
(trích NGƯỜI VIỆT NAM TỒI TỆ, Nghiên cứu Văn hóa – Ðiều tra Xã hội của tác giả LÂM NHƯỢC TRẦN).
Người Á Đông nói chung, đặc biệt là người Việt Nam nói riêng, rất cảm tính. Cảm tính có thể được giải thích như là tánh coi trọng tình cảm một cách thái quá. Trong rất nhiều tình huống, người Việt có khuynh hướng thể hiện tình cảm hay bày tỏ thái độ của mình một cách rất ư là thái quá, từ việc nhỏ như ‘fan cuồng’ các nhân vật nổi tiếng trong nước hoặc thế giới cho đến chuyện quá nhiệt tình hay mù quáng vì một niềm tin mơ hồ nào đó. Người lý trí và thực tiễn thì hay động não, duy lý, suy tính mọi chuyện bằng cái đầu, còn người cảm tính thì suy nghĩ bằng cái bụng. Trong dân gian có câu ‘Tôi nghĩ trong bụng…’ là thế. Trong xã hội Việt Nam, tại các cơ quan công quyền, những vụ việc liên quan đến pháp luật, hoặc cách tiếp cận, xử lý công việc đến các quan hệ giữa lãnh đạo với nhân viên, giữa đồng nghiệp với nhau, giữa các thành viên trong gia đình, đến việc giáo dục con cái, đều rất cảm tính. Cảm tính sẽ dẫn đến sự lệch lạc, thiên vị, nhầm lẫn trong nhận thức, trong khả năng ứng xử và giải quyết vấn đề. Tình cảm thái quá trong các mối quan hệ cũng khiến cho nhiều người cảm thấy dễ muộn phiền và đau lòng khi có một sự trắc trở hay mất mát nào đó xảy ra. ‘Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ’ không phải là câu nói suông. Những sự việc cần được xử lý nghiêm minh, đúng luật, đúng nguyên tắc và triệt để thì thường bị lấn cấn bởi hai chữ lý và tình, có tội nhưng vì có công (sinh ra nạn công thần) vẫn được tha bổng hoặc được giảm án. Những xung đột, sai phạm trong quan hệ xã hội, trong khu dân cư, trong việc kinh doanh, buôn bán, trong việc giao thông trên đường phố…, nếu là người quen biết, họ hàng hay là lãnh đạo chính quyền thì thường được ưu tiên và dễ dàng được cho qua. (Xe bảng số xanh, số đỏ tha hồ lấn tuyến, vượt đèn đỏ, chạy bạt mạng, CSGT có nhìn thấy cũng làm ngơ). Đây không chỉ là do cảm tính mà nó đồng thời còn thể hiện cách hành xử thiếu nguyên tắc, thiếu văn minh của những người dân trong một xã hội chưa thượng tôn pháp luật, một xã hội nông nghiệp còn quá lạc hậu.
Hàng ngày, trên các tờ báo, tạp chí và những trang mạng đều có đăng những thông tin liên quan đến những vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Như trên phần 3 có đề cập tới, trong xã hội ngày nay, người Việt rất thiếu trung thực. Họ gian xảo, giả dối đến mức đã trở thành thói quen, thành nếp sống, nhiều khi còn cho đó là sự thức thời, khôn khéo. Nói dối quen miệng, đến một lúc nào đó, do tự kỷ ám thị, nhiều người rơi vào trạng thái tự đánh lừa bản thân mình, họ tự động tin rằng những gì họ nghĩ, họ nói, dù là những lời nói dối, là những điều sự thật. Ngoại trừ việc sống thiếu trung thực thì hiện tượng lừa đảo có đất sống, vẫn tồn tại và phát triển thành dịch còn do bởi sự cảm tính, tánh nhẹ dạ và cả tin của đa số người dân. Nhẹ dạ (và một phần do tham lam) đến ngờ nghệch qua những lời dụ dỗ ngớ ngẩn thô thiển cho đến những hành động lừa đảo tinh vi. Cả tin (một phần do sự cảm tính và do dân trí thấp) đến mù mờ đầu óc không còn phân biệt được thế nào là hay dở, đúng sai. Điều này thể hiện rất rõ ở cái thói hay mê tín dị đoan của người Việt (dân Trung Quốc còn nặng nề hơn). Một lời nói, một tin đồn thất thiệt mà khi thoáng nghe qua, người có đầu óc tỉnh táo một chút cũng sẽ lập tức cảm thấy ngớ ngẩn và điên rồ đến thế nào, vậy mà vẫn có người mê muội tin theo, và tin một cách mù quáng. Một ông thầy lang, một bà đồng bóng dùng ‘phép thuật’ chữa bệnh nan y, một cái giếng Trời, có nước chữa được bá bệnh, và nhiều, nhiều thật nhiều những hình thức mê tín khác đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội.
Niềm tin tôn giáo hay những nhu cầu về tâm linh của người dân là điều chính đáng cần được trân trọng và bảo vệ. Nhiều khi, những chính sách không đúng đắn, không phù hợp cộng với nền giáo dục bất cập và dân trí thấp kém đã khiến cho việc mê tín dị đoan có điều kiện bị lạm dụng và phát triển. Để góp phần tạo sự ổn định cho xã hội, Nhà nước muốn kiểm soát tôn giáo, nhưng can thiệp nhiều quá như việc chính trị hóa tôn giáo (Đạo pháp, Dân tộc, Chủ nghĩa xã hội), đưa người của chế độ vào làm lãnh đạo các Tổ chức, các Hội đoàn, mà những thành phần này đội lốt thầy tu nhưng không thành tâm hoặc không hiểu biết ngọn nguồn giáo lý tôn giáo, họ vô tình phá vỡ nền tảng và những nguyên lý sống của Giáo hội. Ở khắp cả nước, tỉnh thành nào cũng có một ngôi chùa, mọi người gọi nôm na là chùa quốc doanh, (ở Hà Nội là chùa Quán Sứ, tại Sài Gòn là chùa Vĩnh Nghiêm…) chịu trách nhiệm quản lý tất cả các ngôi chùa còn lại trên địa bàn, mà sư trụ trì nơi đó không ai khác hơn là những ông sư cán bộ Nhà nước. Hiện tượng ông sư chơi iPhone, chạy xe du lịch, ăn mặn, chửi tục, hút thuốc, uống rượu, chơi gái, v.v… còn phật tử thì đến cúng chùa bằng thịt, bằng gà, bằng tiền, v.v… xảy ra khắp nơi, đặc biệt là ở miền Bắc. Theo đúng quan điểm thì chế độ đang cầm quyền ở nước ta là chế độ vô thần, theo giai cấp vô sản, do đó đã có một thời, tôn giáo bị xem là thuốc phiện và những cái gọi là ‘tàn dư phong kiến’ không được khuyến khích, nói đúng hơn là bị lên án, đả kích hoặc hạn chế hoạt động. Chùa chiền, miếu mạo, một số di tích văn hóa, lịch sử, những lễ hội dân gian ít nhiều bị nghiêm cấm, một số bị đập phá (một phần do chủ trương ‘tiêu thổ kháng chiến’) hoặc được sử dụng làm những cái kho chứa hàng hóa. Sau thời gian đổi mới, một số vụ việc được đánh giá lại và đang dần hồi phục. Do mất nền tảng, từ đó, sự nghiêm cấm chuyển sang khuyến khích đưa đến trạng thái cực đoan, (từ thái cực này chuyển sang thái cực khác), rồi sản sinh ra những hiện tượng thái quá, quái thai, bất bình thường. Đời sống tâm linh có văn hóa bị nhập nhằng với những thứ mê loạn lòng người. Người người mê tín dị đoan, nhà nhà mê tín dị đoan, kể cả những quan chức cao cấp Nhà nước. Hàng năm, các ông quan nhà ta rất siêng đi lễ đền chùa (với các đoàn xe du lịch nối đuôi nhau) để cầu được phát tài, được thăng quan tiến chức là những hình ảnh không hiếm. Những hiện tượng phô trương hình thức, kinh doanh hóa, thương mại hóa tại các lễ hội truyền thống dân gian cho đến đời sống xa hoa của các thầy tu, các sư sãi tại các Nhà thờ, đền chùa cho đến việc tụng kinh cũng sử dụng micro, tiếng ồn truyền đi qua các loa phóng thanh đến điếc tai người dân tại làng trên xóm dưới đã bộc lộ hết cái sự xô bồ, hỗn loạn trong xã hội ta ngày nay.
Mê tín còn được thể hiện ở cái việc đem lễ vật, lấy tiền bạc để ‘hối lộ, mua chuộc’ thần linh. Như cái việc đốt hoặc rải tiền vàng mã (gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan đô thị), một tập quán có từ lâu đời, những năm gần đây lại rộ lên chuyện hình nhân thế mạng, những hình nộm các cô gái trẻ, những tòa biệt thự, những chiếc xe du lịch, rồi TV, tủ lạnh, những tờ đô la Mỹ, (tất cả là đồ giả), v.v… hàng năm được đem ra đốt bỏ, thản nhiên đốt đi hàng tỉ tỉ đồng (chuyện này rất phổ biến ở ngoài Bắc). Cách đây vài năm, có một ông chủ doanh nghiệp nào đó ở Hà Nội, trong dịp Tết Nguyên đán, đã bỏ ra hơn 100 triệu đồng cho việc cúng vàng mã, đốt hình nhân thế mạng. Đốt vàng mã là phong tục của người Tàu, được du nhập vào Việt Nam hàng nghìn năm trước. Đây chỉ đơn thuần là tập quán, không có ý nghĩa hay tác dụng tâm linh gì cả, nhưng vì thiếu hiểu biết, đa số người dân đã xem nó như một hoạt động không thể thiếu trong đời sống tâm linh của mình. Thật ra, từ hàng nghìn năm qua, bên Tàu, người ta có tập tục, khi chôn cất người chết, nhất là giới quan lại, vua chúa, người ta phải chôn theo mỹ nữ hay vàng bạc để người nằm dưới suối vàng có điều kiện tiếp tục cuộc sống sung túc. Từ đó nảy sinh ra nạn đào mồ trộm kho báu, tài sản, mồ mã bị xâm phạm, người chết không được yên ấm. Đến đời nhà Đường, vua nhà Đường nhìn thấy được sự bất cập của tập quán lạc hậu này nên khuyến khích người dân, thay vì đem vàng bạc châu báu hay người đẹp chôn theo người chết thì nên đốt vàng mã và hình nhân thế mạng như một hình thức thay thế tượng trưng. Dần dà, do sự thiếu hiểu biết, hành động mang tính tượng trưng này đã trở thành thói quen mang màu sắc mê tín. Hình thức đốt vàng mã còn được lạm dụng cho việc hối lộ thần linh.
Phóng sinh xuất phát từ lòng thành và được thực hiện một cách tự nhiên thì nó mang tính nhân đạo cần được trân trọng. Ngày nay, việc phóng sinh đã bị thương mại hóa và bị lạm dụng một cách rất vô ý thức và thiếu văn hóa. Người ta xem việc phóng sinh là phương thức trá hình để mua lấy sự bình an và hạnh phúc. Những con vật (chủ yếu là chim) bị nhốt trong lồng kín, bày bán tràn lan trước cổng chùa. Phật tử bỏ tiền ra mua để phóng sinh. Chim được thả ra tại chỗ, một số con, vì bị nhốt lâu ngày nên đuối sức, không thể bay xa được, ngay lập tức bị những kẻ bán chim phóng sinh bắt nhốt trở lại trong lồng. Điệp khúc nhốt thả cứ thế lặp đi lặp lại nhiều lần khiến cho nhiều con chim bị kiệt sức lập tức chết ngay tại chỗ. Kẻ bán vì hám lợi bất chấp đạo đức, người mua thì quá mê tín và ‘vô tư’, không nghĩ rằng việc làm của mình chẳng những không tạo ra thêm phước đức mà còn tiếp tay để bạo hành súc vật một cách vô nhân đạo.
Tư tưởng phụ thuộc quá nhiều vào việc xem ngày, xem tuổi, xem hướng, cúng bái cầu quẻ, đốt vía, đốt phong long, v.v… trước khi cưới xinh, trước lúc làm ăn hay trước khi đi thi hoặc mua nhà, dựng rạp đều thể hiện cái sự mê tín nặng nề và mê muội của đa số người dân. Mua nhà xong, ở một thời gian thì bị bệnh, mà bệnh là do sự ngẫu nhiên, hoặc do ăn uống, sinh hoạt hay bởi cơ địa của từng cá nhân khác nhau, vậy mà vẫn có người tin vào việc mua nhà không coi hướng. Cả thế giới văn minh, người ta không mê tín một cách điên rồ như thế thì chắc họ đã chết hết rồi!
Câu chuyện của một cô gái: “Chúng tôi chưa từng đi quá giới hạn. Hai đứa yêu đã lâu nhưng lúc nào tôi cũng đòi giữ gìn. Lần sau, sau khi xem bói về, anh nhất định đòi có quan hệ với tôi. Thầy bói bảo không thể có con. Ngày đó chúng tôi yêu nhau thật sự rất thắm thiết, tình yêu đang độ chín muồi. Hai đứa có quá nhiều kỷ niệm đẹp và khi yêu không hề do dự, toan tính gì cả. Chúng tôi luôn luôn dành cho nhau những tình cảm chân thành nhất, yêu nhau mà chưa bao giờ nghi ngờ bất cứ điều gì. Cả hai tu chí làm ăn, tính chuyện cưới xin sau này. Những ngày tháng đó với tôi thực sự là quãng thời gian hạnh phúc vô cùng. Chúng tôi hay đi chơi xa với nhau nên có rất nhiều kỷ niệm. Anh cũng rất tâm lý và lại là người thích du lịch, nên chúng tôi thường xuyên dành cho nhau những chuyến du ngoạn. Đợt đó đi chơi, tình cờ anh bảo tôi vào xem bói xem tình duyên hai đứa thế nào. Vốn là đứa không mê tín, cũng chưa bao giờ xem bói, thế nên, tôi chỉ xem với tâm lý cho vui chứ không hề nghĩ mình sẽ có ý muốn phán xét gì cả. Nhưng anh có vẻ là người mê tín, điều này có thể anh đã không cho tôi biết khi yêu nhau. Thầy bói nói gì anh cũng gật gù gớm lắm. Anh còn hỏi hết cái này đến cái kia, từ chuyện gia đình đến chuyện tình yêu. Anh tiếp tục hỏi chuyện chúng tôi. Thầy bói phán chúng tôi yêu nhau nhưng sau này chuyện con cái cực kỳ khó. Thầy còn nói, tôi khó có con nên phải cảnh giác. Nghe thấy nói thế, tôi cảm thấy lạ. Tôi chưa từng yêu ai, cũng không chơi bời, bệnh tật không có thì hà cớ gì lại khó có con. Tuy là không tin nhưng nhìn nét mặt của anh, tôi thấy hoang mang. Anh tái mặt mày, nhìn có vẻ căng thẳng. Anh gặng hỏi thầy, “Thế chúng con phải làm thế nào ạ, có giải được hạn không thầy?” Giọng nói sốt sắng của anh khiến tôi thấy lo lắng chút xíu. Ánh mắt anh nhìn tôi cũng lạ. Tôi bảo anh đừng có tin thì anh trừng mắt nhìn tôi. Hôm đó, không hiểu sao, chuyến đi chơi của chúng tôi cực kỳ căng thẳng. Anh có thái độ với tôi, anh bảo lo lắm. Nếu như thế thật thì không biết nên làm sao. Không chịu cho, anh đòi chia tay. Chúng tôi chưa từng đi quá giới hạn. Hai đứa yêu đã lâu nhưng lúc nào tôi cũng đòi giữ gìn. Lần đó, sau khi xem bói về, anh nhất định đòi có quan hệ với tôi. Anh bảo nhất định phải thử, nếu có con thì anh mới tin được. Còn không thì anh lo lắm. Nhưng khi tôi hỏi anh có cưới không nếu như tôi có bầu thì anh lại bảo, chuyện đó tính sau, cứ có bầu để xem lời thầy bói có đúng không đã. Anh còn bảo, nếu tôi có bầu thì chứng tỏ thầy bói nói sai và anh sẽ không tin nữa và cũng không có chuyện bói toán nữa. Nhưng anh lại bảo tôi là, có bầu thì cũng không biết cưới chưa. Nghe anh nói tôi bực lắm, tại sao lại có người đàn ông như anh vậy? Từ cái chuyện bói toán, anh thay đổi hoàn toàn thành con người khác. Không thể ngờ anh lại mê tín đến thế. Một người đàn ông tôi yêu thương, coi trọng mà giờ lại là người hèn kém trong mắt tôi. Hay là anh sợ tôi vô sinh, anh sẽ không có con. Sao anh lại nông nổi, tin lời bói toán rồi áp cho tôi tội ấy. Nhiều khi anh cứ đè tôi ra, bắt tôi phải cho anh nhưng thấy anh vội vàng, tôi nhất định không chịu. Khi đó anh còn nói tôi là cổ hủ, lạc hậu, thời đại nào rồi mà còn thế này, thế kia. Anh nói như kiểu tôi là người vô sinh thật không bằng. Nhìn thái độ của anh, tôi rất chán. Tôi không muốn cho anh, nhưng anh lại bảo tôi là nếu không cho anh thì anh sẽ bỏ tôi. Choáng quá, trước giờ anh yêu tôi là thế, chung tình là thế, chân thành nữa. Thế mà giờ vì cái chuyện không ra đâu thế này mà anh đùng một cái đòi chia tay chỉ vì lý do viển vông ấy. Thất vọng tràn trề, tôi bực mình đồng ý. Nếu anh muốn chia tay thì tôi cũng không níu kéo người đàn ông này nữa. Đúng là không hiểu nổi, tại sao lại tin lời thầy bói rồi từ bỏ tình yêu bao năm của mình. Anh là kiểu gì không biết, tôi đúng là đã quá tin lầm người…”
Câu chuyện khác. Đánh mất duyên phận đẹp vì tin cung mệnh lá số tử vi. Hậu quả của việc mê tín rất khó lường, thường là bị bạn bè xa lánh, tốn thời gian, tiền bạc, đầu óc không minh mẫn và quan trọng là lắm lúc đánh mất cả tình yêu. Quen nhau gần 3 năm, tình yêu của Thanh Thủy và Văn Hiếu đã phần nào được thử thách qua thời gian. Dù Thủy chưa tìm được việc làm, nhưng cả hai dự định sang năm sau sẽ kết hôn. Thế nhưng, trong một lần đi xem bói tử vi cùng bạn, ‘thầy’ tử vi này phán tuổi của Thủy và người yêu chỉ hợp mạng, nếu tính chuyện kết hôn thì đường hạnh phúc, con cái, công việc đều lận đận, khó khăn. Nghe đến đây, Thủy lạnh hết người, nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ nên làm thế nào. Một thời gian ngắn sau, Thủy đã quyết định chia tay người yêu hiện tại để tìm kiếm người phù hợp hơn.
Cũng chỉ vì mê bói toán, nên khi được bạn giới thiệu về một ‘thầy’ phán đâu trúng đó, Thanh Hương đã đi xem và quyết định chia tay người yêu ngay sau đó. Theo như lời Hương kể thì ‘thầy’ phán do cả hai đứa cùng tuổi con mèo, nếu lấy nhau rồi sinh con tuổi mèo luôn thì sẽ sinh ly tử biệt. Vì vậy, vừa từ nhà ‘thầy’ về, Hương liền thay đổi sim điện hoại, cương quyết chia tay người yêu mà không nói rõ lý do. Điều đáng nói là chia tay đã hơn hai năm, nhưng hiện giờ, Hương vẫn chưa tìm được người yêu mới, trong khi đó bạn bè cùng trang lứa đã có gia đình, con bồng, con bế. Có thể nói, hiện nay việc các bạn trẻ, nhất là nữ giới do chưa am hiểu cuộc sống, hay mơ mộng viển vông nên lập trường, tư tưởng không vững vàng, mê tín quá độ đang khá phổ biến.
Có nhiều người tôn sùng tới mức, hễ làm việc gì, dù nhỏ nhất như mua xe ngày nào, biển số bao nhiêu, màu gì, khởi hành đi chơi giờ nào… cũng nhờ ‘thầy’ giúp đỡ. Hậu quả của việc mê tín này, thường là bị bạn bè xa lánh, tốn thời gian, tiền bạc, đầu óc không minh mẫn và lắm lúc đánh mất cả tình yêu.” (24).
Một thời gian dài, do sự thiếu hiểu biết và những tác động hai mặt của thời kỳ đổi mới, nhiều chùa chiền, miếu đền được làm mới (theo cái nghĩa đen, không phải tôn tạo hay trùng tu đơn thuần), được sơn phết vàng nâu, xanh đỏ, v.v… trông thô kệch và diêm dúa. Do ngu dốt, những giá trị văn hóa trăm năm, phút chốc đã trở thành đống gạch vụn vô nghĩa đến phi lý.
Ngành y tế ở Việt Nam đang bị quá tải. Trong các bệnh viện tuyến trên, bệnh nhân thường phải nằm ghép giường, nhiều trường hợp phải nằm cả ngoài hành lang, thân nhân nuôi bệnh thì nằm la liệt khắp nơi, miễn là nơi nào còn chỗ trống, trông rất xô bồ, nhếch nhác. Do ăn uống, sinh hoạt đời sống và những thói quen không phù hợp, không lành mạnh đã khiến cho ngày càng nhiều người dân bị bệnh và mắc phải những chứng nan y rất nghiêm trọng như xơ gan, đột quỵ, tim mạch, ung thư, v.v… Sự chênh lệch về kiến thức, kinh nghiệm, thiết bị trong việc khám chữa bệnh giữa các cơ sở y tế vùng ven, vùng sâu, vùng xa với những bệnh viện trong các thành phố lớn đã khiến cho sự quá tải ở các cơ quan này càng thêm trầm trọng. Để phần nào giải quyết chuyện quá tải tại các bệnh viện, ngành y tế cần mở rộng thêm hệ thống đào tạo và khám chữa bệnh theo mô hình Bác sĩ gia đình. Từ việc đào tạo, tổ chức, đến thái độ khám chữa bệnh và lương tâm của các y sĩ còn nhiều bất cập và yếu kém đáng để bàn. Không nói đến vấn đề tiêu cực và thái độ làm việc, tiếp xúc với bệnh nhân thiếu thiện chí, thiếu lịch sự và thiếu sự chuẩn mực của các y sĩ thì việc huấn luyện, đào tạo các ‘lương y’ ở nước ta rõ ràng thiếu sót kiến thức về tâm lý bệnh nhân. Bác sĩ VN cũng ít khi giải thích cho bệnh nhân hiểu rõ tình trạng bệnh lý cũng như phát đồ điều trị cụ thể như thế nào để bệnh nhân có thể nắm rõ được tình hình bệnh tật của mình. Và điều này vô cùng cần thiết, tác động tích cực đến quá trình điều trị và sự phục hồi của bệnh nhân. Thuốc men không được quản lý một cách quy củ văn minh và đúng đắn nên được buôn bán tràn lan, loại gì cũng có thể mua được, kể cả những loại thuốc (chẳng hạn như kháng sinh…) đúng ra là phải có toa của bác sĩ. Bệnh nhân và người Việt nói chung luôn có tâm lý, khi bị bệnh và cần điều trị, đến gặp bác sĩ với tâm trạng bác sĩ phải giỏi, thuốc phải là thuốc tiên, nghĩa là, bệnh phải hết ngay lập tức, mặc dù có những chứng bệnh không cần phải uống thuốc hoặc uống thuốc vừa phải, để cho cơ thể tự điều chỉnh bởi cơ chế đề kháng, miễn dịch và cần thời gian để bình phục. Có nhiều trường hợp khi đến bác sĩ này không hết bệnh ngay thì lập tức đi tìm bác sĩ khác. Việc lạm dụng thuốc vì thế đã quá nghiêm trọng, từ việc tự tiện mua thuốc uống cho đến chuyện bác sĩ kê toa với số lượng thuốc quá, quá nhiều (tôi thật sự không hiểu việc đào tạo ngành Y ở VN như thế nào?), mà thuốc Tây thì toàn là hóa chất, sử dụng nhiều khiến cơ thể bị phụ thuộc hoặc bị lờn thuốc và về lâu về dài sẽ rất nguy hại cho sức khỏe. Thuốc Nam, thuốc Bắc được bày bán tràn lan, do kinh nghiệm dân gian lâu đời, có một số loại có thể có tác dụng để trị bệnh hoặc hỗ trợ việc trị bệnh, nhiều loại khác chưa được khoa học kiểm chứng hoặc công nhận vẫn được sử dụng bừa bãi. Do thiếu hiểu biết cùng với ý nghĩ ‘có bệnh thì vái tứ phương’ hay ‘còn nước còn tát’ (thuyền đã mục, càng tát thì thuyền càng chìm nhanh hơn) và với tánh nhẹ dạ, cả tin, nhiều người có thói quen, nghe ai bảo, ai mách điều gì cũng nhắm mắt làm theo, như việc uống cây này, ăn loài nọ cho đến việc tìm kiếm thầy bà để chữa trị, nhiều khi chỉ khiến cho tiền thì mất mà tật lại mang. Nhiều ông bà già, thọ đã gần trăm tuổi, khi bị bệnh nằm liệt giường, đầu óc không còn tỉnh táo, mọi sinh hoạt ăn uống, tiểu tiện đều phụ thuộc vào con cháu, vậy mà vẫn có nhiều người cố tìm mọi cách, chạy đôn chạy đáo nơi này nơi nọ tìm thầy, cho ăn uống các loại dược liệu, thực phẩm bồi bổ quý hiếm, v.v… với mục đích để ông bà hay cha mẹ của họ được tiếp tục duy trì sự sống, một sự sống gượng ép, vô nghĩa mà còn làm cho người bệnh hoặc thân nhân của họ phải vất vả, phải khổ sở. Đấy là tình thương yêu hay chỉ là cách thể hiện sĩ diện cá nhân để lấy tiếng, để được mọi người tâng bốc là người con có hiếu?! Lòng thành hay chỉ là thói đạo đức giả?!
Người Việt rất dễ bị tác động, dễ nghe theo tin đồn và hành động theo quán tính, theo tâm lý đám đông. Họ ít khi dám sống cho bản thân mình và rất sợ dư luận, hay nói đúng hơn là sống vì dư luận. Bởi thế, những phần tử có ý đồ xấu, vì ganh ghét, muốn hãm hại ai đó, họ có thể tung tin đồn thất thiệt, gây hoang mang trong dư luận, và người trong cuộc có thể thân tàn ma dại vì những chuyện đâu đâu như từ trên trời rơi xuống. Sự cảm tính thái quá cũng dễ đưa đến những cử chỉ, những thái độ ứng xử mang tánh hồ đồ. Khi chưa hiểu thấu đáo nguồn cơn sự việc, và vì không đủ bình tĩnh để điều tra, nhiều người có tánh hồ đồ thường vội vàng kết luận. Từ việc kết luận sự việc một cách lệch lạc, vội vàng, không chính xác sẽ đưa đến thái độ, hành động không đúng đắn, và kết cuộc không chỉ là những sự hiểu lầm, những cái giận hờn nho nhỏ không cần thiết xảy ra mà nhiều khi còn dẫn tới những hậu quả vô cùng nghiêm trọng và đáng tiếc.