
ĐỊNH HƯỚNG TU HỌC: Từ những gì được trình bày ở trên, người học có thể hình dung một tiến trình đại cương về con đường sẽ đi:
năm uẩn NHIỄM Ô → chướng ngại PHIỀN NÃO & SỞ TRI → năm uẩn THANH TỊNH
Thánh điển có nhiều ẩn dụ minh họa cho tiến trình này, như một đóa sen bắt đầu vươn lên từ trong bùn lầy; như chiếc bè xuất phát từ bờ bên này khổ lụy để sang bờ giải thoát bên kia; như chuyến xe khởi hành từ trong lòng sinh tử luân hồi để đi đến thành phố tịch tĩnh Niết-bàn, v.v.
(1) Năm Uẩn Nhiễm Ô: Với hiện trạng của người học thì điểm khởi đầu là “năm uẩn nhiễm ô”, một khởi đầu bi đát và đầy thử thách. Phật pháp giải thích đó là quả báo (retribution effect) không thể tránh của nhân-duyên đời trước. Khi chưa đạt được giác ngộ thì tự thân người học là một tập hợp của tất cả phiền não, nhiễm ô; trong đó cái “ta” (tự ngã, ego) vẫn đang được xem như yếu tổ chủ tể trong toàn bộ vận hành của năm uẩn.
Vì thế, thái độ duy nhất người học có thể có ở giai đoạn này là thừa nhận (acknowledging) và chịu đựng (enduring). Người học không được trốn chạy hay tìm cách lừa dối mình bằng bất cứ luận điệu nào của pháp thế gian hay xuất thế gian, mà phải can đảm đối mặt để thấy rõ sự thật. Có thấy được sự thật thì mới nhận ra là bấy lâu mình đã đi sai đường–sai đường không chỉ trong những ngày tháng vừa qua của đời này mà có thể từ rất nhiều đời nhiều kiếp trước.
“Buddhaṃ śaraṇaṃ gacchāmi” (Tôi đi đến Phật, nơi nương tựa; I take refuge in Buddha) là một trong ba phát biểu của người Ấn khi quyết định quy y Tam Bảo. Trong Hán tạng, khi chuyển ngữ phát biểu này, ngài Huyền Trang đã thay động từ được chia “gacchāmi” bằng “prati-gacchāmi” để mang nghĩa “自歸依佛” (Tôi quay về nương tựa Phật; I turn back and take refuge in Buddha). Qua đây, người học có thể thấy được tấm lòng của ngài đối với con người và Chánh pháp. Nếu mục đích cuối cùng của Phật Pháp chỉ là giác ngộ, giải thoát chứ không phải gì khác thì Phật tử Trung Hoa, ít nhất là vào thời điểm đó, đều phải bắt đầu lại con đường tu tập của mình.
Đức Phật không bao giờ lừa dối chúng sinh khi ngài chỉ ra sự thật “hiện hữu là khổ đau”. Tất cả những gì người học tạo tác lâu nay, dù thành hay bại, dù vinh quang hay ô nhục, dù hạnh phúc hay khổ đau, dù phước hay họa, v.v.; tất cả đều là sản phẩm từ năm uẩn nhiễm ô của Tự ngã. Khi chưa đến được bờ bên kia, thì mọi con thuyền, dù to hay nhỏ, dù tồi tàn khiêm hạ hay lộng lẫy xa hoa, tất cả cũng đều đang lênh đênh giữa giòng. Nếu không bám chặt vào Phật pháp làm chỗ nương tựa duy nhất của đời mình, mà do cuồng ngạo, hãnh tiến, hay cố chấp, chỉ dựa vào những hình thái phù hoa lập dị của pháp thế gian để phô trương Tự ngã, thì nguy cơ đi lệch suốt đời suốt kiếp là không tránh được.
Vì thế trước khi quyết định tu học, người học cần phải bỏ ra nhiều công sức và thời gian để chiêm nghiệm thật sâu xa thực trạng tồn tại của chính mình trong thế giới này. Ở giai đoạn này, chưa phải cần đến một hiểu biết thâm sâu về Phật pháp, mà chỉ dựa vào kinh nghiệm bản thân, người học vẫn có thể nhận chân được đâu là các giá trị thật của thế gian. Pháp được đức Phật công bố không nhằm để trấn an chúng sinh, cũng không hứa hẹn bất cứ một thành tựu tâm linh nào cho người học. Giác ngộ, giải thoát không phải là đối cực của khổ đau, mà siêu việt tất cả các cực đoan do tâm thức nhị nguyên của con người tạo tác. Nếu không nhìn thấy được những thành tựu thế gian đều như cỏ rác thì không thể nào đặt chân được trên con đường này. Nói cách khác, Phật Pháp xuất hiện không phải để thỏa mãn những nhu cầu vô minh của con người, kể cả nhu cầu trí thức (thế trí biện thông) mà là giúp con người thoát ra những nhu cầu vô minh đó.
(2) Phiền não & Sở tri: Với hai chướng ngại Phiền não và Sở tri, người học sẽ thực hành 2 bước: nhận ra (recognizing) & đối trị (overcoming). Cả hai bước này đều được thực hiện “một mình”; có nghĩa rằng người học phải tự thân kinh nghiệm chứ không được vay mượn cái nhìn của người khác, kể cả Phật pháp.
Khi Phật còn tại thế, các đạo sỹ Bà-la-môn gọi ngài là “kẻ hủy diệt sự sống” (bhunāhuno; life-destroyer). Trong thời cận và hiện đại, có người ở phương Tây cho rằng “Phật pháp là chất gây nghiện”; hoặc ở phương Đông: “Phật pháp là thuốc độc.” Xét trên bình diện “năm uẩn nhiễm ô”, những phát biểu như trên biểu trưng cho cái nhìn của người nói. Cái nhìn này được hình thành từ những hiểu biết của người nói về đức Phật và Phật pháp. Vì hiểu biết như thế nên dẫn đến nhận thức như thế; và vì nhận thức như thế nên dẫn đến phát ngôn như thế. Phật pháp gọi loại hiểu biết này là Sở tri chướng.
Ở Việt Nam vào thế kỷ trước, có người đã nói với các đệ tử đức Phật, “Các thầy chỉ có hai chọn lựa, hoặc theo chúng tôi, hoặc bị tiêu diệt.” Đây cũng là loại phát biểu xuất phát từ Sở tri; nhưng có kèm theo yếu tố của “si”—hoàn toàn mê muội về Phật pháp & Phật tử; và “tham”—muốn người khác thuộc về sở hữu của mình; và “sân”—muốn tiêu diệt người khác. Phật pháp gọi những trạng thái tâm như thế là Phiền não chướng.
Trong bước đầu nhận ra các chướng ngại này, yếu tố tiên quyết đòi hỏi người học phải có là “thành thật với chính mình”; có nghĩa rằng mình nhìn thấy thực tại như thế nào thì cứ hình thành một hiểu biết về nó như thế; không được lấy Pháp làm khuôn thước để “ép” mình phải nhìn theo. Một hành động như thế có nguy cơ khiến người học trở thành kẻ “đạo đức giả”, không chỉ lừa dối mình mà còn lừa dối người khác. Tỷ dụ như khi thấy rằng một chủ thuyết nào đó rất tích cực, rất hiệu quả, đáng để theo đuổi, thì cứ việc theo đuổi hết mình; nhưng khi phát hiện không phải như thế thì phải vứt bỏ ngay lập tức, không được dùng luận lý để biện minh hay tự mê hoặc mình. Đối với các cảm xúc cũng thế: khi nhận ra một thói quen, trước đó tưởng rằng có thể đem lại cảm giác an lạc cho bản thân, nhưng khi phát hiện không phải như thế thì phải vứt bỏ ngay lập tức.
Những “phản ứng” như thế, tất nhiên không dễ gì thực hiện trong một sớm một chiều; nhưng người học “bắt buộc” phải luyện tập. Thời đức Phật, các đệ tử trực tiếp của ngài có người phải mất 8, 9 năm; có người mất 10, 12 năm; có người phải đến cuối đời mới đạt được. Vào thời không có Phật, kinh điển cho biết phải mất Vô-số-kiếp. Đây cũng là một trong 3 phẩm tính không thể thiếu của người học là “bi-trí-dũng”. Không có dũng khí, người học đừng mong bước chân vào con đường này.
Nhận định của một triết gia phương Tây về Phật pháp và người học:
“Buddhism was the only religious and philosophical message of India to spread far beyond the borders of its homeland. Conquering Asia to the north and east, it became in those vast areas the creed of the masses and shaped the civilization for centuries. This tends to conceal the fact that in essence Buddhism is meant only for the happy few. The philosophical doctrine at the root of the numerous fascinating popular features is not the kind of teaching that one would have expected to see made readily accessible to all. In fact, of the numerous answers that have been offered, during the millenniums, in all quarters of the world, as solutions to life’s enigmas, this one must be ranked as the most uncompromising, obscure, and paradoxical.”
[Phật giáo là thông điệp mang tính tôn giáo và triết học duy nhất của Ấn-độ được truyền bá ra ngoài biên giới của xứ sở này. Sau khi chinh phục Bắc và Đông Á, Phật giáo đã trở thành tín điều của đông đảo quần chúng, đồng thời hình thành nền văn minh của các khu vực rộng lớn mênh mông trong hàng thế kỷ. Điều này thường che khuất một sự thật là từ trong cốt tủy Phật giáo chỉ để dành cho một số ít người may mắn. Cái triết thuyết vốn làm nền tảng cho vô số khía cạnh hấp dẫn thường thấy kia không phải là loại giáo thuyết mà ta có thể mong cho mọi người tiếp cận dễ dàng. Thật vậy, trong vô số câu trả lời được đề ra qua hàng ngàn năm trên mọi ngõ ngách của thế giới nhằm giải quyết các nan đề của đời sống thì Phật giáo phải được xem là giải pháp nghịch lý nhất, rắc rối nhất, và khó dung hòa nhất.] (Heinrich Zimmer, Philosophies of India, Bollingen Foundation Inc., 1964, p. 464.)