
“ở những ngày mỏi thêm lần, đau, cuối… 2010”
Tin Thầy Phổ Hòa hôn mê ở bệnh viện không làm tôi ngạc nhiên. Bấy bao, Thầy đã gồng mình chống chỏi mọi tật bịnh thường xuyên hành hạ xác thân lúc tuổi già, thì đó đã là kỳ công lắm rồi!
…
Buổi sáng mưa tầm kín lối, tôi lái xe về thăm Thầy. Nhìn Ông đang nằm miên man bất động giữa gian phòng nhỏ trong bệnh viện thuộc thị trấn San Bernardino, nghe rõ mỗi hơi thở khò khè thốc lên lồng ngực, từng chập nặng nhọc. Đẩy đùn theo nhịp lượng của chíếc máy hô hấp dẫn vào hai hốc mũi.
Lúc này Ông chỉ nằm một mình, đôi mắt nhắm nghiền, không biết có trong trạng thái hôn mê? Trước mặt có ai đó treo sẵn một bức phong hình tượng đức Phật Di Đà và ở góc phòng có thêm chiếc máy phát âm nho nhỏ, thường xuyên phát ra lời hộ niệm với giọng đọc trầm ấm quen thuộc của Thầy Thích Từ Lực: “Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô A Di Đà Phật…”. Lời kinh lan man trầm bổng, nhạt nhòa…
Chừng hai tháng trước gặp nhau Ông thổ lộ hết nỗi buồn, buổi trò chuyện giữa thầy trò đã được ghi âm lại, nhưng không phải là cái để bày ra nói hết cho tất thẩy mọi người, vì những điều trở thành rất riêng tư, cũng cần gìn giữ riêng tư như gìn giữ cho nhau chút chân tình hiếm hoi bầu bạn thuở sinh tiền. Cõi đời ô trọc, lòng người dãy đầy hỷ – nộ – ái – ố, thị phi khuất tất. Con mắt Khổng Gia còn có chỗ hồ đồ*!
…
Buổi tối về nhà, nhìn pho tư liệu mà Thầy giao cho từ mấy tháng trước vẫn còn nằm ngổn ngang choáng cả một góc phòng, lòng bỗng chùng thấp, nghe rân ran một nỗi ưu hoài. Giữa cái khoảnh khắc mong manh phận người, còn nỗi gì ray rứt!?
Tôi tin sự chết đã không làm Ông sợ hãi, mà chỉ sợ “sống”, trong ý nghĩa của một thái độ “sống” đích thực của một con người, và Thầy Phổ Hòa trong thời khắc lâm chung, biết sự ra đi vốn đã là một định luật nhân sinh tất yếu, thì những điều nhắn nhủ để lại chính là thời điểm ghi dấu sự hoàn thành một nhân cách sống tròn vẹn ý nghĩa.
Nếu tin ước nguyện của Thầy Phổ Hòa là mong thực hiện cho được một tác phẩm “HÀNH TRẠNG TÂM MINH LÊ ĐÌNH THÁM”, dù mãi mãi không phải là điều thuộc về Thầy hay cõi riêng tây nào mà, lời Thầy nhắc nhủ để lại cho hàng hậu duệ Áo Lam một gia tài TÂM LINH, TRUYỀN THỐNG, để mong còn ý thức tiếp nối, hoàn thành SỨ MỆNH TÂM MINH TRONG THẾ KỶ 21 này, rồi tiếp mãi về sau…
Pho sách lịch sử về Cuộc Đời của Cụ Tâm Minh Lê Đình Thám nhất định phải được thực hiện và hoàn tất, song ý nghĩa hơn, SỨ MỆNH TÂM MINH nhất định phải được phát huy từ thời khắc này, thời khắc mà chúng ta đang cầu nguyện và chiêm ngưỡng một nhân cách sống, một tư tưởng chủ đạo của TRƯỞNG NIÊN HỒNG LIÊN PHAN CẢNH TUÂN, còn trìu mến bằng tên gọi khác: SƯ HUYNH PHỔ HÒA!
Mặc Cốc, ở những ngày mỏi thêm lần, đau, cuối…
15 tháng 12 năm 2010.
Quảng Pháp Trần Minh Triết
1 thought on “Quảng Pháp – Hồng Liên Phan Cảnh Tuân, Nhân Cách và Tư Tưởng Chủ Ðạo”