
Là không tin rằng mình đúng, mà là mình có-thể-đúng; không tin rằng người khác sai, mà là có-thể-sai. Vì “có thể” nên không phủ nhận, cũng không khẳng định, tất cả đều ở trong tâm thế mở trước khi sự đối thoại kết thúc.
Người đối thoại là người đi tìm sự thật (chân lý), đi tìm sự bổ sung; chứ không phải người ban rải và áp đặt chân lý. Nghĩa là với họ, sự thật đang ở phía trước, đối thoại là để tìm ra, chứ không phải để ban phát.
Nếu ai tin rằng chỉ mình là đúng thì người ấy không thể đối thoại, họ độc thoại, dù cãi nhau suốt đời.
Tại sao cần đối thoại? Vì “chân lý sinh ra từ đối thoại”, không đối thoại thì hoặc không tìm thấy chân lý, hoặc chân lý trở nên vô ích, đối với cả hai. Một người để gạo đến hư mốc, người kia không có gạo để ăn.
Nếu cả hai cùng khư khư rằng chỉ mình là đúng thì độc tài sinh ra, bạo lực chế ngự, nô dịch và oán hận đi theo.
“Phương Tây và phương Đông không nền văn hóa nào ưu việt hơn nền văn hóa nào, đó là hai nền văn hóa KHÁC nhau và BỔ SUNG cho nhau của một nhân loại đã vượt qua được tuổi ấu trĩ” | Lê Đạt*
Truyền thống và Hiện đại, không cái nào sang hơn cái nào, cả hai đều cần thiết. Thơ cũ và Thơ mới, không cái nào hay hơn cái nào, cả hai đều giá trị như nhau.
Người chết cần được chôn trong nghi lễ, không phải nguyền rủa và băm vằm.
Tin rằng mình đúng thì sống trong bạo lực; tin rằng người đúng thì sống trong bạc nhược. Tin vào sự bất toàn thì nói chuyện văn minh.
Chân lý thì chỉ có một nhưng cái đúng thì vô cùng. Chân lý không thuộc về ai cả, chân lý chia đều cho tất cả.
Khi độc thoại, người trí và kẻ ngu đều đáng sợ như nhau. Phật, Chúa nếu cho rằng mình đúng thì Phật, Chúa là những kẻ độc tài. May thay!
…
Thái Hạo
_________________________
1 thought on “Thái Hạo: Đối thoại”