

Biên soạn của TÂM LẠC NGUYỄN VĂN THỤC, nguyên Ủy Viên Nội Vụ Ban Hướng Dẫn Trung Ương GÐPT Việt Nam
Gia Ðình Phật Tử” này đã được sưu tầm và ghi chép từ năm 1973, nhưng lúc ấy, chỉ với mục đích rất khiêm nhường, cốt “để ghi nhớ” và giữ làm tài liệu tham khảo riêng, rất cần trong việc điều hành của Ủy Viên Nội Vụ.
Xét ra về nhiệm vụ, người có tư cách và chức năng để viết lịch sử GÐPTVN, phải là vị Ủy Viên Tu Thhư, không thì ít nhất cũng phải là Ủy Viên Nghiên Huấn, đúng theo sự phân định của Tổ chức… Không phải ai muốn viết cũng được, mà ngược lại, đòi hỏi phải có một sự chọn lựa; người ấy phải có ý thức và tinh thần trách nhiệm. Vì dù sao, đây cũng sẽ là một “văn bản chính thức” của Tổ chức, bảo đảm được tánh cách chính xác của nó, hầu mọi người có thể yên tâm, căn cứ theo đó mà tham khảo, không sợ phạm những sai lầm đáng tiếc hay tạo nên những nghi vấn làm giảm niềm tin ở các thế hệ mai sau.
Tập “Lược sử GÐPTVN” này có thể chưa cần phải đưa ra phổ biến, nếu Dân tộc Việt Nam chúng ta không bị họa biến cố 1975… không những đã gây nên những cảnh tan thương đau xót, bắt buộc mỗi người phải nhắm mắt chia tay, xa cách những người thân ruột thị, lìa bỏ quê hương, lưu vong nơi đất lạ xứ người mà còn hủy diệt biết bao di sản quý báu, cả về vật chất lẫn tin thần, trong ấy phải kể đến những tư liệu, tài liệu cần phải lưu giữ từ đời này sang đời khác…
GÐPTVN nằm trong lòng Tập Thể Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, trong lòng Dân tộc Việt nam thì không thể tránh khỏi hiểm họa chung của Ðất Nước…
Mặc dù vậy, để tiếp nối truyền thống từ ngàn xưa của Phật Giáo Việt Nam nói chung, và truyền thống năm mươi năm qua của Gia Ðình Phật Tử Việt Nam nói riêng – trong giai đoạn nguy nan này – hơn bao giờ hết, mỗi một Ðoàn Viên Áo Lam – Hoa Sen Trắng chúng ta, đã phải cảm nhận càng phải hành động tích cực hơn nữa, thực hiện tinh thần “Bi-Trí-Dũng.” Sự đóng góp của mỗi người, dù bé nhỏ, nhưng trong nỗ lực chung, sẽ trở thành một sức mạnh đáng kể… Cũng trong ý niệm ấy mà tác giả tập “Lược Sử GÐPTVN” này không còn ngần ngại gì để ngồi rà soát và biên tập lại từ đầu, cho phù hợp với đối tượng Huynh trưởng GÐPTVN ngày nay, ở trong nước cũng như ở nước ngoài.
Sau 1975, mặc dù Quốc biến, GÐPTVN vẫn duy trì sự sinh hoạt của mình – một cách liên tục – (không công khai, nhưng không có nghĩa là không hiện hữu), ở Quốc nội; và ngày nay còn lan rộng ra cả nhiều nước trên thế giới…
Tổ chức còn hoạt động thì không thể thiếu các Khóa Huấn Luyện Huynh Trưởng. Từ đó đòi hỏi phải có tài liệu để tham khảo, soạn bài, hầu dẫn dạy đàn em được chính xác hơn.
Trong các đề tài cần phải trình bày và giảng cho các khóa sinh các Cấp, có đề mục nói về “Quá trình thành lập và phát triển GÐPTVN” vì thiếu tài liệu, nên các giảng viên phải tùy nghi, tuy cố gắng hết sức của mình để viết thành bài, nhưng làm sao tránh được những sai sót. Vấn đề không phải chỉ ngưng ở đó… Vì nhiều lý do, khách quan và chủ quan, có thể, vì Ban Giảng Huấn bận, có quá nhiều công tác phải làm, mà cũng vì tin tưởng lẫn nhau, nên bỏ qua vấn đề kiểm chứng bài giảng. Bài được cho in và phát cho trại sinh. Thay vì, chỉ tạm dùng trong một khóa đó mà thôi, ở đây, các bài được soạn gấp rút, trong những trường hợp thiếu nghiêm túc ấy, lại được phổ biến rộng, lưu dạy từ khóa này đến khóa khác… lâu ngày, trở thành tài liệu chính thức. Kết quả(?) đáng ngại và đáng buồn! Hơn nữa, tập “Lược sử” này phải cho ra sớm hơn dự định, là vì, những “bài giảng” được soạn trước đây, trong những trường hợp đặc biệt ấy, đã tạo nhiều nghi vấn, xa sự thật và trái với tinh thần khoa học cần phải được tôn trọng, nhất là đối với một tổ chức giáo dục như GÐPTVN của chúng ta.
Và, như đã nói trên, tập “Lược sử” này nhằm viết cho lớp thanh niên, thế hệ hậu lai (thập niên 90 về sau nữa), nên có phụ thêm nhiều phần giải thích, phụ đính, có cả phụ hội bối cảnh trong lịch sử chính trị, xã hội, văn hóa đương thời, để minh hoạ. Trong tập này còn có nhắc qua các bậc Thiền Sư, các Cư sĩ Phật tử, những vị mà không những đóng góp công đức xây dựng Phật giáo mà còn có công rất lớn đối với phong trào GÐPTVN mà tất cả chúng ta cần nhớ và ghi ơn.
Có một việc muốn làm, nhưng tác giả tập “Lược Sử” này không đủ khả năng, và đương nhiên cũng không thể bao biện được hết (dù sao, cũng là một sự thiếu sót), ấy là không đề cập đến được hết, ít nhất là sự thành hình của GÐPT ở mỗi Tỉnh, ví dụ tỉnh Quảng Trị, Ðà Nẵng, Qui Nhơn, Nha Trang, Ðà Lạt, Darlac v.v và v.v…
Tuy nhiên, tác giả có một yêu cầu và mong được các anh chị đồng tình hưởng ứng:
- Việc biên soạn “tiểu sử – lược sử hay lịch sử” này là một công việc có tính cách tập thể, chứ không phải của cá nhân một người nào… Nó có hay, hay dở, đầy đủ hay thiếu sót, đều do của chung của chúng ta cả…
- Như trong phần đề cập đến sự thành hình và phát triển của các GÐPT miền Nam, thì các anh chị, cứ xem đó như một mẫu, một dàn bài, để viết và bổ sung thêm phần của GÐPT địa phương, tại Tỉnh mình vậy. (Nếu có thể, cứ gởi tài liệu, hình ảnh, tác giả xin sẽ làm tiếp phần sau.) Nói một cách khác, người lập tập “album” đã làm phần đầu rồi, chúng ta, ai có “hình kỷ niệm” thì cứ tự nhiên “dán” thêm vào… tác giả rất hoan nghênh được sự hợp tác này. Mong thay!
- Hơn nữa, nếu được có một anh chị trưởng nào, đầu nhiệt tâm, muốn sử dụng tập “Lược Sử” này để làm cơ sở soạn viết lại một cuốn sách “Lịch sử GÐPTVN” thật đầu đủ và hoàn chỉnh thì tác giả rất hoan nghênh… và sẵn sàng hợp tác, nếu cần… Như đã nói từ đầu, vì lẽ chưa có người nào đứng ra làm, nên tác giả mới bắt buộc phải đứng ra làm trước vậy thôi.
Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát, Nam Mô Thường Hoan Hỷ Bồ Tá Ma Ha Tát.
Tâm Lạc Nguyễn Văn Thục
(Còn tiếp)
Ghi chú: Một tập “Nội Quy GÐPTVN” và “Quy chế Huynh trưởng GÐPTVN” cũng đã được ghi chép lại với phần giải thích rõ ràng, kèm theo các văn bản lập quy, có từ năm 1951 đến 1973. – Người biên soạn: Tâm Lạc Nguyễn Văn Thục, nguyên Ủy Viên Nội Vụ Ban Hướng Dẫn Trung Ương GÐPT Việt nam.