
Có lẽ tháng Mười, là dịp tốt nhất để Anh-Chị-Em chia sẻ một vấn đề mà lâu nay, theo một quan niệm thiếu cơ sở, đã thành một sự nhầm lẫn chăng, trong sinh hoạt truyền thống của GĐPT Việt Nam tại Hoa Kỳ(?).
Tôi cẩn trọng để xin Trưởng niên Quảng Dũng Hồ Chí Cường gởi cho một copy Biên Bản Đại Hội toàn quốc kỳ III, hầu tham khảo, ở đó quả thật có những chi tiết mà chúng ta đã lướt qua một cách hời hợt, rồi ban hành thành văn bản.
Xin thưa, ở đây, tôi chỉ làm công việc nêu lên một vấn đề, mà câu trả lời, kết luận xin nhường lại cho tập thể.
*
Đại Hội III, lần đầu tiên nêu lên các ngày Lễ Truyền Thống, gồm các ngày Hiếu (Ngành Oanh); Dũng (Ngành Thanh, Thiếu và Huynh trưởng Nam) và Hạnh (Nghành Thanh, Thiếu và Huynh trưởng Nữ), như sau:
– Ngày Hiếu (Lễ Vu Lan Bồn, 15-7 ÂL);
– Ngày Dũng (Vía Xuất Gia, 8 tháng 2 ÂL);
– Ngày Hạnh (ngày Kỵ của Cố Huynh Trưởng Tâm Chánh Hoàng Thị Kim Cúc, 27 tháng Chạp ÂL)*
Đồng thời trong “bộ nghi lễ truyền thống” , có thêm các ngày lễ truyền thống khác: (tham khảo Nghi Lễ GĐPTVN):
– Kỷ niệm thành lập G.Đ.P.T.V.N
– Lễ Hiệp Kỵ toàn quốc 7-3 ÂL (Húy nhật Cư Sĩ Sáng Lập Viên Tâm Minh – Lê Đình Thám).
– Ngày Nguyện (Ngành Thanh) 17-11 ÂL (Vía Đức A Di Đà).
– Lễ Lên Đoàn 8-2 ÂL (Vía Bổn Sư xuất gia).
– Thi Vượt Bậc, Lễ Thọ Cấp 8-12 ÂL (Vía Bổn Sư thành đạo).
Theo truyền thống, Ngày Hạnh của GĐPTVN ở quê nhà, chọn ngày Vía Quan Âm (19 – 2 ; 19 – 6 ; 19 – 9 Âm lịch), đồng nhất cách chọn ngày Vía hoặc Lễ PG cho ngày Dũng và Hiếu. Và cũng cần lưu ý nêu lên một điểm thắc mắc, ngày Hạnh dành cho Ngành Nữ, nếu nói chung là Huynh trưởng, Thanh và Thiếu nữ. Nhưng ở đây lại có “Ngày Nguyện” dành riêng cho “Ngành Thanh (Nam/Nữ)”. Như vậy nguyên do nào có sự tách riêng một ngày truyền thống cho ngành Thanh?
Việc quyết định nêu cao tinh thần các ngày truyền thống trong sinh hoạt GĐPT như Hiếu-Dũng-Hạnh chỉ là sự lập lại truyền thống từ quê nhà, nên vì vậy, đây không phải là điều gì mới mẻ.
Duy, có một thay đổi lớn, cần phải hiểu đúng là Ngày Hiệp Kỵ Toàn Quốc như đã có từ Việt Nam, vốn xưa nay lấy ngày Giỗ của Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám làm mốc thời gian tổ chức, nhưng đã được Đại hội III thảo luận và thay đổi để chọn ngày Húy Kỵ của Cố Hòa Thượng Thích Thiện Minh làm ngày Hiệp Kỵ Hoa Kỳ, ngày mà hôm nay chúng ta gọi là “NGÀY TRUYỀN THỐNG”(?).
Vậy thì, thiển nghĩ GĐPTVN có nhiều “Ngày Truyền Thống” đã nêu trên, như Hiếu-Dũng-Hạnh-Nguyện v.v. (tham khảo Nghi lễ GĐPTVN), cho nên ngày mà chúng ta nêu danh xưng “NGÀY TRUYỀN THỐNG”, thông qua Đại Hội III, nên được hiểu đúng vốn là ngày HIỆP KỴ TOÀN QUỐC. Mặc nhiên không có thêm một ngày gọi là “NGÀY TRUYỀN THỐNG”, bởi HIỆP KỴ tự căn để, từ đại hội 1973, Đà Nẵng, đã được hình thành khái niệm Hiệp Kỵ và sau đó được công nhận là một NGHI LỄ TRUYỀN THỐNG của GĐPTVN. (tham khảo Nghi Lễ GĐPTVN)
Việc thay đổi Ngày Hiệp Kỵ Toàn Quốc không đồng nhất như quê nhà tất có những nguyên nhân xa, gần. Chúng tôi mong sẽ được trình bày chi tiết trong dịp khác. Nhưng một trong những yếu tố bấy giờ làm Anh-Chị-Em nặng lòng, tha thiết mong nêu cao tinh thần và công lao vô bờ của vị Ân Sư của GĐPTVN, qua sự hy sinh của Cố Hòa Thượng Thích Thiện Minh, nguyên là Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên, GHPGVNTN vào cuối thập niên 70, đồng thời minh định lập trường của một tổ chức đang hoạt động trong cộng đồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản.
Tuy nhiên, do yếu tố không gian lớn rộng và thực tế, theo đà sinh hoạt thành nếp, tuy đại hội III ấn định ngày Hiệp Kỵ truyền thống toàn quốc hàng năm vào dịp húy kỵ Hòa Thượng Thích Thiện Minh, nhưng thay vì BHD thiết lễ nghiêm trang đúng tầm vóc ý nghĩa tinh thần và hình thức – Hiệp Kỵ thường chỉ được tổ chức “kèm” trong những dịp đại hội, hội thảo toàn quốc, hay cấp Miền, hoặc trong các buổi lễ lớn nhỏ khác.
Duy, có một lần Lễ Hiệp Kỵ được tổ chức long trọng, đúng tinh thần của một trong NGHI LỄ TRUYỀN THỐNG quan trọng bậc nhất, tại khuôn viên chùa Huệ Quang, giai đoạn “Chúng tôi cầu nguyện cho Thầy chúng Tôi.” Đó là giai đoạn GĐPTVN tại Hoa Kỳ vận động yễm trợ cho sự phục hoạt GHPGVNTN tại quê nhà, khi mà nhị vị Hòa Thượng Thích Huyền Quang và Hòa Thượng Thích Quảng Độ, người thì lâm trọng bịnh, người bị quản thúc nghiêm ngặt. Lễ Hiệp Kỵ bấy giờ có đủ thành phần đại diện các nhánh GĐPT đang hành hoạt tại Hoa Kỳ, đã quỳ trước linh đài, di ảnh của Hòa Thượng, dâng hương cùng tuyên đọc lời “nguyện hợp nhất”!.
Lời tưởng niệm
nhân lễ huý nhật Cố Hòa Thượng Thích Thiện Minh
Lời tưởng niệm nhân lễ huý nhật Cố Hòa Thượng Thích Thiện Minh
và Hiệp kỵ đoàn viên GÐPTVN quá cố, 17 tháng Mười, 1996 tại chùa Huệ Quang, Santa Ana, California.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật Trong buổi lễ Giổ Tưởng Niệm trang trọng hôm nay, đông đảo mọi thành viên Gia Ðình Phật Tử Việt Nam tề tựu, cung đảnh dâng hương, cùng tâm thành:
– Ngưỡng vọng Giác linh Hòa Thượng Thích Thiện Minh, vị Thầy tổ chức tài ba, chỉ đạo và phát huy GÐPT, SVHSPT
Việt Nam;
– Kính bạch Giác Linh Chư Tôn Ðức Tăng Ni vong thân vì Ðạo Pháp và Dân Tộc, Chư Tăng Ni Cố Vấn Giáo Hạnh GÐPTVN;
– Kính Thưa hồn thiêng các chiến sĩ, Ðồng bào hy sinh vì đại nghĩa Dân chủ và Tự do cho tổ quốc Việt Nam yêu dấu;
– Kính thưa Hương linh chư tiền bối hữu công vận động, sáng lập, bảo trợ cùng quý Gia Trưởng, Huynh Trưởng, Ðoàn Viên quá cố của tổ chức GÐPTVN;
Tổ chức chúng ta, đã chọn ngày 17 tháng 10 thường niên, là tháng mà toàn thể Phật Giáo đồ Việt Nam bàng hoàng xúc động khi hay tin Hòa Thượng Thích Thiện Minh bị CS bức tử trong lao tù ở Bình Tuy – Việt Nam, làm mùa Truyền Thống để hướng tâm về nguồn và thành kính tưởng niệm sự nghiệp lẫn công hạnh của toàn thể Chư Vị đã nêu.
Toàn thể anh chị em GÐPT kính ngưỡng dâng lên 3 lời nguyện sau:
Ðiều Thứ I: Hôm nay, với sự kết đoàn nhất trí, mọi thành viên GÐPT nơi đây, nguyện luôn luôn thống hợp niềm tin và hành động thù thắng, bất thối cho tiền đồ sáng lạn của Phật Giáo, tương lai vẻ vang của Dân Tộc Tiên Rồng và cho sự lớn mạnh của tổ chức GÐPTVN mà chư vị lúc sinh thời đã đem hết con tim, khối óc và thân mạng để phụng hiến, xã thân.
Ðiều Thứ II: Hôm nay, với sự kết đoàn, nhất trí, mọi thành viên GÐPT nơi đây, Nguyện với ý thức trách nhiệm và bổn phận của một người Phật Tử thuần thành, của người công dân trung chính, sẽ đem hết tinh lực Bi-Trí-Dũng để kế tục sự nghiệp kiên trì và công hạnh sâu dày của Chư Vị tiền bối đã thắp sáng tấm lòng yêu nước, mến đạo, sẳn sàng đối phó và vượt qua mọi chướng duyên vô minh, mọi thế lực phi nhân tàn bạo.
Ðiều Thứ III: Hôm nay, với sự kết đoàn nhất trí, mọi thành viên GÐPT nơi đây, chí tâm Nguyện tinh thần của Lễ Huý Kỵ và Hiệp Kỵ không chỉ duy nhất được cảm nghiệm và suy tưởng trong giờ phút này, mà tinh thần đó sẽ kết nên thành tố sáng rỡ và bất hoại như Xá Lợi, sẽ thường trực và bền bỉ trong tâm chí và sứ mạng của mỗi nguời Áo Lam, là noi gương và hành hoạt theo nhân cách vô úy vị tha và khí phách anh liệt của các Chư Linh.
Toàn thể thành viên GÐPT đồng tâm cẩn bái tạc dạ và chí tâm tưởng niệm chư Linh.
Nam Mô thường Vô Úy Bồ tát Ma Ha Tát.
Trở lại, tôi những mong quý Niên Trưởng dày dạn trong tổ chức làm sáng tỏ việc này, vì đây là NGHI truyền thống cần duy trì và gìn giữ của Tổ Chức chúng ta.
- Giả thuyết, chúng ta thành lập một NGÀY TRUYỀN THỐNG, vậy nội dung của ngày này là gì? Tưởng niệm chỉ riêng Cố Hòa Thượng Thích Thiện Minh, hay tinh thần vẫn là Ngày Giỗ Chung cho tất cả các Thánh Tử Đạo, Ân Sư, Cư sĩ, Bác Gia Trưởng, Huynh Trưởng và Đoàn Sinh hữu công, đã khuất?
- Giả thuyết, NGÀY TRUYỀN THỐNG (được minh danh “NGÀY TRUYỀN TRỐNG” trong Bộ Nghi Lễ Truyền Thống của GĐPT), cần được hiểu là một Nghi Lễ riêng của GĐPTVNHK (Theo đại hội III), như vậy, việc duy trì ngày HIỆP KỴ TOÀN QUỐC với ngày Giỗ của cụ Tâm Minh Lê Đình Thám có còn áp dụng và thực hành không?
Gút lại, câu hỏi đặt ra, có phải chúng ta có một NGÀY HIỆP KỴ như truyền thống (Ngày Húy Nhật BS Tâm Minh) và, hiện nay chúng ta lại có thêm NGÀY TRUYỀN THỐNG (Ngày Kỵ Ôn Thiện Minh)?
Hay, NGÀY TRUYỀN THỐNG chính là NGÀY HIỆP KỴ (toàn quốc) vốn có xưa nay mà Đại Hội III chỉ thay đổi thời điểm thiết lễ. Nếu đúng, cần hiểu ý nghĩa, tinh thần nội dung và hình thức sinh hoạt NGHI LỄ này như thế nào? (tham khảo Nghi Lễ GĐPTVN).
Đồng thời, cần hiểu chính xác, mỗi Cấp có một Ngày Hiệp Kỵ (Giỗ Chung) riêng của mỗi Cấp đó(?).
Hơn ai hết, đối với quý Niên Trưởng đã có tuổi sinh hoạt trên 40, 50, 60 và 70 năm với tổ chức GĐPT Việt Nam, từ quê nhà cho đến ra hải ngoại, LỄ HIỆP KỴ tất nhiên rất quan trọng và thiêng liêng, cần trả lại đúng vị trí và ý nghĩa của NGHI LỄ này mà Đại Hội III, qua biên bản, không có phần giải thích mạch lạc, dẫn đến thực hành thiếu sót.
Nội Quy Quy Chế Huynh Trưởng cũng có phần “giải thích thêm”, các lãnh vực sinh hoạt Huấn Luyện, Hành Chánh, Nghi Lễ trong GĐPTVN đều có những bản “Nội Lệ” mà ngày nay, do hoàn cảnh sinh hoạt còn rời rạt và thiếu tài liệu chính thức, do vậy, khó tránh những tam sao thất bổn, và hiểu sai, chưa nói các văn bản ghi lại cũng có chỗ thiếu sót. Mặc dù, Nghi Lễ ở hải ngoại có nhu cầu đơn giản hóa hơn so với quốc nội.
Cuối cùng, xin nhấn mạnh lại một lần nữa, ở đây, chúng tôi nêu lên để mong được quan tâm và thảo luận, làm sáng tỏ vấn đề chứ không tạo thành một sự tranh cãi.
Trân trọng lắm thay!
Nam Mô Thường Hoan Hỷ Bồ Tát Ma Ha Tát.
Yuma, ngày 1 tháng 11, 2023
Quảng Pháp Trần Minh Triết