
Gia Ðình Phật Tử với Xã hội:
Gia Ðình Phật Tử là một Tổ chức đào tạo thế hệ trẻ đến với Ðạo thành những tín hữu thuần thành và cùng với Cộng đồng góp phần xây dựng một xã hội thực sự an vui – lành mạnh mà Phật Giáo hằng ấp ủ. Với mục đích nầy, Thành viên GÐPT có 2 nhiệm vụ song hành: Tu học rèn luyện, đồng thời dấn thân đem Ðạo vào Ðời. Hai nhiệm vụ nầy là 2 tín lực nhân quả và tương duyên, suốt đời Tự Ðộ và Ðộ Tha của người Phật tử.
Dù nhằm mục đích cao xa, GÐPT không có tham vọng “cải tạo” hay “cách mạng” xã hội, mà chỉ “góp phần xây dựng xã hội”.
Thể nhập xã hội:
Thể hiện chân ngôn, hòa nhập xã hội, Thành viên GÐPT lấy yêu thương làm chất liệu keo sơn, chính nghĩa làm kim chỉ nam, tinh cần làm men tiến thủ.
Ðối với Quốc gia, Dân tộc:
1. Yêu thương:
– Thương yêu và giúp đỡ mọi người, không phân biệt sang hèn, giàu nghèo, tôn giáo, chánh kiến… để cùng nhau xây dựng Tổ quốc.
– Tích cực cứu giúp trẻ em tàn tật, mồ côi, hư hỏng. Nỗ lực cứu tế các Cô nhi viện, các trại bệnh nan y, các tai nạn, thiên tai bảo lụt. Tham gia tích cực và thường trực các hoạt động y tế và vệ sinh công cộng.
2. Chính nghĩa – Tinh cần:
– Là công dân: Tùy duyên bất biến, chúng ta có nhiệm vụ đóng góp bảo vệ những truyền thống văn hóa của Dân tộc, những công trình khai sáng của Tổ tiên và nhất là phát huy tinh thần DÂN CHỦ và vận dụng nguyên lý Lục Hòa trong đời sống xã hội.
“Trong hai cuộc chiến vừa qua, Phật-giáo càng ý thức vai trò của mình. Với chiến tranh chống thực dân và nô dịch văn hóa, Phật giáo là pháo đài bảo vệ di sản văn hóa dân tộc. Với chiến tranh ý thức hệ, Phật giáo tự nhận vai trò hóa giải hận thù, thể hiện hòa bình dân tộc, để chấm dứt cuộc chiến huynh đệ tương tàn (Thông điệp TK21 của GHPGVNTN)
– Với Tổ quốc: chúng ta có trách nhiệm bảo vệ sự toàn vẹn lảnh thổ Việt Nam; phát nguyện giúp đỡ mọi Tổ chức bảo vệ môi sinh và góp phần ngăn chặn những hành động phá hoại thiên nhiên của Tổ quốc. Tích cực góp phần xây dựng xã hội là phần 2 của mục đích GÐPT. Tin Phật tức là tin Chân lý, mà chúng ta có sứ mệnh tuyên dương quảng bá Chân lý nầy đến quần chúng quê hương.
“Nay khi toàn cầu đang chuẩn bị khép kín lại quá khứ 2000 năm mà trong thời gian đó loài người sống hạnh phúc và vinh quang thì ít, nhưng đau khổ, tội ác thì nhiều. Phật giáo VN ý thức rõ lực lượng và sứ mệnh lịch sử của mình đối với dân tộc và nhân loại trong thiên niên kỷ sắp đến. Lực lượng nầy xây dựng trên tinh thần bi – trí – dũng. Tôn trọng sự sống, sáng suốt hành động, Dũng cảm tự tồn (Thông điệp TK 21 của GHPGVNTN).
Ðối với cộng đồng Quốc tế:
2. Yêu thương: Tham gia chí nguyện giúp các nơi bị thiên tại, bảo lụt, động đất; những nơi có tai nạn do người gây ra…
Ðóng góp công của vào các công tác, các quỹ Từ thiện để cứu giúp những nơi đói khổ, dịch bịnh, chiến tranh…
3. Chính nghĩa: Góp sức thực hiện chủ trương hóa giải tạo hòa bình, Thân Thiện, Hợp Tác giữa các dân tộc.
“Sứ mệnh lịch sử của Phật giáo là hóa giải mọi xung đột giữa các cộng động xã hội, các xu hướng chính trị, tôn giáo dị biệt, giữa các dân tộc mà do hoàn cảnh lịch sử trở thành kẻ thù truyền kiếp của nhau. Sứ mệnh ấy, khởi phát từ lòng bi mẫn, khoan dung, tôn trọng và độ cao phẩm giá con người là nhân cách trọng tâm trong việc chuyển hóa gia đình xã hội, đem lại hạnh phúc tư do và giải thoát cho quần chúng (Thông điệp TK 21 của GHPGVNTN).
4. Tinh Cần: Hưởng ứng tích cực, tham gia quảng bá… cho mọi phong trào Bảo vệ môi trường sống trên trái đất.
Hưởng ứng và đóng góp công của cho công tác bảo vệ trùng tu những công trình di sản văn hóa, giáo dục của nhân loại.
Hưởng ứng và tham gia quảng bá chống lại các bệnh hiểm nghèo như bệnh aids, bệnh ghiền ma túy; tác hại của hút thuốc lá…
Hưởng ứng và tham gia quảng bá các phong trào Bảo vệ Nhân quyền.
Giáo dục thế hệ kế thừa
Gia Ðình Phật Tử là một Tổ chức giáo dục, trong đó thành phần Thiếu nhi chiếm tỷ lệ đa số. Giáo dục thế hệ trẻ nầy thành những Phật tử chân chính là điều mong mõi của quần chúng & xã hội.
1. Góp phần xây dựng qua giáo dục: Phật tử chân chính là ngườI con ngoan, người học trò tốt, người công dân thuần thành: Yêu Ðạo và yêu quê hương xứ sở, yêu công bằng và bác ái, khao khát Tự Do và Hòa Bình.
Với trí tuệ tinh vi, rồi đây con người có thể tiếp cận hết mọi tinh cầu. Nhưng ở đâu có vết chân người, thì ở đó có Tham, Sân, Si. Thay vì đem trí tuệ minh mẫn, tình cảm dồi dào, ý chí to lớn để hướng thượng, thì con người ngày nay đã dần già biến thoái đọa lạc! Do đó, Giáo dục GÐPT trang bị cho thế hệ trẻ tinh thần BI TRÍ DŨNG để nhanh chóng khôi phục bản vị con người trên đường hướng thiệnvà hướng thượng.
2. góp phần xây dựng xã hội qua thực tập tinh thần hoạt động: Với hoạt động Thanh niên – Xã hội: Với thành phần Thiếu nhi của Tổ chức, đối tượng chính là Tu dưỡng – Rèn luyện…, chưa hẳn dấn thân vào xã hội. Hoạt động Thanh niên – Xã hội là một trong những bộ môn chính của chương trình giáo dục thế hệ tương lai. Với bộ môn nầy, qua cơ hội thực tập tinh thần hoạt động, phần “Ðóng góp xây dựng xã hội” tuy khiêm nhường nhưng cũng không hẳn là không đáng kể.
Với Văn Nghệ: Văn nghệ cũng là một bộ môn chính như Hoạt động Thanh niên Xã hội. Với mục đích hướng thượng, Văn nghệ GÐPT loại trừ thể loại trữ tình, sa đọa; tránh xa văn chương ủy mị, hoài nghi; ly khai với các loại ca nhạc vong quốc, kích động, ngoại lai; tiết giảm các loại sáng tác chuộng hình thức, trốn thực tại, đầu hàng nghịch cảnh, khêu gợi căm thù dục vọng. Văn nghệ GÐPT chủ trương một đường hướng trong sáng, đạo hạnh, tiến bộ… đem màu Lam đạo vị thay thế cho màu Tím bi thảm. Qua cơ hội thực tập bộ môn nầy, phần “Ðóng góp xây dựng xã hội”, có thể “khiêm nhường” nhưng giá trị mức độ đối với thế hệ Thiếu Nhi, cũng xứng đáng được ghi nhận.
Khế cơ ứng dụng:
1. khai triển phương thức: Qua phương thức căn bản tổng thể (Phần II & III), Ban Hướng Dẫn và Ban Huynh Trưởng các Cấp tùy nghi triển khai chương trình, kế hoạch thực hiện thiết thực và cụ thể phù hợp với môi trường và thực trạng từng địa phương.
2. dẫn trình hành hoạt cụ thể thiết thực: Tại địa phương định cư, một số Ðơn vị Gia Ðình đã và đang “Hoạt động xã hội” thiết thực:
– Tham gia “thiện nguyện” tại các nhà dưỡng lão.
– Trợ giúp đồng hương địa phương khai thuế, lập thủ tục nhập tịch tại Quốc gia định cư.
– Trợ giúp các gia đình mới đến định cư hội nhập xã hội mới.
– Thường xuyên tham gia các chương trình cứu trợ Quốc nội.
3. Gia đình phật tử việt nam hải ngoại đối với quốc gia dân tộc việt nam (Mục II/a): Ðịnh cư tại Hải ngoại, phần “góp sức’ có thể thực hiện qua dạng thức “gián tiếp”: Cung ứng phương tiện để Gia Ðình Phật Tử Quốc nội tăng trưởng khả năng hành hoạt.
Kỳ vọng:
Ðoàn viên GÐPT tâm niệm: Mang niềm TIN đến cho mọi người, cho Dân tộc… bằng tâm huyết, bằng hành động cụ thể, thiết thực, bằng gương sáng hiền hòa, nhẫn nhục, tháo vát, “nói ít làm nhiều”; và bằng cách khai sáng hiển lộ tiềm lực, khả năng sinh hoạt TỪ BI, TRÍ TU, DŨNG MÃNH của Ðạo Phật nhập thế.
Với thời gian ngắn ngũi của cuộc đời, chúng ta phát nguyện Tinh tấn, Kiến lập an lạc – hạnh phúc cho chính mình, cho gia đình, cho Tổ Chức, cho Ðạo Pháp, cho Dân tộc và cho nhân quần xã hội.