
(Bangkok, Thailand, 2016)
Ðạo Phật như nước, như hư không, ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Nhưng nước vẫn là nước, hư không vẫn là hư không chứ hư không và nước không thể là bầu hay ống được.
Từ đó ta thấy đạo Phật được lan tỏa đến đâu, thì sự an vui thánh thiện và tình người được thể hiện ở đó. Ðạo Phật cởi mở những ràng buộc khổ đau và si ám, nên đạo Phật không tạo dựng mâu thuẫn, trái lại, giải trừ mâu thuẫn, giải toả những nghi nạn vướng mắc. Ðạo Phật không tồn tại trên quan điểm đấu tranh tự tồn, tiêu diệt đối nghịch, mà là vô hiệu hoá những chướng ngại bằng trí huệ, đồng thời vạch rõ nguồn gốc của vạn pháp do vô minh mà khởi xuất.
Hạnh phúc và khổ đau, Niết bàn hay Ðịa ngục không phải là hai thái cực hoàn toàn cách biệt và đối lập, mà nó là hai hiện tượng của cùng một thực thể, cùng một vấn đề.
Mê thì vọng động, biến dịch, bị sanh tử luân hồi, bị khổ đau chi phối. Giác thì tịnh lặng, hoàn nguyên chân thể, hoạt dụng chu biến khôn cùng, vô ngại, tự tại, an lạc.
Cực thịnh như ở các đời Ngô, Ðinh, tiền Lê, Lý Trần… giá trị của đạo Phật không vì thế mà tăng thêm . Suy vi như trong thời chiến tranh Việt Pháp, thì giá trị của đạo Phật cũng không vì thế mà giảm sút.
Thuận duyên thì toả rộng, vươn cao, nghịch duyên thì cô kết thâm sâu.
Quốc thái dân an thì cây Bồ Ðề vươn cao mở rộng, để khuyến thiện, làm lành, kiềm toả tham dục, xây dựng cuộc sống hướng thượng, tập thử công đức, xây dựng nhân sinh, phát triển tình thương, hòa ái tốt đẹp.
Quốc gia lâm nguy, văn hóa suy đồi thì đạo Phật là nền nếp giềng mối, là gốc gác căn bản để xây dựng lại nền luân lý đạo đức chắc thật, chơn chánh, ích người lợi vật, bình đẳng khoan dung, tôn trọng lẫn nhau, thuận hòa trung tín, thắm tình người nhưng không chấp thủ và ái dục.
Trong lịch sử truyền bá của đạo Phật không phải lúc nào cũng hanh thông mà không gặp chướng ngại, nhưng đạo Phật không bao giờ chủ trương, chứ đừng nói khởi xuất chiến tranh. Vũ khí đạo Phật không phải là gươm giáo, súng đạn, mà là tình thương và trí huệ, với sự dõng mãnh của ý chí và nghị lực.
Người Phật tử chơn chánh dấn thân vào đời như là một chiến hữu của tình thương, vũ khí là con tim và trí óc chức không phải súng đạn, xe tăng, phi thuyền hay hỏa tiễn. Phật tử ở bất cứ thời đại nào cũng là những chiến sĩ vô danh.
Mười ba đời chư Phật thị hiện ra nơi đời chỉ vì một đại sự nhân duyên, ấy là “khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”. Tri kiến Phật không phải chỉ có Phật mới có, mà chúng sanh ai cũng có cái tri kiến ây. Có điều chúng sanh không biết hay chưa tìm ra chìa khóa để mở kho báu tri kiến Phật vậy.
Cuộc hoằng hóa của chư Phật suốt chiều dài thị hiện là lựa chọn chiếc chìa khóa thích hợp căn cơ, trao tận tay chúng ta để ngõ hầu cho chúng ta tự mở kho báu của chính mình. Cũng cần phải ý thức rõ ràng là ta đã đóng bằng cách nào thì hãy tự mà mở lấy. Không ai, kể cả Phật, có thể mở thế cho chúng ta.
Gia đình Phật tử Việt nam cũng không phải là chiếc chìa khóa vạn năng có thể mở các kho báu cho mọi đoàn viên của tổ chức, mà chỉ là một môi trường thích hợp có nhiều cơ may khả dĩ chuyển giao chìa khóa cho đoàn viên.
Do đó Huynh trưởng GÐPT Việt Nam phải là những Phật tử chơn chánh. Nghĩa là học thâm, hành đúng, kết hợp hài hòa thích ứng giữa lý thuyết và chuyên tu theo một pháp môn mà mình cho là thích hợp. DĨ nhiên là phải tham bái cầu pháp, có minh sư, có bảo huynh hướng dẫn hẳn hòi. Ðiều luật thứ ba của tổ chức có ghi: “Phật tử trau dồi trí tuệ – Tôn trọng sự thật.” Trau dồi trí tuệ để biết rằng: “Vạn pháp đều là Phật phgáp, Phật pháp chỉ là phương tiện; giải thoát giác ngộ mới là cứu cánh”. Do đó ta phải có bổn phận giáo dẫn thế nào để cho Ðoàn viên và Huynh trưởng dưới cấp xây dựng được một sự Thấy, Nghe, Biết chơn chánh, hay còn gọi là Chánh kiến. Trí tuệ thì dĩ nhiên là phải xa rời tham ái và chấp thủ.
Mặt thô của tham ái là phê phán và chỉ trích người khác mà không hằng xét lỗi mình. Tham ái là mảnh đất phì nhiêu cho sân tâm dễ dàng khởi xuất, nó đốt cháy gia tài công đức và đóng chặt cửa huệ trí, mặt khác nó mở cửa phiền não, địa ngục khổ đau.
Mặt tế của tham ái là chạy trốn sự thật, mà chạy trốn sự thật thì thường trú trong vô minh, nảy sinh những tâm địa kém hèn, luồn lách bợ đỡ để được vừa lòng cấo trên, cống cao ngã mạn với cấp dưới. Tệ hơn, có thể chạy theo đuôi hoặc bao che bè đảng để mưu cầu uy tín cá nhân, người Phật tử phải nên xa lìa.
Chấp thủ thì không nghe được cái hay của người. Phật pháp là giáo lý của Phật hướng dẫn chúng sanh đến chỗ thành Phật, cho nên khi nói Phật pháp thì không riêng có Phật pháp của Tiểu thừa hay của Ðại thừa. Phải ghi nhớ nằm lòng không có pháp nào riêng để tự độ mà gọi là Tiểu, cũng không có pháp nào riêng để độ tha mà gọi là Ðại. Ðại hay Tiểu là do quan niệm thế gian nhìn vào Phật pháp chứ đó không phải là nét chơn thường của Phật, vì Phật là đấng đại từ, không keo lẫn và bất bình đẳng đối với mọi loài chúng sanh.
Tất cả mọi hiện tượng phân tông lập phái của Phật giáo do các vị Tổ sư kiến lập, không phải để phá hòa hiệp chúng trong Tăng đoàn, hoặc xóa bỏ cơ chế của Giáo Hội, mà chỉ là triển khai cao độ các phương tiện thiện xảo, ngõ hầu đi sâu và độ khắp mọi loài chúng sanh, tùy thuận mọi tầng lớp căn cơ tập quán, văn hóa dân tộc, địa lý khu vực, thời gian, không gian.
Huynh trưởng GÐPT là những cán bộ hoằng pháp của Giáo hội, đặc biệt lấy tuổi trẻ thanh thiếu niên làm đối tượng tiếp cận, thể hiện bản hoài của một Phật tử chơn chánh, giúp cho tuổi trẻ biết trân trọng Tánh Linh Phật của chính mình, tạo cho tuổi trẻ có được một đức tin sâu sắc: Ai ai cũng có khả năng thành Phật, để dõng mãnh phát tâm đi tới. Giúp cho tuổi trẻ Ðoàn viên của tổ chức có được những kiến thức cơ bản, có khả năng trạch pháp, lựa chọn pháp môn tu học và hành trì.
Quán tính của “chấp thủ” thì thường chỉ nói và biết về mình, nhưng nếu tự quán để soi rọi về mình sẽ thấy rằng: thực ra chưa biết rõ mình là cái gì, biết về mình mà thực ra chưa biết mình là ai cả. Bởi khi biết là biết cái gì đó khác ta, ngoài ta, như vậy hóa ra chính một bản thân lại có đến hai cái TA, một cái “ta biết” và một cái “Ta-bị-biết”. Kết cục giữa đối tượng và chủ thể của “biết”, nếu nói cái nào thật cũng sai, mà cái nào cũng giả cũng sai. Luẩn quẩn trong phạm trù nầy nhà Phật gọi là mê, mê thì hồ đồ và tất cả chỉ là hý luận.
Ðó là chưa nói đến mặt thô của chấp thủ, làm đoạn mất hạt giống của thiện hữu khi tín tâm chưa kiên cố, khởi sanh các phiền não, làm thối chuyển hạng sơ phát tâm, làm giao động và hoang mang lòng chúng.
Tỉnh giác trước sự thật! Sự thật đó là sự hiện hữu chu biến của báo thân, báo thân chánh quả do thân, khẩu, ý tạo tác trong tiền kiếp, hội đủ nhân duyên tạo thành xác thân ngũ uẩn hiện tại, cũng gọi là Chánh báo, và những khía cạnh hình thức khác như nhà cửa, ruộng vườn, tài sản, quyến thuộc, họ hàng, quốc gia xã hội… gọi là Y báo. An trú trong sự thật, tĩnh giác trước thực tại, cũng gọi là Chánh niệm sẽ nghiệm thấy sự chu biến do mê vọng mà có, sanh tử từ đâu mà lại, nghiệp báo khổ đau do đâu khởi sanh… có thể ta sẽ cảm nhận sự thảnh thơi buông xả, sự an lạc cho tâm hồn cao nhất mà ta từng kinh nghiệm.
An trú trong chánh pháp là việc làm cuả mỗi người, không hạn cuộc không gian và thời gian. Việc ấy cần kíp và chánh yếu, nó đòi hỏi quyết tâm ở ta chứ không nhất thiết đòi hỏi tương thuận của hoàn cảnh. Vì sao? Vì hoàn cảnh là y báo, mà chánh báo có thể cải chuyển y báo. Ðó là ý nghĩa của việc chuyển bánh xa pháp trong Nhơn-Thiên-giới, đó là sứ mệnh của Như Lai chơn trí, là sứ mệnh của kẻ hoằng pháp, và đó cũng là Sứ mệnh của Huynh Trưởng Vạn Hạnhchúng ta.
Trong hoàn cảnh hiện tại, khi nói đến bảy chữ “Sứ mệnh Huynh trưởng Vạn Hạnh” có thể một số anh chị e ngại, không an tâm, cũng có thể không đồng thuận cách dùng từ ngữ như thế, và công kích BQT là không thức thời. Bởi vì liên tưởng đến ngài Vạn Hạnh lúc xưa, thấy nhà tiền Lê suy vi bạo ngược, trong ý thức dân tộc và đạo pháp, ngài đã xây dựng một Lý Công Uẩn làm cuộc cách mạng êm thấm không đổ máu,\ tái lập và củng cố nền đạo lý dân tộc, mở màn những ngày tháng huy hoàng thạnh trị cho đất nước. Do đó mấy chữ “Sứ mệnh của Huynh trưởng Vạn Hạnh” có thể gây hiểu lầm như ẩn ý khơi gợi lại một điệp khúc lịch sử, có thể chuốc lấy những phiền toái, nếu không nói là nguy hiểm nữa là khác.
Thật ra trên một khía cạnh nào đó, ý thức phòng xa cũng rất tốt, nhưng đứng trên quan điểm của Phật giáo thì không chuẩn, bởi khi ta hành mà lòng có cong vậy, mới chiêu cảm sanh phần ứng tác họa lai. Còn đây, ta học có phương, ta hành có pháp, phương pháp ấy không ngoài chương trình ta học có công bố rõ ràng. Chúng ta phải có tinh thần trách nhiện trước Giáo Hội, trước lịch sử. Hơn nữa, không ai ép buộc, áp lực bắt ta phải tham dự trại nầy, mà là chính lương tri ta thao thức vì lý tưởng phục vụ thế hệ trẻ.
Trại sinh Vạn Hạnh không phải là những con người cầu danh, háo thắng, mà là những con người thiết tha với đạo pháp và luôn ý thức rằng: Là một Phật tử, chúng ta phải ghi nhận thâm ân của chư Phật, vì hạnh nguyện từ bi cứu độ chúng sanh, mà đã thị hiện thiên bách ức hóa thân để dẫn dắt chúng sanh. Suy nghĩ đó thúc đẩy chúng ta quyết dốc lòng báo đáp, bằng cách kết hợp nhau vừa tu vừa học cho đến ngày giác ngộ trọn vẹn mới bằng lòng. Trong nỗ lực tự thân ấy, chẳng những nêu cao gương tốt hạnh lành, mà còn góp một phần công đức khiêm tốn, trong thiện ý khuyến hóa kẻ khác tấn tu hành đạo, mà trước mắt là thế hệ trẻ. Mục đích tổ chức quá rõ ràng, một lý tưởng hợp đạo lý và trong tầm tay chứ không phải viễn vông, bởi vì tổ chức của chúng ta đã, đang và sẽ vẫn tiến hành thực hiện mục đích ấy, dù phải kham nhẫn dưới bất kỳ thời tiết nắng mưa nào! Vấn đề là tùy bản chất từng cá nhân có chạy trốn, bỏ cuộc hay không mà thôi. Mặt khác, chúng ta cũng đừng quên những trở ngại do hoàn cảnh khách quan nếu có, thì đó là những nghịch duyên khảo đảo, bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra, dưới hình thức nầy hay hình thức khác, mà thuật ngữ nhà Phật gọi là Ma chướng. Trong thế giới hiện tượng, thái độ và tư tưởng “cầu toàn” cực đoan là thái độ không thực tế chút nào.
Nội ma, tức ma chướng tự trong ta, đó mới là một trở ngại khó vượt. Tâm phải phát, nguyện phải lập, chí phải vững, lòng phải bền thì đấu chiến thắng được thành Phật. Tâm không phát, nguyện không lập, lòng không kiên, chí không quyết, thì phiền não khổ đau, nghiệp chướng không thể dứt được, vĩnh kiếp tuần lưu trong lục đạo. Chứ không phải pháp Phật không rốt ráo, đạo Phật không huyền nhiệm, tế vi.
Như Lai Sứ thì không dùng trí phân biệt để hành sử Phật đạo, mà chỉ tùy thuận nhân duyên trú xứ, thường ủng hộ kẻ có duyên lành. Hạnh của người Phật tử là hóa giải, tiêu tai để đi đến chỗ cát tường (tốt đẹp) chứ không phải khuất phục tiêu diệt bằng sức mạnh và trấn áp.
“Sự” không suốt, “Lý” không thông, thì lúc nào và ở đâu cũng có chướng ngại, nói nôm na là Ngoại ma, tức chướng ngại phát sanh từ hoàn cảnh. Phật thấy chướng ngại ấy khó vượt thoát nên ở Kinh Ðại Phương Tiện, Tôn giả Phú Lâu Na đã nương oai thần của Phật để nói về Ngũ Minh Pháp, mà trên con đường học đạo và hành đạo, hơn một lần chúng ta đã phải nghiên cứu sâu sắc công năng của Ngũ Minh Pháp để truyền đạt, huấn luyện Huynh trưởng sơ cấp và cấp I.
Lại được huấn luyện và học tập ở các cấp dưới, rằng tổ chức GÐPT từ lúc được khai sáng với các danh hiệu Ðồng Ấu Phật Tử, Gia Ðình Phật Hóa , Thanh NIên Phật Học Ðức Dục… và cho đến nay là Gia Ðình Phật Tử, là cả một chuỗi dài đóng góp xây dựng không ngừng, đòi hỏi đầu tư trí tuệ và sức lực của cá nhân, của tập thể mà nên. Do vậy, sự kết hợp thành đạo tràng trong nghiên cứu, sự tuân thủ cấp bách, đồng bộ và thăng tiến lẫn nhau trên tinh thần trại trường là những điểm trọng yếu, có thể làm bộc phát những tư tưởng lớn, những sáng kiến hay, mà chúng ta cần phải duy trì và phát triển.
Ðất nước chúng ta hình cong chữ S, chạy dài từ biên giới Trung Quốc đến vịnh Thái Lan. Hai đầu rộng, có bình nguyên bao la, cung cấp lương thực cho cả nước. Khoảng giữa, dãy Trường Sơn ăn thông ra tận biển, đất xấu, thiên tai bão lụt thường đe dọa. Cuộc sống của nhân dân ba miền mỗi nơi một khác, nghề nghiệp không ổn định, điều nầy kéo theo môi trường sinh hoạt của các GÐPT cũng không giống nhau, cần có nhiều mô hình sinh hoạt khác nhau để thích nghi mà hòa nhịp với cuộc sống của Phật tử, tạo sự khai thông đạo mạch mà vẫn giữ được sự thống nhất lãnh đạo, thống nhất tổ chức điều hành và thống nhất được chương trình tu học.
Ðây là một vấn đề nhiêu khê, phức tạp, đòi hỏi một chương trình, một phương pháp được nghiên cứu sâu sát và phải cập nhật hóa. Cho nên các nhà lý thuyết của tổ chức phải là những Huynh trưởng gắn bó đầy tâm huyết với tổ chức, không phải chỉ những ngày chủ nhật, những dịp trại mà là cả cuộc đời, cả một tâm hồn thiết tha vì đạo nghiệp.
Gia đình Phật tử, con đẻ của Giáo hội, được các vị Tăng già, Thạc đức, các Cư sĩ lương đống của Giáo hội khai sáng, ấy thế mà đã tiên phong trong phong trào thống nhất trên toàn cả nước, thúc dục các hội đoàn Phật giáo kết hợp nên Tổng hội Phật giáo, rồi đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, có Hiến chương, có Lưỡng Viện, đưa phong trào chấn hưng Phật giáo đến điểm cao. Tác dụng qua lại giữa Giáo hội và tổ chức GÐPT đã cho thấy sự chan hòa như nước với sữa, giữa hai thành phần xuất gia và tại gia. Tiếng nói của Phật giáo Việt Nam trên cộng đồng sinh hoạt Phật giáo thế giới, đã gây sự thiện cảm và lòng kính trọng của các Giáo hội bạn. Một đề án tuy không mới đối với chúng ta, nhưng là một thể tài phong phú đối với những nhà xã hội học hằng quan tâm đến sự hạnh phúc an lạc của nhân loại và nền hoà bình thế giới.
Thị Nguyên Nguyễn Ðình Khôi