
Meditation in Action, pp. 1-7.; translated by Đạo Sinh
Một ngày mùa hạ trong xanh, nắng gắt. Những cành cây sa-la um tùm, trĩu quả, hoa nở rực rỡ. Cảnh vật hoang dại, lởm chởm đá với nhiều hang động. Thị trấn gần nhất cũng cách xa trên trăm dặm. Trong vài hang động là các hành giả du-già, tóc bối dài, mình chỉ khoác một mảnh vải bông trắng mỏng. Có người ngồi nhập định trên những tấm da nai. Có người đang tu luyện nhiều động tác du-già khác nhau, như ngồi nhập định giữa một đống lửa trại, một phép tu khổ hạnh nổi tiếng. Có người lại đang trì chú hay tụng kinh cúng dường. Nơi chốn này có một bầu không khí thanh bình, tĩnh lặng, nhưng cũng khá quái dị. Có lẽ nó vẫn giữ nguyên trạng từ trước lúc thế giới này hình thành. Một sự tĩnh lặng tuyệt đối. Cả tiếng chim hót cũng không nghe thấy. Chỉ có một giòng sông lớn gần đó, nhưng chẳng có ngư phủ nào. Giòng sông mênh mông, rộng ít nhất cũng đến bảy dặm. Trên bờ các đạo sỹ đang thực hành thánh lễ tẩy tịnh. Ta thấy họ thiền định và tắm trong giòng sông. Đó là cảnh tượng cách đây hai ngàn năm trăm năm ở một nơi có tên là Nairanjana trong tỉnh Bihar, Ấn-độ.
Một hoàng tử, tên Siddhartha, tìm đến. Dáng dấp quý tộc; chàng chỉ vừa mới cất bỏ chiếc vương miện, những chiếc khuyên tai và đồ trang sức của mình, vì thế chàng cảm thấy khá trần trụi. Chàng vừa mới từ giã con ngựa và người hầu cận cuối cùng, và giờ đây chàng đã khoác lên tấm vải bông trắng sạch. Chàng nhìn quanh và cố bắt chước những đạo sỹ khác. Chàng muốn theo gương họ, vì thế chàng đến gần để xin được hướng dẫn phương pháp thiền định. Trước tiên chàng giải thích mình là một hoàng tử và thấy đời sống ở cung điện thật vô nghĩa. Chàng đã nhìn thấy có sự sinh ra, sự chết, bệnh tật và già yếu. Chàng cũng đã nhìn thấy một nhà hiền triết bước đi trên đường; và điều này đã gây cảm hứng cho chàng. Đây là tấm gương và lối sống chàng muốn theo. Tất cả đều mới lạ với chàng; và thoạt đầu chàng không thể nào thừa nhận những điều này đang thật sự xảy ra. Chàng không thể quên sự xa hoa và những thú vui nhục dục đã trải qua trong cung điện và vẫn còn quay cuồng trong đầu óc chàng. Đó là hoàng tử Siddhartha, đức Phật tương lai.
Rồi chàng nhận được các hướng dẫn, có lẽ hơi miễn cưỡng, từ vị đạo sư hiện tại của chàng. Chàng tu tập khổ hạnh của một nhà thấu thị, học ngồi kiết-già, và áp dụng bảy tư thế du-già để điều hòa hơi thở. Lúc đầu những điều này mới lạ đối với chàng như một trò chơi. Chàng cũng nhận được cảm giác thành tựu khi cuối cùng đã biết cách từ bỏ các sở hữu thế gian để đi theo nếp sống tuyệt vời này. Ký ức về vợ con và cha mẹ chàng vẫn còn đầy trong tâm trí. Điều này chắc hẳn đã quấy rầy việc tu tập du-già nhưng hình như chàng chẳng còn cách nào hàng phục tâm thức mình. Và các hành giả du-già chẳng hề nói cho chàng biết phải làm gì, ngoại trừ việc cứ tiếp tục làm giống như họ.
Đó là kinh nghiệm của đức Phật gần hai ngàn năm trăm năm trước. Và giờ đây ta sẽ tìm thấy một cảnh quang tương tợ và có những kinh nghiệm tương tợ nếu ta quyết định rời khỏi gia đình, từ bỏ những lần tắm nước nóng nước lạnh, quên đi chuyện nấu nướng ở nhà và sự xa xỉ khi đi lại bằng xe hơi, hay phương tiện vận chuyển công cộng; một điều vẫn rất là xa xỉ. Có người trong chúng ta có thể đáp máy bay và chỉ mất vài tiếng đồng hồ để đến đó: trước khi ta biết mình ở đâu thì ta đã ở ngay giữa lòng Ấn-độ. Có người có máu phiêu lưu hơn có lẽ sẽ quyết định cuốc bộ. Tuy nhiên điều đó hình như vẫn sẽ không thật lắm; chuyến hành trình vẫn tiếp tục thú vị và sẽ không bao giờ có một giây phút buồn tẻ. Cuối cùng chúng ta cũng đến được Ấn. Có lẽ ở một số mặt nào đó Ấn-độ làm ta thất vọng. Ta sẽ nhìn thấy một số lượng tối tân hóa nào đó, và sự hợm hĩnh của những người Ấn thượng lưu, có giáo dục tốt hơn; những người vẫn đang học đòi Hoàng gia Anh. Có lẽ lúc đầu ta sẽ thấy hơi khó chịu, nhưng dù sao đi nữa ta vẫn chấp nhận và cố rời xa thành phố nhanh chừng nào hay chừng đó để hướng vào rừng xanh. (Trong trường hợp này đó có thể là một tu viện Tây tạng hay một tịnh thất Ấn-độ.) Chúng ta có thể noi theo y hệt tấm gương của hoàng tử Siddhartha và có lẽ sẽ có ít nhiều kinh nghiệm y hệt chàng. Điều trước tiên hiện rõ trong tâm trí chúng ta là khía cạnh khắc khổ, hay đúng hơn là sự vắng bóng các thứ xa hoa trong một đời sống như thế. Giờ đây, chúng ta có học được điều gì không từ những ngày tháng mở đầu này? Có lẽ chúng ta sẽ học được điều gì đó của lối sống này. Nhưng có lẽ vì chúng ta chưa bao giờ nhìn thấy một xứ sở như thế nên chúng ta thường có khuynh hướng bị kích động nhiều hơn. Ta có thói quen diễn dịch mọi thứ, và cuộc đối thoại nội tâm vẫn tiếp tục khi ta cố gắng phá vỡ các chướng ngại của truyền thông và ngôn ngữ. Ta vẫn đang sống rất nhiều trong thế giới của riêng mình. Giống hệt như với đức Phật, sự kích động và sự mới lạ khi hiện hữu trong một xứ sở xa lạ sẽ còn lưu lại với chúng ta trong nhiều tháng. Ta sẽ viết thư về nhà, làm như ta đang bị cái đất nước này hớp hồn, đang say mê bởi niềm phấn khích và kỳ lạ của nó. Vì thế nếu ta trở về sau chỉ một ít ngày hay ít tuần thì ta sẽ không học hỏi được nhiều; cùng lắm là ta chỉ thấy được một đất nước khác, một nếp sống khác mà thôi. Và điều tương tợ có lẽ đã xảy ra với đức Phật nếu Ngài rời bỏ khu rừng già Nairanjana và trở về vương quốc của mình ở Rajgir.
Trong trường hợp đức Phật, Ngài đã tập thiền một thời gian dài với các vị thầy Ấn giáo, và Ngài đã khám phá ra rằng việc tu khổ hạnh và chỉ bám theo một hệ thống tín ngưỡng mà thôi chẳng giúp được gì. Ngài vẫn không có câu trả lời. À, có lẽ Ngài đã có một số câu trả lời. Theo một nghĩa nào đó những câu hỏi này đã được giải đáp trong đầu óc Ngài; nhưng không nhiều thì ít Ngài đang nhìn thấy những gì Ngài muốn thấy, hơn là nhìn thấy mọi thứ như chúng là. Vì thế, để đi theo con đường tâm linh trước hết ta phải vượt qua sự kích động ban đầu này; đó là một trong những yếu tính tiên khởi. Bởi vì nếu ta không thể vượt qua sự kích động này, ta sẽ không thể học, vì bất cứ hình thức kích động thuộc cảm tính nào cũng có tác động làm mê mờ. Ta không thể nhìn thấy đời sống như nó là vì ta quá coi trọng việc tạo dựng một cái nhìn của riêng ta về nó. Vì thế ta không nên cam chịu hay ghép mình vào bất cứ cấu trúc tôn giáo hay chính trị nào nếu trước tiên ta không tìm thấy thể tính đích thực của cái ta đang kiếm tìm. Tự dán nhãn hiệu lên mình, bắt chước một lối sống khắc khổ hay thay đổi trang phục của mình – những việc làm này chẳng hề mang lại bất kỳ sự chuyển hóa nào cả. Sau nhiều năm đức Phật đã quyết định rời bỏ. Về mặt nào đó Ngài đã học được rất nhiều, nhưng đã đến lúc Ngài nói lời từ giã với các thầy mình, các nhà thấu thị người Ấn, và ra đi một mình. Ngài đến một nơi thật xa, cho dù vẫn nằm trên bờ sông Nairanjana, và ngồi xuống dưới một cây đa, cũng còn gọi là cây Bodhi (Bồ-đề). Trong nhiều năm dài Ngài đã ở lại đó, ngồi trên một tảng đá lớn, ăn và uống rất ít. Đó không phải vì Ngài thấy cần phải tu theo lối khổ hạnh nghiêm mật, mà vì Ngài thấy cần ở một mình và tự khám phá mọi thứ cho chính mình, hơn là học theo tấm gương của người nào khác. Có lẽ Ngài đã đạt đến những kết luận như thế bằng những phương pháp khác nhau, nhưng điều đó không quan trọng. Cái quan trọng là bất cứ điều gì ta đang cố gắng học hỏi thì trước tiên ta cần có kinh nghiệm về nó, hơn là học từ sách vở hay thầy dạy hay chỉ bằng việc noi theo một khuôn mẫu lập sẵn. Đó là cái Ngài đã tìm thấy, và trong ý nghĩa đó đức Phật là một nhà cách mạng vĩ đại trong lối suy tư của mình. Thậm chí Ngài còn phủ nhận sự hiện hữu của Brahma, hay Thượng đế, đấng Tạo hóa. Ngài cương quyết không chấp nhận bất cứ điều gì nếu tự thân Ngài trước tiên không khám phá ra. Điều này không hàm ý rằng Ngài bác bỏ truyền thống vĩ đại và xưa cổ của Ấn. Ngài rất kính trọng truyền thống đó. Thái độ của Ngài không phải là thái độ của người bác bỏ giá trị các định chế luật pháp và chính phủ theo bất cứ ý nghĩa tiêu cực nào, cũng không phải là cách mạng theo lối Cộng sản. Thái độ của Ngài là sự cách mạng tích cực và đích thực. Ngài khai triển khía cạnh sáng tạo của sự cách mạng, tức không cố gắng tìm kiếm sự giúp đỡ từ bất cứ ai khác mà là tự tìm thấy cho chính mình. Phật giáo có lẽ là tôn giáo duy nhất không dựa vào sự mặc khải của Thượng đế hoặc vào niềm tin và sự hiến dâng cho Thượng đế hay bất kỳ thần linh nào khác. Điều này không có nghĩa đức Phật là người vô thần hay dị giáo. Ngài chưa hề tranh biện các học thuyết triết học hay thần học. Ngài đi thẳng vào trung tâm vấn đề, có nghĩa là làm thế nào để nhìn thấy sự thật. Ngài không bao giờ phí phạm thời gian cho những suy luận viễn vông.
Bằng cách khai triển một thái độ cách mạng như thế ta học được rất nhiều điều. Chẳng hạn một ngày nào đó ta bỏ lỡ mất bữa cơm trưa. Có thể ta không đói, có thể ta đã ăn rất nhiều vào buổi sáng, nhưng ý nghĩ bỏ lỡ bữa cơm trưa vẫn tác động đến ta. Những khuôn thước nào đó đã hình thành trong khuôn khổ của xã hội và ta có khuynh hướng chấp nhận chúng mà không hề thắc mắc. Chúng ta có thật sự bị đói, hay chúng ta chỉ muốn lấp đầy khoảng thời gian giữa buổi trưa? Đó là một ví dụ rất đơn giản và thẳng thắn. Tuy nhiên có nhiều điều như thế xảy ra khi ta đụng đến vấn đề tự ngã.
Đức Phật tìm ra rằng không có cái gọi là “tôi”, tự ngã. Có lẽ ta nên nói rằng không có cái gọi là “là”, “tôi là”. Ngài tìm ra rằng tất cả những quan niệm, ý tưởng, hy vọng, sợ hãi, cảm xúc, kết luận này đều được tạo ra từ những tư tưởng có tính cách suy diễn cũng như sự thừa kế về mặt tâm lý của ta từ cha mẹ, sự nuôi dưỡng, vân vân. Chúng ta chỉ việc gom chúng lại, và dĩ nhiên điều này một phần là do thiếu khéo léo trong hệ thống giáo dục của chúng ta. Chúng ta được dạy bảo phải suy nghĩ cái gì, hơn là tự mình thật sự tìm tòi từ trong chính bản thân chúng ta. Vì thế, trong ý nghĩa đó tu khổ hạnh, tức những kinh nghiệm về nỗi đau của thân xác, hoàn toàn không phải là phần thiết yếu của Phật pháp. Điều quan trọng là vượt qua cái khuôn mẫu, các ý niệm tinh thần chúng ta đã hình thành. Điều đó không có nghĩa ta phải tạo ra một khuôn mẫu mới hay cố trở nên khác đi và luôn luôn đi mà không có bữa cơm trưa hay những gì ta có. Ta không phải lật ngược mọi thứ trong cách cư xử của ta và trong cách ta trình diện mình trước người khác. Làm thế cũng chẳng giải quyết được vấn đề nào cả. Cách giải quyết duy nhất là quán sát vấn đề thật thông suốt. Từ cái nhìn như thế ta có một ham muốn nào đó – hoặc không được mạnh mẽ như sự ham muốn – nhiều hơn là cảm giác muốn tuân phục điều gì đó. Và ta cũng không suy nghĩ được gì về điều đó, ta chỉ được dẫn dắt tới điều đó. Vì thế ta cần làm quen với ý tưởng tỉnh giác. Lúc đó ta có thể luôn luôn khảo sát chính bản thân ta, và vượt lên trên các ý kiến cũng như cái gọi là các kết luận thường thức. Ta cần phải học cách trở thành một nhà khoa học khéo léo và không chấp nhận điều gì cả. Mọi thứ phải được nhìn thấy qua kính hiển vi của chính ta và ta phải đạt đến những kết luận của riêng mình theo cách riêng của mình. Khi chưa làm được như thế, sẽ không có một đấng cứu rỗi, một đạo sư, một ân phước, hay một dẫn dắt nào có thể giúp được ta.
* Ảnh: Thầy Đạo Sinh (trái) và Hòa Tượng Thích Phước An trên Đồi Trại Thủy, 2020 – Quang Vũ chụp