
Khi ngồi gõ những dòng chữ này, trong tôi, vẫn giữ nguyên cảm xúc lúc Sư Chơn Trí đưa lên Chánh điện Lễ Phật, và đảnh lễ Xá Lợi Sư Ông Tịnh Đức.
Xá Lợi như viên ngọc trai sáng bóng, bất chợt lung lay. Sư Chơn Trí nói: “Đó, đó… Sư Ông đang ngoắc chào đó…” Bấy giờ cảm xúc từ lúc vừa bước chân về Chùa, rưng rưng trong lòng như thể không kềm nén được, chực tuôn. Tôi lúng túng lui vội ra sau lưng Sư Chơn Trí, cố giấu lệ, thấy mình vừa về đây, như được về tới nhà, buông bao gánh nặng đường đời!
Không phải về nhà sao được, vì trưởng Nguyên Viên khi hay tin cũng bỏ ngang việc đang làm mà vội về chùa đón tiếp anh em tôi như thể bà con đi xa quay lại xóm làng để được tắm trên ngọn sông xưa mát rượi tình huynh đệ. Có nhiều Ban Hướng Dẫn khác, nhưng rõ ràng không có GĐPT khác. Tôi vô cùng trân trọng nhận thức của Trưởng Nguyên Viên về Nội Quy – Quy Chế là khuôn nếp để qua đó chúng ta thực hiện mọi san định và thay đổi của tổ chức, thông qua những nguyên tắc pháp quy, nhưng ly khai nhất định không phải là một giải pháp được ghi nhận trong hai văn bản vừa nêu. Không đồng ý, nhưng không để bất đồng.
Buổi sáng tháp tùng anh Tâm Hòa, trưởng ban tổ chức đi suốt mấy ngôi già lam vùng Pomona để mong cung thỉnh Chư Tôn Thiền Đức quan lâm chứng minh Lễ Trai Tăng, nhân dịp 49 ngày của Cố Huynh Trưởng Tâm Kiểm Bạch Hoa Mai cuối tuần tới. Rong ruỗi trên những con đường quen, dù không lên xuống nhiều, nhưng mỗi lần về đây, là những lần ghi đậm dấu ấn của một tổ chức thanh thiếu niên không chỉ là một tổ chức Phật giáo Việt Nam, mà còn là một tổ chức Xã hội. Cùng với Long Hoa, Pháp Vân là một ngôi chùa Lịch sử, GĐPT Pháp Vân vì vậy, cũng là một dấu ấn lịch sử của chiếc nôi thai nghén một phong trào trong lịch sử hộ Pháp-hộ Đời nhưng tại mảnh đất không phải là quê hương này.
Mùa Đông còn để lại trên đỉnh núi cao như điểm tựa lưng của người dân thị trấn sa mạc một vùng tuyết chưa tan. Nhưng nắng chan chứa vừa đủ ấm để đẩy lui hơi lạnh giá. Hòa Thượng khai sơn Tổ Đình Vĩnh Nghiêm hai năm qua bịnh duyên nên tịnh thất mà không thể tiếp ai. Chùa khóa cửa im lìm nằm nơi ngã tư con lộ nhảy cẩng cộ xe mà khi đứng ở đây, giữa náo động thị thành, người ta vẫn tìm thấy chút hương Xuân cõi thiền nhờ mấy cành đào, mai còn điểm trên những cành nhánh khẳng khiu. Dù sao, cũng quay đi với một chút tiếc nuối vì không có dịp đảnh lễ Cố Hòa Thượng Thích Đức Nhuận, di ảnh được tôn thờ nơi Tổ Đình.
Quang Thiện cũng vắng bóng Thầy, Hòa Thượng Minh Dung thường trụ trên cõi Sơn Tùng mãi cuối tuần mới về lại, Chùa chỉ còn lại mấy vị đệ tử chăm nom, cho biết.
Ngoài sân xuyên qua kẽ lá Bồ Đề, nắng chiếu sau lưng ửng lên pháp thân Phật hiền từ nhập diệt. Chú cún giữ chùa chẳng phải vô cớ sủa vang kẻ lạ mà chỉ lâu lâu mới ghé lại, nhưng một hồi rồi cũng im lặng làm thân, ngoảy đuôi mừng.
Hòa Thượng ở xa, gọi về vẫn từ tốn hứa khả.
Buổi trưa hôm đó, xe vừa đậu vào lề, cơ duyên một vị Sư Cô đệ tử Ôn Chơn Trí như đợi sẵn nơi cổng chùa. Nhác thấy bóng hai anh em với chiếc áo Lam, Cô nói: “Đến gặp Sư Ông phải không?” Vừa nói, vừa đẩy cánh sắt để đón anh em bước vào, trong lúc đó quay lưng đi thỉnh Ôn.
Dáng từ thoáng hiện, vẫn nụ cười hiền Di Lặc, uy nghi trầm tĩnh mà vẫn dung dị thân thiện. Ôn dẫn đi thăm lại cảnh già lam Pháp Vân, nhắc lại biết bao kỷ niệm một thuở hòa hợp Tăng già, đoàn kết lam viên. Mà cao điểm của sự thống nhất bấy giờ là Đại Lễ Phật Đản đầu tiên của GHPGVNTNHN tại Hoa Kỳ tổ chức tại Garden Grove Park, hàng trăm ngàn người tham dự, do Ôn Chơn Trí làm trưởng ban tổ chức, với sự đóng góp sát cánh của tập thể GĐPT mà hình ảnh của Cố Huynh Trưởng Tâm Kiểm Bạch Hoa Mai giờ này nhắc lại, Ôn dẫn anh em tôi ra sân nhìn lên dòng chữ do Anh thực hiện trên cổng chào Tam quan buổi đó: Từ Bi, Trí Tuệ – Thanh Tịnh, Hỷ Xả
Ôn nói, “thấy chưa, Thầy mang về, còn giữ lại mấy chữ này, Thầy thương anh Mai, thương Giáo Hội biết bao nhiêu…!”
“Biết bao nhiêu”, Ôn ơi, cũng đồng nghĩa biết nói mấy cho vừa, phải không Ôn!?
Một đời của Anh Mai, sống rồi chết cho thệ nguyện của Gia Đình Phật Tử đã từng: “Nguyện luôn luôn làm viên gạch lót đường cho sự thống nhất của Phật Giáo Việt Nam”. Điều này đã thành lịch sử!
Một tấm ảnh lưu niệm của anh Mai, khi còn làm Liên Đoàn Trưởng GĐPT Pháp Vân
Ảnh tư liệu của Sư Chơn Trí
Kỷ niệm Phật Đản năm đó, riêng tôi cùng với anh Mai và Quảng Hoàng Lê Hữu Minh Huy là ba anh em ở lại cuối cùng để dọn dẹp rác và vật dụng tận đến 4 giờ sáng hôm sau. Tội nghiệp cũng còn có Bửu Thành Phan Thành Chinh và Huệ Trí Nguyễn Gia Hải, các em muốn nán lại sau lễ để phụ các anh mình nhưng tôi khuyên mãi hai em mới chịu rời công viên xuôi về San Diego hai giờ đồng hồ mới đến nhà. Thuở đó cả Bửu Thành và Huệ Trí đều mới lập gia đình, và có con đầu lòng.
Buổi trưa cùng ngày, đã một lần đi là đi cho hết tận cùng cái nghĩa Đạo, và tình Anh Em. Tôi đề nghị anh Dật xuôi về Trung Tâm Tu Học Thích Quảng Đức để cung thỉnh Thầy trụ xứ nơi đó, dù đường về gần cả tiếng đồng hồ. Buổi trưa Anh Dật ngồi hầu chuyện cùng Thầy, buổi đầu tiên gặp gỡ mà như đã bén duyên lâu. Thầy trò kể nhau nghe hoài bão xây dựng. Tôi nhân tiện mà đi quanh ngắm lại chốn cũ, có chút hoang tàn ngày giữa tuần không bóng người lui tới. Một ngày nắng và gió lộng. Tôi nhớ Thầy Phổ Hòa! Chao ôi là nhớ đến gập lòng. Cội Bồ Đề của Chị Tâm Phùng gieo mấy mươi năm trước, bây giờ cao lớn xõa nhánh lá xum xuê xanh mướt che mát thân Phật ngồi tựa như một quả núi. Hạt gieo hôm qua, hẳn phải có bao người thay phiên nhau tưới mát. Nơi này mấy lượt người đến rồi đi, nơi bàn Tổ di ảnh Thầy Phổ Hòa nằm riêng quạnh quẽ, mấy mùa qua vẫn chờ Giỗ tới, Giỗ tới…. ấm lại tình Anh-Em!
Cuộc đời là những nhân duyên, ba năm trước tôi có dịp đưa anh Mai lên đảnh lễ Hòa Thượng Viên Lý ở chùa Điều Ngự nhân chuyến anh về lại Hoa Kỳ, 2019. Thầy đi vắng. Ba năm sau tôi có duyên đưa anh Tâm Hòa lên đảnh lễ Thầy cho tang sự của anh Mai, Thầy cũng đi vắng. Duy lần nào bào đệ của Thầy, Thượng tọa thủ tự Thích Viên Huy, lúc nào cũng niềm nở ân cần không chút xa cách, không chút lưỡng lự bằng mọi cách, sắp xếp lịch trình Phật sự, hứa khả.
Đứng ở bậc tam cấp Chùa, nơi mà chỉ vài năm trước anh Mai cũng đứng ở đây trò chuyện cùng Thầy. Cảm giác thật khó tả. Dưới tượng Phật lộ thiên, khi anh Tâm Hòa nhắc lại những biến cố buồn đã qua phũ trùm lên Ngôi Đại Già Lam Phật Giáo hải ngoại, Thầy cười nhẹ nhàng, “chúng ta đều là nạn nhân,” Cái nhẹ nhàng của nhà Phật vốn lẽ, không để nặng lòng nhau đến giờ này!
*
Một ngày về Chùa đầy cảm xúc, hay một ngày được sống lại với chính mình dù thực tế vẫn đang phải rong ruỗi trên một đoạn đường nắng, và gió lồng lộng, lắm lúc tay lái chệnh choạng nhưng đường đời có bằng phẵng bao giờ. Đạo Phật ra đời cũng từ con đường ấy, chúng sinh lên đường và mong về nhà cũng trên con đường có ánh sáng lung linh, tỏa sáng từ Hạt Xá Lợi vui mừng chứng tri cho lòng kẽ cùng tử còn nuôi dưỡng tâm nguyện ngày trở về.
UYÊN NGUYÊN
Quảng Pháp Trần Minh Triết