
Sáng sớm ngồi uống cà phê sau vườn và đọc lại hồi ký của Nelson Mandela. Chương 98 có những đoạn và những câu rất hay nên vào nhà tóm tắt lại cho các bạn trẻ đọc.
Thời gian đó, tháng 8, 1989, De Klerk vừa nhận chức tổng thống Nam Phi và quốc gia này tiếp tục rơi vào tình trạng bất ổn nghiêm trọng, cả đối nội lẫn đối ngoại.
Một trong những điểm quan trọng trong nghị trình của De Klerk là giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị Nam Phi và tìm một đường thoát cho đất nước nói chung và thiểu số da trắng nói riêng.
Đại diện tinh thần và đầu não cho phong trào chống Phân Biệt Chủng Tộc Nam Phi không ai khác hơn là tù nhân chính trị mang số 46664 Nelson Mandela (tù nhân thứ 466 năm 1964).
Để bày tỏ thiện chí với Nelson Mandela, TT De Klerk trả tự do cho một loạt các lãnh tụ ANC (African National Congress) ngoại trừ chính Nelson Mandela. Dĩ nhiên lúc đó chính phủ da trắng Nam Phi vẫn còn giam giữ nhiều tù nhân chính trị khác.
Hôm được trả tự do, một số chính hữu của Nelson Mandela tại nhà tù Pollsmoor đến chia tay ông. Sau nhiều chục năm sống chung với nhau trong vòng lao lý, theo Nelson Mandela, đó là buổi sáng đầy xúc động.
TT De Klerk thực hiện một số cải tổ khác như cho phép dân da đen được tắm trên một số bãi biển trước đây chỉ dành cho người da trắng dù họ chỉ chiếm 9 phần trăm trong tổng số dân Nam Phi.
Từ 1953, theo nội dung của đạo luật Reservation of Separate Amenities Act, tại Nam Phi gần như mọi phương tiện dành cho công chúng đều được phân loại. Không chỉ các công viên, hí viện, bãi biển mà cả phòng đi tiểu cũng được xếp dựa theo màu da.
Tháng 12, 1989, Nelson Mandela được TT De Klerk mời gặp.
Nelson Mandela đồng ý. Trước ngày gặp Mandela gởi cho De Klerk một lá thư làm sườn cho buổi thảo luận.
Trong thư Mandela đòi hỏi chính phủ da trắng Nam Phi phải trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị, xóa bỏ mọi hạn chế về tổ chức và cá nhân, ngưng thi hành Luật Khẩn Cấp, rút quân đội ra khỏi các khu vực da đen. Lá thư được gởi đến TT De Klerk một ngày trước buổi hẹn.
Nelson Mandela biết Nam Phi đang tiến tới một giai đoạn lịch sử quan trọng và nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực. Cả hai, TT De Klerk và chính ông cũng biết Nam Phi đang cạn máu và cần phải được giải quyết vì lợi ích chung của đất nước.
Điểm chung duy nhất Nelson Mandela được TT De Klerk yêu cầu là “một cam kết trung thực cho hòa bình”. Mandela đáp lại là ông sẵn sàng cam kết và hy vọng một nước Nam Phi mới sẽ được ra đời.
Sáng ngày 13 tháng 12, 1989, Nelson Mandela được đưa đến dinh tổng thống ở Tuynhuys để gặp TT De Klerk. Đó là lần đầu họ gặp nhau.
Sau vài phút chào hỏi xã giao thân tình, buổi thảo luận diễn ra căng thẳng. Nelson Mandela phản đối “kế hoạch 5-năm” của TT De Klerk trong đó có chủ trương thiết lập một hình thức phân biệt chủng tộc mới qua dạng các quyền dành cho nhóm người (group rights). Thoạt nghe quyền này hợp lý vì không một nhóm người nào dù đen hay trắng có quyền hơn các nhóm khác nhưng thực chất là để bảo vệ quyền của người da trắng. Theo Mandela đó chỉ là một cách hiện đại hóa chủ trương phân biệt chủng tộc thay vì xóa bỏ nó.
Tại buổi gặp gỡ này, Nelson Mandela nói với với TT De Klerk một câu mà hôm nay trở thành một trong những danh ngôn được trích dẫn nhiều nhất: “Một hệ thống áp bức không thể được cải tiến, nó phải bị hoàn toàn gạt qua một bên.”