
Chúng ta thường tiếp nhận thông tin qua “đọc” & “nghe”. Những thông tin này vốn đến từ ngoại giới. Nhưng sau khi được tâm của mỗi người chúng ta thu nạp, xử lý và lưu trữ dưới dạng các hình ảnh và khái niệm thì chúng trở thành những “sản phẩm” của riêng mỗi người chúng ta, chứ không còn y nguyên như những gì trước khi chúng ta đọc hay nghe được.
Đến khi được viết ra hoặc nói ra thì một lần nữa các hình ảnh và khái niệm này lại bị biến đổi vì khả năng và chất lượng sử dụng ngôn ngữ văn tự của mỗi người khác nhau.
Vì thế khi lập lại một câu kinh nào đó đã đọc hay nghe được thì chúng ta phải luôn nhớ rằng đó không còn là “thánh ngữ” hay “thánh điển” nữa. Tỷ dụ khi viết hay nói lại câu kinh “Bồ-tát Quán Tự Tại, lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, quán chiếu năm uẩn đều không, nên vượt qua tất cả khổ ách”, thì lẽ ra chúng ta phải viết hay nói là:
“Bồ-tát Quán Tự Tại [theo như tôi thường quán tưởng], lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật đa sâu xa [theo như tôi hiểu], quán chiếu năm uẩn [theo như tôi đã học] đều Không [trong cái hiểu của tôi], nên vượt qua tất cả khổ ách [trong sự tưởng tượng của tôi].”
Tuy nhiên theo thói quen sử dụng ngôn ngữ hàng ngày của chúng ta, chúng ta không thể làm như thế. Vì thế chúng ta chỉ cần đừng quên đó là sản phẩm của thân-tâm chúng ta tạo ra thì có thể tránh được những nhầm lẫn và phiền não không đáng có.