
Đây là một trong những thuật ngữ bị hiểu lầm nhiều nhất trong Phật Giáo.
“Thương” là một loại cảm xúc (emotion) thuộc bình diện tư duy nhị nguyên (dualistic; hai đầu)—đầu này là thương; đầu kia là ghét. Trong thực tế cuộc sống, chúng ta “thương” những người này, và “ghét” những người kia. Hơn nữa, vì thuộc về cảm xúc, cho nên “thương” chỉ là một phản ứng tâm trước một đối tượng nhất định nào đó. Nhìn thấy một tai nạn, các bạn dừng xe quan sát và cảm thấy thương cho nạn nhân. Rồi các bạn cũng phải đi tiếp, và các cảm xúc khác lại khởi lên trước những cảnh tượng khác.
Trong Phật-Pháp, trong lúc “vọng tưởng” là nhân của xung đột, tranh chấp, chiến tranh, thì “cảm xúc” là nhân của sinh tử luân hồi; vì vui-buồn, thương-ghét, v.v., mà con người phải chịu tái sinh không dứt.
Vì thế Từ-Bi không phải là cảm xúc, mà là một trạng thái tâm thiện-vô-lậu (good & pure). Tuy nhiên, Thánh điển cho biết, trong tâm phàm phu chúng ta, loại tiềm năng này chỉ bằng “lượng đất trong móng tay”. Muốn phát triển hai trạng thái tâm này thì phải tu học, rèn luyện, chứ không phải tự nhiên chúng sinh nào sinh ra cũng có sẵn. Với những người lấy giác-ngộ-viên-mãn làm lý tưởng tu học thì tâm Từ-Bi chính là nền tảng của Bồ-đề Tâm (bodhicitta). Không khai phát được Từ-Bi thì không thể đặt chân vào Bồ-tát đạo.
Phật học chia tiến trình tu tập Từ-Bi thành 3 giai đoạn: Chúng Sinh Duyên Từ Bi; Pháp Tánh Duyên Từ-Bi; và Vô Duyên Từ-Bi. Loại cuối thuộc về Chư Phật; loại giữa của hành giả đã thực chứng Tánh Không; loại đầu dành cho Bồ-tát Sơ Phát Tâm.
Chúng-sinh-duyên-từ-bi là khởi tâm từ-bi đối với TẤT CẢ CHÚNG SINH trong ba cõi, mong cho họ sớm đạt được niềm vui của niết-bàn giải thoát; đồng thời mong cho họ sớm thoát khỏi khổ đau của sinh tử luân hồi.
Với một tâm lượng như thế, Từ-Bi dung nạp tất cả chúng sinh thiện-ác, thương-ghét; và trở thành một truyền thống tu học của nhà chùa Việt Nam, với thành ngữ “cửa Từ-Bi rộng mở.” Cho dù có thành viên nào ngổ nghịch, “nan điều nan phục” đến mấy đi nữa thì các vị Sư Trưởng không bao giờ đuổi họ ra khỏi chùa, trừ khi họ tự ý bỏ đi. Bởi vì, ngoài nhà chùa ra, không nơi nào trên trái đất này có những điều kiện giúp con người cải thiện bằng những nơi “có từ-bi”.
Chúng ta nên nhớ rằng, trong truyền thống giáo dục của Phật Giáo, không chỉ ở Việt Nam mà khắp cả Á Đông, nhà chùa còn có tên là “Tuyển Phật Trường”—nơi rèn luyện để trở thành các bậc-giác-ngộ; chứ không phải là nơi vân tập của các vị Phật-Đã-Thành.