không làm, không nói, không toan tính bất cứ điều gì mang tính hại mình, hại người.
Y có nghĩa là nương tựa vào. Xoay lại, dừng lại hay thức tỉnh chưa đủ, chúng ta còn phải nương tựa, y cứ vào một nơi, mà nơi đó phải có khả năng giúp đỡ, chở che, bảo hộ chúng ta thăng tiến những điều thánh thiện mà chúng ta hằng khao khát. Nơi đó là Ba Nơi Quý Báu đã được định nghĩa ở trên, tức là Tam Bảo. Quy y Tam Bảo là trở về nương tựa với Tam Bảo hay nương tựa với Phật, với Pháp, với Tăng.
Cũng cần nhắc thêm là Tam Bảo có sự và có lý. Sự là có người xuất gia, tu hành thành Phật, có chư vị Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni theo gót Phật tu tập thành tựu Thánh quả; có giáo pháp hay phương pháp thực hành để thành tựu quả vị ấy. Lý tức là nơi mỗi chúng ta có đầy đủ năng lực thành tựu những điều trên, miễn theo đúng phương pháp (chánh pháp) của Người Đi Trước, mà không phải van xin từ một đấng siêu nhiên hay thần linh nào.
Sau khi Quy Y Tam Bảo rồi, bạn được gọi là Phật tử, tức con của Phật. Con của Phật thì ở nhà Phật, mặc áo Phật, ngồi chỗ Phật. Ở nhà Phật thì phải “sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp” như Phật. Mặc áo Phật thì phải “tươm tất, thẳng tắp, thơm tho” như Phật. Ngồi chỗ Phật thì phải “chánh thân, chánh tâm” như Phật. Nói rõ hơn là tập nói lời Phật nói, không nói những gì Phật không nói. Tập làm những gì Phật làm, không làm những gì Phật không làm. Tập tư duy những gì Phật tư duy, không tư duy những gì Phật không tư duy.
Trong giới vức của một Phật tử tại gia, bạn đã chọn đức Phật Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác làm chỗ nương tựa rồi, bạn không cần phải nương tựa vào ai khác nữa. Bạn đã chọn giáo pháp của ngài đẻ làm khuôn phép tu thân sửa tánh rồi, bạn không cần phải chọn một phương pháp nào khác. Bạn đã chọn đoàn thể Thanh tịnh Tăng để làm nơi nương tựa rồi, bạn không cần phải chọn một đoàn thể nào khác nữa. Để bảo trí sự nương tựa của bạn cho được vững chãi, đức Phật trao cho bạn những “chiếc gậy thần”, bạn cần phải luôn giữ bên mình để được hộ vệ. Gọi là “gậy” vì để bạn “chống” đi cho được vững chãi. Gọi là “thần” vì bạn sẽ không sợ hãi bất cứ điều gì. Những chiếc gậy thần đó là Năm Giới Cấm dành cho người tu tập ngay trong gia đình với vợ với con, với cháu, với mọi người một cách đầm ấm giữa một cuộc sống đầy lo âu và thất vọng.
NĂM GIỚI CẤM
Năm giới cấm mà đức Phật danh cho hàng Phật tử chúng ta, gồm có:
1. Không sát sanh:
Tức là không giết hại sanh linh, dặc biệt là không giết hại đồng loại với nhau. Không tự mình giết, không xúi dục người khác giết, không tán đồng việc giết hại. Chúng ta không giết người thì chúng ta có được tự do vì không có những niềm lo nỗi sợ bị trả thù hay bị luật pháp chi phối. Đó là chỉ mới đề cập đến nhân quả hiện đời giữa thế gan này; trong khi đó, khi đề cập đến nhân quả, đức Phật nhấn mạnh đến nhân quả báo ứng ba đời hay nhiều đời.
2. Không trộm cắp:
Tức không lấy làm tư hữu bất cứ vật gì, dù lớn hay nhỏ, dưới bất cứ hình thức nào khi chưa có hay không có sự đồng ý của sở hữu chủ. Không tự mình trộm cắp, không xúi dục người khác trộm cắp, không tán đồng việc trộm cắp. Chúng ta không tham lam trộm cắp thì nhân cách của chúng ta được bảo tồn, danh dự của chúng ta không bị hoen ố. Đó chỉ mới đề cập đến việc trộm cắp vặt, nếu chúng ta dùng đến sức mạnh, uy quyền hay vũ lực để cưỡng lấy (cướp hay biển thủ) thì niềm lo, nỗi sợ không kém gì giới sát vừa kể.
3. Không tà dâm:
Tức là không được ăn nằm với những người không phải là vợ hay chồng của mình. Không được dùng mưu mô, thủ đoạn hay quyền hành để xâm phạm đến tiết hạnh của người khác. Không xúi dục việc tà dâm, không tán đồng việc tà dâm. Về mặt đạo dức, nếu chúng ta có những hành động như vậy, mọi người kể cả vợ con, sẽ ghê tởm xa lánh chúng ta trong bất kỳ trường hợp nào. Và như vậy là chúng ta đã tự xây cho mình một ngục tù chung thân. Đó là chưa kể trường hợp cưỡng dâm tức phải bị luật pháp truy lùng, bấy giờ chúng ta cũng sẽ “sống” mà không được tắm ánh nắng mặt trời.
4. Không nói dối:
Bao gồm cả không được nói thêm bớt, nói đâm thọc, nguyền rủa, chửi bới tục tiểu cộc cằn, kể cả khuếch đại hay dựng đứng những tin đồn không căn cứ. Không xúi dục, không tán đồng các điều trên. Người nào hay nói những điều trên là người ấy tự đánh mất sự thành tín của mình. Người mà không đặt chữ tín làm đầu là người, nói theo ngôn ngữ của Phật dạy, không biết tàm quý, tức không biết hổ thẹn.
5. Không uống rượu say sưa:
Bao gồm cả không sử dụng cần sa, ma tùy. Không xúi dục hay tán đồng khi thấy người khác uống rượu say sưa hay sử dụng cần sa ma túy. Rượu và ma túy có khả năng làm suy nhược thần kinh, đánh mất trí nhớ, đưa đến bệnh hoạn cả thể xác lẫn tinh thần. Tuy là giới thứ năm, nằm sau cùng, nhưng nếu không nghiêm mật với giới này thì bốn giới trước đó đều có thể phạm hết. Bạn uống rượu say có thể dẫn đến tình trạng giết người. Bạn uống rượu say có thể trộm cắp, tà dâm, nói dối một cách dễ dàng.
Trong năm giới trên, giới thư tư và thứ năm thuộc khai giới, nghĩa là có trường hợp mở (khai) cho chúng ta được sử dụng. Chẳng hạn như khi bạn cần dùng thuốc rượu để trị bệnh; trường hợp phải nói dối để giúp đỡ hoặc hàn gắn một câu chuyện hay vấn đề, tuyệt đối không vì dục vọng hay tư lợi.
Trên đây là mới trình bày một cách hết sức sơ lược, mang tính tiêu cực mà chưa đề cập đến phần tích cực. Tích cực tức là thể hiện bằng hành động trong cuộc sống hàng ngày. Ví dụ: chúng ta không những không sát sanh, mà còn khen ngợi tùy hỷ với việc không sát sanh. Ngoài ra tự thân mình phải làm việc phóng sanh, phóng thích, giảm khinh tội nhân. Không trộm cắp mà lại thực hành bố thí; không tà dâm mà lại tập hạnh thanh tịnh trong các ngày trai giới; không nói dối là lại tập nói lời ái ngữ, hiền lành, thánh thiện.
Ngoài ra, mỗi nửa tháng hay hàng tháng, hoặc ít ra cũng trong vòng hai đến ba tháng là tối đa, phải tham gia các buổi tụng giới, để không những được ôn tụng giới tướng đã lãnh thọ, mà còn được nhắc nhở và sách tấn thường xuyên thì giới luật mới trở nên sâu sắc và việc hành trì mới được vững chãi.
Chỉ bao nhiêu đó thôi, chúng ta cũng đã tham gia hộ trì Tam Bảo, hay làm được phần nào Phật sự một cách trực tiếp rồi.
Chúng ta có thói quen, mỗi khi nói đến làm Phật sự hay tham gia Phật sự thì yên chí nghĩ rằng về chùa công quả, giúp quý thầy, quý sư cô việc này việc nọ. Điều đó không sai, nhưng bảo rằng đúng thì cũng chưa hẳn hoàn toàn là đúng. Đó là chưa kể đôi khi (nhiều khi) chúng ta làm những việc trên mà còn mang theo tâm hơn thua, bỉ thử hay vì sự khen thưởng, tán thán “công đức” thì lại càng cẩn phải xét lại thật cẩn trọng.
Phật sự là việc Phật. Mà Phật thì ai cũng biết là thanh tịnh, giải thoát, không dính mắc, không phiền não, rỗng rang, vô tướng v.v… Nếu làm công quả trong chùa hay về chùa giúp quý thầy, quý cô làm “Phật sự” mà còn đầy đủ những thứ “bòng bong”: bất tịnh, triền phược, dính mắc, não phiền, ngã tướng thì đó là ma sự chứ không còn là Phật sự nữa. Làm ma sự thì không là ma vương thì cũng là ma dân hay thân bằng quyến thuộc của ma. Nhân đã là ma thì quả nhất định phải là ma.
Chúng ta đã từ vô thủy vô minh, nhận giặc (tham, sân, si) làm con, nên lang thang trong ba nẻo sáu đường, ngày nay được gặp Tam Bảo là một hạnh duyên thù thắng mà không chịu trân quý gìn giữ mà hời hợt, thờ ơ quả là kẻ “cùng tử” trong những kẻ cùng tử. Cùng tử là tại chúng ta không chịu tập theo những điều Phật làm (Phật sự), tức là không thuận hạnh.
THUẬN HẠNH
Thuận hạnh là làm những gì Phật đã làm hay cho làm, và không làm những gì Phật không làm hay cấm chúng ta làm; như năm giới vừa kể trên chẳng hạn. Năm giới toàn vẹn mới chỉ là “giáo điều”, người Phật tử còn phải học “giáo lý” nữa. Người Phật tử cần phải học hỏi giáo lý, thực hành giáo lý và cuối cùng là thân chứng giáo lý.
a. Học hỏi giáo lý:
Giáo lý là những lời dạy của đức Phật khi ngài còn tại tiền. Giáo lý, sau khi Phật tịch được hàng đại đệ tử kết tập lại phân ra làm Kinh, Luật và Luận. Kinh bao gồm văn xuôi hay văn kệ tụng, nói những việc đã xảy ra, đang xảy ra, sẽ xảy ra, lắm khi diễn tả những sự việc rất ư hy hữu, kỳ đặc mà trí năng hạn hẹp của con người không thể nào suy luận được. Luật là những điều khoản được Phật chế ra để giúp cho người có chí nguyện hướng thiện và hương thượng kiểm thúc thân tâm trong việc “chỉ ác, tác thiện” mọi thời hầu thăng tiến trên đường tu tập. Luận phần nhiều là do chư đệ tử tu tập đạt ngộ chân lý hay thâm nhập lời Phật dạy rồi triển khai những chỗ thâm diệu trong kinh cho người sau “dễ” nhận. Cả ba phần, tùy theo giới vức của chúng ta mà cần phải học hỏi cẩn trọng. Học hỏi giáo lý là phần quan trọng đầu tiên. Thiếu phần này giống như người đi đường không được hướng dẫn, hoặc không có bản đồ trong tay. Giáo là chỉ giáo, dạy bảo, khai thị và cũng có thể hiểu là tôn giáo. Lý là lý thuyết, là triết lý của tôn giáo đó, tức là phần uyên thâm trên mặt ngôn ngữ, văn tự. Lý không thông thì sự không thành. Sự tức là phần thực hành, sẽ nói ở phần kế sau. “Triết lý” trong Phật giáo hoàn toàn không mang ý nghĩa thuần túy triết học, tức là chỉ phân tích, chia chẻ vấn đề một cách tỉ mỉ để thỏa mãn phần kiến thức của con người; mà triết lý trong Phật giáo là giúp chúng ta thông suốt vấn đề trước khi bắt tay vào việc. “Bắt tay vào việc” là dịch từ thiền ngữ “hạ thủ công phu”. Bắt tay vào việc hay hạ thủ công phu, nói nôm na là thực hành giáo lý.
b. Thực hành giáo lý:
Tức là áp dụng phần lý thuyết, phần triết lý mà chúng ta đã “thông suốt” vào cuộc sống thường nhật của chúng ta. Nói đến cuộc sống thường nhật tức nhấn mạnh đến mọi sinh hoạt, mọi động tác, mọi cách sống hàng ngày và suốt đời. Phần này cố nhiên là phần khó nhất trong toàn bộ giáo lý của đức Phật. Thiếu phần này là bắt hỏng toàn bộ giáo lý “thậm thâm vi diệu” của ngài. Toán bộ giáo lý của đức Phật xây dựng trên thuyết duyên sanh. Do vì duyên sanh nên vô thường. Do vì vô thường nên là vô ngã. Do vì vô ngã nên đức Phật bảo chúng ta thực tập không nắm bắt, không chấp thủ, không dính mắc… Giáo lý duyên sanh này có khi được gọi dưới một tên khác là giáo lý nhân quả. Nhân là nguyên nhân, quả là kết quả. Người “thông suốt” giáo lý Phật đà không bao giờ hời hợt dừng lại trên kết quả để đánh giá vấn đề, mà phải tìm về nguyên nhân của nó. Nguyên nhân lắm khi rất sâu xa và rối rắm. Nguyên nhân càng rối rắm bao nhiêu, kết quả càng phức tạp bấy nhiêu. Do vậy, một khi có vấn đề xảy ra, chúng ta phải đủ bình tỉnh (tỉnh thức” quán chiếu nguyên nhân. Bạn không cần phải ngồi treo chân kiết già trước bàn thờ Phật mới có thể quán chiếu nguyên nhân được. Bạn chỉ cần dừng lại kịp thời các hoạt động của thân, khẩu, ý, danh từ thiền học gọi là Chỉ. Sau khi đình chỉ được sự hoạt động của ba nghiệp (thân, khẩu, ý) rồi, bạn tiếp tục duy trì sự lắng dịu ấy, cho đến khi bạn cảm thấy nhẹ, khỏe, không còn bị chi phối bởi phiền não, bấy giờ bạn bắt đầu tìm về nguyên nhân của vấn đề, danh từ thiền học goi là Quán. Có người bảo tu Chỉ trước, tu Quán sau là như vậy. Trên trình tự ngôn ngữ trình bày có trước có sau như vậy; kỳ thật là khi bạn dừng được kịp thời một hành động tức trong ấy đã có ngầm chứa Quán rồi. Trong việc bạn tìm về nguyên nhân, tìm đến đâu bạn có Chỉ đến đó. Nếu không vậy thì bạn không bao giờ tìm được nguyên nhân sâu xa của vấn đề. Đó là mới nói đến nguyên nhân sâu xa chứ chưa nói đến nguyên nhân rối rắm. Thời gian đình chỉ mọi hoạt động của ba nghiệp và thời gian tìm về nguyên nhân từ gần đến xa của vấn đề đã giúp bạn giải quyết được phần nào khó khăn của vấn đề. Nói cách khác là trong thời gian đó bạn đã không làm cho vấn đền rối rắm, khó khăn hơn. Cứ như vậy thực tập trong mọi hoàn cảnh, mọi trường hợp từ trong công sở, việc làm ăn đến hoàn cảnh vợ chồng, con cái… nhất định bạn sẽ được an bình. Giáo lý của đức Phật là giáp lý từ bi, trí tuệ, an lạc, giải thoát, Ai cũng biết điều đó. Ấy thế mà đã nhiều năm chúng ta bơi lội trong biển giáo lý ấy mà chúng ta không dính dấp gì đến bốn phạm trù vừa nêu trên, quả là chúng ta tự cô phụ lấy chúng ta. Suốt bốn mươi lăm năm thuyết giáo của đức Phật, theo tôi, ngài không thuyết gì hơn là thuyết những phương pháp để chúng ta phát triển từ bi, khai mở trí tuệ, đạt được an lạc và thành tựu giải thoát. Từ đó chúng ta có thể không ngần ngại kết luận rằng: Hộ trì Tam Bảo hay xiển dương Phật pháp không hoàn toàn nằm gọn trong việc tô tượng, đúc chuông, xây chùa, in ấn kinh sách, công quả phụ giúp chư Tăng Ni những công việc thường nhật, mà phải được đánh giá cao trong việc áp dụng giáo lý hành trì vào đời sống thường nhật. Chính đức Phật đã làm như vậy, trải qua ba A tăng kỳ kiếp, chúng ta, học đồ của ngài, không thể làm khác đi được. Bất kỳ việc gì, đã không làm thì thôi, mà làm nhất định phải có kết quả. Bạn thực hành lời Phật dạy, bạn phải có kết quả trên lời Phật dạy. Kết quả đó gọi nôm na là Thân chứng Giáo lý.
c. Thân chứng giáo lý:
Chúng ta cũng có thể gọi là Đạt ngộ Giáo lý. Nghe nói đến thân chứng hay đạt ngộ giáo lý, chúng ta có cảm giác như việc này phải nhường cho chư vị Bồ tát, còn chúng ta chỉ “tu gieo duyên” thôi. Giáo lý của đức Phật trong phần giác ngộ có chia ra ít nhất là hai phần. Một là Phần giác, hay là Toàn giác. Đức Phật là bậc Toàn giác, tất cả chúng sanh không phân biệt, tu theo giáo lý của ngài, tùy theo sự nỗ lực tu tập mà có sự giác ngộ cao thấp khác nhau. Những sự giác ngộ khác nhau đó gọi là Phần giác. Do vậy, chúng ta không thể nói là việc giác ngộ, thân chứng hay đạt ngộ giáo pháp là phần vụ của chư vị Bồ tát. Đã vào biển, bất kỳ loại chúng sanh nào cũng phải biết hương vị của biển. Đức Phật đã bảo giáo pháp của ngài có cùng một hương vị Giải thoát, chúng ta không thể mặc cảm là chúng sanh với đầy dẫy nghiệp chướng này, không thể đạt ngộ hay thân chứng giáo lý được. Không đi thì thôi, mà đã đi nhất định phải tới nơi mình đến “bước chân” cuối cùng, mà cái “tới” đến trên từng bước chân đi. Xin bạn đừng quên điều đó.
KẾT LUẬN
Lời sau cùng, thay cho lời kết, xin được thưa là, quý vị đừng tưởng là những gì tôi nói là những gì tôi đã thành tựu tốt đẹp, thưa không. Những gì tôi nói là những gì tôi đang thực tập. Lắm khi thành tựu, nhưng cũng nhiều lúc thất bại. Thất bại không phải vì giáo lý không hay mà vì nội lực, tức sức mạnh Trí tuệ của chúng ta chưa thâm hậu, chí nguyện chưa kiên cường, sự quyết tâm còn lỏng lẻo.
Tôi khao khát mọi người cùng nắm tay nhau, cũng sách tấn nhau thực tập lời Phật dạy một cách miên trường để thay cho những phiền muộn, những trách móc, những hờn dỗi hay sát phạt lẫn nhau. Đó mới là, theo tôi, Hộ trì Tam Bảo một cách nghiêm mật và miên trường.