
Trong một lần trò chuyện với một bạn lam trẻ phía trời Tây, cô ấy tâm sự: “Sau 20 năm sinh hoạt GĐPT, em cũng đã mệt mỏi như người muốn về hưu. ACE khác cũng vậy.” Bài soạn này lấy cảm hứng từ câu nói trên. Hơn nữa, nhiều lần niên trưởng Nguyên Hòa Phạm Phước Thuận, nguyên là Trưởng Ban Hướng Dẫn GĐPT Việt Nam tại Âu Châu có đề nghị biên tập và giới thiệu đến cộng đồng lam viên các tổ chức hoạt động thanh niên Phật giáo khác trên thế giới, như là một cách học hỏi thêm những kinh nghiệm hay, thúc đẩy tinh thần và truyền cảm hứng tích cực cho Anh-Chị-Em.
Trước tiên, thử đặt ra câu hỏi rằng hiện nay và tương lai còn có bao nhiêu người trẻ thích tham gia GĐPT? Nếu còn, tại sao phải là GĐPT? Chúng ta đã áp dụng những chiến lược và nguyên tắc nào để khuyến khích người trẻ tham gia nhiều hơn? Sau cùng, chúng ta đã học được bài học gì từ việc làm này?
“Vision, Energy, Action – A guide to inspiring young Buddhists”, tạm dịch là “Tầm nhìn, Năng Lượng, Hành Động – Cẩm Nang Truyền Cảm Hứng Cho Giới Trẻ Phật Giáo” do Prajnaketu, điều phối viên của Giới Trẻ Phật giáo tại UK, Ireland và Mainland Europe biên soạn, là tập tài liệu mà anh chị Trưởng GĐPT nên tham khảo. Nội dung của nó là những ý tưởng được đúc kết từ các buổi thảo luận, quá trình quan sát và chiêm nghiệm từ các tổ chức giáo dục thanh thiếu niên Phật giáo trong việc thu hút và truyền cảm hứng cho giới trẻ. Tinh thần của tài liệu này chủ yếu là tính thực tế vì cố gắng đưa ra các ví dụ cho hành động cụ thể, hơn là giải thích các nguyên tắc.
Bài giới thiệu của chúng tôi chỉ tóm lược tổng quát, và cải biên khá nhiều để tập trung vào các điểm chính phù hợp cho GĐPT Việt Nam tại hải ngoại, nên nhiều chi tiết khác đã không được nhắc trong bài, vì vậy quý Trưởng cần tham khảo thêm ở bài gốc, vì mỗi chúng ta đều có thể khai thác các góc cạnh khác nhau, và tìm ra những điểm hay khác có lợi cho hoàn cảnh sinh hoạt riêng của mình.
Có ba tính cách phổ biến ở những người trẻ tuổi, năng động:
Lòng Quảng Đại và Vị Tha
Rất nhiều bạn trẻ quan tâm sâu sắc về xã hội; họ nhận thức được những bất công và những vấn đề mà cộng đồng xã hội, thế giới đã và đang phải đối mặt. Họ muốn được hướng dẫn những gì mà mình có thể đóng góp để giải quyết chúng. Vì vậy, những người trẻ tuổi thường phản ứng tích cực với những lời Pháp mang tính lý tưởng, đề cao tinh thần cộng đồng, và nêu bật sự cần thiết phải rèn luyện bản thân để trở thành những tác nhân hữu hiệu trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Tuy nhiên, phải thấy rằng, ban đầu nhiều người trẻ phản ứng với sự táo bạo, tham vọng và nhiều khi ảo tưởng trở thành một điều gì đó vượt ngoài khả năng. Song, lý tưởng xây dựng một cộng đồng vị tha từ sự hoàn thiện cá nhân là trọng tâm trong lời dạy của Bhante[1] về tịnh độ nhân gian, chuyển hóa bản thân và thế giới, hay lý tưởng Bồ tát đạo…v.v luôn luôn hấp dẫn hơn bao giờ hết. Điều này trong thực tế rất đáng mừng vì vẫn thấy nhiều người ở mọi lứa tuổi rất nhiệt tình góp phần vào việc thay đổi cộng động xã hội và thế giới một cách cụ thể, vẫn diễn ra hàng ngày. Cho nên, một khi GĐPT hướng tầm nhìn ra bên ngoài và có thể cung cấp cho cộng động xã hội và thế giới những giá trị ý nghĩa và tích cực, thì nó sẽ càng trở nên hấp dẫn hơn đối với những người trẻ tuổi.
Một cách thực tiễn, Dāna[2] tạo nên một phần mạnh mẽ của điều này: nó hấp dẫn tinh thần lý tưởng của những người trẻ tuổi – như một cách để giải quyết ngay lập tức mô hình kinh tế chủ nghĩa tiêu dùng vốn là nguyên nhân của rất nhiều đau khổ trên thế giới – và cũng là thực tế rất nhiều người trẻ vất vã về tài chính vì những người ở độ tuổi hai mươi thường mắc các khoản nợ vay sinh viên. Cho nên các hoạt động của chúng ta nếu được thực hành trên cơ sở dāna sẽ loại bỏ được ít nhiều khó khăn trở ngại cho những người trẻ tuổi tham gia.
Với mục đích thực hành những lời dạy của Đức Phật về sự giải phóng cá nhân và cải tạo xã hội trong thế giới hiện đại. Những yếu tố mang tính thực hành nhiều hơn lý thuyết mới là điều kiện để hiện thực hóa mơ ước.
Để giúp cộng đồng xã hội và thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn, trước hết mỗi chúng ta cần phải trưởng thành hơn, quảng đại hơn. Chúng ta cần phải rèn luyện bản thân để trở nên khôn ngoan hơn, can đảm và cương quyết hơn, sáng tạo hơn và đồng cảm hơn…v.v.
Hãy mạnh dạn công bố và thể hiện rõ ràng thông điệp trước quần chúng xã hội về mục đích và lý tưởng thay đổi cộng đồng xã hội và thế giới bắt đầu từ dāna. Chúng ta điều hướng mọi Phật sự của mình trên cơ sở dāna này và nếu chúng ta muốn hoàn thành tốt đẹp, cần suy nghĩ về việc đóng góp nhiều hơn là thụ hưởng. Cố gắng tránh chỉ nói về dāna theo nghĩa “trả công”. Sự hào phóng có tầm quan trọng thiết thực trong Phật giáo, mục đích của chúng ta là truyền cảm hứng về nền văn hóa rộng lượng từ tinh thần giáo lý Phật đà.
Tràn đầy Năng Lượng
Các bạn trẻ yêu thích sự năng động, sôi nổi, phiêu lưu, và thử thách. Điều đó thường biểu hiện bằng một số từ khóa (vocabulary) trực quang, tích cực thời thượng trong khi giao tiếp hay được đề cao bằng hình ảnh (images) và nội dung truyền đạt.
Cần hiểu rằng, tuổi trẻ sẵn mang trong mình nhiều tố chất như thương hại, giàu cảm xúc, thẳng thắn, không cả nể, hào phóng, lòng biết ơn, sáng tạo, thích thể hiện, sâu sắc, tùy hứng, hiện thực hóa, sinh động, linh động, can đảm, tự phát, và quyền uy…v.v.
Vì vậy, việc truyền đạt năng lượng hay nói cách khác truyền cảm hứng (inspiration), là đem tuổi trẻ đến gần với những nguyên tắc Phật giáo và tầm nhìn thời đại bằng những con người thật và việc thật. Bằng lời nói, hành động cụ thể, mang cùng nội dung Phật chất, bao gồm cả những hoạt động không nhất thiếu lúc nào cũng mang màu sắc Phật Giáo, ví dụ cách gọi tên, thay vì “Phật giáo và thiền định” chẳng hạn, có vẻ cao siêu, nghiêm nghị dành cho người lớn, hãy chọn những cái tên hấp dẫn cho tuổi trẻ – đại khái – “Khám phá Đạo Phật và Thiền”; “Từ số không, đến thành Phật;” “Làm chủ Tâm trí, Thay Đổi Thế giới và Cuộc Sống”…v.v.
Môi trường hoạt động, hay đoàn quán GĐPT như một không gian mở, được trình bày đẹp mắt với nhiều hình ảnh sống động có những tác dụng định hình rất cao, ví dụ như ở một địa điểm dễ nhận biết, giới thiệu sự tham gia của những nhân vật cộng đồng từng viến thăm đơn vị, và những hình ảnh nêu bật nội dung sinh hoạt tuổi trẻ, phẩm chất giáo dục Phật giáo…v.v. Điều này cũng có thể tạo ra ấn tượng rằng đây là một tổ chức công khai (publicity), chuyên nghiệp, có chiều dài lịch sử đáng tin cậy. Vì vậy cần cẩn trọng để đảm bảo có sự cân bằng giữa thẩm mỹ và nội dung truyền đạt tầm nhìn xây dựng của một cộng đồng đang cùng chung sinh hoạt.
Rất nhiều người trẻ trong môi trường sinh hoạt chung, khi đối diện trước những vấn đề khó chịu, đã có những thái độ tích cực, sắc xảo nhờ áp dụng giáo lý Phật giáo, điều này trong chừng mực nào đó, là niềm tự hào khi được thấy mình có điểm đặc biệt, vì đã sống đúng với Phật pháp. Trở thành một Phật tử và gia nhập “đạo tràng”, “tăng thân” không đơn thuần là tham gia vào nhóm, mà là một cách sống hoàn toàn mới tương tác với những người khác. Với những thực tiễn và lý tưởng được chia sẻ, bản thân không chỉ trưởng thành nhiều hơn, mà còn trở thành tác nhân của một xã hội mới; lợi ích cho bản thân và thế giới.”
Cần chú ý đến việc tổ chức và quảng bá thêm các hoạt động khác – như yoga, t’ai chi, trị liệu…v.v và thậm chí Chánh niệm như một hoạt động độc lập phi Phật giáo. Bản thân những hoạt động này đều rất lợi ích. Tuy nhiên, một cách gián tiếp, những hoạt động thực tiễn như vậy vẫn chuyển tải nhất quán thông điệp giáo lý một cách ấn tượng.
Tận dụng tối đa thông tin truyền miệng – đây là hình thức quảng bá hiệu quả nhất. Tạo văn hóa “kể cho bạn nghe”. Ví dụ: cung cấp cho các thành viên tư liệu hoạt động hàng tuần bằng hình thức flyers chẳng hạn, nhằm chuyền tay, giới thiệu cho những bạn bè khác.
Có điều, sự truyền đạt thông tin cần ngắn gọn, rõ ràng và đơn giản nhất có thể, vì rằng – hãy nói với những người bạn của mình – Giáo Pháp như một phương tiện để biến đổi bản thân và thế giới, mà cách duy nhất để trải nghiệm điều này là trực tiếp, thay vì chỉ diễn ra trên không gian ảo hoặc trong sách vở. Trong hàng ngàn năm, mọi người đã nhận thấy rằng các thực hành Phật giáo thực sự có hiệu quả, dẫn đến trạng thái tinh thần tốt hơn, nhận thức rõ ràng hơn và cuộc sống có ý nghĩa hơn. Vì vậy, nếu có thêm những người trẻ tìm đến còn bỡ ngỡ, làm thế nào để truyền cảm hứng cho họ trở thành những Phật tử trẻ thực sự?
Như đã đề cập phần trên, một thông điệp duy tâm liên quan đến tác dụng mà Phật giáo hướng tới là tạo ra hạt nhân của một xã hội mới đang rất thu hút giới trẻ. Vì vậy, giai đoạn khuyến khích người trẻ trở thành Phật tử trẻ tuổi là truyền đạt lý tưởng này trên thực tế như thế nào, và làm thế nào họ có thể tham gia liền sau đó.
Những điều cần khuyến khích và đề cao từ buổi đầu tiên, ví dụ:
- Một truyền thống: chúng ta đang cùng nhau xây dựng một cộng đồng như một phản ứng trực tiếp, có đạo đức đối với nhu cầu của thế giới
- Tham gia vào cộng đồng này là chia sẻ cuộc sống của chúng ta với nhau – và điều này sẽ biến đổi chúng ta và các mối quan hệ của chúng ta
- Rằng cộng đồng này được thành lập trên dana – và rõ ràng đáp ứng phần nhu cầu của xã hội
- Rằng sự kiện được điều hành bởi một nhóm có căn bản, những người thể hiện rõ ràng tình bạn thiêng liêng, nhiều kinh nghiệm sống, cùng tham gia và đang dành thời gian của mình như một biểu hiện của dana
- Pháp có thể chuyển hóa hoàn toàn, nếu bạn tinh tấn thực hành
… v.v và v.v.
Điểm chính ở đây là đảm bảo rằng có một mối tương tác chặt chẽ, linh động giữa tập thể và những thành viên, chung quanh các hoạt động chung.
Hành Động Thực Tiễn
Những người trẻ tuổi thường muốn một cái gì đó thực tế để làm, một cái gì đó mà họ có thể dốc toàn bộ sức lực của mình vào và có thể thấy được tác dụng của việc mình đang làm. Nhiều người trong số họ rất am tường về kỹ năng chuyên môn, công nghệ và rất sáng tạo. Hãy khuyến khích những người trẻ hiểu biết về tổ chức và tạo điều kiện để kết hợp họ lại thành một đội ngũ, tự do sáng tạo.
Như vậy, chúng ta nên xác định tầm nhìn của GĐPT là gì? Làm thế nào để bạn thể hiện điều này xuyên qua các sự kiện? Mọi thành viên tham gia nghĩ nó là gì? Nếu có sự khác biệt, bạn sẽ giải quyết nó như thế nào?
Trước hết, vẫn phải nói đến việc tạo và duy trì năng lượng trong bất kỳ mọi sự kiện. Tuổi trẻ điều chỉnh và thích nghi năng lượng rất nhanh chóng, ngay cả khi họ không ý thức về nó. Kinh nghiệm cho thấy không khí “rôm rả” bao giờ cũng hấp dẫn đối với giới trẻ. Loại năng lượng này là một trong những tính năng đặc trưng các hoạt động giới trẻ và đó là một phần chính quyết định cho sự thành công.
Ban đầu, nó đó đơn giản chỉ là nhiều người cùng có mặt – càng nhiều càng tốt. Hiệu ứng của một không gian đông đúc náo nhiệt sẽ thu hút rất nhiều người trẻ tuổi.
Mặc dù chánh niệm, có thể tạo ra một giai điệu buồn ngủ lúc đầu, thậm chí là khó chịu, nhưng thiền có thể tạo ra sự khác biệt cho năng lượng của một buổi họp mặt hay sinh hoạt của Gia đình. Chánh niệm tạo sự thoải mái và có thể kết nối mọi người với nhau. Điều này gây ấn tượng đặc biệt đối với người lần đầu tiên đến một không gian yên ắng. Ngày nay, trong xã hội Tây phương, người ta cũng quan sát thấy rằng tổ chức thiền chánh niệm như một hoạt động độc lập, có xu hướng thu hút mọi người quan tâm hơn đến việc giữ bình tĩnh và giảm căng thẳng.
Khởi đầu bằng một cuộc nói chuyện và thảo luận sôi nổi có thể giúp tạo ra một giai điệu tích cực cho sinh hoạt và cũng giúp ta cơ hội gặp gỡ và đánh giá cao những người khác, kể cả những người bạn mới. Có khá nhiều giai thoại và kinh điển – mang ý tưởng giúp mọi người thực sự chuẩn bị tốt hơn cho việc thiền định sau phần nói chuyện và thảo luận về Phật Pháp đầy hứng khởi.
Thử nghĩ xem, bạn có thể tổ chức bất kỳ một chương trình sinh hoạt nào, song, có rất nhiều kỹ năng để quyết định cho sự thành công.
Diễn giả, thường là những người đi trước, có kinh nghiệm nhất định có thể có ảnh hưởng mạnh mẽ đến năng lượng tích cực của nhóm hay một sự kiện tổ chức, vì vậy cân nhắc để chọn những diễn giả giỏi nhất có thể cho mục tiêu thu hút sự tham dự của những người trẻ và quan trọng là gợi hứng để họ tham dự thảo luận để đưa ra cái nhìn đúng đắn và mới. Một vị diễn giả như vậy, không nhất thiết phải trẻ mới có thể truyền cảm hứng cho những người trẻ.
Thời gian của một cuộc nói chuyện ngắn gọn với một vài điểm chính được giải thích rõ ràng cũng giúp duy trì mức năng lượng cao hơn, ngay cả khi người nói không thực sự tràn đầy năng lượng. Sau đó, dành nhiều thời gian hơn cho thảo luận nhóm nhỏ.
Chủ đề, những người trẻ tuổi sẽ phản ứng sôi nổi, nhiệt tình khi thảo luận về các vấn đề có vẻ thách thức từ quan điểm Phật giáo. Ví như: “Ăn chay và Tình dục;” “Phương tiện truyền thông-‘fake news’;” “Chánh niệm như một kỹ năng đào tạo;” “Thay đổi xã hội” “Tăng đoàn cùng nhau xây dựng một xã hội mới chống lại chủ nghĩa cá nhân;” “Luân Hồi” “Chủ nghĩa thế tục;” “Chủ nghĩa duy vật;” “Tái sinh” “Chính trị toàn cầu;” “Phật giáo và từ thiện;” “Phật giáo và các tôn giáo khác.”…v.v. Rất nhiều và còn rất nhiều các chủ đề cần tuổi trẻ và tuổi trẻ lý tưởng hướng tầm nhìn và tham gia giải quyết.
Hành động thực tế, hay cụ thể phải là những bước tiến hành rõ ràng. Một thông điệp quan trọng nên được truyền tải thường xuyên là “vẫn còn rất nhiều điều để học hỏi!”. Giáo Pháp sâu sắc không thể hiểu được chỉ trong giai đoạn ngắn ngủi. Nhưng làm thế nào để tiếp cận những độ sâu đó, đặc biệt là trong bối cảnh đôi khi gây hoang mang của các sự kiện đang diễn ra trong lúc hoạt động. Vì vậy, chúng ta càng có tổ chức và rõ ràng khi nói về mọi kế hoạch hay dự án, và những ai phụ trách thực hiện chúng. Mặc dù cũng cần lưu ý rằng việc hoan nghênh ai đó đến với đơn vị hay nhóm, ban đầu chỉ truyền đạt một thông điệp rằng đây là một cộng đồng thân thiện và luôn chào đón mọi người. Còn mục đích thực sự thì nhiều hơn thế nữa, vì tất nhiên GĐPT không phải là đoàn thể đến để “xoay một vòng hát mà chơi.”
Thử xem, sau vài tháng tham gia, hãy hỏi những người bạn trẻ tuổi họ có biết họ cần làm gì để tiếp tục tham gia hay không?
Và, cần nhớ điều này, đừng bỏ quên thành phần thiện nguyện viên, họ có thể là phụ huynh, thân hữu, bảo trợ… trực tiếp tham gia vào những hoạt động của Gia đình, với người trẻ trong những chương trình cụ thể, nhằm tương tác chặt chẽ và thường xuyên.
Luôn tạo tình tương thân tương ái, hỗ trợ tình bạn giữa các Phật tử trẻ
Nói chung, là một phong trào, tổ chức, đoàn đội, hay nhóm…, cần khuyến khích tình bạn giữa mọi người. Nguyên tắc ở đây chỉ đơn giản là kết bạn với những người trẻ tuổi và giúp họ liên lạc với những người trẻ tuổi khác. Sau đó, càng nhiều càng tốt, hãy để họ tiếp tục với nó.
Các nhóm Phật tử trẻ thành công nhất là những nhóm được thành lập dựa trên sáng kiến của những người bạn trẻ tuổi, tận tâm và có năng lực, những người muốn chia sẻ nguồn cảm hứng của họ và một cách khác để giao lưu với những người trẻ khác.
Do đó, tầm nhìn là quan trọng, việc hỗ trợ và khuyến khích những người trẻ tuổi tham gia vào những sự kiện lớn – lý tưởng, là sự kết hợp của năng lượng tích cực, nhìn thấy các thành viên trẻ đang nói chuyện và dẫn dắt các hoạt động, và sự hiện diện của nhiều người trẻ khác, ở nhiều quốc gia khác nhau có thể là yếu tố thay đổi nhận thức, hành động đối với một số người.
Bất kỳ hoạt động nào cũng vậy, lại nói về năng lượng. Điều này chủ yếu là do anh chị trưởng có khả năng tạo sự phấn khích.
Câu hỏi nên đặt ra, nếu bạn có một nhóm Phật tử trẻ, bạn sẽ làm gì để hỗ trợ họ? Nhưng nhưng thế nào được coi là “trẻ”?
Đối với các hoạt động quốc gia, thường quy định giới hạn là 35 tuổi. Tuy nhiên, tiêu chuẩn này chưa hẳn. Một số tổ chức mở rộng con số này lên đến 40, nhưng lý tưởng thì vẫn nên hướng tới giới hạn độ tuổi thấp hơn, nghĩa là trẻ trung hóa.
Nhiều tổ chức Phật tử trẻ hoạt động một thời gian nhưng những người điều hành chính đã quá già / mất hứng thú / bỏ đi nơi khác và nhóm Phật tử trẻ còn lại thì đâm ra thụ động. Chúng ta có thể làm gì?
Việc các nhóm và điều hành viên già nua và tàn lụi theo thời gian là điều khá phổ biến. Điều này không nhất thiết là tiêu cực: giới trẻ thường nhất thời hơn các nhóm nhân khẩu học khác, và sự hiện diện hoặc vắng mặt của bất kỳ yếu tố nào đều có thể góp phần làm cho các nhóm Phật tử trẻ phát triển hoặc trở nên ô hợp vô nghĩa. Một trong những điều quan trọng ở đây từ góc độ hướng dẫn là đừng lo lắng về điều đó quá nhiều. Đôi khi việc một, hay của nhóm người trẻ rời đi lại kích động cho chúng ta, những người khác động não và chủ động. Trong trường hợp bước vào một thời kỳ tĩnh lặng hơn, người ta có thể chỉ muốn quay lại nhu cầu kết nối những người trẻ liên lạc với nhau và khuyến khích họ tham gia các sự kiện lớn của quốc gia.
Nhưng có một điều cũng cần lưu ý, làm thế nào để đảm bảo rằng những Phật tử trẻ tuổi không chỉ trở thành một đơn vị riêng biệt, chia rẽ, tức là không tương tác hoạt động với những đơn vị khác và tổ chức Phật giáo, hay tổ chức cộng đồng. Cần khuyến khích tuổi trẻ tham gia tổ chức các sự kiện của các tăng đoàn, tổ chức rộng lớn hơn, vì đó là nơi họ sẽ nhận thêm được sự hướng dẫn tốt nhất.
Cuối cùng, phải quan niệm rằng các Phật tử trẻ tuổi là những vị Bồ tát trẻ tuổi, phải tin ở mỗi người đều có những tiềm năng đang chờ đợi. Hãy luôn điều hướng mọi hoạt động của chúng ta nhằm hỗ trợ họ không chỉ hoàn thiện cá nhân, mà trong việc thiết lập những cộng đồng tu tập tiến bộ, những doanh nghiệp quy mô nhỏ. Khuyến khích họ tham gia nói chuyện và hành động chung với các nhóm khác không chỉ các hội Phật giáo, đặc biệt các nhóm đại học, cộng đồng…v.v về môi trường, xã hội, chính trị. Điều này cũng có nghĩa là duy trì một chương trình đào tạo và chuyển tục quyền hành hướng dẫn tổ chức và cộng đồng xã hội cho giới trẻ trong tương lai.
________________________________
[1] Bhante (tiếng Pali; phát âm là [bàɰ̃tè]; tiếng Phạn: bhavantaḥ), đôi khi còn được gọi là Bhadanta, là một danh hiệu tôn trọng dùng để xưng hô các nhà sư Phật giáo và các bậc bề trên trong truyền thống Nguyên thủy. Thuật ngữ tôn giáo có nghĩa là “Ngài đáng kính.”
[2] Dāna (Devanagari: दान) là một từ tiếng Phạn và tiếng Pali hàm ý đức tính rộng lượng, bác ái hoặc bố thí trong triết học Ấn Độ. Nó được phiên âm theo cách khác là daana. Trong Ấn Độ giáo, Phật giáo, Kỳ Na giáo và đạo Sikh, dāna là tập tục nuôi dưỡng lòng rộng lượng. Nó có thể dưới hình thức trao tặng cho một cá nhân gặp khó khăn hoặc cần thiết. Nó cũng có thể ở dạng các dự án từ thiện để giúp đỡ nhiều người. Dāna là một thực hành cổ xưa trong truyền thống Ấn Độ, bắt nguồn từ truyền thống Vệ Đà.