
Trong lục cúng (hương, hoa, đăng, trà, quả, thực) cũng đều có sự và lý. Sự lý viên dung thì kết quả mới hoàn mỹ. Vì thế, dâng hoa cúng Phật cũng có sự và lý.
Về sự: Thông thường khi dâng hoa cúng Phật, người Phật tử hay dâng các loại hoa tươi tốt, không sâu héo,…như hoa sen, hoa cúc,,… đây là tấm lòng thể hiện của người con Phật dâng lên đấng Từ Phụ với lòng thành kính cho dù Ngài còn tại thế hoặc khi đã nhập Niết bàn.
Về lý: Tượng trưng cho vạn hạnh phô bày và làm trang nghiêm Phật quả. Lấy sáu đồ cúng (lục cúng) để phối hợp với lục ba – la – mật thì hoa tương ứng với nhẫn nhục ba – la – mật.
Mùi hương của hoa toả ngát làm lòng người thư thái, tĩnh lặng giúp cho con người nhận ra mình là loài hoa, mà hương của loại hoa này là hương giới (hương giới, hương định, hương tuệ, hương giải thoát, hương giải thoát tri kiến). Từ đó phát tâm Bồ đề làm nhân địa tu hành.
Phật giáo mượn hoa để tỏ bày ý nghĩa: “vạn sự chỉ là vô thường, duyên khởi rốt cuộc tính không” để cho chúng sinh giác ngộ.
Tất cả các loài hoa đều mọc lên từ đất, nhưng cành lá không hề làm lấm thân, đó chính là cách thí dụ về Phật pháp ở thế gian mà không hề bị thế gian nhuốm tục.
Lấy vẻ đẹp của hoa giống như vẻ đẹp của thiện tâm trải khắp nhân gian, lấy hương thơm của hoa là biểu tượng cho tình yêu trong đại chúng. Sự thanh tịnh của hoa làm sự thanh tịnh của chân tâm cúng dường, lấy sắc thái của hoa để biện cho tấm lòng tốt tạo thiện duyên cho đời.
Tâm hoan hỷ giống như hoa và nó cần đem tặng cho người khác. Một đài hoa đang hé nở không hề có ý muốn giữ mãi hương sắc của nó, mà hương sắc đó được tặng cho người đời. Giống như hoa, ai cũng có thể dâng tặng cho đời sự nỗ lực, hoan hỷ, bố thí…
Hoa cũng có sáu đức tính thể hiện lục độ:
Sự bố thí: Khi hoa nở hương hoa toả ngát với diện mạo hoàn mỹ khiến cho con người ta ngắm hoa sẽ thấy tâm mình vui trở lại, đó là sự ban tặng.
Sự nghiêm cẩn (trì giới): Các loài hoa rất đúng nhịp với thời tiết và phạm vi loài mình sinh sống, không hề tuỳ tiện leo bám lên cây khác. Hoa là loài đẹp nhưng không hề can thiệp vào cuộc sống của con người.
Sự nhẫn nhục: Hoa nở trên đường mòn, nơi hang sâu cùng cốc. Trải qua phong sương bãi tuyết, bất thuận nghịch cảnh ong bướm gây hại mà vẫn lặng lẽ khai nở.
Sự cầu tiến (tinh tiến): Một đoá hoa dài ngày hay ngắn ngày đều cố gắng toả hết vẻ đẹp và hương thơm, Cho dù bị ngắt ra khỏi quần thể thì hoa vẫn tiếp tục khai nở hết thiên lý của nó.
Sự thiền định: Hoa khai nở thường lặng lẽ.
Sự trí tuệ: Hoa có rất nhiều nhan sắc, lớn nhỏ. Hương vị thiên biến vạn hoá với độ kì diệu bất tận. thế giới loài hoa giống như thế giới con người hàm chứa trí tuệ vô hạn, với ý nghĩa sâu sắc.
Do vậy, khi đức Thế Tôn gá thân nơi cung vua, giáng thần ở thành Ca – tỳ – la – vệ, trí tuệ vốn bởi tự nhiên, đạo trời thì đạt đến vô thượng chính đẳng chính giác. Ngài phóng ánh sáng trí tuệ chiếu khắp pháp giới chúng sinh; tuôn mưa pháp, thấm nhuần khắp đại thiên thế giới. Tượng Phật được thờ khắp mười phương, bảo tháp xây cùng pháp giới. Hương thơm xông ngào ngạt tựa như mây mỏng rơi sương; hoa báu khoe sắc rực rỡ. Do đó, ai chí thành cúng dường, cùng hướng đến pháp hội lý sự viên dung, cúi dầu đỉnh lễ trong chốc lát thấm nhuần phúc lợi.
“Cúng dường bậc đáng cúng,
Chư Phật hoặc đệ tử.
Các bậc vượt hý luận,
Đọan diệt mọi sầu bi.
Cúng dường bậc như vậy,
Tịch tịnh không sợ hãi,
Các công đức như vậy,
Không ai ước lường được.
(Pháp cú câu 195, 196)
Trích: Sách ” Tìm hiểu giáo lý Phật pháp nhiệm màu”. Tác giả: Cư sĩ Minh Thiện