
Lời thưa ST: Bài sưu lục này, Sen Trắng xin được giới thiệu đến độc giả những ý niệm cơ bản trong việc hình thành trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội (TNPSXH) trong bối cảnh đất nước và con người Việt Nam giữa thập niên 60, một phần được trình bày qua lời phát biểu cũng như thuyết trình của những nhân vật từng giữ trách nhiệm điều hành như Sư Bà Thích Nữ Diệu Không và Đại Đức Thích Nhất Hạnh lúc bấy giờ. Sâu xa hơn của việc phát khởi tư trào thanh niên phụng sự xã hội nói chung và sự ra đời của một ngôi trường đang nhắc đến nói riêng này, đó chính là khởi đầu cho “CÔNG CUỘC HIỆN ĐẠI HÓA PHẬT GIÁO VÀ VẬN ĐỘNG VĂN HÓA DÂN TỘC”.
Do vậy tiếp phần I của loạt bài “Tìm hiểu sự hình thành TTNPSXH của Viện Đại Học Vạn Hạnh trong thập niên 60”, Sen Trắng xin tuần tự gởi đến độc giả những nhận định kèm những tư liệu liên quan đến công cuộc hiện đại hóa Phật giáo và vận động văn hóa dân tộc vừa đề cập trên, trước hết, là qua bài báo của tác giả Lữ Hồ, cũng là tác giả của quyển “Sứ Mệnh Người Áo Lam” mà anh chị em đoàn viên Gia đình Phật tử ít nhiều từng biết tới. Bài báo này được sưu lục từ tuần báo Thiện Mỹ số 29, ra ngày thứ Hai 11-6-1965.
Các học viên của Trường TNPSXH (nguồn: Làng Mai)
Phần I: Lễ Ra Mắt của Trường “Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội” (School Of Youth Social Service) do Viện Đại Học Vạn Hạnh tổ chức.
Năm 1965, tại khuôn viên chùa Pháp Hội, số 702/105 đường Phan Thanh Giản – Sài Gòn, Viện Đại Học Vạn Hạnh đã tổ chức một buổi tiệc trà nhằm ra mắt trường “Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội”, (School Of Youth For Social Service), trường này đặt dưới sự điều hành của Viện lúc bấy giờ.
Ở thời điểm đó, lúc 9:30 sáng Chủ Nhật ngày 6 tháng 6 năm 1965, buổi lễ đã diễn ra trong bầu không khí trang nghiêm, dưới sự chứng minh của Thượng Tọa Thích Trí Thủ (đã viên tịch), Thượng Tọa Thích Minh Châu, Thượng Tọa Thích Nhật Thiện (đã viên tịch) và Sư Bà Thích Nữ Diệu Không (đã viên tịch).
- Đề cao lý tưởng phụng sự xã hội của thanh niên đối với đất nước.
- Thực hành lý thuyết Từ Bi của Phật giáo.
Sau cùng Thượng Tọa trân trọng giới thiệu thành phần Ban Giám Đốc, lúc bấy giờ chủ yếu có Sư Bà Diệu Không, làm Giám đốc quản trị và Đại đứcThích Nhất Hạnh, Giám đốc chuyên môn.
Ba ngày sau đó, tức 9 tháng 6 năm 1965, lễ đặt viên đá đầu tiên xây cất TTNPSXH đã được cử hành lúc 8 giờ tại công trường đường Trương Minh Giản, Sài Gòn. Rồi khai giảng niên khóa đầu tiên vào ngày 1 tháng 8 cùng năm. Những thí sinh nào nộp đơn vào học trường này, phải trải qua đợt thi nhập học tổ chức vào trung tuần tháng 7 trước đó nửa tháng, tại 3 điạ điểm:
- Sàigòn: Giảng đường Viện Đại Học Vạn Hạnh – Phan Thanh Giản, Sài Gòn
- Huế: Giảng đường chùa Từ Đàm – đường Lam Sơn, Huế
- Nha Trang: Trường trung học Bồ Đề. – Nha Trang.
Phần II: CÔNG CUỘC HIỆN ĐẠI HÓA PHẬT GIÁO ĐÃ KHỞI ĐẦU VỚI SỰ THÀNH LẬP TRƯỜNG THANH NIÊN PHỤNG SỰ XÃ HỘI.
Trên tuần báo Thiện Mỹ từ số ra mắt, mục đích PHÁT ĐỘNG TƯ TRÀO HIỆN ĐẠI HÓA PHẬT GIÁO và VẬN ĐỘNG VĂN HÓA DÂN TỘC đã được trình bày những nét đại cương làm nền tảng cho triết lý hành động. Đặc biệt trên ĐẶC SAN PHẬT ĐẢN vừa rồi, bài biên khảo ĐẠO PHẬT HIỆN ĐẠI HÓA TRONG LÃNH VỰC KINH TẾ XÃ HỘI của Nhất Hạnh đã tạo ra một dư luận trái ngược trong giới văn hóa, xã hội. Có người hoài nghi đã cho bài khảo luận kia chỉ là một mớ lý luận không tưởng. Trái lại, những người giàu lòng tin tưởng cũng lắc đầu vì e ngại cho cái chủ trương to tát quá sức tưởng tượng. Giữa không khí đầy hoài nghi và tiêu cực ấy, buổi thuyết trình về CƯƠNG LĨNH và CHƯƠNG TRÌNH THỰC HIỆN đã được Thầy Nhất Hạnh trình bày rất khoa học, khúc chiết và thực tế tại giảng đường Viện Đại Học Vạn Hạnh vào sáng chủ nhật 6-6-1965 vừa qua.
Nguyên nhân của tình trạng bế tắc trong việc giải cứu xã hội hiện tại có thể nhìn dưới hai khía cạnh đối nghịch: Một là lăn xả vào công tác mà không hề có một chính sách, một lý thuyết căn bản làm nền tảng nên không đạt được một kết quả. Đó là trường hợp thất bại của các phong trào cứu trợ, các kế hoạch giải tỏa của chính quyền. Tình trạng này đưa tới thế thụ động nghĩa là chương trình công tác sẽ trở thành chương trình đối phó các hậu quả do tình trạng hành động không có lý thuyết tạo ra. Một chứng cớ hiện nay, nghe đâu chương trình công tác “Mùa Hè” đang phát khởi đã tiêu mất 4,000.000 đồng mà chưa thấy gì? Ngược lại hầu hết các lý thuyết về xã hội như các “xã hội chủ nghĩa” của nhóm Hành Trình cũng đang còn ở trong vòng khái niệm. Rút lại, hành động thiếu lý thuyết và lý thuyết thiếu hành động là thực trạng tắt nghẽn về hoạt động xã hội bấy giờ.
Nhưng tin mừng đã thấy. Sự thành lậpn trường TNPSXH của Viện Đại Học Vạn Hạnh (xem bản tin ở số 29) đã là sự kết hợp tốt đẹp giữa lý thuyết và thực hành. Nếu không phải mang tiếng là quá khích, chúng tôi xin mệnh danh cho sự kết hợp TRI HÀNH này là ‘CHƯƠNG TRÌNH NHẤT HẠNH’ gọi là trả lại cho tác giả đứa con tinh thần và hiện hữu của mình. Trên thực tế, một nhà lý thuyết không hề bắt buộc phải có một khả năng hoạt động tương xứng và ngược lại người hoạt động bao giờ cũng phải có sự hiểu biết đại cương về lý thuyết. Do đó, trong bất cứ trong lãnh vực nào người ta cũng chia ra: Chuyên viên với Kỹ thuật. Trường hợp ly hữu ở đây, Nhất Hạnh là lý thuyết gia về kinh tế xã hội của Tư trào Hiện đại hóa và đồng thời là Giám đốc chuyên môn của TTNPSXH. Như thế, gọi chương trình sơ khởi này là CHƯƠNG TRÌNH NHẤT HẠNH cũng không phải là quá đáng. Tất nhiên, tác giả của chương trình sẽ hưởng tất cả các lạc thú tinh thần nếu thành công và cũng gánh chịu hết mọi trách nhiệm nếu không may bị thất bại… một việc chắc không thể có.