
Nếu chẳng phải là bậc thượng nhân thì có lẽ ai trong mỗi chúng ta có mặt trong đời đều cần lục căn để tiếp xúc với cuộc sống phải không nhỉ?! Và quan trọng hơn là một đôi tai để nghe thấy những âm thanh mà trong thế gian vốn dĩ là một tập hợp đa dạng nhiều cung bậc cảm xúc. Nào là tiếng chim hót, tiếng gió reo, tiếng suối chảy lặng lẽ bên vách núi, âm thanh của con người và của nhiều loại động vật khác nữa. Tiếng của niềm vui, nỗi buồn; tiếng thở dài của sự trống trải, cô đơn; tiếng khóc buồn thương của những người thất tình đang chờ trong vô vọng người mình thương trở lại; tiếng mẹ thương con, tiếng cha nhắc nhở, tiếng Thầy ân cần dạy bảo chở che…. Tất cả làm nên màu sắc và ý vị cho cuộc sống, tạo thành một bức tranh âm thanh sống động của nhân gian. Ấy vậy mà tất cả đều có thể được thể hiện qua tiếng nhạc, mà người thầy dạy nhạc của tôi đã từng chia sẻ “Âm nhạc là cuộc sống”. Mỗi giai điệu vang lên là một nỗi niềm, một sự sẻ chia mà tác giả muốn gửi gắm; mỗi nốt nhạc là những giai tầng cảm xúc, những câu chuyện ý nghĩa hay buồn đau của máu và nước mắt được ẩn chứa đằng sau đó…v.v. Một nốt nhạc thay đổi là cảm xúc cũng từ đấy mà đổi thay, mang lại cho người nghe cảm giác trọn vẹn hay hụt hẫng, thân quen hay lạ lẫm…v.v. Tất cả có lúc chẳng thể nào nói được thành lời chỉ có thể mượn thanh âm của nhạc cụ để giãi bày. Vậy đấy, với tôi đó là âm nhạc và nó có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống ở cõi này. Thế nên nếu được tận dụng đúng cách và có phương pháp, phải chăng âm nhạc chẳng những có thể giúp con người truyền tải tâm tư mà cũng là phương thuốc chữa lành tâm bệnh của họ. Có thể chăng?!
Nhưng âm thanh chẳng phải chỉ là những gì được nghe thấy mà nó có thể là thanh âm mà duy những lúc lắng hết tâm tư ta mới cảm nhận được. Những lúc cầm đàn guitar trong tay, tôi thường đánh một dây đàn nào đó hay rãi các dây cùng một lần rồi ngồi nghe tiếng đàn tan vào không gian và trôi dần vào trong thinh lặng. Những lúc như thế tôi thấy tâm tư mình lắng trong và nhẹ nhàng. Mọi thứ trên đời cũng vậy, đều đổi thay, như tiếng đàn chẳng thể nào giữ nguyên giai điệu như vào khoảnh khắc đầu tiên nó vang lên. Và sự yên lặng là giai điệu kết thúc của nó, vả chẳng cũng như sự tịch mịch, lặng lẽ là dấu chấm hết cho những não phiền đã được nhen nhóm.
Nếu một lần ngồi ngẫm nghĩ sâu sắc, lắng tai nghe một bản nhạc theo một cách nào đấy, liệu có lúc nào ta nghe được những khoảng lặng giữa các nốt nhạc mà ta cứ ngỡ như là những âm thanh liên tục không bị gián đoạn. Ở đó, nhạc sĩ để cho tâm tư của mình thâm nhập vào bài hát cũng như một người tập tu thiền định đặt tâm ý của mình ở khoảng lặng giữa hơi thở vào ra. Nơi đó, có thể chăng, bạn sẽ tìm thấy chính mình, tâm tư đủ lắng trong để xét soi lại trái tim liệu ta có đang thực sự sống, liệu trái tim còn đủ yêu thương và bao dung, liệu ta có đủ niềm tin dù ngày mai có ra sao? Hãy để những khoảng lặng – nơi vắng bặt tất cả mọi âm thanh, mọi toan tính, mọi hệ hụy trong cuộc đời – ôm ấp bạn để một lần nữa con tim được sưởi ấm, cho những vết thương được chữa lành, cho những lỗi lầm của người được tha thứ, và cũng để ta thấy ta cũng đã sai và tha thứ cho chính mình mà bước tiếp.
Và bạn biết không? Giai điệu vang lên có lẽ hay nhất là lúc nhạc công và tiếng đàn hòa làm một – người chơi nhạc chẳng còn ý niệm về tự ngã của bản thân, chẳng bận tâm người ta khen hay chê mình, tất cả chỉ còn là tiếng nhạc mà thôi. Cũng vậy, một bản nhạc được tạo ra, có lúc ta tưởng chừng như đơn giản lắm nhưng xét kỹ thì nó lại là một tập hợp rất nhiều yếu tố tạo thành. Nào là sự phối hợp các nhạc cụ, điện đèn, ca sỹ, người quay, người thu, người chỉnh sửa, …để rồi ta thấy sâu sắc hơn rằng tất cả các hiện tượng, sự việc hay nói chung là mọi hiện hữu trên thế gian đều nhờ nhân duyên mà thành tựu. Chẳng có cái gì tự sinh mà không lệ thuộc vào những yếu tố khác, kể cả sự tồn tại của bản thân hay thậm chí cái mà những người trẻ tuổi, đặc biệt là họ, gọi là tình yêu.
Vậy đấy, nghĩ đến âm thanh là nghĩ đến cuộc đời, là nghĩ đến bản thân, là nghĩ đến con người và sự hiện hữu của vạn loại trong nhân gian.
(Viết cho năm cũ sắp qua – một năm rong ruổi đến lạ lùng, một năm mà bản thân chẳng thể tìm lại được “dấu lặng” của chính mình:) Cầu chúc mọi người nhiều an vui cho hôm nay và cả ngày mai.)
Nhã Luân
Huế, một ngày cuối đông, 2019