
Thơ Tôi Có Dáng Em Ngồi, tác giả Ngô Vân Quy,
Lotus Media tái bản tại Hoa Kỳ, 2016
Tranh: Họa sĩ Ðỗ Duy Tuấn – Trình bày: Uyên Nguyên
Xuất bản đầu tháng 9, 2016
Sau khi thưởng thức trọn vẹn thi tập này, tôi lần giở những tập thơ của Ngô Vân Quy đã xuất bản (có đánh dấu* sau đây) để dõi xem hành trình thơ anh sãi dài bao xa, vũ trụ thơ anh trương nở thế nào.
Thì đa phần thơ Quy bây giờ vẫn đậm đà thâm hậu lục bát như nhà thơ Thái Tú Hạp bày tỏ: “Những hơi thơ lục bát đích thực tài hoa, thanh thoát siêu nhiên, chớ không là những bài vè nông cạn ao hồ ngơ ngẩn”, (Em, Đã Trong Ta Từ Tiền Kiếp*, 1995).
Thì đa phần thơ Quy bây giờ vẫn thắm đượm Phật lý như nhà thơ Du Tử Lê từng nhận xét: “Bước vào sinh phần thơ Ngô Vân Quy, dù với thể thơ nào, ta cũng cảm nhận được cái hương vị cửa Phật, mùi Thiền, dù ông không hề đề cập tới Phật Tự hay Thiền Sư”, (Khổ Đau, Hạnh Phúc Lũy Thừa Có Không*, 1999).
Các ý kiến trên thật chính xác, nhưng thơ Ngô Vân Quy vẫn có nhiều điều hơn, đáng kể.
1.
Trước đây, nhà văn Mai Thảo có nhận xét về văn và thơ của Quy rằng: “… Mở vào thời thế và đời sống là những chuyện ngắn đầu tay của Ngô Vân Quy đã in thành sách”, và “… Tiếng thơ Ngô Vân Quy là hình ảnh khuất lấp… Vườn thơ (…) là phần tâm thức và rung động bản ngã hơn…”, (Khổ Đau, Hạnh Phúc Lũy Thừa Có Nhau*). Nhưng qua cuốn Cõi Thơ Tôi Có Em Ngồi này ta thấy không riêng gì văn xuôi mà thơ của Quy cũng đã, khi khẽ khàng lúc rộn rã, mở vào thời thế và đời sống. Thời thế và đời sống của chính thân phận tác giả và của cả thân phận quê hương, cha mẹ, con cái, người tình, chiến hữu, bè bạn, luôn cả cái môi cảnh, phố phường, đoàn hội nơi Quy đang lưu cư.
Phải chăng sau bao nỗi lao lung, tất bật cho cơm áo; đa đoan, nặng nợ gánh vác nhiều vai trò, nghiệp vụ khác nhau; thăng trầm, nổi trôi với những gánh tình được mất, mà lúc nào cũng hoài vọng một chốn an bình, tỉnh lặng, nay Quy hốt nhiên thấy đời người như tuồng ảo hóa, sao quá ngắn ngủi: “Ngày xưa… vừa mới hai mươi / Hôm nay tôi đã… sáu mươi… nhỡ rồi…” Và bởi thế Quy muốn tự tình, tâm sự với chính mình và với người còn kẻ mất, nói cho hết những u tình dằn nén, tỏ cho hết những suy nghĩ, cảm xúc. Là tự tình nên thơ thành tự sự. Bởi là tự sự nên lời thơ, tứ thơ của Quy có khi bộc bạch dung dị như ngôn ngữ đời thường, không vờn vẽ “hoa lá”, chẳng tô phết “màu mè”. Sử dụng gia tài lục bát hương hoa quê hương, thơ Quy nhiều khi thật mộc mạc, chân tình, dạt dào hương vị ca dao:
– Cỏ cây khóc đứng khóc ngồi / Sơn hà tổ quốc bồi hồi nhuốm đau.
– Tôi yêu em tận giang đầu / Yêu em từ thuở qua cầu cuối sông.
– Áo em vương trắng nghìn mây / Khiến anh dạ nhớ lòng ngây ngất tình.
Trái với nhân dáng bên ngoài-phong cách lịch lãm yêu đời, y áo nghiêm túc thời thượng-nội tâm Quy lại dằn xóc trăm nỗi, khi như một trời giông bão, khi lịm liệt ưu sầu. Nhưng có dằn vặt, trở trăn cách mấy, anh vẫn mang mang những hoài vọng vượt thoát.
Với thân thế mình, anh chua chát:
– Người ta anh dũng sao nhiều thế / Tôi thằng lính bại giữa trời quê.
– Tôi xa quê mấy vạn ngày / Làm tên du mục lưu đày cõi ai.
Với quê hương mù tắp, anh vật vã:
– Giòng sông khóc lệ trên trời / Quê tôi dương thế tuyệt vời khổ đau.
– Quê hương một bóng trăng mờ / Sầu che bóng lại bên bờ nghiệt oan.
Với hương linh, mồ mã Tiên Tổ, Mẹ Cha khuất bóng , anh nhớ thương, dằn vặt:
– Quê nhà tôi cứ mãi can qua / Ngoài tầm tay, nội ngoại mộ huyệt ngà / Xin khấn niệm đến nhang tàn khói lạnh.
– Mẹ ơi, gậm nhấm cuộc đời / Con nay hiểu được cả trời yêu thương / Mẹ cho con cõi thiên đường / Để con ngụp lặn giữa vườn nhân sinh.
– Chiều nay con thắp nén nhang / Tủi thân phận, nhớ vô vàn nhớ Ba / Ba ơi, non nước mất rồi / Con xa ngàn dặm một đời lưu vong.
Buồn than là thế, nhưng Quy vẫn mơ ngày về sống êm đềm với quê cha đất tổ, chằm vá lại những rách nát tang thương:
– Thân lưu cư chờ đón dịp quay về / Bên bếp hồng tro ấm ủ tình quê.
– Hôm nào, mai mốt tôi về lại / Con nước dòng sông một tấm lòng.
bởi vì anh luôn ghi khắc lời cha dạy:
– Vườn rau, ao cá phải thương / Thời Lê, Trần, Lý bao gương anh hùng / … Mình là nòi giống Lạc Long / Nghìn năm chống giặc tô hồng nước Nam.
Đồng đội huynh đệ chi binh, từng xông pha giữa đạn bom, bạn bè sinh tử luôn là ấn tượng son sắt trong tâm khảm Quy:
– Nhói đau nhè nhẹ nơi buồng phổi / Sương, Vũ, Sơn ơi, nhớ bọn mày / Hôm đó trời mưa như tang phủ / Xuống ngọn đồi xưa chớm tháng hai / …Bọn bây nhắm mắt, thôi, vĩnh tuyệt / Từ đó… đâu còn thấy được nhau.
– Chiều nay ra thăm nghĩa trang /Thăm thằng bạn ngủ giữa hàng cây cao / Nằm sâu dưới đất hôm nào / Bôn ba rồi cũng dạt vào nơi đây.
Nhưng dù âm dương cách trở, anh vẫn có lời hứa với người mất và cả với mình:
– Người đi tôi ở trước sau / Dặm đường chung cuộc có nhau đó mà.
Với con cái, anh dặn dò những điều nhân hậu, nghĩa tình:
– Khi rảnh rỗi đừng lo ba nữa / Hãy dành lúc thăm ghé ân cần/ Những người già buồn sống xót xa / Nơi dưỡng lão đời như quên lãng /…Hãy như thế chúng mình sống với / Một tấm lòng làm dịu sầu vơi.
2.
Riêng tình yêu nam nữ, như một định luật bất biến, bao giờ cũng có sức thu hút, đánh động con người. Mọi sắc thái tình yêu được diễn tả thường xuyên trong văn chương, nghệ thuật. Thế nên, đâu có gì lạ khi tình lứa đôi đã chiếm đa phần dung lượng thơ Quy.
Ngô Vân Quy làm thơ tình qua nhiều thể loại. Với lục bát, thơ diễn đạt khi bình dị, chơn chất như ca dao, “tài hoa, thanh thoát siêu nhiên” (chữ của nhà thơ Thái Tú Hạp). Có phải “tài hoa” là bởi từ ngôn mới mẻ, cảm xúc và hình ảnh được cấu kết linh hoạt, bóng bẩy, ẩn áo, tân kỳ trong văn mạch lẫn trong ý tưởng. Có phải “thanh thoát siêu nhiên” là bởi âm vận, thanh sắc của thơ nhẹ nhàng, mượt mà, mang chở được tâm ý thoát tục, phiêu hốt (thiền tính), vượt khỏi mọi trói buộc, câu thúc (đam mê) dù ở tình huống nào trong cuộc sống. Vâng, cái đáng yêu, đáng mến mộ là, qua thơ, Quy đã quấn quyện, chan hòa, tan hợp vào nhau thật điệu nghệ, tài tình các đối cực đam mê / thiền tính, nhập thế / xuất thế, dính mắc / xả ly;… Có thể nói thủ pháp dung hợp tục đế và đạo đế của Quy thật thiện xão. Dung hợp không những không chút gì gượng gạo, khiên cưỡng, mà lại làm cho thi ảnh thêm diễm tuyệt, cao sang, thi tứ thêm sắc sảo ý nghĩa, đậm đà ẩn dụ, lời gọn mà ý nhiều.
– Một chiều ta đứng cuối sông / Thuyền trăng xin hãy ân cần đón đưa / Phù du một kiếp ta vừa / Chuông vang, ngựa hí dị thừa làm sao.
– Mình ơi tiền kiếp nhói đau / Cầm tay trái lú qua cầu nhớ quên / Quên sao những tháng êm đềm / Sa tăng đứng ngó ngọt mềm còn đâu.
– Chiều ôm kinh ngủ rồi say / Bên em chung rượu chợt cay đắng đời / Bỗng đâu tâm tỉnh thức rồi / Ồ thì ra “ngộ” giữa trời bể dâu.
3.
Trạng huống hợp / tan, có / mất tức tính vô thường cũng là đề tài nổi cộm trong thơ Quy. Những hình bóng người nữ đi qua đời anh như những chớp sáng rực rỡ rồi khuất chìm vào bóng tối, như sông nước xôn xao, xanh biếc, đổ xuống từ nguồn cao thanh khiết rồi cũng trôi mất tăm vào cõi xa mù. Những người đồng đội sinh tử có nhau trong trùng vây bom đạn, vượt rừng lội suối, ăn ngủ chung chiến hào, tưởng là cuộc cộng sinh gắn bó suốt đời, thế rồi cũng bất ngờ nằm xuống muôn năm. Quê hương, thôn làng, phố phường một thuở bình yên, tươi đẹp ai dè rồi phải ngậm ngùi chia xa. Cha mẹ, anh chị em mới bên nhau khắn khít đã phải đành đoạn giả từ biền biệt. Trong tình yêu lứa đôi, Quy sống trọn vẹn với đam mê, tha thiết, đến độ tin chắc chết xuống tuyền đài, tình vẫn sắc son, “cảm ơn em một chút tình / về trong địa phủ mang hình em theo”. Gặp gỡ, đưa đón, hò hẹn, mắt môi đắm đuối, rượu say đồng ẩm, chăn ấm chung đắp, tưởng thời gian hạnh phúc sẽ miên trường, tưởng không gian riêng hai người sẽ bất biến, nhưng rồi “bây giờ cõi trống mênh mông / bây giờ em cũng phòng không nhớ người”. Và cố nhiên tình lỡ thì sầu, tình xa thì nhớ, tình mất thì tiếc, Quy chỉ còn gặm nhấm nỗi buồn không nguôi nguây, nỗi cô quạnh trĩu đè, nhiều lúc phải lấy rượu tiêu sầu, la cà cùng bè bạn tìm quên. Nhưng, là đấng mày râu, lòng phải hào hiệp, độ lượng, Quy đã lên tiếng chúc lành, mong người tình hạnh phúc duyên mới, “tình ta con nước chảy qua cầu / em hãy tươi như hoa vừa nụ / là tôi vui lắm với nghìn sau”. Nếu duyên tình cả hai không tròn vẹn, hoặc gặp trắc trở, lận đận, lao đao như đôi chim gãy cánh, Quy cũng mong người tình chóng vánh vươn lên huy hoát, sớm tìm được an lạc hạnh phúc, còn bản thân Quy thì bất chấp, “mai kia tôi đọa ta bà/mong em nhẹ gót kịp qua niết bàn.”
Càng nếm trải những đổ vỡ, thất bại trong tình trường, càng kinh qua những mất mát trong tình quê cha đất tổ, thân tộc, bạn bè, Quy đã liễu ngộ sâu sắc lẽ vô thường của vạn pháp, tính mộng huyễn, bào ảnh của vạn hữu, là những phạm trù mà Quy biết từ lâu. Từ cái biết của tri kiến đến cái liễu ngộ là một bước nhảy sinh tử. Bài học lớn của Quy là tìm về phương thuốc thiền tĩnh, xã ly để đối trị vướng mắc, hệ lụy. Hình ảnh chú tiểu, nhà sư, kinh tụng, chuông mõ, mật chú, tràng y, thiền thất an tịnh, nhang trầm ngát hương, hoa sen nở rộ,… đã thành những hình tượng nổi bật, thường xuyên trên đường Quy tìm đến, an trú cận lập và thực hành tĩnh lặng để giải khổ, diệt lụy.
– Nghe kinh Diệu Pháp mà mơ / Một đài sen nở nương nhờ cội tâm / Chắp tay tôi lạy muôn phần/Nghìn câu sám hối tội ngần ấy mang.
Và với ý thức thực tại, ngay khi đang yêu, đang quyến luyến lợi danh, Quy cũng cảnh giác trước việc còn mất, tự nhắc nhủ về sự hợp tan.
– Khi về chợt thấy ta đi / Nhìn ra cõi sống có gì vấn vương.
Thiền tính xông hương, ướp vị thơ Quy từ những cay đắng và tỉnh giác giữa đời thường. Tuổi đời càng chất chồng, ý Phật, lời kinh càng thấm nhập trong Quy. Quy đã thể hiện được tâm thức thấm nhập đó qua những bài thơ hay đẹp khi quảng diễn lời chú “Án Ma Ni Bát Di Hồng”, “Bát Nhã Tâm Kinh”, những cảm nghiệm trước bi lực cứu độ của Quán Thế Âm.
Một nét đặc biệt trong thơ Quy là mơ về hay chấp nhận cái chết để làm cuộc hóa sinh. “Vậy nghe em thế cũng vừa / Để tôi ngã chết cuối mùa xuân sang”. “Dường như tôi đã chết ngàn năm / Từ con trăng cũ sang tơ tằm”. “Thắp nén nhang xin lạy cả muôn trùng / Cho tôi được hồi sinh ngày trở lại”. “Chiều nay thắp lại nén nhang / Tôi xin khâm liệm để tang hồn mình”. “Lá ơi chẳng hẹn chẳng thề / Mai này tôi, lá nằm kề bên nhau”. Là người rành rẽ Phật pháp, chắc chắn Quy xem cái chết là chuyện đương nhiên trong chu trình sinh trụ hoại diệt. Và tin luân hồi như cầu nối để lại tái sinh. Tri kiến và tín tâm này như dược chất diệu dụng xoa dịu khổ đau bi lụy, làm lành mọi vết thương lòng. Hóa sinh là để chuyển nghiệp, mang thân phận mới, lập cuộc đời mới, rũ bỏ mọi cưu mang, đa đoan, hệ lụy cũ. Tái sinh là dịp để tìm kiếm lại những gì mất mát, tái ngộ lại người xưa dang dở, gặp gở lại những nơi xa cách mịt mùng. Tôi tin tưởng phần sâu xa, ẩn tàng trong tận tâm thức Quy là ý hướng triệt ngã bởi Quy biết chấp ngã là nguyên nhân của muôn vàn vướng mắc, khổ lụy và xem cái chết như một biểu thị tinh thần triệt ngã tích cực và cuộc hóa sinh như một cách thế, cơ hội phục hoạt điều chân thiện mỹ. Thơ của Quy đã vẽ ra những gam màu u tối của đau buồn, ảm đạm của bi ai khổ lụy, nhưng đan xen vào lại có gam màu tươi mát của lạc quan, sáng sủa của hy vọng. Bài toán gay go của cuộc đời, Quy luôn tìm ra đáp số.
Không gian và khí hậu thơ Ngô Vân Quy có sự đổi thay, tiếp diễn như thời tiết, như chuyển mùa. Vui rồi khổ như nắng rồi mưa. Hợp rồi tan như ngày rồi đêm. Sinh rồi tử, được rồi mất như xuân rồi hạ, thu rồi đông. Hình ảnh, ý tưởng trong thơ Quy vì thế luôn dao động giữa những đối cực. Nhưng Quy đã đan dệt những mâu thuẫn này thật dễ dàng, khéo léo, hòa quyện chúng thật sắc sảo, bóng bẩy. Thơ Quy vì thế phát tiết được một triết lý sống thâm trầm cho kiếp nhân sinh: sống hết mình với ngã thể tại thế và thăng hoa mình với năng thức xã ly cùng bản tâm tỉnh tại. Nội hàm thơ Quy dễ làm ta nhớ lại tâm lý học phân tích của Carl Jung đã vạch ra hai khuynh hướng Hướng ngoại / Hướng nội (Extrovert / Introvert), những cặp Cái tôi / Bóng tối (Ego / Shadow), Cá tính / Ảnh Hồn (Persona / Soul-Image), Tình / Lý (Ero / Logos) , như những đối thể tương phản nhưng lại bổ sung, bù trừ cho nhau, chúng song hành tiềm tại trong năng thức, trong tâm thần (psyche) toàn diện của con người, bao biện cả hữu thức lẫn vô thức. Bị xô ngã và đứng dậy, nội kết và giải kết, bị bủa vây và tự giải thoát luôn luôn hổ tương, đắp đổi để quân bình đời sống, nếu không sẽ khủng hoảng, điên khùng. “Đã có lần em nói chắc anh điên / có lẽ điên nên chuốc lấy muộn phiền”. Và để tái hồi sự tỉnh táo,“phố phường ơi, đời vội vã, anh thiền/nên xa hẵn niềm riêng vùng thế tục”. Trên lộ trình duy thức, thơ Quy hiện rõ hai mặt tương liên của tâm sở bất định và tâm sở thiện mà khinh an cùng hành xã là hai nét thơ đẹp, cao sang, thanh thoát, thi vị trong ý thơ, lời thơ, ngữ điệu của Quy.
– Tôi ngồi cạnh bóng hương từ / Nghe đời vỗ cánh thực hư giật mình / Thầy nhìn giọt nắng lung linh/Tôi nhìn chợt thấy nụ xinh hé mầm.
4.
Tôi nghĩ rằng thơ Ngô Văn Quy không chỉ đậm nét thiền tính mà có cả hơi hướng triết lý hiện sinh. Sống là tra vấn và tự xác định sự hiện hữu của chính mình: “Khởi từ cát bụi vô thường/Sao ta mang hết miên trường trên vai”; “Bấp bênh tôi, cõi phận mình / Trên vai thánh giá tội tình gì đây”; “Tôi nhìn tôi, lắm tội tình/Hoàng hôn phía trước, dặm nghìn đời sau”. Tổng thể tập thơ cho thấy Quy nhận thức rõ mình đang oằn người đi trong cõi ta bà đảo điên, phiền toái, sống với hoạt diễn của thực tại thường xuyên mâu thuẫn, bất túc, bất toại. Những gì anh trân quý, yêu thương, trọng vọng (quê nhà, cha mẹ, người tình, đồng đội, bằng hữu, danh tước, chức vị,…) thảy đều vô thường, có mất không ngờ. Với tình yêu đôi lứa, anh biết rõ vương vấn, quyến luyến sẽ khổ, nhưng bảo “bớt yêu, thôi yêu, đừng yêu” hẵn anh ta không chịu. Cứ yêu, yêu nhiều, yêu đậm, yêu đắm đuối, yêu mê mệt, “Hôn em mật ngọt như lời/Bàn tay níu lại không rời rã nhau”, “Mắt môi dấu ấn ươm nồng / Cùng anh ở trọ ngực hồng đêm nay”. Ngày sau có sao thì Quy sẽ tìm về chốn tịnh, nơi thiền để tự mình cứu độ mình. Yêu rồi khổ, rồi tìm diệt khổ, rồi lại yêu và cứ thế tiếp tục xoay vần tái diễn. Ở trên tôi vừa nói rằng trong Quy có cái “tâm ý vượt thoát mọi trói buộc, câu thúc qua đam mê và tâm ý thoát tục, phiêu hốt qua thiền tính”. Cái nào anh cũng muốn qua cầu và “đáo bỉ ngạn” cả. Khi yêu, anh vắt cạn hết tâm sức. Khi tan, anh đến với kinh cầu, chuông mõ để tìm về cõi tỉnh giác, giúp ra khỏi cơn huyễn mộng. Nhưng, tìm đến kinh cầu chuông mõ của Quy cũng là cơn mộng khác. “Trầm nhang tỏa ngát hương đài / Thỉnh chuông tôi vẫn mãi hoài chân mây / Thiền y mà vẫn tù đày / Vẫn ma ảnh ám vẫn đày đọa tâm”. Sống tình / sống thiền, mộng tình / mộng thiền chỉ là những đắp đổi, bù trừ để cuộc sống bớt phần ngột thở, ngất ngư. Tâm ý ước mong vượt qua sông lớn là một chuyện, nhưng có đặt chân thấu bờ bãi bên kia lại là chuyện khác. Quy quá rõ điều này, nhưng anh vẫn bằng lòng sống hết mình với thực tại trùng vây. Anh như chấp nhận giọt nước hiếm hoi đầu lưỡi dù phải lết chân đi trong sa mạc nắng gió ngày đêm. Anh như bằng lòng mảnh gỗ bám víu mong manh dù phải dập dềnh giữa bão bùng biển dậy. Sống và dám sống như thế là một chọn lựa thật bi đát, bởi anh biết cuộc đời, cuộc tình vốn luôn ủ mầm bi đát. Sống bất an, bất toại vì không có gì là thực hữu, là tồn tại trường cửu, anh cảm nghiệm được tính phi lý (Albert Camus), buồn nôn (Sartre) của đời sống. Anh thường mô tả cuộc sống bi thảm đó là: đánh lừa, lưu đày, mộng du, phù du, hư hao, lao đao, chao ngã, tội tình, phiền trược, lụy phiền, khổ đau, mù mịt,… và rõ hơn: “Cõi tôi / có một mông lung / Ngày đi đêm ở / mịt mùng can qua / Có, không ôi chút nhạt nhòa / Có, không tôi vẫn mù lòa nơi đây”, thế mà anh vẫn chấp nhận sống với, sống say sưa hết mình, quả là một thái độ sống duy ý chí, tự xác nhận mình là một hiện hữu tự do, một chủ thể tự quyết, vượt trên cuộc sống nhàm chán, tầm thường (Heidegger).
Phải chăng với Quy, cuộc đời hư huyễn như cơn mộng. Hiện hữu và tồn sinh trong cõi mộng là một sinh-thể-mộng. Vậy, nói theo lối bình dị, sống mộng mơ trong trần gian mơ mộng âu cũng là điều thuận hợp, tất nhiên. Quy mãi sống trong mộng, dù đang ở đời hay ở chùa. Anh giống như Trang Tử giữa ngày, mơ mình hóa bướm. Mộng và thực khó phân. Ta và vật khó biết. Trang Tử kết luận đó là “vật hóa” (transformation of things). Người nay cứ xôn xao giải mã hoài cái ẩn nghĩa, cái công án giấc mơ đó qua ngỏ Đạo ảo huyền của Lão Trang (hư vô, vô vi), hay bằng tâm lý học nhị nguyên Tây phương (ngoại giới / nội giới, ý thức / tiềm thức). Lại có vị cao tăng Phật giáo phải một phen đem duy thức ra mà sớ giải đôi lời đạm bạc, chỉ cần hiểu rõ thức biến sẽ nhận ra mộng và thực thế nào (xem Thức Biến của HT. Thích Thiện Siêu). Không có tôi (kiến phần), không có cảnh (tướng phần) làm sao biết cảnh đẹp xấu ra sao (tự chứng phần). Anh chưa từng gặp em, không hề biết đường đi lối về của em, làm sao anh ngủ mộng thấy hai đứa chung bước song hành. Mộng từ thực mà có. Nhưng kỳ cùng, mọi sự mọi việc (vạn pháp) như cái thằng tôi, cảnh vật, anh, em, đường đi, nẽo về, tình yêu, khát vọng, ham muốn,…trên cõi đời này hay trong giấc mộng thảy đều do thức biến hiện, chỉ là hư ảo, không thật. Tuy vậy, làm người ai không từng mộng. Cầu mong cái chưa có, chưa đến là mộng là mơ, cứ gì phải say ngủ như Trang Chu mới có mộng, cứ gì phải ngủ với mắt chớp nhanh REM (Rapid Eye Movement) mới có mơ. Cho người tình của mình diễm tuyệt như đại mỹ nhân Tây Thi trên lầu Cô Tô không phải là mộng ư? Xem mình như bậc quân vương ngày đêm có nàng ái hậu quấn quít, thủy chung bên mình, khi ở trong cung vàng điện ngọc hay khi du lãm sông hồ, chẳng phải là mơ chăng? Ai cũng rõ đã là thi sĩ hẵn phải nhiều mộng mơ. Không mơ làm thơ sao được! Mơ mộng có thể chẳng dạy cho ta bài học khôn ngoan thực tế nào, chẳng cho ta một kiến thức thực tiển nào, chẳng giúp ta tìm ra lời giải rốt ráo nào cho cuộc sống trăm ngàn nghi nan. Nhưng người làm nghệ thuật hiểu rõ rằng nếu không mơ mộng thì khó có sáng tạo. Họa sĩ Pablo Picasso bảo: “Máy điện toán thật vô dụng, những gì chúng có thể cung cấp cho bạn toàn là những câu trả lời” (Computers are useless, all they can give you are answers). Thơ là sự sáng tạo kỳ diệu không những trả lời cho cuộc đời đầy nan giải, hóc búa, mà còn thăng hoa, tô vẽ cho đời đẹp hơn, thi vị hơn. Chọn Mơ và Thơ là chọn cú nhảy tuyệt vời của người vừa nhập thế vừa xuất thế, của tên xiếc qua lại với nụ cười trên dây nối hai đầu hạnh phúc và khổ đau, giữa ta bà và niết bàn, giữa địa ngục và thiên đàng. Được sinh ra và làm người cho ra con người quả thật là bi tráng như Nietzsche đã nói: “Con người là sợi dây nối giữa con vật và Siêu Nhân, một sợi dây giăng trên hố thẳm (Man is a rop tied between the animal and the Superman, a rope over an abyss). Mơ mộng là bay cao trên các tầng mây ngút ngàn, lặn sâu dưới mấy vực đại dương tối thẳm như muốn thoát ra khỏi phận người, sao nói là đang dẫm đạp những bước chân hiện sinh giữa nhân gian trần thế. Không đâu, sau khi sống hết mình với thần thức lạc quan, yêu đời, đầy nhựa sống, rồi trải nghiệm đời sống đầy bi kịch, Quy mơ vượt thoát và thường tìm về chốn thiền tỉnh; chuỗi sống như thế đúng là ba giai đoạn hiện sinh mà Kierkergaard-một trong những ông tổ của thuyết hiện sinh-tự nói về mình: giai đoạn hiếu mỹ, giai đoạn đạo hạnh và giai đoạn tôn giáo (xem Thụy Khê, Giới Thiệu cuốn Triết Học Hiện Sinh của Trần Thái Đỉnh). Mơ chính là khát vọng, là tự do tuyệt đối của con người-một hữu thể tại thế, một cách thế đáp trả cuộc đời hư vô, dùng hư vô đáp trả hư vô. Thơ Quy tràn ngập những giấc mộng đời, mộng tình:
Trên từng sinh lộ chập chùng
hôn như mê ảnh trùng phùng với ai
Ừ thì em vẫn liêu trai
dìu anh về với cơn dài mộng du.
5.
Trong thơ Quy thường xuất hiện hai hình ảnh đêm và mưa hoặc đêm mưa đi chung. Đêm là không gian đóng, ẩn kín, che dấu, khuất lấp; nó khởi dẫn hay biểu thị cho nội tâm, cảm xúc, ý nghĩ sâu lắng, âm thầm, riêng tư. Mưa là cảnh tượng sũng ướt, buồn bã, cô quạnh, vắng vẻ; nó khởi dẫn hay biểu thị cho tâm trạng chùng xuống, u trầm (như sự rơi của hạt mưa), đơn độc, lẻ bóng (như cảnh mưa, thường vắng người đi ).
Đêm/mưa khiến người thơ nhớ về dĩ vãng vui buồn như cuộc gặp gỡ lần đầu hoặc tái ngộ hoặc chia tay một người tình; như lúc người chiến hữu tử trận; như khi thất tha thất thiểu một mình buồn chán, ngán ngẫm việc đời, người đời,… Nếu không có đêm, Quy lại mở ra một không gian thiếu ánh sáng, mờ tối khác như: chiều tà, nắng phai, đèn mờ, ánh sao sa, thấp thoáng ánh đèn, phố không đèn, hoàng hôn, trăng mờ, trăng tà, trăng nhàu, nguyệt tàn, nguyệt tận. Nếu không có mưa, Quy sẽ vẽ ra những tố chất thể lõng khác như: sương, suối, biển, con nước, sông, giọt lệ, hoặc cả tập hợp “dòng sông khóc lệ trên trời”. Mưa làm lòng Quy sũng ướt, nhũn mềm, nhớ nhung dồn về như nước lũ. Mưa trong thơ Quy rơi theo nhiều thể cách: mưa nhẹ, mưa bụi, mưa ngâu, mưa dầm, mưa lũ, mưa trắng cả trời như phủ tang, mưa thấm ướt người thơ, người tình. Đêm và mưa không còn là ngoại cảnh bình thường, mà đã trở thành diễn hoạt của nội tâm. Đêm và mưa không chỉ là cái cớ khởi dẫn tâm trạng, gợi lên bao cảm xúc khác nhau của người thơ mà chính là tâm trạng, cảm xúc của người thơ và lan sang cả người đọc. “Phố mưa em bước ngập ngừng / Ôm nghiêng cặp sách ướt quần trắng em”. Ô hay, sao lại ngập ngừng, sao lại ôm nghiêng cặp sách? Cũng chỉ vì quần trắng gặp mưa. Hai câu thơ có một sự xáo trộn thứ tự nhân quả vừa thuận vừa nghịch. Thuận: vì mưa nên ướt quần. Nghịch: vì ướt quần nên ngập ngừng. Nếu là quần màu hay quần tây thì đâu ra nông nỗi. Nhưng dù là quần gì, không gặp phải mưa, thì có sao đâu. Mưa là thủ phạm gây ra nỗi e thẹn, do dự chân đi, luống cuống tay cầm của người thiếu nữ; mưa đã là nhân tố tạo sự đồng cảm, thương cảm hay thú vị cho người đọc.
Một bài thơ khác của Quy có câu: “Ngoài hiên nắng dọi dị thừa / Xuyên qua áo ngắn khi vừa gặp nhau / Lưng ong hở trắng nghìn sau…” Không rõ ở đây, nắng mưa là bệnh của trời (Nguyễn Bính), hay là bệnh mắt hoặc mắc bệnh của thi nhân mà người đời lại khen có mắt nhìn tinh tế. Thơ Quy thật đáo để!
6.
Chất Huế và chất hoài cổ trong thơ Quy rất dễ bắt gặp. Không những nó rõ nét trong các bài thơ đầy hình ảnh thành quách, địa danh, phương ngữ của cố đô Huế đã đành, nó còn vương vất ở từ ngôn, “giọng điệu”, phong cách, nhất là cái chất lãng mạn với “thú đau thương” kiểu con trai Huế. Cô gái Huế có làm cao ngoãnh mặt, quay lưng, chàng trai Huế vẫn “trày da tróc vãy” trồng cây si không chút mặc cảm thẹn lòng, và dù bị cho “leo cây”, bị từ chối, bị phụ bạc, chàng ta vẫn đằm đằm không một lời trách móc, giận dỗi, oán hờn. Có xót lòng quặn dạ cách mấy chàng cũng chỉ nhẹ nhàng lên tiếng “những người tình bỏ ta đi như những giòng sông nhỏ” (Trịnh Công Sơn). Quy cũng vậy, cầu chúc cho người tình rời vẫn nhí nhảnh bước chân chim, vẫn mượt mà tóc mai phơ phất gió mát, vẫn lồng lộng áo bay không gợn chút tà huy, vẫn thơm tho thịt da lừng hương trăm cõi, và dù không chắc hạnh ngộ quy hồi, Quy vẫn chân tình chúc phúc: “Mừng em vui giữa trần gian / Xa xa anh ngắm hai hàng mắt cay”, “Em hãy tươi như hoa vừa nụ / Là tôi vui lắm với…nghìn sau”.
Thời này và có lẽ cả về sau, không ít đôi lứa âm thầm tự ví mình như Romeo và Juliet, Rhett Butler và Scarlett ‘O’ Hara (Gone With The Wind), Kim Trọng và Thúy Kiều, Phạm Thái và Trương Quỳnh Như, v.v… Riêng Quy thường ví von cuộc tình của mình cũng sang cả không khác gì của bậc quân vương với phi thiếp sũng ái thời vương triều Việt Nam ở văn vật Thăng Long hay kinh sư Phú Xuân, hoặc vào thuở rực rỡ huy hoàng của vua chúa Trung Hoa cổ đại: “Bây giờ dậu nhớ mồng tơi / Minh Hoàng nhớ thiếp trên ngôi cửu trùng”, hay “Như vua du lãm sông hồ / Em như ái hậu ngự Cô Tô đài”. Khi người tình buồn khổ niềm riêng, Quy ví von với cung tần, mỹ nữ trong chốn cung phòng quạnh quẻ, tóc rũ , lệ tuôn, phấn phai, son nhạt, “buồn như cung nội đêm tì thiếp”. Những từ đôi hay cụm từ điển tích như: Kinh Kha, Trương Chi, đất Ngô bến Tề, dây tơ hồng, lời bướm hoa, qua cầu tử sinh, nước chảy qua cầu, sông cũ bến chờ, trầu cau, hữu duyên thiên lý, hữu xạ nhiên hương,… được Quy khéo léo lồng vào trong thơ, tạo nên hình ảnh hay ý tưởng ẩn dụ, ví von với vài từ ngắn gọn, không những gây liên tưởng rộng mà còn vương vương nét hoài cổ quen thuộc, thân thương.
7.
Sẽ gặp những bài thơ trùng lập cùng một chủ đề, một ý tưởng trong thi tập này. Chẳng hạn, mấy bài nói về người thiếu nữ một thời Quy vấn vương ở đất Thần Kinh. Mấy bài tả tâm trạng quạnh vắng khi người tình lỡ đã biền biệt chia xa. Mấy bài kể những lần lui về nơi u nhàn, an tịch tìm nguôi nguây dịu nhẹ những sóng gió của tình, của đời hay của tình đời. Mấy bài nói về buổi họp mặt của đồng đội chung quân chủng một thời… Những bài thơ như thế là do ngẫu trùng hay lập lại có dụng ý? Hay do tâm trí anh có niềm ám ảnh dây dưa, nỗi nhớ không thể khỏa lấp, bóng hình dĩ vãng không sao xóa mờ? Có thể lắm, nhưng chưa hẵn đó là những lý do chính. Người làm thơ, người nghệ sĩ nói chung, bao giờ cũng cầu toàn cho tác phẩm của mình. Chữa lại bài thơ cũ bằng cách chọn chữ , thay âm vận cho hay đẹp hơn, diễn cảm hơn, xứng hợp với tứ thơ là điều thường tình đối với nhiều nhà thơ. Nhưng sáng tác hẵn một bài thơ mới với cảm xúc đang dâng tràn nảy sinh từ một đối tượng cũ, hình bóng cũ đã-nói-rồi, dù sao người làm thơ vẫn thích hơn, nghĩ rằng đạt hơn, vì cảm hứng lúc này chính là hồn tính trung thực, nguyên vẹn với sự “xuất thần”. Trong nghệ thuật, ta thấy rất nhiều những trường hợp này, ngay với những nghệ sĩ bậc thầy. Không thiếu những tác phẩm lừng danh của các thiên tài họa sĩ, dưới ánh sáng quang tuyến X, cho thấy những lớp màu, nét cọ sửa chữa, tô chồng lên lớp cũ còn tươi ướt trên tấm vải nền. Hoặc họ vẽ tiếp một hay vài bức tranh mới cùng nội dung như tranh cũ. Văn hào Tolstoy, sống trong thời buổi chưa có máy đánh chữ, đã viết đi viết lại danh tác Chiến Tranh Và Hòa Bình đến lần thứ tám mới xong. Người làm nghệ thuật học hỏi và kiện toàn tác phẩm của mình bằng chính tác phẩm đã xong của mình. Tác phẩm của một nghệ sĩ không những là thước đo tài năng mà còn chính là vị thầy của nghệ sĩ đó. Điều thường xảy ra cho văn nghệ sĩ sáng tác là họ cảm nghiệm rằng tác phẩm họ vừa cho ra đời không hay bằng chính tác phẩm đó khi còn được sắp xếp, được dự phóng trong đầu. Nhiều tứ thơ, ảnh tượng thơ thành hình trong não thức thật diễm tuyệt, thế mà khi nhảy ra vờn múa bằng chữ nghĩa, từ ngôn lại thấy bất toại. Làm nghệ thuật là chụp bắt chân thiện mỹ, chạy theo cái bất tận của vạn hữu, cái vô cùng của tâm hồn, cái uyên mật của thần tính bản nhiên trong ta trong cảnh. Nghệ thuật không bao giờ dừng đứng, nghệ sĩ say sưa liên tục sáng tạo cũng vì cứu cánh của nghệ thuật hầu như bất khả thấu đạt đó. Ngô Vân Quy làm thơ nhiều bài giống nhau phải chăng cũng trong tinh thần đuổi bắt cái toàn hảo này.
8.
Trong thi tập này, Ngô Vân Quy có bài thơ ngắn “Thơ Và Em” sau đây có thể nói hết tâm ý của nhà thơ:
Em và thơ
anh chọn ai
Em là hơi thở
thơ là máu
Chẳng có thơ
anh sống thế nào
Mai kia mốt nọ
khi nằm xuống
máu vẫn là thơ
hơi thở: em.
Dù không nói ra, điều khẳng định đã rõ: không có em lẫn thơ, anh sẽ chết. Nhà thơ tham lam muốn “bắt cá hai tay”, và như rằng nhà thơ lo ngại “Không có em, anh không làm thơ được. Mà dẫu được, thơ cũng sẽ không hay, không đạt”, thôi thì đem cái chết ra hù để em động lòng mà ở lại với anh chăng. Vì có em mới có “khổ đau, hạnh phúc”, con tim anh khi căng phồng nỗi vui hay tím bầm ai oán thì nguồn thơ mới phát tiết, tâm thức anh khi bay bổng cánh diều hoan lạc hay rơi vùi xuống vực thẳm điêu linh thì mới có chuyện để ngân nga vần điệu. Ơ, sẽ có câu hỏi cắc cớ: “Có Tình thì Thơ mới xuất hiện, vậy nếu không Thơ thì Tình có đến chăng?” Xin trả lời: “Có chứ!” Tại sao cứ nghĩ thơ chỉ có trong văn chương, chữ nghĩa. Đón người mình yêu tận cổng trường, rồi chung bước đường về, “Nên thơ quá”. Đưa người đẹp dạo bờ biển, sóng vỗ rạt rào, gió thổi hiu hiu, hay giữa đồi vắng thông ru, cỏ mượt, “Thơ mộng quá! Mời người tình vào một quán vắng, gọi ly chanh đường uống môi em ngọt, hay ly café đắng thở hơi em thơm, đầu chụm đầu, nhỏ to tâm sự, “Thi vị ghê!”. Viết cho người đẹp một bức thư tình lâm ly thắm thiết, hoặc tặng nàng một tá hoa hồng thắm đỏ như màu máu con tim, hoặc gảy đàn và hát một bản tình ca thổn thức tặng riêng nàng, “Lãng mạn thật!”. Nên Thơ, Thơ Mộng, Thi Vị và Lãng Mạn như thế không phải là Thơ đích thật sao!? Chất thơ đâu chỉ ủ mật trong những bài thơ viết ra thành lời hay lúc diễn ngâm; chất thơ ủ men trong mọi hình thái (ánh mắt, môi cười, tay nâng niu, chân luống cuống…), trong hành trạng, trong cả tứ oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi. Chất Thơ, đó là năng lực, năng lượng của Tình, là hấp dẫn lực mời gọi Người Tình. Và với thi sĩ – con người mộng mơ, đa cảm, đa sầu – thì chắc Tình lại càng dễ đến hơn, cho dù đó là tình-yêu-đơn-côi hay tình-một-chiều.
Chẳng cần rõ “Tình là cái chi chi”, nhưng chắc chắn từ Tình mà biến hóa, sáng tạo ra đủ thứ, rõ nhất là sáng tạo ra Con Người và Nghệ Thuật. Tình yêu gắn bó lứa đôi rồi sinh trưởng người nối dòng. Tình yêu pha trộn các chủng tộc rồi sinh con lai giống, tạo tác nên giống người mới, sắc dân mới, cùng định cư trên một cương vực hay lập quốc trên một địa hình riêng. Riêng phạm trù nghệ thuật cũng phân thân đủ mọi bộ môn: văn chương, điêu khắc, hội họa, ca, vũ, nhạc, kịch nghệ, nhiếp ảnh, điện ảnh v.v… Mỗi bộ môn này lại chẽ ra nhiều thể loại, chẳng hạn văn chương có tiểu thuyết, thơ, kịch bản, hội họa có hiện thực, ấn tượng, trừu tượng, lập thể,… Gene Fowler, nhà báo, viết sách, viết kịch bản điện ảnh và sân khấu nổi tiếng Hoa Kỳ, có một câu dọa dẫm thời danh: “Viết dễ mà: bạn chỉ việc ngồi nhìn chằm chằm vào tờ giấy trắng cho đến khi trán rĩ ra từng giọt máu”. (Writting is easy: all you do is sit staring at a blank sheet of paper until the drops of blood form on your forehead). Tôi chắc với Quy (hay với nhiều thi sĩ khác như Trần Dạ Từ, Trần Vấn Lệ chẳng hạn) không đến nỗi phải đổ máu trán, chỉ cần xúc cảm dâng lên hay quá lắm là lệ đổ khoé mắt hay chảy ngược trong lòng cũng đủ thi hứng xuất hiện. Nếu nhà thơ là “nòi tình”, làm thơ chắc không khó gì. Một thời, thi sĩ Trần Dạ Từ yêu chị Nhã Ca ghê lắm, viết nên thi tập “Thuở Làm Thơ Yêu Em”. Cái tiêu đề này cho thấy “có em, anh hay làm thơ và, làm thơ hay”. Trong bài “Làm Thơ Không Biết Mệt”, ông nói với chị-bậc hiền thê-khi ông vừa lành bệnh: Hãy ghé nụ cười em gần lửa / Cho anh nhìn rõ / Hãy ghé hơi thở em gần bánh / Cho anh nuốt ngon / Hãy sung sướng cùng anh vừa đau dậy / Như anh sung sướng yêu em yêu loài người / Sung sướng yêu sự sống yêu sự chết / Và sung sướng làm thơ không biết mệt. Trên hết vẫn là “yêu em” rồi mới đến “yêu loài người, yêu sự sống, yêu sự chết” hoặc giả “nhờ yêu em hay nhờ tình yêu đôi lứa của chúng mình mà anh thành lạc quan, yêu đời, cái gì anh cũng yêu cả”. Cũng vậy, Trịnh Công Sơn tự thú: “Yêu em lòng bỗng từ bi bất ngờ”. Tôi dài dòng như trên cũng chỉ muốn chứng tỏ Tình Yêu ghê gớm thật, Thơ và Tình xoắn xít nhau như cây chùm gửi, như cá với nước. Ngô Vân Quy quá khôn khi xác quyết “Em là hơi thở, Thơ là máu”; không em, không thơ anh sẽ chết; ngay chỉ ngột thở hay thiếu máu cũng đủ vong mạng, cứ đâu ngừng thở hay đứng máu mới tuyệt mệnh. Càng yêu em anh càng làm thơ. Và, em càng đọc thơ anh, những lời tỏ tình, bao điều xưng tụng em, em sẽ càng yêu anh thêm. Lỡ xui xẽo, một mai hai đứa chia tay, anh vẫn còn có Thơ, làm Thơ để than oán, giải sầu, vơi khổ. Nhưng khi xa em/em xa, chưa hẵn xa mặt mà lòng anh sẽ cách, như Trịnh Công Sơn thú nhận: “Người ngỡ đã xa xăm, bỗng về quá thênh thang / Người ngỡ đã đi xa, nhưng người vẫn quanh đây”, tóm lại “Tình ngỡ chết trong nhau, nhưng tình vẫn rộn ràng”. Tình vẫn rộn ràng nên nhạc sĩ tiếp tục làm nhạc, họa sĩ tiếp tục vẽ, thi sĩ tiếp tục làm thơ. Bài thơ của Quy còn một ẩn ý: “Không có em, không có thơ, anh sẽ chết. Nhưng dù em có bỏ anh, tình anh vẫn rộn ràng em, con tim anh vẫn rộn ràng em, trí tưởng anh vẫn rộn ràng em, nên anh còn làm thơ. Còn em, còn thơ, có nghĩa anh vẫn còn hơi thở, còn máu đỏ để sống”. Bài thơ tinh tế ở chỗ vạch ra một chuổi liên hệ biện chứng giữa hơi thở và em, giữa máu và thơ, qua đó em và thơ cũng tương sinh, tương hợp, không thể tách rời như hơi thở và máu giao hòa trong cơ thể. Hơi thở là nguồn cung cấp dưỡng khí cho máu đỏ. Em là dưỡng chất nhiệm màu để phát tiết thơ anh. Em và Thơ có mối liên hệ hữu cơ. Nhưng, câu kết bài thơ mới “tuyệt cú”, và cũng chứng minh ẩn ý vừa nêu: “Mai kia mốt nọ khi nằm xuống / Máu vẫn là thơ, hơi thở: em”. Có gì mâu thuẫn hay phi lý chăng? Thi sĩ chết rồi, tức trút hơi thở và máu ngừng chảy, theo luận lý toán học: hơi thở = em, máu = thơ, vậy khi hơi thở và máu triệt tiêu (chấm dứt), thì em và thơ cũng triệt tiêu (diệt vong). Không phải vậy, nhà thơ nào mà chẳng có hoài bão với niềm tin tưởng sâu lắng rằng: ta mất, nhưng thơ sẽ lưu lại với đời, và trong thơ vẫn đầy hình bóng em, chuyện tình chúng mình vẫn còn để đời. “Nay hóa thân giữa cõi mù / Tam thiên thế giới ao tù đời sau / Thơ tôi ai đọc thuộc làu / Hiểu tôi…ai cũng chia nhau nụ cười”. Em và Thơ vẫn là cặp-đôi-tồn-hữu-miên-trường. Tôi bảo bài thơ này của Quy là Tuyên Ngôn Tình Yêu Của Thi Sĩ chắc không ngoa.
*
Như thế, có thể nói, từ những thi tập trước cho đến thi tập này của Ngô Vân Quy, cái chất đam mê cường toan trong tình yêu đắm đuối say sưa dù chưa mất hẵn nhưng cũng dần dần lắng dịu lắng theo tuổi đời, những ngọt bùi, dấu ái nay lóng lánh sắc màu dĩ vãng, thơ Quy bây giờ là cảm nghiệm sâu sắc về lứa đôi và cuộc đời, càng lúc càng diễn đạt tinh tế mọi cảm xúc, bắt nhạy ngoại cảnh và nội tâm, không đơn thuần là chỉ sao vẽ, chụp ảnh lại chúng thật đúng, thật đẹp, thật diễm ảo, tuyệt vời mà còn bật lên những suy tưởng, cách sống để phóng thoát khỏi phận người luôn bị cuộc đời nghiệt ngã dìm xuống, vây hãm. Những bài thơ bây giờ của Quy như lớp lớp phù sa màu mỡ, càng lúc càng phủ dày, lan rộng, đang là và hứa hẹn mở ra một thổ nhưỡng khoảng khoái, sinh động, mỹ lệ , rất thú vị và đầy ý nghĩa.
UYÊN NGUYÊN, 2013