
Tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo ở Công trường Mê Linh (Ảnh: Trung Hiếu)
Sáng sớm thức dậy, lòng vui. Hôm nay 20 tháng Tám al, là ngày vía Đức Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (1228-1300). Uy linh và kiêu dũng của ngài tràn trụa trên Đại Việt thế kỷ 13, mà còn phủ trùm trên sông núi đến ngày hôm nay, khác hẳn với những anh hùng giả, những tướng tá giả. Chẳng những hai lần đánh tan quân xâm lược Mông Cổ, 1285 và 1288, ngài còn là kẻ dẹp tị hiềm riêng để chỉ mưu ích chung, là kẻ luôn lấy lòng nhân ái ra mà xử sự.
Nhớ năm 1991, lần đầu tiên được về miền Bắc, ngoài việc kính viếng một số vị Tử Đạo, lòng còn run rẩy được kính viếng ngài, ở Đền Ngọc Sơn trong Hồ Hoàn Kiếm. Vài năm sau, được đến chùa Phổ Minh rồi Đền Thờ Đức Thánh Trần ở Nam Định, hồi đó còn hoang sơ, chưa có những trò như phát ấn ngày nay. Mỗi lần đi qua Đền của ngài ở Đakao Sài Gòn, tự nhiên xúc động và cung kính. Những lần đứng dưới chân ngài khấn nguyện, chắc hẳn ngài cũng thương để độ trì cầu bầu cho đứa con đứa cháu Kitô Giáo của ngài, cho quê hương, cho thảm cảnh VN tan tành hiện tại.
Ngày vía Đức Thánh, còn nhớ đến người anh hay người em ruột của ngài, Hưng Ninh Vương Trần Quốc Tung, tức Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230-1291). Tuệ Trung là đạo huynh của Trần Thánh Tông, là sư phụ dẫn dắt Trần Nhân Tông, vị vua sau khi đánh giặc, sẽ bỏ ngai đi tu lập nên dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Tuệ Trung cũng có vợ con, cũng là tướng cầm quân đánh giặc. Nhưng trên hết, ngài là một thiền sư cư sĩ, phong thái tiêu dao bát ngát, ngôn ngữ phiêu phiêu xuất trần kỳ diệu, cốt cách thênh thang chẳng vướng bận hẹp hòi!
Kỳ lạ thay nước non Đại Việt trong giai đoạn đó. Hùng khí, hào khí Đại Việt hừng hực ngút trời. Chất Phật, chất Thiền, đã hun đúc nên hào khí mãnh liệt nhưng đầy nhân ái từ hoà đó chăng?