
Học Pháp và Hành Pháp là 2 lãnh vực khác nhau. Điều này thì ai ai cũng dễ dàng nhận ra. Nhưng học Pháp và hành Pháp là 2 cảnh giới tâm khác nhau thì chỉ những ai thực hành Pháp mới biết được.
Học Pháp là sử dụng tư duy và ngôn ngữ văn tự để tìm hiểu Pháp là gì. Vì sử dụng tư duy và ngôn ngữ văn tự nên tâm người học luôn luôn đầy ắp các khái niệm: phật, a-la-hán, bồ-tát, xuất gia, tại gia, nguyên thuỷ, phát triển, tiểu thừa, đại thừa, kim cang thừa, hiển giáo, mật giáo, nam tông, bắc tông, triết học PG, văn học PG, tăng-già, giáo hội, đạo, đời, chánh pháp, tà pháp, ăn mặn, ăn chay, v.v. Kèm theo các khái niệm này là các trạng thái tâm, tiêu cực có tích cực có: vui-buồn, khinh-trọng, khen-chê, thương-ghét, tán dương-phỉ báng, v.v
Khi được phát tiết ra ngoài thì các khái niệm và trạng thái tâm như thế trở thành các sản phẩm văn học nghệ thuật—sách, báo, băng, đĩa; các sinh hoạt PG—hoằng pháp, lễ hội, giáo dục, từ thiện; v.v. Tất cả những điều này được các nhà viết sử ghi lại dưới những tiêu đề “Giai Đoạn Phát Triển Rực Rỡ Của PG”, “Thời Kỳ Hoàng Kim Của PG”, v.v.
Với những ai đang thực hành Pháp thì tất cả những điều nói trên hầu như chưa hề xuất hiện trên cõi đời này. Hai hình thức tu tập phổ biến nhất hiện nay là Quán & Niệm. Với người đang thực hành bốn Niệm Xứ chẳng hạn, thì trong những thời khắc nhất định nào đó của một ngày một đêm, tâm của người đó chỉ có một cảnh duy nhất: hoặc “thân”, hoặc “thọ”, hoặc “tâm”, hoặc “pháp”. Với những người lấy niệm xứ là danh hiệu Phật, Bồ-tát, chân ngôn, đà-la-ni, mạn-đà-la thì cũng thế. Vào những thời khắc nhất định trong một ngày-đêm, tâm của người đó là một hình tượng nào đó của Phật, của Bồ-tát, là thanh âm của “Nam-mô A-di-đà Phật”, “Om Mani Padme Hum”, “Om gate gate paragate parasamgate bodhi svaha”, v.v.
Những hoạt động như thế thường diễn ra âm thầm, lặng lẽ trong đơn độc. Chỉ một mình người học đối diện với chính mình. Nếu có quan hệ thì quan hệ duy nhất là thầy & trò. Vì thế mà ít khi được quay phim, ghi hình, viết về, nói về. Và cũng ít khi được đề cập trong sách sử.
Trong vòng quay bất tận của sống-chết, Pháp đã tồn tại như thế, khi ẩn khi hiện, giữa thế giới loài người. Có người đã nương vào Pháp mà thoát ra. Có người cũng nương vào Pháp mà vẫn không thoát ra.