
QUYẾT NGHỊ
Của Lễ Hội Gia Đình Phật Tử Việt Nam Trên Thế Giới (kỳ I)
vào các ngày 7, 8 và 9 tháng 11 năm 2004 tại Bồ Ðề Ðạo Tràng, Ấn Ðộ.
Chúng tôi, toàn thể thành viên Cựu Huynh Trưởng và Ban Bảo Trợ, Ðại Diện Huynh Trưởng Gia Ðình Phật Tử Việt Nam tại Quốc Nội và Hải Ngoại tham dự Lễ Hội Gia Ðình Phật Tử Việt Nam Trên Thế Giới họp trại Trung Tâm Viên Giác, Bồ Ðề Ðạo Tràng, Ấn Ðộ trong những ngày 7, 8 và 9 tháng 11 năm 2004.
NHẬN ĐỊNH RẰNG:
1. Phật Giáo Việt Nam là một tôn giáo có mặt hơn hai ngàn năm lịch sử, trải qua bao thăng trầm, hưng phế và gắn liền với dòng sinh mệnh của dân tộc. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất là một Giáo Hội chính thống, được truyền thừa chánh pháp của Lịch Ðại Tổ Sư, đã và đang hoằng hóa đúng với truyền thống và ý thức dân tộc, không chấp nhận chủ nghĩa vong bản, ngoại lai.
2. Với một lực lượng hơn 300 ngàn đoàn viên trên khắp nẻo đường quê hương và các quốc gia trên thế giới, Gia Ðình Phật Tử Việt Nam là một tổ chức giáo dục có lý tưởng và càng ngày càng phát triển vững mạnh ở trong cũng như ngoài nước.
3. Gia Ðình Phật Tử Việt Nam với truyền thống 60 năm hành hoạt, đã và đang trải qua những gian khổ nhưng vẫn luôn trung kiên với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và cũng là một lực lượng hậu bị của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
4. Với mưu đồ đen tối và thâm độc (của các thế lực vô minh) nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đã và đang bách hại Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, tạo nên một tình trạng vô cùng khắc nghiệt đối với chư vị lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cũng như Huynh Trưởng các cấp của Gia Ðình Phật Tử Việt Nam.
QUA NHỮNG NHẬN ÐỊNH TRÊN CHÚNG TÔI
ÐỒNG THANH QUYẾT NGHỊ:
1) Gia Ðình Phật Tử Việt Nam trong bất cứ tình huống, không gian, thời gian, quốc độ nào vẫn luôn là đứa con trung kiên và cũng là lực lượng hậu bị của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
2) Gia Ðình Phật Tử Việt Nam khẳng định: phục vụ lý tưởng Gia Ðình Phật Tử Việt Nam, phụng sự đạo pháp, dân tộc và nhân loại là nghĩa vụ thiêng liêng của chính mình.
3) Gia Ðình Phật Tử Việt Nam là một tổ chức giáo dục, đoàn kết bất khả phân; luôn luôn tôn trọng Nội Quy và Quy Chế; không để bất cứ một thế lực vô minh nào có thể chi phối hay phân hóa.
4) Vì sự tồn vong của tổ chức, vì sự quang phục của dân tộc và đạo pháp, toàn thể đoàn viên các cấp của tổ chức Gia Ðình Phật Tử Việt Nam Trên Thế Giới nguyện tinh tấn, dũng mãnh và sáng suốt để hoàn thành sứ mệnh phụng sự lý tưởng Gia Ðình Phật Tử Việt Nam và quang phục đạo pháp.
Làm tại Bồ Ðề Ðạo Tràng, ngày 9 tháng 11 năm 2004.
Toàn thể Huynh Trưởng Đại Biểu
Lễ Hội Gia Đình Phật Tử Việt Nam Trên Thế Giới
(Đồng ký tên)
QUYẾT NGHỊ
của ĐẠI HỘI GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM TRÊN THẾ GIỚI – KỲ II – 2008
Chúng tôi, toàn thể Huynh Trưởng Đại Biểu tham dự Đại hội Gia Đình Phật Tử Việt Nam Trên Thế Giới – kỳ II – nhiệm kỳ 2008-2012 – tại Bangkok, Thái Lan từ ngày 07 đến ngày 10 tháng 10 năm 2008.
NHẬN ĐỊNH
1. GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM là một tổ chức Giáo Dục: “Đào luyện Thanh, Thiếu, Đồng niên thành Phật Tử chơn chánh, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật Giáo”, một tổ chức nằm trong lòng GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT – hậu thân của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam được thành lập năm 1951 – đã truyền thừa chính thống: Lý Tưởng Hòa Bình, Sứ Mệnh xiển dương Chánh Pháp, Sự Nghiệp Giác Ngộ và Giải Thoát Chúng Sanh của PHẬT GIÁO trong lịch sử 2000 năm đối với Dân Tộc Việt Nam.
2. Gia Đình Phật Tử Việt Nam là một tổ chức giáo dục tôn giáo lấy Giáo lý Phật Đà làm nền tảng cho mọi tiêu hướng hành hoạt, bởi lẽ đó, luôn luôn đặt mình quy ngưỡng Tam Bảo trong bất cứ tình huống nào.
3. Suốt chiều dài lịch sử hơn 70 năm, Gia Đình Phật Tử Việt Nam chính là thế hệ mà Chư Tôn Đức tiền bối hữu công quan tâm, thao thức, dốc lòng dựng xây nhằm kiến tạo lực lượng kế thừa cho sự nghiệp chung của Phật Giáo Việt Nam như lời bác Tâm Minh Lê Đình Thám – sáng lập viên – khẳng định: “Không một thành tựu vững bền nào mà không nhắm đến tầng lớp thanh thiếu nhi vì họ là những người kế tục trong mai hậu”. Lời khẳng định như bản “Tuyên Ngôn” khai sinh Tổ Chức Áo Lam và từ đó Sen Trắng đã ươm mầm, vươn mình thành tâm xây đời hộ đạo.
4. Gia Đình Phật Tử Việt Nam đã được khai sinh trong hoàn cảnh biến động của lịch sử xã hội Việt Nam và trưởng thành trong kinh nghiệm đau thương gian khổ của Tổ Quốc. Sự thăng tiến của Tổ Chức là một điều tất yếu, từ đó việc kiện toàn và phát triển Gia Đình Phật Tử cần phải được quan tâm thực hiện một cách trọn vẹn và thống nhất.
5. Trên hơn nửa thế kỷ qua, trang sử bi hùng của các thế hệ Gia Đình Phật Tử vốn đã cống hiến ngay cả sinh mạng để giữ tròn khí tiết của người Phật tử, đã lâm vào cảnh khốn cùng vì không chịu khuất phục trước cường quyền mà từ bỏ lý tưởng của mình. Máu và nước mắt của các thế hệ đã qua, và cũng của chính những người đang thường trực đối diện với mọi đe dọa an ninh, nghề nghiệp… , đó là chính nghĩa tồn tại của Gia Đình Phật Tử Việt Nam.
6. Trong Đạo Phật chỉ có Giới Định Tuệ mà không có giáo quyền, chỉ có tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn mà không có mê vọng và tham vọng; chỉ có lập nguyện và lập hạnh mà không có áp đặt và chỉ có mọi sự hiện hữu trong hổ tương và dung thông vô ngại, mà không có sự hiện hữu đơn thuần và độc đoán, nếu ta nghĩ rằng, có một sự hiện hữu đơn thuần và độc đoán đó là ý nghĩ lệ thuộc vào những yếu tố điên đảo vô minh và phi Phật giáo.
Từ những nhận định trên, Đại Hội Gia Đình Phật tử Việt Nam trên Thế giới kỳ II – 2008.
ĐỒNG THANH QUYẾT NGHỊ
1. GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM TRÊN THẾ GIỚI trong bất cứ tình huống, không gian, thời gian nào cũng vẫn là đứa con trung kiên, là lực lượng hậu bị của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và xác quyết, luôn luôn quy ngưỡng Tam Bảo trong tương quan cọng sinh để xiển dương chánh pháp.
2. GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM TRÊN THẾ GIỚI trong bất cứ tình huống nào vẫn quyết tâm thực hiện mục đích của Gia Đình Phật Tử đã được đề ra nhằm phụng sự Đạo pháp, Dân tộc và Nhân loại là nghĩa vụ thiêng liêng của chính mình.
3. GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM TRÊN THẾ GIỚI minh định việc quy nhất tập thể cộng đồng Gia Đình Phật Tử cùng chung một hệ thống là điếu tất yếu nhằm củng cố, kiện toàn để phát triển Tổ chức hầu tiến tới hội nhập vào thế giới khoa học kỷ thuật hiện nay với danh xưng GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM TRÊN THẾ GIỚI.
4. GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM TRÊN THẾ GIỚI luôn tỉnh thức trước những âm mưu nội, ngoại tại nhằm phân hóa tổ chức và luôn dũng mãnh, tinh tấn, tiến tu để hoàn thành sứ mạng phụng sự cho lý tưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam, quang phục Đạo pháp và Quê hương.
Làm tại Bangkok – Thái Lan, ngày 10 tháng 10 năm 2008
Toàn thể Đại Biểu tham dự Đại Hội Huynh Trưởng
Gia Đình Phật Tử Việt Nam Trên Thế Giới kỳ II
Đồng ký tên
QUYẾT NGHỊ
của ĐẠI HỘI HUYNH TRƯỞNG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM
TRÊN THẾ GIỚI KỲ III
và GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM TẠI HẢI NGOẠI KỲ V – 2012 – 2016
Chúng tôi, toàn thể Huynh Trưởng Đại Biểu của 25 phái đoàn gồm 127 thành viên tham dự Đại hội Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam Trên Thế Giới – kỳ III và Hải Ngoại kỳ V, 2012 – tại Bangkok, Thái Lan từ ngày 27 đến ngày 30 tháng 10 năm 2012.
NHẬN ĐỊNH
1. Phật Giáo Việt Nam tiếp nhận giáo lý Phật đà đã trải qua hơn 2000 năm truyền thừa, gắn liền với vận mệnh thịnh suy của Dân tộc, tạo thành nền tâm linh và văn hóa đất nước. Gia Đình Phật Tử Việt Nam đã tiếp nhận và được nuôi dưỡng từ nguồn tâm linh và văn hóa ấy.
2. Bản Thệ Tăng Già, lập nguyện của các đệ tử xuất gia đầu Phật, cùng hòa hiệp trong bản thệ thanh tịnh tuyên dương Chánh Pháp, lợi lạc quần sanh; hy cầu Phật pháp trường tồn, hướng đến cứu cánh giải thoát và giác ngộ.
3. Nhờ ân đức giáo dưỡng của Chư vị Cố Vấn Giáo Hạnh, sáng lập và ân sư cũng như tinh thần hy hiến của hàng Huynh Trưởng tiên phong để Tổ Chức được trường tồn, phát triển.
4. Tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam gần 70 năm y cứ vào Chánh Pháp và lý tưởng để thực hiện sứ mệnh giáo dục: “Đào luyện Thanh Thiếu Đồng Niên thành Phật Tử chân chánh, góp phần xây dựng Xã hội theo tinh thần Phật Giáo”.
5. Trải qua những đoạn đường đầy cam go thử thách, đầy phong ba bão táp, nhưng con thuyền của tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam vẫn giữ vững hướng đi, để hôm nay áo Lam và Hoa Sen Trắng kết thành những hạt kim cương bất hoại hiện hữu khắp năm châu bốn bể để hình thành tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam Trên Thế Giới.
6. Gia Đình Phật Tử Việt Nam gần 70 năm đóng góp vào sự nghiệp giáo dục Thanh Thiếu Đồng Niên trở thành những Phật Tử tốt cho Đạo pháp, công dân tốt cho Dân tộc và con người tốt cho cộng đồng nhân loại.
7. Tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam trong và ngoài nước đang trên đà phát triển, trên hành trình thăng hoa không làm sao tránh khỏi những chướng duyên nghịch cảnh từ thực tế của từng quốc độ. Lượng định những khó khăn và ảnh hưởng đó, Đại Hội quyết nỗ lực biến những chướng duyên trở thành thuận lợi để cùng với Chư Tôn Đức trong Tăng già tuyên dương chánh Pháp. Nên, các Huynh trưởng lãnh đạo các cấp cần trang bị và quán chiếu tinh thần HÒA HỢP, THANH TỊNH, THƯƠNG YÊU để hoàn thành sứ mệnh phụng sự lý tưởng Áo Lam. Từ những nhận định trên Đại Hội đồng thanh
QUYẾT NGHỊ:
1. Gia Đình Phật Tử Việt Nam là một thực thể sinh tồn và hành hoạt trong lòng Dân Tộc và Đạo Pháp. Nên, Huynh trưởng và Đoàn sinh Gia Đình Phật Tử Việt Nam trên Thế Giới phải tự rèn luyện phẩm chất BI TRÍ DŨNG để đóng góp cho Dân tộc và Nhân loại.
2. Sứ mệnh của Gia Đình Phật Tử Việt Nam là sứ mệnh được thiết lập trên nền tảng của Bồ Đề Tâm, Bồ Đề Nguyện và Bồ Đề Hạnh qua con đường giáo dục Thanh Thiếu Đồng Niên, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật Giáo là hướng đi bất hoại đối với mọi biến thiên lịch sử. Nên, Huynh trưởng và Đoàn sinh Gia Đình Phật Tử Việt Nam trên thế Giới nguyện “trau dồi trí tuệ, tôn trọng sự thật.”
3. Y cứ vào Bản Thệ Tăng già để làm chổ nương tựa vĩnh viễn cho tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam Trên Thế Giới.
4. Tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam Trên Thế Giới và tổ chức Thanh Niên Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới có những tương đồng trong nội dung tu tập, hoạt động theo giáo lý của Đức Thế Tôn. Vì vậy, việc liên kết và hỗ tương giữa hai tổ chức này là cần thiết và cần thực hiện sớm.
5. Quyết tâm thực tập tinh thần Hòa Hợp, Thanh Tịnh và Thương Yêu để hành hoạt và phát triển tổ chức đúng tinh thần của Đại Hội.
Bangkok, Thái Lan, ngày 30 tháng 10 năm 2012
Đại diện 25 phái đoàn và 127 Đại biểu đồng ký tên
(Sen Trắng sẽ cập nhật Quyết Nghị của Ðại Hội IV)