
Ðặc San Hoa Ðàm, số 2, phát hành tháng 6, 2015
Khi thông tin được truyền đi từ người này sang người kia, đó là truyền thông. Phương tiện trao truyền thông tin có nhiều hình thức, như lời nói, nụ cười, khóe mắt, cử chỉ… cho tới chữ viết, hình ảnh, ký hiệu, truyền hình, truyền thanh, Internet, điện thoại di động, và vân vân.
Truyền thông, do vậy, cần tới kỹ năng. Riêng với người Phật tử, khi bước vào ngành truyền thông không chỉ luyện kỹ năng viết, sử dụng máy ảnh, quay phim, phối khí nhạc… mà cũng cần phải hiểu pháp, và biết cách trao truyền vừa đúng sự thực ngoaì đời, vừa xử thế khéo léo sao cho đúng chánh pháp.
Trong Kinh Pháp Cú, bản do Hòa Thượng Thích Thiện Siêu dịch, có tóm lược về vai trò truyền thông của Phật Tử: phải có kỹ năng đặt câu cho có nghĩa lý, và truyền được chánh pháp để người nghe biết cách giữ tâm cho tịch tĩnh.
Trích Phẩm Ngàn, như sau:
“100. Tụng kinh đến ngàn câu vô nghĩa chẳng bằng một câu có nghĩa lý, nghe xong tâm liền tịch tịnh.
- Tụng đến ngàn câu kệ vô nghĩa, chẳng bằng một câu kệ có nghĩa lý, nghe xong tâm liền tịch tịnh.
- Tụng đến trăm câu kệ vô nghĩa chẳng bằng một Pháp cú, nghe xong tâm liền tịch tịnh.”
Thực ra, kỹ năng ngôn ngữ không chỉ riêng người trong ngành truyền thông cần tới. Bất kỳ Phật tử nào cũng cần giỏi tiếng Việt, và nếu có thể, nên học thêm tiếng Anh. Như thế, chúng ta sẽ đọc tin hàng ngày được bằng tiếng Anh, và thêm một chân trời mới sẽ hiện ra, sẽ thấy rằng trí thức Hoa Kỳ và Châu Âu đang theo học Phật Giáo rất đông. Và hầu hết, họ có khuynh hướng khác Phật Tử Việt Nam – thí dụ, đa số trí thức Mỹ – Âu tới chùa để tìm hiểu và học Thiền, trong khi đa số Phật Tử lo chuyện tụng kinh cầu siêu, cầu an. Những hiện tượng xã hội đó cần được nghiên cứu cho kỹ, để có những phương pháp truyền thông phù hợp, để nói đúng những gì người nghe muốn tìm hiểu và trình bày theo những trình độ thích nghi.
Trong thế giới bây giờ, những gì chúng ta muốn học về kỹ năng hầu hết đều có thể tìm trên mạng. Bạn có thể tự học trên Internet rất nhiều kỹ năng: tiếng Anh ở VOA, BBC, YouTube; cách bố cục một bản tin viết hay nói; hay cách viết một bài nghiên cứu, một truyện ngắn, một vở kịch… và vân vân ở rất nhiều trang web Anh hay Việt. Học nhiều, rèn luyện nhiều, tất nhiên sẽ giỏi.
Nhưng nơi đây, chúng ta chỉ bàn về điểm nhìn Phật tử về truyền thông. Và điều này rất cần thiết, vì cõi này vô thường, nghe được Phật pháp càng sớm càng tốt, rồi sẽ giúp nhau qua được dòng sông sinh tử. Từng dòng chữ viết xuống, nếu đúng chánh pháp, sẽ tạo phước cho người viết, và cũng lợi ích cho người đọc.
Cách sử dụng ngôn ngữ viết hay nói, dù là ghi lại một cuộc phỏng vấn, hay kể lại một buổi thuyết pháp, hay ghi nhận về một buổi lễ Vu Lan, Phật Đản… cũng cho thấy tài năng của phóng viên. Vì viết bản tin, cũng có thể là một cách thuyết pháp qua một lăng kính mới.
Trong Kinh Tạp A Hàm, Quyền 18, Kinh Diêm Phù Xa, số 490, Đức Phật dạy:
“Nếu thuyết pháp mà điều phục dục tham,
điều phục sân nhuế,
điều phục ngu si;
đó gọi là vị khéo thuyết pháp.”
Như thế, chúng ta phảỉ tránh những hình ảnh hay ngôn ngữ gợi dục, tránh ngôn ngữ kích động sân hận hay căm thù, và cần sử dụng ngôn ngữ giúp người nghe thấy được chánh pháp. Thái độ của nhà truyền thông lúc đó là phải nhu hòa, dung ái ngữ, thay vì dung ngôn ngữ hung hăng. Chỗ này cũng cho thấy trình độ tu học của nhà truyền thông. Cũng nên ghi nhận: Đức Phật cấm sử dụng ngôn ngữ khủng bố, cấm cả ý nghĩ khủng bố.
Kinh Tạp A Hàm, Quyền 42, Kinh Bất Hại, số 1156, Đức Phật dạy:
Nếu thân không sát hại
Cả khẩu, ý cũng vậy
Thì đó lìa sát hại
Không khủng bố chúng sanh.
Do vậy, đối với Phật tử trong ngành truyền thông – dù là nói, viết, chụp ảnh, quay phim, vẽ bích chương… có thể tự thấy việc mình làm cũng là bố thí pháp. Và như thế, sẽ rất hoan hỷ khi làm việc, vì thấy mình đang bố thí pháp không mệt mỏi. Với tâm như thế, sẽ thấy cần tu học rất nhiều. Vì những gì mình nói ra, viết ra cần mang theo chánh pháp. Kỹ năng truyền thông giỏi với tinh thần chánh pháp được Đức Phật ca ngợi là biện tài.
Trong Kinh Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 29. Phẩm Khổ Lạc, Kinh số 5, Đức Phật dạy:
“Có 4 loaĩ biện tài là nghĩa biện, pháp biện, từ biện và ứng biện… Trong lúc thuyết pháp, không có khiếp nhược, không có sợ hãi, hay khiến cho chúng bốn bộ hòa vui. Đó gọi là ứng biện.”
Đó là lý do Đức Phật khuyến học, khuyên là phải nghe pháp nhiều. Ngày xưa, học là nghe, cho nên người học giỏi còn được khen là người nghe [pháp] nhiều, tức là đa văn.
Trong Kinh Tăng Nhất A Hàm, Bốn Pháp, 27, Phẩm Đẳng Thú Bốn Đề, kinh số 7, Đức Phật dạy:
Dũng mạnh, không sợ hãi,
Đa văn hay thuyết pháp,
Trong chúng là sư tử
Hay trừ pháp khiếp nhược.
Và Đức Phật gọi những người đa văn là :hạng người đệ nhất.”
Tuy nhiên, chớ tưởng rằng Phật pháp chỉ cần học qua chữ. Vì nếu không tu thật sự, sẽ chỉ hiểu lờ mờ và thậm chí, có thể sẽ hiểu nhầm pháp nghĩa; lúc đó lại tai hại. Như trường hợp ngài Châu Lợi Bàn Đặc, không học thuộc nổi giới, bị ông anh cũng là tỳ kheo nói rằng thôi em về đời đi, sao học giới hoàì không thuộc.
May mắn, Đức Phật dùng thiên nhãn, thấy từ xa ngài Châu Lợi Bàn Đặc than khóc, mới hỏi, và rồi chỉ đưa chổi và dạy 2 chữ thôi: “quét chổi.” Vậy mà phát huệ, đắc quả A La Hán. Truyện này ghi trong Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 20, Phẩm Thiện Tri Thức, Kinh số 12.
Truyền thông cực kỳ quan trọng trong Phật pháp. Đó là lý do Đức Phật ca ngợi “hai hạng người khó gặp” trong Tăng Nhất A Hàm, Hai Pháp, 19, Phẩm Khuyến Thỉnh, Kinh số 10:
“Có hai hạng người xuất hiện thế gian, rất khó gặp được. Hai hạng người ấy là ai? Người hay thuyết pháp xuất hiện ở thế gian, thật là khó gặp được; người hay nghe pháp, thọ trì phụng hành, thật là khó gặp được.”
Người truyền thông giỏi cũng là người biết khi nào phải im lặng. Kinh Tăng Nhất A Hàm, Bảy Pháp, 40, Phẩm Bảy Ngày, Kinh số 1, Đức Phật dạy: “Một là luận bàn như pháp; hai là im lặng như Thánh Hiền. Các ngươi làm hai việc này, luôn luôn được an ổn, không mất thời nghi.”
Im lặng của bậc thánh? Đúng vậy, Đức Phật dạy là có lúc phải giữ im lặng như bậc thánh.
Đúng là có những lúc phải lên tiếng, và đúng là có những lúc phải im lặng. Xin dùng câu này để kết thúc bài viết này.
Nguyên Giác Phan Tấn Hải
GHI CHÚ: Tất cả trích dẫn Tạp A Hàm và Tăng Nhất A Hàm nêu trên đều từ bản dịch của Tỳ Kheo Thích Tuệ Sỹ và Tỳ Kheo Thích Đức Thắng, đăng lại trong “A Hàm: Mưa Pháp Chuyển Hóa Phiền Não, Tập 2” của Ni sư Thích Nữ Giới Hương.