
“Năm chầy đá ngủ lòng khe;
Lưng trời cánh hạc đi về hoàng hôn”.
Thiên tải nhất thời, mây ngàn hạc nội – Chuyện đời đã qua ngàn năm có một, biết bao giờ trở lại. Hai câu thơ trên, thầy Tuệ Sỹ viết bằng chữ Nôm, dạng thảo thư, dùng mực Tàu đề trên vách gỗ, nơi cốc thầy an cư tại đất Diên Lâm, Khánh Hòa. Chỗ ấy, thầy đã dừng chân an cư ba lần, năm 2013, năm 2015 và năm, 2017. Sau mùa an cư năm 2017, ngày 4 tháng 11 Dương lịch, một cơn bão lớn đến thăm Khánh hòa, hòn núi này nó cũng ghé qua, mọi thứ xung quanh đều tiêu điều, kỳ lạ thay ngôi tịnh thất thầy ở vẫn “sừng sững hiên ngang” với đất trời. Giờ thì mây bay, hạc lánh, tháng ngày theo lá đổ lòng khe, cốc ấy “rêu trùm kẽ ngạch, cỏ lên mái nhà”, mọi thứ không cưỡng được với thời gian như nỗi niềm của thầy gửi gắm trong hai câu thơ kia.
Tôi bắt đầu câu chuyện cũng nơi vùng đất Diên Lâm này. Mùa hạ năm 2013, thầy về an cư đầu tiên trong một cái thất nhỏ nằm dưới lưng đồi. Chiều nào tôi cũng ở dưới phố chạy lên học giáo lý Duy thức với thầy. Mỗi lần tôi vào thất hầu chuyện, thường thấy thầy đọc một cuốn sách viết về khoa học não, không nhớ tựa đề. Sau này tôi biết thêm cuốn “The science of Meditation – How to change your brain, mind and body”, thầy thường mang theo khi ra Nha Trang an cư. Mục đích thầy đọc khoa học não để bổ túc kiến thức trong kế hoạch viết lời tựa cho tác phẩm vĩ đại Câu-xá luận. Thầy còn kể, thời gian trong tù, thầy nhờ người bên ngoài gởi sách toán vô cho thầy đọc… Thầy hay nói đùa, sau này tôi mất tôi sẽ tái sanh qua phương Tây làm nhà Vật lý học. Ở trong chùa học nhiều, đọc nhiều như thầy để làm gì? Tôi không phải kể cho độc giả nghe một người ngấu nghiến sách một cách ẩn dụ như con mọt sách (bookworm). Đọc sách nhiều thì cả thế gian này vô vàn. Nhưng đọc nhiều để nâng tầm nhận thức của mình thì số ít. Ví như cùng ngồi trên chiếc máy bay, không ai thấy mình bay, chỉ có người học vật lý mới hiểu do mình cùng di chuyển với vận tốc của chiếc máy bay.
Tôi không rõ việc tụng kinh trong chùa có lịch sử từ khi nào? Nếu có người hỏi tôi, đọc một cuốn sách giáo lý và tụng một quyển kinh, khác nhau hay giống nhau? Tôi sẽ trả lời, khác là chỗ tụng kinh phải ngâm nga, có mõ có chuông, xông trầm, đốt đèn, đốt hương… Tụng kinh phải trang nghiêm thế. Nhưng tôi thấy Hòa thượng Đỗng Minh lúc sinh tiền, mỗi sáng Hòa thượng đọc sách, để cuốn giáo lý trên bàn, ngồi nghiêm trang, ngay ngắn đọc chăm chú. Theo tôi không có mõ có chuông càng yên tĩnh dễ tập trung, may ra giáo lý còn có thể “đẳng lưu chánh pháp 等流正法”, từng giọt từng giọt chảy vào tâm. Ngày nay, trong chùa xem việc tụng kinh như khóa lễ tu tập, nhưng kỳ thật đó chỉ là đọc lại lời dạy của đức Thế Tôn để ứng dụng vào đời sống hằng ngày. Tôi không có ý xúc phạm vào văn hóa lâu đời trong Phật giáo, song theo tôi đọc kinh hay đọc sách giáo lý đều nhắm vào mục đích là để thay đổi nhận thức, thể nghiệm tu chứng. Nhiều bậc tôn túc trong đạo ngoài thời khóa tu tập cố định, họ đọc sách rất nhiều. Và nhìn họ giác ngộ hay chưa qua cách sống hằng ngày…
Ngày nay với việc phát minh ra Internet, máy đọc sách điện tử (e-readers), máy tính bảng (tablets) và các dự án như Wikipedia, Gutenberg đã thay đổi ngành công nghiệp sách giấy, thì càng tiện lợi cho nhân loại trau dồi kiến thức, thay đổi nhận thức. Thế nhưng tìm người trong đạo ngồi đọc sách nghiêm trang, chiêm nghiệm giáo lý để vượt thoát tử sinh thì heo hút mù khơi.
Muốn thay đổi cái tầm thường hiện tại thì phải tu, nên hiểu tu là phát triển, chứ không phải tu là sửa. Muốn phát triển phải đọc nhiều, học nhiều.
“Án sách cây đèn đôi bạn cũ,
Song mai hiên trúc một lòng thanh.”
Ngày 27 tháng 6 năm Nhâm dần
Tâm Nhãn
2 thoughts on “Tâm Nhãn: Đọc Để Thay Đổi Nhận Thức”