
TÂM DUY | Tu Thư Sen Trắng: Những năm tháng cuối đời, nhân mừng thọ 85 tuổi tổ chức tại Trung Tâm Thích Quảng Đức, San Bernardino, California, Sư huynh Thích Phổ Hòa, tức niên trưởng Hồng Liên Phan Cảnh Tuân với sự đề nghị của Niên Trưởng Tâm Nghĩa Ngô Vân Quy, đã dành cho một buổi phỏng vấn, quay hình, qua đó những điều Sư huynh chia sẻ, tập trung ở “vế thứ hai” của mục đích GĐPT. Nói là vế thứ hai, nhưng kỳ thực mục đích GĐPT thì xuyên suốt chỉ có một. Vì việc giáo dục đi cùng với thực hành. Vì vậy “góp phần xây dựng xã hội” là việc làm song song từ việc giáo dục, bổ sung và củng cố cho nội dung giáo dục. Bài soạn này, không đưa ra bất kỳ định nghĩa nào để đóng khung tầm hoạt động xã hội của GĐPT, nó tùy thuộc vào hoàn cảnh sinh hoạt thực tế của mỗi thành viên tại các đơn vị hạ tầng cho đến thượng tầng. Tuy nhiên, nó thúc đẩy chúng ta suy nghĩ về mối quan tâm “GĐPT cần định hướng và tham gia tích cực nhiều hơn nữa những hoạt động xã hội” mà Sư huynh Phổ Hòa đã từng chia sẻ ngày hôm đó. Ở đây, GĐPT sẽ khu trú hay hướng tầm vào những vấn đề xã hội có tác động chung trên toàn cầu? “Góp phần xây dựng xã hội” do đó không chỉ là những hoạt động cục bộ địa phương mà còn là những quan tâm cấp thiết như được trình bày ở nội dung bài này. Đây cũng chỉ là một bài soạn, phỏng và lược dịch từ nguyên bản tiếng Anh, nên chúng tôi cẩn trọng đính kèm đường dẫn để quý anh chị Trưởng đối chiếu và tham khảo thêm những phần đã được lược bớt, đặc biệt một số từ vựng chuyên môn, nghĩ là nên tham khảo sâu hơn đã được giữ lại trong bài.
Điều thú vị là, toàn bộ nội dung của bài có một sự đồng cảm mà chúng ta đã từng tìm thấy ở những trước tác văn học Phật giáo của Hòa Thượng Thích Phước An, trong hai tuyển tập “Đức Phật Trên Cõi Phù Du”, hay “Đường Về Núi Cũ Chùa Xưa,” khi Thầy đề cập đến những tai ương mà con người đã khiến thay đổi hệ sinh thái, cụ thể trong bài “Kinh Ðịa Tạng, Bà Mẹ Của Mặt Ðất Ðiêu Linh,” hoặc “Thi nhân với tình yêu núi non”, để rồi một đoạn trong “Lục Tổ Huệ Năng và hình ảnh thi ca”, Hòa thượng kết luận: “Có lẽ nhân loại đang đứng trước ngưỡng cửa thế kỷ 21 này, nên khởi sự học lại từ đầu cái mà Lục tổ Huệ Năng đã bị mắng là: ‘Nhĩ giá lạp lão bất tri’ (Con người man rợ này chẳng biết chi hết) thì mới mong tìm được một nền văn minh đích thực cho chính mình chăng?”
Bài phỏng và lược dịch hôm nay, nội dung được soạn lại phần chính là lời phát biểu của Cư sĩ Sulak Sivaraksa. Ông sinh ngày 27 tháng 3 năm 1933 tại Xiêm, là một nhà hoạt động xã hội Thái Lan, giáo sư, nhà văn, đồng thời là người sáng lập và giám đốc của Tổ chức phi chính phủ “Sathirakoses-Nagapradeepa Foundation”, là tên của hai cơ quan có ảnh hưởng về văn hóa Thái Lan, Sathirakoses (Phya Anuman Rajadhon) và Nagapradeepa (Phra Saraprasoet). Ông đã khởi xướng một số phong trào và tổ chức xã hội, nhân đạo, sinh thái và tâm linh ở Thái Lan, chẳng hạn như College SEM (Spirit in Education Movement). Sulak Sivaraksa được biết đến ở phương Tây với tư cách là một trong những vị sáng lập của Mạng lưới Phật tử dấn thân quốc tế (INEB), thành lập vào năm 1989 với các Phật tử hàng đầu, bao gồm Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, và Tỳ Kheo Maha Ghosananda, với tư cách là những người bảo trợ.
Sulak Sivaraksa được trao giải thưởng “Right Livelihood Award” năm 1995, sau đó được mời vào vị trí chủ tịch Diễn đàn Văn hóa Châu Á về Phát triển và là giáo sư thỉnh giảng tại UC Berkeley, Đại học Toronto, và Cornell.
Năm 2012, Hội nghị hai năm một lần do Mạng Lưới Phật tử dấn thân quốc tế (The International Network of Engaged Buddhists – INEB) tổ chức đã diễn ra tại Buddhagaya, Ấn Độ, nơi mà đức Phật đã thành đạo 2.600 năm trước. Lần này chủ đề là “Tương lai Phật giáo: Từ Thức tỉnh cá nhân đến Chuyển hóa toàn cầu,” nhân đó, Sulak Sivaraksa đã đưa ra những nhận định sâu sắc, đề cao nhiệm vụ chính trước mắt của Phật tử, là làm sao cho những lời dạy của Đức Phật luôn thích ứng với đời sống nhân loại và cho tất cả chúng sinh không chỉ lúc này mà ở tương lai dài lâu.
Đặc biệt, năm này cũng đánh dấu kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Rabindranath Tagore, với sự nghiệp một đời đã truyền cảm hứng cho nhiều người trong chúng ta, những người đã tôn vinh và chia sẻ những ý tưởng và khát vọng của mình về sự hài hòa và chính trực. Ông đã dành cả cuộc đời để nuôi dưỡng những ý tưởng và ước mơ đó, đặc biệt là thông qua thơ ca, kịch, hội họa và sự cải cách trong giáo dục.
Đối với Tagore, sự phát triển về khoa học, công nghệ và phúc lợi vật chất cần phải đi đôi với sự thăng hoa về mặt tinh thần. Một trong hai phương diện này nếu thiếu đi yếu tố kia thì khập khiễng giống như người đi bằng một chân. Song, Tagore cũng không từ chối phương Tây hay nền văn minh công nghiệp. Thay vào đó, ông nhấn mạnh rằng phương Tây cũng phải học hỏi từ phương Đông bởi vì nơi đây có rất nhiều điều minh triết để truyền đạt cho phương Tây. Thế giới quan cân bằng và tổng thể này cần thiết hơn bao giờ hết, vì nó là tiền đề cho một tương lai bền vững và kiên cố cho chúng ta và cho các thế hệ mai sau. Lý trí thuần túy và chủ nghĩa duy vật thuần túy cũng bị tiêu diệt như việc theo đuổi mục đích cứu rỗi cá nhân thuần túy. Thế giới quan của Tagore là nhìn thấy sự thống nhất của lý trí và tôn giáo, tinh thần và vật chất, hòa điệu cùng nhau. Đây là tầm nhìn lớn nơi khoa học bổ sung cho tâm linh, nghệ thuật bổ sung cho sinh thái, và tự do bổ sung cho bình đẳng.
Đối với nhân loại, Tagore lập luận, mối quan hệ tuyệt hảo là tình thương. Ông tuyên bố rằng chân lý này đóng vai trò là nền tảng những lời dạy của Đức Phật. Theo ông, chúng ta chỉ có thể đạt được tự do của mình thông qua việc nuôi dưỡng sự đồng cảm lẫn nhau. Để đạt được tự do, chúng ta cần giải phóng mình khỏi những gông cùm của bản thân và khỏi tất cả những tham vọng có xu hướng độc quyền. Chính nguyên tắc giải phóng này cần chúng ta phải áp dụng để giải phóng một thế giới bị giam cầm.
Với sự tiến bộ thuần túy về vật chất, lòng tham đối với mọi thứ có xu hướng trở thành si mê, do đó thúc đẩy sự cạnh tranh và sai lầm không kiềm chế. Một triều đại của sự xấu xa lan rộng như một vết chai trên toàn thế giới.
Chỉ cần thêm vào chiều cao của các tòa nhà chọc trời, hoặc tốc độ phát minh công nghệ mới nhất như nhà máy điện hạt nhân…v.v, chỉ có thể thỏa mãn sự khoe khoang và phóng đại, nhưng lại khi gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng.
Chúng ta bị sốc khi chứng kiến trước mắt mình sự kiêu ngạo và ảo tưởng rằng bằng cách nào đó chúng ta có thể kiểm soát Trái đất của mình. Trái đất tạo ra cơn sóng thần vĩ đại cũng chính là Trái đất đã và đang ban tặng mọi thứ để nuôi dưỡng chúng ta. Chúng ta phải khơi dậy lại cảm giác kiêng sợ mà chúng ta có thể đã bỏ quên trong một thời gian dài. Chúng ta phải suy gẫm để có thể khám phá lại cách kết nối lại bản thân với Đất Mẹ của chúng ta.
Đây là thời đại mà Phật tử người Mỹ, Joanna Macy gọi là “Bước ngoặt vĩ đại”, từng được dự báo nhiều nơi trên thế giới. Theo bà, “Bước ngoặt vĩ đại” này đã và đang đặt con người cùng lúc hành động cho ba sự kiện: Biến đổi khí hậu; toàn cầu hóa; và thức tỉnh tinh thần cá nhân.
Như vậy, thông điệp của Tagore đã quá rõ ràng. Đã đến lúc chúng ta phải mở kho báu của tổ tiên để sử dụng nó cho sự sống còn của chúng ta. Với vốn liếng di sản đó, không làm cho chúng ta mãi mãi là người nhặt giẻ rách trong thùng rác của người khác. Song, chúng ta cũng không sử dụng nó cho tương lai của riêng mình.
Tagore nhắc nhở chúng ta rằng, nền văn minh Ấn Độ rất đặc biệt trong việc xác định vị trí nguồn vật liệu tái tạo kể cả trí tuệ, là thiên nhiên chứ không phải đô thị. Sự hài hòa đa dạng là bản chất của thiên nhiên, còn sự giống nhau đơn điệu là bản chất của chủ nghĩa công nghiệp dựa trên thế giới quan máy móc. Đây là điều Tagore coi là sự khác biệt giữa phương Tây và Ấn Độ. Nền văn minh của phương Tây chứa đựng trong đó tinh thần của cỗ máy phải chuyển động, và sự chuyển động mù quáng đó, mạng sống của con người được cung cấp như một thứ nhiên liệu.
Đức Phật Tổ đã rời thành phố để tìm kiếm sự thật trong rừng. Chúng ta tin rằng Đức Phật đã khám phá ra Tứ Diệu Đế trong rừng vào ngày trăng tròn tháng 5 năm 2.600 năm trước. Nhiều người trong chúng ta ở Châu Á đã tiếp nhận những lời dạy của Đức Phật và coi Ấn Độ cổ đại là cội nguồn của trí tuệ và lòng từ bi. Tuy nhiên, gần đây, hầu hết chúng ta ở châu Á tuy vẫn nhân danh mình là Phật tử, nhưng chúng ta mù quáng lao theo nền văn minh phương Tây một cách vội vã, vốn dựa trên quyền lực và lòng tham và tinh thần của máy móc trên toàn thế giới. Một nền văn minh dựa trên quyền lực và lòng tham là một nền văn minh dựa trên bạo lực.
Tagore đã cảnh báo rằng, những người đã khiến linh hồn họ sợ hãi vì u mê kiếm lợi và say sưa quyền lực luôn bị theo đuổi bởi những bóng ma của sự hoảng sợ và nghi ngờ, và do đó họ tàn nhẫn? Họ trở nên không có khả năng về mặt đạo đức khi cho phép người khác tự do?
Tự do thực sự là của trí óc và tinh thần; nó không bao giờ có thể đến với chúng ta từ ngoại cảnh? Người có lý tưởng tự do đích thực, bản thân yêu chuộng tự do nhưng cùng lúc sẵn sàng đem lại tự do cho người khác? Người không trân trọng tự do của người khác sẽ tự đánh mất phẩm giá của mình đối với nó.
Ngày nay quy luật đồng tiền và lòng tham đang thống trị xã hội, nền kinh tế và chính trị của chúng ta. Văn hóa chinh phục đang xâm chiếm Đất và Rừng của chúng ta thông qua việc khai thác quặng sắt, bôxít và than đá. Nhiều khu vực rừng, đặc biệt là ở Nam và Đông Nam Á đã trở thành vùng chiến sự, nơi mọi người bảo vệ quyền của rừng và cư dân rừng đều bị coi như phạm tội.
Nếu chúng ta muốn tồn tại về mặt sinh thái và chính trị, nơi bản chất chúng ta khao khát dân chủ và mỗi người dân được đảm bảo sinh kế đúng mức, chúng ta cần phải từ bỏ con đường chinh phục và hủy diệt để đi trên con đường liên hiệp và bảo tồn. Chúng ta cần nuôi dưỡng hòa bình và lòng từ bi thay vì quyền lực và cạnh tranh. Chúng ta cần quán sát đến những cánh rừng trong ý nghĩa như người thầy lâu đời của chúng ta về hòa bình và tự do, của sự thống nhất và đa dạng.
Giờ đây, hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải chiêm nghiệm về Tagore và tìm hiểu nền văn minh Ấn Độ cổ đại một cách nghiêm túc cũng như noi theo Đức Phật, những người có tầm nhìn xa trông rộng cho sự tồn vong của chúng ta hôm nay và của nhiều thế hệ sau được hưởng hòa bình, công bằng xã hội và cân bằng môi trường.
Chúng ta cần quan tâm đúng mực về lãnh vực văn hóa, chính trị và những cam kết xã hội để đảm bảo các lợi ích chung được bảo vệ không bị lạm dụng. Để có thể nhìn rõ, thực sự nhận thức được tình trạng của thế giới, chúng ta phải bắt đầu bằng sự quyết tâm từ bản thân, xóa bỏ thành kiến để làm việc cùng với những người có thiện chí, sẵn sàng đối mặt với sự lạm dụng quyền lực. Điều quan trọng là mọi người thuộc mọi tín ngưỡng và hệ tư tưởng phải lắng nghe lẫn nhau để cùng thúc đẩy công lý và bình đẳng thông qua các phương pháp bất bạo động. Bình đẳng phải được đề cao trong mọi tình huống, để có sự đồng cảm cũng như giữ mối liên hệ với người nghèo và người bị áp bức.
Để tiếp tục công việc, chúng ta cần truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Chúng ta phải giúp họ phát triển sự tự do, tự lực, trưởng dưỡng lòng từ bi và độ lượng. Học cách hợp tác hơn là cạnh tranh và chú trọng chất lượng của công việc. Thế hệ trẻ cần những thông tin chính xác chứ không phải là sự tuyên truyền của các chính phủ, giới lãnh đạo và các phương tiện truyền thông. Cuộc khủng hoảng mọi mặt hiện nay là một cơ hội để chúng ta nhận thức và khuyến khích cho những giá trị thiết yếu này.
Để con cái chúng ta nhận ra tiềm năng của mình và trở thành những nhà lãnh đạo của thế hệ chúng, bản thân chúng ta phải làm gương tốt. Chúng ta phải là “homo sapiens”, không phải “homo hipocriticus” hay “homo economicus”. Chúng ta phải nhìn thấu kinh tế học tự do và thị trường tự do. Ngày nay ở Hy Lạp, các biện pháp thắt lưng buộc bụng, nghĩa là tư nhân hóa các công ty, đang được thực hiện, không phải vì lợi ích của người dân, mà để giới siêu giàu sở hữu nhiều hơn nữa. Chúng ta phải giúp các thế hệ tiếp theo phát triển tư duy phản biện mà chúng ta còn thiếu và năng lực phản ánh do Đức Phật dạy để xây dựng một tương lai bền vững. Chúng ta phải đương đầu với lòng tham, sân hận và si mê của chính mình để xã hội của chúng ta được biến đổi thành hình mẫu của công lý và hòa bình.
Thiền Phật giáo dạy thở đúng cách là yếu tố quan trọng nhất của cuộc sống. Khi chúng ta học cách hít vào và thở ra trong chánh niệm, tham-sân-si tự nhiên sẽ chuyển hóa thành quảng đại, từ bi và trí tuệ. Tất cả chúng ta đều được kết nối với nhau và chúng ta có thể học cách giữ gìn chánh niệm. Thiền thực sự là một cách để phát triển sự minh mẫn, cho phép chúng ta nhìn thấy chính xác các tình huống cuộc sống hàng ngày cũng như quá trình suy nghĩ của chúng ta một cách đầy đủ và trọn vẹn.
Suốt nhiều thời đại đi qua, thiên nhiên đã gây ra biết bao đau khổ, nhưng ngày nay thiên tai càng trầm trọng hơn bởi sự kiêu ngạo của các nhà công nghiệp và các nhà khoa học. Chúng ta phải tôn trọng thiên nhiên và không coi các sinh vật khác là tài nguyên để khai thác. Sự phát triển công nghệ không phải lúc nào cũng mang lại lợi ích tốt nhất cho chúng ta như đã thấy rất hiển nhiên ở Bhopal, Ấn Độ, và tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi Nhật Bản. Chúng ta phải học cách phân biệt những tiến bộ nào nên chấp nhận và áp dụng, và những tiến bộ nào cần theo dõi chặt chẽ hoặc loại bỏ.
Với sự khiêm tốn và quan tâm, không chỉ cho bản thân mà trong nhiều thế hệ tiếp theo, chúng ta có thể mang lại kỷ nguyên “ahimsa” và “satyagraha”. Chúng ta có thể học hỏi từ Thánh Gandhi, và thậm chí từ Hoàng đế Ashoka. Bruce Rich gần đây đã xuất bản một cuốn sách rất quan trọng để tất cả chúng ta có thể học hỏi từ “To Uphold the World: The Message of Ashoka and Kautilya for the 21st Century”. Một số tác phẩm khác cũng rất cần thiết tham khảo như “Nonkilling Global Political Science” của Glenn Paige và “A Buddhist History of the West: Studies in lack” của David Loy. Chưa kể đến các công trình của Viện Tâm Lý Học và Đời Sống dưới sự hướng dẫn của Đức Đạt Lai Lạt Ma nhằm làm sáng tỏ những hiểu biết chung về khoa học và tâm linh.
Ngày trước, tổng sản phẩm quốc dân (The Gross National Product) đã từng là thước đo phổ biến về tình trạng kinh tế. Nhưng ngày nay, Tổng Hạnh phúc Quốc gia (The Gross National Happiness) đang được chấp nhận rộng rãi hơn.
Mặc dù lý thuyết kinh tế về tăng trưởng không giới hạn và tích lũy vốn không ngừng tiếp tục thống trị Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Tổ chức Thương mại Thế giới và gần như của mọi chính phủ, nhưng trong những năm gần đây, đã có những vụ đào tẩu nổi tiếng trong hàng ngũ của họ. Amartya Sen, Joseph Stiglitz, Jeffery Sachs, và những người khác đã bày tỏ sự công nhận của họ rằng kinh tế học chính thống, nếu không được kiểm soát, sẽ hủy diệt thế giới và các dân tộc của nó. Năm ngoái, các nhà tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, đã mời Matthieu Ricard, một nhà sư Phật giáo người Pháp, có bài phát biểu quan trọng về Tổng Hạnh phúc Quốc gia. Một tổ chức tư vấn tại Đại học Schumacher đã kết hợp với Tổ chức Kinh tế ở Luân Đôn để truyền đạt ý tưởng về kinh tế học Phật giáo sẽ được giảng dạy ở cấp đại học. Đại học Pennsylvania đang xem xét đưa Tổng Hạnh phúc Quốc gia vào chương trình đào tạo Thạc sĩ của mình. Gần đây Đại học Chulalongkorn và Quỹ Sathirakoses-Nagapradipa ở Bangkok phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Bhutan ở Timphu đã thành lập Trường An sinh với nhiều quan tâm đến Tổng Hạnh phúc Quốc gia.
Những người có quyền lực sẽ không từ bỏ đặc quyền của họ một cách tự nguyện mà họ sẽ bảo vệ đến cùng. Các cấu trúc bạo lực sẽ không tự vỡ vụn. Họ cần được thúc đẩy. Con đường phía trước đòi hỏi chúng ta phải kiềm chế bạo lực, ngay cả việc dùng bạo lực như một phương tiện để chấm dứt bạo lực. Hoa Kỳ gây ra bạo lực ở Iraq, Afghanistan, Libya và các nơi khác; Trung Quốc ở Tây Tạng và Tân Cương; chế độ độc tài quân sự ở Miến Điện; và những thủ phạm bạo lực khác đang ở bên trái lịch sử. Giống như Aceh, ba tỉnh cực nam của vương quốc Thái Lan phải được cấp quyền tự trị ở mức độ cao hơn. Không có cách nào khác để thực hiện điều này ngoại trừ thông qua bất bạo động.
Mahatma Gandhi đã sử dụng satyagraha để vạch trần sự dối trá của đế chế Anh. Trung Quốc và nhiều nước khác vẫn lừa dối nhân dân của họ, nhưng sự lừa dối của các giai cấp thống trị không thể tồn tại mãi mãi. Mặc dù toàn bộ các phương tiện truyền thông đại chúng tẩy não chúng ta có xu hướng nghiêng hẳn về chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa tiêu dùng, nhưng các công nghệ mới mang lại cơ hội cho các nguồn thông tin mới và một thế giới vượt ra ngoài những chủ nghĩa như thế là hoàn toàn có thể.
Cựu tổng thống Jos Ramos-Horta của Timor Leste cũng đề cao đức tính bất bạo động và sự tha thứ. Ông sẵn sàng tha thứ và thậm chí hợp tác với Indonesia bất chấp cuộc xâm lược và chiếm đóng đẫm máu sau này của đất nước ông. Anh ấy được truyền cảm hứng bởi Nelson Mandela, người đã sẵn sàng tha thứ cho tội ác của chế độ phân biệt chủng tộc. Cựu tổng thống Indonesia Abdurrahman Wahid tuyên bố rằng Gandhi là tấm gương của mình.
Chính trị ở Campuchia, cũng như ở nhiều quốc gia khác, đầy bạo lực và gian dối. Nhưng phong trào Dhammayatra, được thành lập bởi Maha Ghosananda, một nhà sư Phật giáo Campuchia, là một lực lượng quan trọng và có ảnh hưởng ở đất nước của ông. Chúng ta cũng có thể đề cập đến cuộc Cách mạng nghệ tây ở Miến Điện khi các nhà sư Phật giáo đấu tranh cho dân chủ và phản ứng lại sự tàn bạo phản cách mạng của chế độ độc tài quân sự bằng thiền định và cầu nguyện sâu sắc. Tương tự như vậy ở Tây Tạng, các nhà sư đã chống lại sự chiếm đóng của Trung Quốc một cách bất bạo động trong hơn 5 thập kỷ, và Đức Đạt Lai Lạt Ma gần đây đã bắt tay vào con đường dân chủ hóa Tây Tạng một cách bất bạo động.
Công trình tiên phong của Tiến sĩ Ambedkar trong việc tái lập Phật giáo ở Ấn Độ thực sự có ý nghĩa to lớn và các Phật tử Ấn Độ hiện đang phát triển về số lượng, xã hội, chính trị và tinh thần. Các thành viên INEB cần hợp tác chặt chẽ hơn với các Phật tử Ấn Độ, đặc biệt là ở những cơ sở hạ tầng.
Toàn cầu hóa, ở một mặt khác là giai đoạn mới nhất của chủ nghĩa tư bản, là mặt tiền của chủ nghĩa tân đế quốc. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần sự độc lập và tự trị. Bắt đầu bằng sự chuyển đổi cá nhân và việc tạo ra một chủ thể tập thể mới. Để đạt được điều này, trước hết, cần có sự thay đổi tinh thần bên trong. Nếu chúng ta có thể chuyển hóa tham lam thành bố thí, sân hận thành từ ái, và si mê thành trí tuệ, chúng ta có quyền tự trị. Hòa bình trên thế giới đòi hỏi những hạt giống hòa bình được ươm mầm bên trong. Như Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chỉ ra, đây là điều khó khăn, nhưng đó là cách duy nhất để đạt được hòa bình thế giới.
_______________________________
Theo: The Future of Buddhism: From Personal Awakening to Global Transformation by Sulak Sivaraksa